Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Doanh nghiệp của Công ty luật LVN Group
>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900.0191
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật quản lý ngoại thương năm 2017
– Nghị định 31/2018/NĐ-CP
2. Bối cảnh kinh tế, xã hội
Chính phủ xây dựng hành lang pháp lý về xuất xứ hàng hóa bắt đầu từ năm 2005 dựa trên Công ước Kyoto, trước khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Sự ra đời của Nghị định số 19/2006/NĐ- CP ngày 20 tháng 02 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại năm 2005 về xuất xứ hàng hóa (sau đây gọi là Nghị định số 19/2006/NĐ-CP) được coi là bước đệm quan trọng, tạo nền tảng vững chắc ban đầu về quy tắc xuất xứ hàng hóa để Việt Nam trở thành thành viên WTO và dần tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế toàn cầu.
Đến nay, sau hơn 10 năm Việt Nam gia nhập WTO và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước đối tác kinh tế mạnh hàng đầu thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU) v.v …, quy tắc xuất xứ hàng hóa đã có nhiều thay đổi so với trước kia nhằm mục đích tạo thuận lợi thương mại giữa các khối FTA. Sau khi Luật Thương mại 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành được ban hành, Việt Nam đã và sẽ trở thành thành viên của WTO cùng nhiều các hiệp định thương mại tự do khác như (Liên minh kinh tế Á-Âu, Cộng đồng kinh tế ASEAN, EVFTA, CPTPP…). Do đó, hành lang pháp lý phải được hoàn thiện để phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thúc đẩy quá trình hội nhập sâu rộng hơn nữa vào nền kinh tế thế giới, đảm bảo hoạt động quản lý nhà nước về ngoại thương thuận lợi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
3. Quy định về xuất xứ hàng hoá tại Luật Quản lý Ngoại Thương
Trên cơ sở nghiên cứu, lĩnh hội những điểm mạnh, điểm mới của quy tắc xuất xứ thuộc các FTA thế hệ mới, ngày 12 tháng 6 năm 2017 Quốc hội Việt Nam đã thông qua và ban hành Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14, trong đó có Mục 4 về chứng nhận xuất xứ hàng hóa và giao trọng trách cho Chính phủ quy định cụ thể nội dung các điều khoản liên quan đến cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thẩm quyền áp dụng các biện pháp chứng nhận xuất xứ và kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu.
Luật cũng quy định về việc doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo các Hiệp định thương mại tự do mới được ký kết như Hiệp định CPTPP, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
3.1. Nguyên tắc áp dụng Luật
Luật đã đưa ra nguyên tắc áp dụng pháp luật nhằm loại bỏ những mâu thuẫn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật do hoạt động ngoại thương được điều tiết bởi một lượng không nhỏ pháp luật chuyên ngành. Luật quy định tôn trọng tính chuyên ngành của các biện pháp kiểm dịch, kỹ thuật và thẩm quyền của các cơ quan khác nhau đã quy định rõ trong Luật. Đối với các trường hợp còn lại thì việc áp dụng các biện pháp quản lý ngoại thương thực hiện theo quy định của Luật này. Việc quy định như vậy thể hiện sự điều hành tập trung, thống nhất trong quản lý hoạt động ngoại thương của Chính phủ nhưng vẫn đảm bảo tính chuyên ngành, kỹ thuật của các luật có liên quan.
Luật quy định rõ các biện pháp áp dụng trong quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam. Trên cơ sở pháp lý hóa các biện pháp quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu được đặt ra tại Quyết định 2471/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 1233/QĐ-TTg ngày 03 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án quản lý nhập khẩu đến năm 2020 phù hợp với cam kết quốc tế.
Theo khoản 1 Điều 32 Luật Quản lý ngoại thương, Chính phủ quy định chi tiết về xuất xứ hàng hóa và chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Luật Quản lý ngoại thương là đạo luật chủ đạo quy định các công cụ quản lý nhà nước về hoạt động ngoại thương, trong đó có các biện pháp hành chính (như biện pháp chứng nhận xuất xứ hàng hóa) điều chỉnh các quan hệ xã hội giữa Nhà nước và thương nhân, phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước về ngoại thương,… mà không điều chỉnh đối với các hoạt động ngoại thương giữa thương nhân với thương nhân cũng như không điều chỉnh các khái niệm, hoạt động ngoại thương đang được quy định tại Luật Thương mại.
3.2. Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Theo khoản 1 Điều 32 Luật Quản lý ngoại thương, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa bao gồm:
a) Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa dưới dạng văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp cho thương nhân;
b) Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa do thương nhân phát hành theo quy định tại khoản 2 Điều 34 của Luật này.
Luật quy định về giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo hướng đây không phải là những biện pháp bắt buộc với thương nhân hoạt động xuất nhập khẩu nói chung mà thực hiện theo yêu cầu của thương nhân để được hưởng ưu đãi thuế hoặc theo yêu cầu của nước xuất khẩu, nhập khẩu.
3.3. Trường hợp áp dụng biện pháp chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Theo Điều 33 Luật Quản lý ngoại thương, biện pháp chứng nhận xuất xứ hàng hóa được áp dụng trong các trường hợp sau:
– Đối với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu có nhu cầu được hưởng ưu đãi thuế quan theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Pháp luật quy định việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phải có chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
– Do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo đề nghị của thương nhân hoặc do thương nhân tự chứng nhận đối với các trường hợp không thuộc quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
3.4. Cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Theo khoản 1 Điều 34 Luật Quản lý ngoại thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương cấp hoặc ủy quyền cho tổ chức khác thực hiện việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa và có thẩm quyền trong việc ủy quyền cho các cơ quan, tổ chức triển khai các cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017.
Để triển khai cơ chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, đến nay Bộ Công Thương đã ủy quyền cho: 19 Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực, Ban Quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất Hà Nội và Sở Công Thương thành phố Hải Phòng cấp các loại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi; 36 Ban Quản lý Khu Công nghiệp- Khu Chế xuất cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi mẫu D; và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cấp các loại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu B, Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu A (trừ mặt hàng giày dép đi thị trường EU) và Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa không ưu đãi theo quy định nước nhập khẩu.
3.5. Doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ
Theo khoản 2 Điều 34 Luật Quản lý ngoại thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương chấp thuận bằng văn bản cho thương nhân tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.
Doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa có xuất xứ Việt Nam được phép tự chứng nhận xuất xứ theo các khuôn khổ sau:
– Hàng hóa xuất khẩu đi các nước ASEAN (Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong ATIGA).
– Hàng hóa xuất khẩu đi các nước EU trong khuôn khổ GSP (Cơ chế doanh nghiệp đăng ký tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa REX – Registed Exporter).
– Hàng hóa có trị giá từ 6.000 euro trở xuống xuất khẩu đi các nước EU trong khuôn khổ EVFTA.
3.6. Kiểm tra xuất xứ hàng hóa
Theo khoản 1 Điều 35 Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu của thương nhân.
Theo khoản 2 Điều 35 Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan hải quan kiểm tra xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi thực hiện thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.
Nội dung quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa tại Luật quản lý ngoại thương
Điều 32. Biện pháp chứng nhận xuất xứ hàng hóa
1. Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa bao gồm:
a) Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa dưới dạng văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp cho thương nhân;
b) Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa do thương nhân phát hành theo quy định tại khoản 2 Điều 34 của Luật này.
2. Chính phủ quy định chi tiết về xuất xứ hàng hóa và chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Điều 33. Áp dụng biện pháp chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Áp dụng biện pháp chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong các trường hợp sau đây:
1. Đối với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu có nhu cầu được hưởng ưu đãi thuế quan theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
2. Pháp luật quy định việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phải có chứng nhận xuất xứ hàng hóa;
3. Do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo đề nghị của thương nhân hoặc do thương nhân tự chứng nhận đối với các trường hợp không thuộc quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Điều 34. Thẩm quyền áp dụng biện pháp chứng nhận xuất xứ hàng hóa
1. Bộ trưởng Bộ Công Thương cấp hoặc ủy quyền cho tổ chức khác thực hiện việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
2. Bộ trưởng Bộ Công Thương chấp thuận bằng văn bản cho thương nhân tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.
Điều 35. Kiểm tra xuất xứ hàng hóa
1. Bộ Công Thương có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu của thương nhân.
2. Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan hải quan kiểm tra xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi thực hiện thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.
4. Triển khai Luật Quản lý ngoại thương đối với nội dung xuất xứ hàng hóa
Căn cứ khoản 2 Điều 32 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018, quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa (sau đây gọi là Nghị định số 31/2018/NĐ-CP). Nghị định này thay thế Nghị định số 19/2006/NĐ-CP nêu trên và hướng tới các mục tiêu cụ thể như sau:
(i) Hoàn thiện hệ thống pháp lý về xuất xứ hàng hóa minh bạch, đầy đủ hơn, phù hợp hơn với Luật Quản lý ngoại thương và các cam kết quốc tế Việt Nam mới ký kết.
(ii) Áp dụng hình thức chứng nhận xuất xứ theo hướng quản lý rủi ro trong quá trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, tạo thuận lợi tối đa cho thương nhân xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, cùng với chế tài xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận xuất xứ.
(iii) Thiết lập cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng chuyển tải, gian lận xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan hoặc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.
(iv) Cập nhật những nội dung mới, làm cơ sở triển khai cho giai đoạn đàm phán và thực thi các FTA mới như tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chứng nhận xuất xứ điện tử, cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho hàng gửi tại kho ngoại quan đi nước ngoài…
Toàn cảnh quy định về xuất xứ hàng hóa của Việt Nam cũng như các cam kết quốc tế về quy tắc xuất xứ hàng hóa với các đối tác FTA mà Việt Nam là thành viên được nhận xét, đánh giá trong cuốn sách này gắn với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên nền tảng của Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và Nghị định số 31/2018/NĐ- CP và các thông tư khác có liên quan.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập