Khách hàng: Kính thưa Luật sư, hiện nay trong Phần riêng Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy phạm có tính chất khuyến khích không? Nếu có, quy phạm có tính chất khuyến khích được thể hiện như thế nào?

Cảm ơn!

Trả lời:

1. Khái quát quy phạm có tính chất khuyến khích tại năm cấu thành tội phạm riêng biệt

Với mục đích là nhằm thể hiện nguyên tắc nhân đạo của pháp luật hình sự trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền và để góp phần tích cực cho việc phát hiện, điều tra một số loại tội phạm nhất định nên trong Phần riêng Bộ luật Hình sự năm 2015 nhà làm luật Việt Nam đã:

– Thừa kế nguyên văn 04 quy phạm về các biện pháp tha miễn mang tính khuyến khích đối với người phạm tội trong Phần riêng pháp luật hình sự nước nhà đã hiện hành trước đây trong Bộ luật Hình sự đầu tiên của Việt Nam (năm 1985) và Bộ luật Hình sự (năm 1999) bằng cách vẫn tiếp tục ghi nhận chúng tại một số cấu thành tội phạm như trước đây;

– Đồng thời cũng đã bổ sung quy phạm mới hoàn toàn mang tính khuyến khích tại một cấu thành tội phạm mới dưới đây thuộc Phần riêng Bộ luật Hình sự năm 2015.

Dưới đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các quy phạm có tính chất khuyến khích tại năm cấu thành tội phạm riêng biệt trong Phần riêng Bộ luật Hình sự năm 2015.

2. Quy phạm thứ nhất

Tại khoản 4 Điều 110 “Tội gián điệp” của Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định như sau:

“Điều 110. Tội gián điệp

1. Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại;

c) Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội này.”

Với khoản trên đã ghi nhận quy phạm về dạng miễn trách nhiệm hình sự mang tính khuyến khích bắt buộc như hai quy phạm tương ứng trong Phần riêng pháp luật hình sự nước nhà đã hiện hành trước đây tại khoản 3 Điều 74 Bộ luật Hình sự năm 1985 và khoản 3 Điều 80 Bộ luật Hình sự (năm 1999).

Theo đó, khoản 3 Điều 80 Bộ luật Hình sự (năm 1999) cũng như Điều 80 của ộ luật quy định về: Tội gián điệp, cụ thể như sau:

“1. Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại;

c) Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

3. Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự.”

3. Quy phạm thứ hai

Thừa kế các quy phạm nhân đạo tương ứng trong Phần riêng pháp luật hình sự nước nhà đã hiện hành trước đây tại đoạn 1, 2 khoản 5 Điều 227 Bộ luật Hình sự đầu tiên của Việt nam là vào năm 1985) và đoạn 1, 2 của khoản 6 Điều 289 Bộ luật Hình sự năm 1999) nên tại khoản 7 Điều 364 “Tội đưa hối lộ” Bộ luật Hình sự năm 2015 (đoạn 1, 2) cũng đã tiếp tục ghi nhận nguyên văn hai quy phạm mang tính khuyến khích bắt buộc (đoạn 1) và mang tính khuyến khích tùy nghi (đoạn 2) tương ứng với hai trường hợp được áp dụng hai biện pháp tha miễn khác nhau.

– Quy phạm mang tính bắt buộc cho “Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ” (đoạn 1). Như vậy, nếu xét về bản chất pháp lý thì đây cũng có thể được coi là quy phạm loại trừ tính tội phạm của hành vi (vì một khi hành vi đã thực hiện nhưng người thực hiện nó lại được coi không có tội).

– Quy phạm mang tính tùy nghi cho “Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ” (đoạn 2).

Cụ thể khoản 7 Điều 364 “Tội đưa hối lộ” Bộ luật Hình sự năm 2015 (đoạn 1, 2) như sau:

“Điều 364. Tội đưa hối lộ

1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

4. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

6. Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.

7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.”

4. Quy phạm thứ ba

Nhà làm luật đã bổ sung thêm một quy phạm mới hoàn toàn về biện pháp tha miễn mang tính khuyến khích (tại khoản 4) đốì với việc thực hiện hành vi phạm tội thuộc cấu thành tội phạm cơ bản (khoản 1) của Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 2015 với tiêu đề của điều luật này là: “Tội trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy” và nội dung mới được bổ sung tại khoản 4 cụ thể như sau:

“Điều 247. Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy

1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Với số lượng 3.000 cây trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

4. Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.”

5. Quy phạm thứ tư

Thừa kế các quy phạm nhân đạo của pháp luật hình sự nước nhà đã hiện hành trước đây, cụ thể tại khoản 2 Điều 247 Bộ luật Hình sự đầu tiên của Việt Nam (năm 1985) và khoản 3 Điều 314 Bộ luật Hình sự (năm 1999) nên Bộ luật Hình sự năm 2015 tại Điều 390 “Tội không tố giác tội phạm” đã tiếp tục ghi nhận quy phạm về 02 dạng tha miễn mang tính tùy nghi (mà không phải là bắt buộc) cho “Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc hình phạt”.

Cụ thể điều 390 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định như sau:

“Điều 390. Tội không tố giác tội phạm

1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.”

Trân trọng!