1. Khái niệm về Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ngày 17 tháng 4 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 601/QĐ-TTg thành lập Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (tên giao dịch tiếng Anh: Small and Medium Enterprise Development Fund, viết tắt là SMEDF) được thành lập nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có dự án, phương án sản xuất – kinh doanh khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước, phù hợp với mục đích hoạt động của Quỹ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần làm tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động (doanh nghiệp nhỏ và vừa trực tiếp đầu tư, sản xuất – kinh doanh thuộc Danh mục các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ của Quỹ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành trong từng thời kỳ).
Quỹ là tổ chức tài chính nhà nước, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Quỹ có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có bảng cân đối kế toán riêng, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc các ngân hàng thương mại.
Hội đồng quản lý Quỹ có sáu (06) thành viên: Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ là một lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư; năm (05) thành viên là lãnh đạo của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cục Phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Quỹ và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Hội đồng quản lý Quỹ hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm theo nhiệm kỳ năm (05) năm và được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành của Nhà nước. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định cơ cấu tổ chức của Quỹ.
Vốn điều lệ của Quỹ do ngân sách nhà nước cấp là 2.000 (hai nghìn) tỷ đồng. Việc tăng vốn điều lệ của Quỹ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.
2. Chức năng, nhiệm vụ của quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
– Thứ nhất: Quỹ thực hiện chức năng: cho vay, tài trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị và tiếp nhận, quản lý nguồn vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ DNNVV.
Quỹ thực hiện cho vay dưới hai hình thức: Quỹ trực tiếp cho vay đối với DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị có nhu cầu vay vốn và Quỹ thực hiện cho vay gián tiếp đối với các DNNVV thông qua giao vốn cho các NHTM.
Quỹ tài trợ vốn cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thông qua phương thức cấp vốn không hoàn lại từ nguồn vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân hoặc vốn bổ sung từ kết quả hoạt động của Quỹ. Để được tài trợ, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị phải có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Mức tài trợ vốn không quá 01 (một) tỷ đồng cho một dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nhưng không quá 50% vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị.
Thứ hai: Ngoài chức năng cho vay, tài trợ đối với DNNVV, Quỹ còn tiếp nhận và quản lý nguồn vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ DNNVV.
Để hỗ trợ DNNVV sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, Quỹ thực hiện các hoạt động hỗ trợ tăng cường năng lực cho DNNVV bao gồm: tổ chức hội thảo, truyền thông, đào tạo, tư vấn, xúc tiến đầu tư, thương mại, cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu. Căn cứ nguồn vốn hoạt động và kế hoạch hoạt động hàng năm, Quỹ lập dự án, đề án hỗ trợ nghiên cứu phát triển; dự án, đề án đầu tư, thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung để hỗ trợ DNNVV, đảm bảo hỗ trợ hiệu quả, đúng đối tượng.
Hướng tới hỗ trợ theo trọng tâm, trọng điểm, Quỹ tập trung hỗ trợ các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Đối với các nguồn vốn tiếp nhận, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thì Quỹ sẽ hỗ trợ các DNNVV đáp ứng các điều kiện của nhà tài trợ và phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Có thể nói, việc thành lập Quỹ Phát triển DNNVV là một bước tiến quan trọng của Chính phủ trong việc tăng cường kênh hỗ trợ tài chính cho DNNVV. Đây được coi là một định chế tài chính nhà nước đầu tiên dành riêng cho đối tượng DNNVV ở Việt Nam.
3. Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa
Câu hỏi: Thư Luật sư của LVN Group, tôi có một doanh nghiệp kinh doanh giống cây sầu riêng. Doanh nghiệp có vốn điều lệ là 1,5 tỷ đồng. Mỗi năm tổng doanh thu là 3 tỉ đồng. Hiện tại, doanh nghiệp có 8 nhân công đang làm việc. Vậy, doanh nghiệp tôi có phải là doanh nghiệp vừa và nhỏ theo quy định của pháp luật hiện hành hay không?
Căn cứ theo điều 6 tại Nghị định 39/2018/NĐ-CP:
Điều 6. Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa
Doanh nghiệp nhỏ và vừa được phân theo quy mô bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa.
1. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
2. Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Như vậy, theo quy định mới của pháp luật thì tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có sự thay đổi như:
– Doanh nghiệp siêu nhỏ có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ hoặc nguồn vốn không quá 3 tỷ.
– Doanh nghiệp nhỏ: có số lao động tham gia BHXH bình quân không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ
– Doanh nghiệp vừa: Có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ.
Trả lời câu hỏi của bạn: Xét theo những tiêu chí trên, doanh nghiệp của bạn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp có thể được hưởng những chính sách ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước theo quy định hiện hành.
4. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhà nước
Trong những năm gần đây, Chính phủ đã không ngừng triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hoàn thiện khung pháp lý nhằm đổi mới, tạo động lực cho DN phát triển. Trong năm 2014, Chính phủ trình và Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư và Luật DN (sửa đổi); Luật Chuyển giao công nghệ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (năm 2017); Luật Cạnh tranh (năm 2018)… Việc triển khai một số luật quan trọng này nhằm tạo sự thay đổi tích cực môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng với đó, Luật Đất đai, Luật Thương mại, Luật Phá sản, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thuế thu nhập DN và hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, tác động tích cực tới cộng đồng DN.
Hằng năm, Chính phủ đã ban hành kịp thời các nghị quyết để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn mà các DNNVV đặt ra, như Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 6 tháng 6 năm 2017 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020; Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 9 tháng 8 năm 2017 về cắt giảm mức phí, chi phí cho DN; Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 3 tháng 10 năm 2017 về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3 tháng 6 năm 2017 của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia… Việc triển khai thực hiện các nghị quyết này đã làm đơn giản hóa và giảm bớt điều kiện kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho mọi thành phần kinh tế, trợ giúp phát triển DNNVV. Nhiều chính sách được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới đã hướng đến mục tiêu mở rộng các quyền và nghĩa vụ của các đối tượng kinh tế tư nhân liên quan đến đất đai, tạo môi trường thuận lợi để DN, nhà đầu tư mở rộng quy mô đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ban hành Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 4 tháng 2 năm 2016 phê duyệt kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020. Điều đó đã tạo sự chuyển biến, nâng cao chất lượng phục vụ của Chính phủ, chính quyền các cấp đối với người dân và DN, xóa bỏ mọi rào cản, đảm bảo quyền tự do bình đẳng kinh doanh của cá nhân và DN.
Để tiếp tục nâng cao hiệu lực pháp lý, đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ DNNVV, tại Kỳ họp thứ 3 Khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV (năm 2017). Luật có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018, với hàng loạt chính sách hỗ trợ cơ bản dành cho các DNNVV, như: hỗ trợ tiếp cận tín dụng, thông tin, phát triển nguồn nhân lực, tư vấn, công nghệ… đã tạo bước tiến quan trọng trong công tác hoàn thiện chính sách hỗ trợ tích cực cho DNNVV phát triển mạnh mẽ hơn. Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2019 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV. Theo Nghị định này, Quỹ Phát triển DNNVV thực hiện việc cho vay, hỗ trợ tăng cường năng lực cho DNNVV; tiếp nhận, quản lý và sử dụng vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác; phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro và xử lý rủi ro; quản lý tài chính…
Nhằm tăng cường các chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV và phong trào khởi nghiệp, Chính phủ ban hành các Nghị định số 34/NĐ-CP ngày 8 tháng 3 năm 2018 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV; Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo. Cùng với đó là cụ thể hóa các quy định, chính sách về hỗ trợ DNNVV, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo theo quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV [1, tr.8]. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ngày càng được hoàn thiện. Cụ thể là, Chính phủ đẩy mạnh vận hành, khai thác và phát triển Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam với quốc tế. Đồng thời, hỗ trợ DN áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng. Khuyến khích hoạt động liên kết ngành, tham gia chuỗi giá trị của các DN trong nước với chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.
Chính phủ triển khai việc rà soát và hoàn thiện các quy định pháp luật về hải quan để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, bao gồm việc sửa đổi các quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, kiểm soát hải quan. Trong năm 2018, đa số bộ, ngành đã xây dựng các nghị định về điều kiện kinh doanh, trong đó một số điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, thiếu rõ ràng đã được cắt bỏ. Đồng thời, chú trọng tới việc cắt giảm chi phí khởi sự kinh doanh và gia nhập thị trường của DNNVV2. Để hỗ trợ các DNNVV khai thác được các cơ hội trong hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể3 góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận vốn đầu tư, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý hiện đại
5. Điều kiện vay vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Để được vay vốn, doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng các điều kiện sau:
– có dự án, phương án sản xuất – kinh doanh khả thi thuộc Danh mục các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ của Quỹ;
– Chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện dự án, phương án sản xuất – kinh doanh có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
– đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án, phương án sản xuất kinh doanh tối thiểu 20% và phải đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất – kinh doanh;
– có khả năng trả nợ trong thời hạn quy định tại hợp đồng tín dụng đã ký kết;
Doanh nghiệp nhỏ và vừa có dự án, phương án sản xuất – kinh doanh khả thi được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ, thì không được hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng khác của Nhà nước.
Mỗi dự án, phương án sản xuất – kinh doanh tối đa bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án đó (không bao gồm vốn lưu động) nhưng không quá 30 tỷ đồng. Thời hạn cho vay tối đa không quá bảy (07) năm. Lãi suất cho vay không vượt quá 90% mức lãi suất cho vay thương mại, được áp dụng thống nhất cho tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực và đối tượng ưu tiên của Quỹ. Lãi suất cho vay thương mại được xác định trên cơ sở mức lãi suất cho vay bình quân của năm (05) ngân hàng thương mại nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động của Quỹ. Các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức hiệp hội có trách nhiệm phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu tiếp cận các hoạt động hỗ trợ của Quỹ.