1. Khái niệm quỹ quốc gia về việc làm
Quỹ quốc gia về việc làm là Khoản tài chính dự trữ của quốc gia được lập để giải quyết việc làm và hỗ trợ dịch vụ việc làm. Quỹ quốc gia việc làm được tạo lập từ các nguồn sau: ngân sách nhà nước; khoản trợ giúp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ việc làm.
2. Quản lý và sử dụng quỹ quốc gia về việc làm
– Sử dụng Quỹ quốc gia về việc làm: Quỹ quốc gia về việc làm (sau đây gọi chung là Quỹ) được sử dụng cho các hoạt động sau đây:
+ Cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm;
+ Cho vay ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
– Quản lý Quỹ quốc gia về việc làm
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Quỹ; phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ nguồn vốn và giao chỉ tiêu thực hiện cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan trung ương của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Người mù Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức thực hiện chương trình).
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan trung ương của tổ chức thực hiện chương trình được giao nhiệm vụ quản lý và sử dụng nguồn vốn từ Quỹ theo quy định tại Nghị định này.
Quỹ được giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý và cho vay theo quy định tại Nghị định này. Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo kết quả thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
3. Cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp
Câu hỏi: Thưa Luật sư, tôi là chủ công ty cổ phần vừa được thành lập, được xếp vào doanh nghiệp vừa. Hiện tại muốn được vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm. Mong Luật sư tư vấn giúp tôi về thời hạn và lãi xuất vay vốn.
Trả lời: Cảm ơn câu hỏi của bạn, thay mặt Luật LVN Group tôi xin giải đáp câu hỏi như sau:
– Nguyên tắc cho vay vốn
+ Bảo đảm đúng đối tượng, vì mục tiêu hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
+ Bảo toàn vốn.
+ Thủ tục đơn giản, công khai, minh bạch.
– Đối tượng vay vốn
Đối tượng vay vốn được quy định tại Luật Việc làm. Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (sau đây gọi chung là cơ sở sản xuất, kinh doanh) sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số tại Luật Việc làm được quy định như sau:
+ Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật là cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật;
+ Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người dân tộc thiểu số là cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số;
+ Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số là cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số.
– Mức vay
Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay 01 dự án tối đa là 01 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 50 triệu đồng.
– Thời hạn vay vốn
Thời hạn vay vốn không quá 60 tháng. Thời hạn vay vốn cụ thể do Ngân hàng chính sách xã hội và đối tượng vay vốn thỏa thuận căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn.
– Lãi suất vay vốn
+ Lãi suất vay vốn bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định.
+ Lãi suất vay vốn bằng 50% lãi suất
+ Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất vay vốn.
– Điều kiện bảo đảm tiền vay
Đối với mức vay trên 50 triệu đồng từ Quỹ, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.
– Lập hồ sơ vay vốn
Người lao động, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu vay vốn từ Quỹ lập hồ sơ vay vốn gửi chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (sau đây gọi chung là Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương) nơi thực hiện dự án. Hồ sơ vay vốn bao gồm:
– Đối với người lao động: Giấy đề nghị vay vốn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc cư trú hợp pháp; Bản sao giấy tờ chứng minh đối tượng ưu tiên.
– Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, hồ sơ vay vốn gồm: Dự án vay vốn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án; Bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, hợp đồng hợp tác, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; Bản sao giấy tờ chứng minh đối tượng ưu tiên; Giấy tờ liên quan đến tài sản bảo đảm (nếu có)..
– Thẩm định, phê duyệt hồ sơ vay vốn
Đối với dự án thuộc nguồn vốn do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý:
+ Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương tổ chức thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thực hiện dự án phê duyệt;
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình duyệt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thực hiện dự án xem xét, phê duyệt. Nếu không ra quyết định phê duyệt thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do để Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương nơi thực hiện dự án thông báo cho người vay.
Đối với dự án thuộc nguồn vốn do tổ chức thực hiện chương trình quản lý:
+Trong hạn 10 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương tổ chức thẩm định trình Thủ trưởng cơ quan cấp tỉnh của tổ chức thực hiện chương trình xem xét, phê duyệt;
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình duyệt, Thủ trưởng cơ quan cấp tỉnh của tổ chức thực hiện chương trình xem xét, phê duyệt. Nếu không ra quyết định phê duyệt thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do để Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương nơi thực hiện dự án thông báo cho người vay.
– Thu hồi và sử dụng vốn vay
Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan thu hồi cả gốc và lãi của vốn vay khi đến hạn, đối tượng vay có thể thỏa thuận trả vốn vay trước hạn. Trong quá trình cho vay, Ngân hàng Chính sách xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, tổ chức thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát nếu phát hiện vốn vay được sử dụng không đúng mục đích, không bảo đảm chỉ tiêu tạo việc làm theo dự án vay vốn trong thời gian vay vốn thì báo cáo với cơ quan phê duyệt hồ sơ vay vốn ra quyết định thu hồi vốn vay trước thời hạn.
Ngân hàng Chính sách xã hội sử dụng vốn vay đã thu hồi để cho vay, hạn chế vốn tồn đọng.
Trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh nguồn vốn vay giữa các địa phương, các tổ chức thực hiện chương trình, Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định. Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm chuyển nguồn vốn vay theo quyết định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
– Sử dụng lãi vốn vay
Tiền lãi vốn vay được sử dụng như sau: Trích lập Quỹ dự phòng; Chi kinh phí quản lý cho vay, thu hồi vốn vay, kiểm tra, giám sát; Bổ sung vốn cho Quỹ.
Các cơ quan phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội trong quá trình thẩm định, giải ngân và thu hồi vốn vay được hưởng phí do Ngân hàng Chính sách xã hội chi trả từ lãi vốn vay.
– Xử lý nợ rủi ro vốn vay
Xử lý nợ rủi ro vốn vay thực hiện theo quy định của Chính phủ về cơ chế xử lý nợ rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
– Xây dựng, phê duyệt kế hoạch vốn vay và chỉ tiêu việc làm
Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức thực hiện chương trình xây dựng kế hoạch vốn vay và chỉ tiêu việc làm gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Hằng năm, trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thông báo kế hoạch vốn vay và chỉ tiêu việc làm cho các địa phương, các tổ chức thực hiện chương trình và Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng kế hoạch thực hiện.
– Tổ chức chuyển vốn vay
Căn cứ dự toán chi ngân sách nhà nước về nguồn vốn bổ sung vốn vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, Bộ Tài chính làm thủ tục cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển vốn về Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương để thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt.
Trường hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huy động nguồn vốn để thực hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm thì được cấp bù chênh lệch lãi suất.
4. Cho vay ưu đãi đối với người lao động đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng
Câu hỏi: Thưa Luật sư, tôi là người đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Hiện tại tôi muốn vay thêm vốn để làm chi phí. Mong Luật sư tư vấn cho tôi về thủ tục vay vốn.
Trả lời: Cảm ơn câu hỏi của bạn, thay mặt Luật LVN Group tôi xin giải đáp câu hỏi như sau:
– Nguyên tắc cho vay vốn
+ Bảo đảm đúng đối tượng.
+ Bảo toàn vốn.
+ Bảo đảm công khai, minh bạch.
– Mức vay
Mức vay tối đa 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
– Điều kiện bảo đảm tiền vay
Đối với mức vay trên 50 triệu đồng, người lao động vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.
– Thời hạn vay vốn
Thời hạn vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không vượt quá thời hạn làm việc ở nước ngoài của người lao động ghi trong hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
– Lãi suất vay vốn
Lãi suất vay vốn ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Chính phủ quy định. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất vay vốn.
– Lập hồ sơ vay vốn
Người lao động có nhu cầu vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lập hồ sơ vay vốn gửi Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương nơi cư trú. Hồ sơ vay vốn bao gồm:
+ Giấy đề nghị vay vốn theo hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc cư trú hợp pháp;
+ Bản sao giấy tờ chứng minh người lao động;
+ Bản sao hợp đồng ký kết giữa người lao động với doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
+ Bản sao hộ chiếu còn thời hạn của người lao động;
+ Các giấy tờ có liên quan đến tài sản bảo đảm (nếu có).
– Thẩm định, phê duyệt vốn vay
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương tổ chức thẩm định và phê duyệt. Nếu không ra quyết định phê duyệt thì Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương thông báo cho người lao động bằng văn bản và nêu rõ lý do.
– Thu hồi vốn vay
Ngân hàng Chính sách xã hội thu hồi cả gốc và lãi của vốn vay khi đến hạn; người lao động có thể thỏa thuận về việc trả vốn vay trước hạn.
Đối với doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài quản lý tiền lương của người lao động ở nước ngoài thì doanh nghiệp, người lao động và Ngân hàng Chính sách xã hội thỏa thuận về việc doanh nghiệp chuyển tiền lương của người lao động để trả vốn vay.
– Sử dụng lãi vốn vay
Tiền lãi vốn vay được sử dụng như sau: Trích lập Quỹ dự phòng; Chi kinh phí quản lý cho vay, thu hồi vốn vay; Bổ sung vốn vay cho Quỹ.
– Xử lý nợ rủi ro vốn vay
Xử lý nợ rủi ro vốn vay ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực hiện theo quy định của Chính phủ về cơ chế xử lý nợ rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
– Xây dựng, phê duyệt kế hoạch vốn vay
Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch vốn vay ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Hằng năm, trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thông báo kế hoạch vốn vay ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho các địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng kế hoạch thực hiện.
– Tổ chức chuyển vốn vay
Căn cứ dự toán chi ngân sách nhà nước về nguồn vốn bổ sung vốn vay ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ Tài chính làm thủ tục cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển vốn về Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương để tổ chức thực hiện.
Trường hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huy động nguồn vốn để thực hiện cho vay ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì được Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất.
5. Nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc làm:
ngoài nguồn vốn do NSNN được duy trì và cho vay quay vòng hằng năm, Nghị định số 61/2015/NĐ-CP bổ sung trường hợp Ngân hàng CSXH huy động vốn để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm nhằm tăng cường nguồn vốn cho vay cho Quỹ quốc gia về việc làm. Đồng thời để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (theo quy định tại Khoản 11 Điều 8 Luật NSNN, NSNN không hỗ trợ chi hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo đó NSNN không hỗ trợ Quỹ quốc gia về việc làm để thực hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP [2], bỏ quy định về thẩm thẩm quyền phân bổ vốn từ NSNN và quy định về việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch vốn vay và chỉ tiêu việc làm.
Về điều chỉnh nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm: Để đảm bảo phù họp với quy định của Luật NSNN, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung quy định về điều chỉnh nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm giữa các địa phương và các tổ chức thực hiện chương trình: giao Ngân hàng CSXH báo cáo Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đồng thời, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP, bổ sung quy định về điều chỉnh nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm tại các địa phương: “Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối họp với Ngân hàng CSXH địa phương báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc điều chỉnh nguồn vốn vay từ Quỹ tại địa phương. Ngân hàng CSXH địa phương điều chỉnh nguồn vốn vay theo quyết định của UBND cấp tỉnh”; bổ sung quy định về điều chỉnh nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm giữa các cơ quan cấp tỉnh của tổ chức thực hiện chương trình: “Cơ quan Trung ương của tổ chức thực hiện chương trình xem xét, quyết định việc điều chỉnh nguồn vốn vay từ Quỹ giữa các cơ quan cấp tỉnh của tổ chức thực hiện chương trình. Ngân hàng CSXH điều chỉnh nguồn vốn vay theo quyết định của cơ quan Trung ương của tổ chức thực hiện chương trình”.