1. Mạng xã hội là gì?

Mạng xã hội có thể được hiểu là một trang web hay nền tảng trực tuyến với rất nhiều dạng thức và tính năng khác nhau, giúp mọi người dễ dàng kết nối từ bất cứ đâu.

Mạng xã hội có thể truy cập dễ dàng từ nhiều phương tiện, thiết bị như máy tính, điện thoại…

Ví dụ một số mạng xã hội đang được sử dụng phổ biến ở Việt Nam: 

– Facebook: Mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay. Người dùng có thể tạo tài khoản bằng số điện thoại hoặc bằng email.

– YouTube: Trang mạng xã hội chia sẻ video, người có tài khoản trên YouTube có thể truy cập bằng điện thoại hoặc máy tính.

– Instagram: Ứng dụng chia sẻ ảnh và video miễn phí trên điện thoại, máy tính. Bạn có thể đăng tải hình ảnh hoặc video lên Instagram và chia sẻ chúng với nhóm bạn bè, họ có thể xem, bình luận và thích bài viết của bạn.

 

2. Quy tắc sử dụng mạng xã hội theo quy định của pháp luật

Bộ thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội kèm theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021. Theo đó, tại Điều 4 và Điều 5 Bộ quy tắc ban hành kèm theo Quyết định này, quy định về quy tắc ứng xử khi sử dụng mạng xã hội như sau: 

Điều 4: Quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân

1. Tìm hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội.

2. Nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà nước cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội.

3. Thực hiện biện pháp tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản tổ chức, cá nhân bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

4. Chia sẻ những thông tin có nguồn gốc, đáng tin cậy.

5. Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.

6. Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

7. Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước – con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt.

8. Vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.

Điều 5: Quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước

1. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước thực hiện nội dung quy định tới Điều 4 của Bộ quy tắc này.

2. Thực hiện nội quy của cơ quan, tổ chức về việc cung cấp thông tin lên mạng xã hội.

3. Thông báo tới cơ quan chủ quản để kịp thời có hướng xử lý, trả lời, giải quyết khi có những ý kiến, thông tin trái chiều, thông tin vi phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực quản lý của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 17/6/2021.

 

3. Các quyền của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội

Người sử dụng mạng xã hội có các quyền sau đây:

– Mọi người khi sử dụng mạng xã hội sẽ được bảo mật các thông tin mang tính cá nhân.

– Cá nhân, tổ chức có quyền sử dụng mọi dịch vụ của mạng xã hội (trừ một số trường hợp đặc biệt)

– Các quyền khác của người sử dụng Internet…

Song song với quyền lợi, các cá nhân, tổ chức cũng có những nghĩa vụ cần tuân thủ. Thông thường các nghĩa vụ này sẽ do nhà cung cấp mạng xã hội đề ra. Và ngay trước khi bắt đầu sử dụng mạng xã hội, nhà cung cấp sẽ nêu ra và xác minh sự chấp thuận của mọi người. Tùy theo mỗi loại hình mạng xã hội mà người sử dụng sẽ có các nghĩa vụ riêng.

 

4. Các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng mạng xã hội

Theo quy định tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, một số hành vi sử dụng mạng xã hội bị nghiêm cấm bao gồm:

– Sử dụng mạng xã hội, dịch vụ Internet và thông tin trên mạng xã hội nhằm mục đích:

+ Chống phá Nhà nước; tuyên truyền các nội dung xuyên tạc, hư cấu nhằm chia rẽ các dân tộc, tôn giáo; có những hành vi mâu thuẫn, hiểu nhầm, gây mất đoàn kết

+ Chia sẻ các nội dung (bài viết, hình ảnh) dâm ô, bạo lực, mê tín dị đoan

+ Phát tán các thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận

+ Tiết lộ các thông tin mang tính bí mật của nhà nước, quân sự

+ Có những hành vi xúc phạm nhân phẩm, uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức

+ Cùng một số mục đích khác trái quy định pháp luật.

 

5. Các chế tài xử phạt khi không tuân thủ quy định pháp luật về sử dụng mạng xã hội

– Về xử lý hành chính:

+ Tại điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định: Người có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

+ Tại điểm a Khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định: Hành vi cung cấp nộp dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

– Về xử lý hình sự:

Những hành vi bôi nhọ danh dự nhân phẩm của người khác một cách nghiêm trọng nói trên có thể cấu thành hai tội hình sự:

+ Tội vu khống (Điều 122 BLHS): “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bị đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hại năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

Có thể thấy ở đây người sử dụng mạng xã hội cần chú ý hành vi dễ mắc phải đó là lan truyền những thông tin mà mình biết rõ thông tin đó là do bịa đặt, không đúng sự thật. Việc loan truyền này có thể bằng nhiều hình thức khác nhau như: Sao chép gửi đi cho nhiều người quan messenger (tin nhắn), Chuyển đường link, đăng status (trạng thái), comment (bình luận) trên mạng xã hội facebook…

+ Tội làm nhục người khác (Điều 121 BLHS).

Trên đây là những quy tắc sử dụng mạng xã hội theo quy định của pháp luật và những chế tài xử phạt khi không tuân thủ quy định pháp luật về sử dụng mạng xã hội. Vì vậy, hãy có cách nhìn và sử dụng mạng xã hội một cách đúng đắn để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.