1. Cơ sở pháp lý

Luật Hải quan số 54/2014/QH13

Nghị định 08/2015/NĐ-CP 

Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Quyết định 1966/QÐ-TCHQ của Tổng cục Hải quan về việc ban hành Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

2. Các mức độ tuân thủ của doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 81/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, người khai hải quan được phân loại thành 05 mức; mỗi người khai hải quan được đánh giá phân loại theo một mức độ tuân thủ duy nhất:

  • Mức 1 – Doanh nghiệp ưu tiên
  • Mức 2 – Tuân thủ cao
  • Mức 3 – Tuân thủ trung bình
  • Mức 4 – Tuân thủ thấp
  • Mức 5 – Không tuân thủ

Hiện nay, mức độ tuân thủ của doanh nghiệp đã được công khai nên doanh nghiệp có thể tra cứu mức độ tuân thủ của mình trên trang thông tin điện tử của Tổng cục hải quan Việt Nam.

3. Doanh nghiệp không tuân thủ là gì?

Doanh nghiệp không tuân thủ là doanh nghiệp được đánh giá và phân loại ở mức độ 5 – không tuân thủ theo quy định tại định tại Thông tư 81/2019/TT-BTC. Người khai hải quan mức này, được coi là có thái độ không hợp tác với hải quan, hoặc vi phạm các quy định của pháp luật, các quy định của hải quan, không chấp hành nghĩa vụ về thuế và/hoặc bỏ địa chỉ kinh doanh theo xác nhận của cơ quan thuế. Tiêu chí đánh giá doanh nghiệp xuất nhập khẩu không tuân thủ được quy định tại Phần 1 Phụ lục V Thông tư 81/2019/TT-BTC:

  • Doanh nghiệp, Chủ doanh nghiệp, Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc, Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị xử lýbị xử lý về các hành vi bị khởi tố, đề nghị khởi tố về hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, sản xuất, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại, trốn thuế gian lận thuế;
  •  Doanh nghiệp bị xử phạt hành chính về các hành vi không chấp hành yêu cầu của cơ quan hải quan trong thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh trabuôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới sản xuất, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại, trốn thuế, gian lận thuế;
  •  Doanh nghiệp có tổng số lần bị xử phạt vượt quá 2% trên tổng số tờ khai đã thông quan của doanh nghiệp về các hành vi vi phạm bị xử phạt với số tiền vượt thẩm quyền của công chức hải quan;
  •  Doanh nghiệp có tổng số lần bị xử phạt vượt quá 3% trên tổng số tờ khai đã thông quan của doanh nghiệp về các hành vi vi phạm bị xử phạt với số tiền thuộc thẩm quyềncủa công chức hải quan;
  •  Doanh nghiệp còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt quá thời hạn 90 ngày tại thời điểm đánh giá.

4. Quy trình thủ tục xuất khẩu cho doanh nghiệp không tuân thủ

Theo quy định tại Điều 14 Luật Hải quan 2014, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện thủ tục khai hải quan điện tử, trừ trường hợp hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, hệ thống khai hải quan điện tử không thực hiện được các giao dịch điện tử với nhau mà nguyên nhân có thể do một hoặc cả hai hệ thống hoặc do nguyên nhân khác; và một số trường hợp liên quan đến hàng hóa đặc biệt thì sẽ làm thủ tục hải quan truyền thống:

4.1 Hồ sơ hải quan để thực hiện thủ tục xuất khẩu

Hồ sơ hải quan để thực hiện thủ tục xuất khẩu được quy định tại Điều 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 5 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC, bao gồm:

  • Tờ khai hải quan đáp ứng đủ các chỉ tiêu thông tin được quy định tại mẫu số 02, Phụ lục II Thông tư 39/2018/TT-BTC. Trong trường hợp phải khai hải quan giấy thì thực hiện theo mẫu HQ/2015/XK Phụ lục IV Thông tư này và nộp 02 bản chính.
  • Hóa đơn thương mại hoặc chứng từ có giá trị tương đương trong trường hợp người mua phải thanh toán cho người bán: 01 bản chụp
  • Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo: 01 bản chính
  • Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành: 01 bản chính
  • Hợp đồng mua bán hàng hóa

Thời hạn nộp hồ sơ hải quan: Theo quy định tại Điều 25 Luật Hải quan 2014:

Tờ khai hải quan: Nộp sau khi đã tập kết hàng hóa tại địa điểm do người khai hải quan thông báo và chậm nhất 04 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh, nếu gửi bằng dịch vụ chuyển phát nhanh thì chậm nhất là 02 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh. Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký.

Chứng từ còn lại: Nộp khi cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, trừ những chứng từ đã có trong hệ thống thông tin một cửa quốc gia. Trường hợp khai tờ khai hải quan giấy, người khai hải quan phải nộp hoặc xuất trình chứng từ có liên quan khi đăng ký tờ khai hải quan.

4.2 Quy trình thủ tục thực hiện xuất khẩu hàng hóa

Quy trình thủ tục hải quan để thực hiện xuất khẩu hàng hóa được quy định chi tiết tại Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ (QĐ 1966) về việc ban hành quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan, theo đó quy trình này bao gồm 05 bước cơ bản:

Bước 1 Tiếp nhân, kiểm tra, đăng ký phân luồng tờ khai (Điều 6 QĐ 1966)

Sau khi người khai hải quan nhập thông tin xuất khẩu lên hệ thống hải quan điện tử, hệ thống sẽ tự động tiếp nhận, kiểm tra, hướng dẫn (nếu có) cho người khai hải quan và cấp số tờ khai hải quan. Trường hợp không thực hiện đăng ký được tờ khai hải quan, Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai căn cứ vướng mắc của doanh nghiệp để hướng dẫn xử lý.

Sau khi tờ khai đã được đăng ký, hệ thống tự động phân luồng, gồm 3 luồng xanh, vàng, đỏ. Trường hợp được phân loại là luồng xanh, thì doanh nghiệp sẽ được miến kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa, chuyển sang Bước 4 – Nộp thuế hoặc lệ phí; đối với các luồng vàng và luồng đỏ, chuyển sang Bước 2 để thực hiện tiếp. Theo quy định tại Điều 22 Thông tư 81/2019/TT-BTC, việc phân luồng tờ khai dựa trên hai căn cứ là: đánh giá mức độ tuân thủ của doanh nghiệp và, mức độ rủi ro và các thông tin nghiệp vụ tại thời điểm ra quyết định và thông tin trên tờ khai. Đối với doanh nghiệp được đánh ở mức độ 5 – không tuân thủ, theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Thông tư 38/2015/TT-BTC, có thể sẽ được phân luồng đỏ hoặc vàng. Nếu được phân luồng vàng cơ quan hải quan sẽ kiểm tra hồ sơ hải quan của doanh nghiệp sau đó sẽ tiến hành thu thuế, phí, lệ phí. Nếu được phân luồng đỏ, cơ quan hải quan sẽ kiểm tra thực tế hàng hóa trên cơ sở kiểm tra các chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan khi làm thủ tục hải quan.

Bước 2 Kiểm tra hồ sơ hải quan (Điều 7)

Kiểm tra hồ sơ hải quan là việc thực hiện kiểm tra chi tiết, toàn bộ các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan. Kiểm tra hồ sơ hải quan được thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Khoản 4 Điều 10 Thông tư 38/2015/TT-BTC: Doanh nghiệp không tuân thủ sẽ phải kiểm tra trực tiếp hồ sơ trong các trường hợp sau:

  • Có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hải quan;
  • Hàng hóa theo quy định của pháp luật chuyên ngành phải kiểm tra trực tiếp hồ sơ;
  • Lựa chọn kiểm tra trực tiếp hồ sơ không quá 50% trên tổng tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên cơ sở kết quả phân tích, đánh giá rủi ro.

Nội dung kiểm tra hồ sơ được quy định tại mục 3 chương II Thông tư 38/2015/TT-BTC, kiểm tra nội dung khai và tính chính xác trên tờ khai hải quan với các thông tin ghi trên chứng từ trong hồ sơ hải quan, bao gồm các tiêu chí sau: Tên hàng, mã số hàng hóa, mức thuế; trị giá hải quan;xuất xứ hàng hóa; việc thực hiện chính sách thuế, việc áp dụng văn bản thông báo kết quả xác định trước; giấy chứng nhân kiểm tra chuyên ngành. Thời hạn hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ hải quan không quá 02 giờ làm việc kể từ thời điểm cơ quan hải quan tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hải quan (Điều 23 Luật Hải quan 2014. Được hướng dẫn bởi Điều 5 Công văn số 19046/BTC-TCHQ).

Bước 3 Kiểm tra thực tế hàng hóa (Điều 8)

Kiểm tra thực tế hàng hóa được thực hiện bằng máy soi hoặc các phương tiện kỹ thuật khác. Việc kiểm tra thực tế hàng hóa bao gồm kiểm tra thực tế để xác định tên hàng, mã số hàng hóa, trị giá hải quan, xuất xứ, hàng hóa đã qua sử dụng hoặc chưa qua sử dụng, kiểm tra về lượng của hàng hóa đối chiếu với tờ khai hải quan và các tiêu chí trong Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, Biểu thuế áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Thời hạn hoàn thành việc kiểm tra thực tế hàng hóa: không quá 08 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hải quan xuất trình đầy đủ hàng hóa cho cơ quan hải quan. Đối với lô hàng lớn có thể kéo dài thời gian nhưng không quá 02 ngày.

Sau khi kiểm tra thực tế hàng hóa, nếu kết quả phù hợp thì chuyển sang bước tiếp theo, nếu kết quả kiểm tra có sai sót thì sẽ phải lưu giữ hàng hóa và kiểm tra trực tiếp hàng hóa.

Bước 4 Nộp thuế, phí, lệ phí (Điều 9)

Doanh nghiệp sẽ phải nộp thuế trước khi thông quan hàng hóa hoặc giải phóng hàng hóa. Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế phải nộp thì được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa nhưng phải nộp tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế kể từ ngày được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa đến ngày nộp thuế. Thời hạn bảo lãnh tối đa là 30 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Thuế xuất khẩu sẽ được tính theo mức thuế, trị giá tính thuế và tỷ giá tính thuế tại thời điểm tính thuế là ngày đăng ký tờ khai hải quan. 

Sau khi doanh nghiệp nộp thuế, hệ thống VNACCS tự động kiểm tra việc nộp thuế của tờ khai hải quan trên cơ sở thanh toán của người khai hải quan được cập nhật trên Hệ thống.

Doanh nghiệp sẽ phải nộp phí, lệ phí hải quan theo quy định tại Thông tư 274/2016/TT-BTC:  Lệ phí làm thủ tục hải quan phải nộp trước thông quan hoặc giải phóng hàng hóa. Lệ phí làm thủ tục hải quan là 20.000 đồng /Tờ khai.

Bước 5 Hoàn chỉnh thủ tục hải quan và thông quan hàng hóa

Doanh nghiệp sẽ được thông quan hàng hóa sau khi hoàn tất thủ tục hải quan và nộp thuế, phí và lệ phí hoặc được bảo lãnh số thuế phải nộp.