Trước tình trạng đó, gần đây Việt Nam đang chuẩn bị kiện Mỹ ra cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO về ba nội dung trong pháp luật chống bán phá giá của Mỹ, trong đó phương pháp “Quy về 0” (zeroing) là vấn đề được đề cập đầu tiên.

Tìm hiểu về Zeroing là một việc làm cần thiết và mang tính thời sự, góp phần phổ biến kiến thức pháp luật về thương mại quốc tế.

1. Zeroing là gì?

Bán phá giá được định nghĩa một cách đơn giản là khi hàng hóa được bán ở nước nhập khẩu với giá thấp hơn giá trị thông thường của nó tại thị trường nội địa (thị trường nước xuất khẩu). Tuy nhiên, để xác định được doanh nghiệp xuất khẩu có bán phá giá hay không và biên độ bán phá giá thì rất không đơn giản, bởi doanh nghiệp xuất khẩu thường bán vào nước nhập khẩu nhiều lô hàng và mỗi lô hàng lại có những mức giá khác nhau. Trong một vụ việc bán phá giá thông thường, quá trình tính biên độ bán phá giá luôn trải qua từng bước như sau: (i) tính giá trị thông thường (hoặc giá trị bình quân gia quyền thông thường) của sản phẩm tương tự ở nội địa; (ii) tính giá xuất khẩu của sản phẩm bị kiện; (iii) so sánh giá trị thông thường với giá xuất khẩu theo phương pháp bình quân gia quyền. Đến lúc này, giá xuất khẩu của mỗi giao dịch bán sẽ được so sánh với giá trị thông thường của sản phẩm.

Có thể lấy ví dụ như sau: Một công ty bị kiện bán phá giá đối với sản phẩm S của mình ở Mỹ. Mỹ mở cuộc điều tra vụ kiện này. Trong giai đoạn điều tra, có 9 giao dịch của mặt hàng này tại thị trường nước xuất khẩu. Qua đó, giá trị bình quân gia quyền thông thường của S tại thị trường nội địa được xác định là 34,5 USD (sau khi đã quy đổi từ đồng tiền nội địa). Cũng trong giai đoạn điều tra, có 9 giao dịch bán sản phẩm S vào Mỹ với số lượng và giá xuất khẩu đã được xác định. Việc tính toán khối lượng bán phá giá và biên độ bán phá giá tại Mỹ được thực hiện như sau: (Xem bảng trang bên)

 >> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191

Giao dịch/Tổng số

Số lượng hàng bán theo giao dịch

Giá xuất khẩu (USD)

Tổng hóa đơn theo giao dịch tính tại thời điểm xuất xưởng (USD)

Giá trị bình quân gia quyền thông thường (USD)

Mức bán phá giá (USD)

Khối lượng bán phá giá theo giao dịch (USD)

1

7000

32

224000

34.5

2.5

17500

2

85000

34

2890000

34.5

0.5

42500

3

45700

37

1690900

34.5

-2.5

-114250

4

50000

33

1650000

34.5

1.5

75000

5

56550

32

1809600

34.5

2.5

141375

6

300000

33.5

10050000

34.5

1

300000

7

24500

37

906500

34.5

-2.5

-61250

8

9000

34.5

310500

34.5

0

0

9

64500

36

2322000

34.5

-1.5

-96750

Tổng số

642250

34

21853500

304125

Theo phương pháp bình quân gia quyền1 thì tất cả các mức biên độ của các chênh lệch được cộng hết với nhau. Các giá trị biên độ âm bù trừ cho các giá trị biên độ dương để ra một khối lượng bán phá giá cuối cùng. Sau khi tính toán như trên, giá xuất khẩu bình quân gia quyền sẽ là 34 USD. Khối lượng bán phá giá được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền là 304,125 USD. Giả sử giá bán CIF của sản phẩm S tại Mỹ là 42 USD, việc tính toán biên độ bán phá giá sẽ được tiếp tục tiến hành theo công thức như sau:

Biên độ bán phá giá = (giá trị thông thường bình quân gia quyền – giá xuất khẩu bình quân gia quyền)/Giá CIF = (34,5-34)/42 = 1,19%.

Tuy nhiên, lúc này cũng có thể áp dụng một cách thức tính khác. Đó là tách riêng từng giao dịch và chỉ lấy những giao dịch có biên độ dương để tính khối lượng bán phá giá. Còn các giao dịch có biên độ bán phá giá là âm thì coi như không có bán phá giá và không tính vào khối lượng bán phá giá chung. Cách thức này gọi là “Quy về 0” (Zeroing) và là chủ đề được tranh cãi gay gắt trong thực tiễn chống bán phá giá quốc tế. Nếu lấy ví dụ trong bảng trên để tính theo cách thức này thì chỉ có giao dịch số 1, 2, 4, 5, 6 được xem xét và kết quả sẽ như sau:

Tổng khối lượng bán phá giá = 576.375 USD

Tổng giá trị sản phẩm bán phá giá tính theo giá CIF: = 42×642.250 = 26.974.500 USD

Biên độ bán phá giá = 576.357/26.974.500 = 2,13%

Rõ ràng cách tính này bất lợi hơn rất nhiều cho doanh nghiệp xuất khẩu. Trong cùng một ví dụ trên đây, nếu tính theo cách thông thường thì biên độ bán phá giá là 1,19%; doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được coi là không bán phá giá vì biên độ này được coi là không đáng kể (nhỏ hơn 2%). Trong khi đó, nếu áp dụng cách thức “Quy về 0” thì biên độ sẽ là 2,13% và doanh nghiệp xuất khẩu gần như chắc chắn bị áp thuế chống bán phá giá.

Không chỉ gây ra sự thiệt thòi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu, phương pháp “Quy về 0” còn không thuyết phục được doanh nghiệp xuất khẩu về tính công bằng. Mục đích cuối cùng của chống bán phá giá vẫn được coi là ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh từ bên ngoài để tránh ảnh hưởng tới toàn bộ nền công nghiệp trong nước của nước nhập khẩu. Vì vậy, không có lý do chính đáng nào biện hộ cho việc loại bớt một số giao dịch và không xem xét một cách toàn diện sự tác động của tất cả các đơn hàng bị kiện đối với ngành công nghiệp của nước nhập khẩu.

Trước khi Đạo luật chống bán phá giá năm 1995 được ban hành, WTO chưa có các quy định cụ thể về nội dung “Quy về 0”. Chính vì vậy, cách tính này vẫn còn được áp dụng khá nhiều bởi các nước phát triển, kể cả trong EC và Mỹ. Điều này đã làm cho pháp luật chống bán phá giá trở thành công cụ hữu hiệu để các nước này bảo hộ ngành công nghiệp trong nước. Cho đến nay, sau khi phần lớn các nước và cả EC đã không còn sử dụng phương pháp này nữa vì nó trái với pháp luật của WTO, thì Mỹ vẫn là nước duy nhất tiếp tục còn sử dụng khi tiến hành xác định biên độ bán phá giá giữa các phân nhóm, loại hay mẫu sản phẩm. Đây là điều đi ngược lại với luật lệ của WTO. 

Trong các lần xem xét lại thuế chống bán phá giá đã áp dụng đối với mỗi loại sản phẩm (administrative review), Mỹ cũng áp dụng “Quy về 0” gần như cho mọi giao dịch. Lập luận của Mỹ trong trường hợp này là khi xem xét lại mức thuế chống bán phá giá đối với từng giao dịch thì cũng giống như là việc tính lại thuế cho từng lô hàng khi được chuyển tới Mỹ. Nếu công nhận bù trừ các biên độ bán phá giá âm thì cũng giống như chính quyền Mỹ sẽ phải trả tiền ngược lại cho những lô hàng có biên độ âm; và điều này là vô lý. Quan điểm này của Mỹ đã là trung tâm của một tranh chấp trước WTO suốt từ năm 2004. Năm 2007, cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO đã ra phán quyết chấp nhận quan điểm này, theo đó “Quy về 0” có thể được áp dụng khi tiến hành xem xét lại các mức thuế bán phá giá2.

Việc áp dụng phương pháp “Quy về 0” một cách tùy tiện đã làm cho chính sách chống bán phá giá của Mỹ bị lên án gay gắt trong thương mại quốc tế và trực tiếp làm cho Mỹ dính vào vòng kiện tụng nhiều lần với các nước đang phát triển.

2. So sánh phương pháp Zeroing với các Quy định của WTO về phương pháp tính toán biên độ phá giá

Sau khi Hiệp định ADA (Antidumping Agreement), còn được biết đến với cái tên Đạo luật chống bán phá giá (Antidumping Code) được ban hành năm 1995 trong khuôn khổ WTO thì cách tính “Quy về 0” đã được hiểu là không được phép áp dụng trong quá trình tính toán biên độ bán phá giá. Điều 2.4.2 Hiệp định ADA quy định cơ quan điều tra phải “so sánh giữa giá trị bình quân gia quyền thông thường với giá bình quân gia quyền của tất cả các giao dịch xuất khẩu có thể so sánh được hoặc thông qua so sánh giữa giá trị thông thường với giá xuất khẩu trên cơ sở từng giao dịch”. Ở đây, việc so sánh phải được thực hiện trên tất cả các giao dịch xuất khẩu mới bảo đảm sự công bằng, vì trong các giao dịch đó có giao dịch có biên độ phá giá dương nhưng cũng có các giao dịch có biên độ phá giá âm và giữa chúng khi bù trừ cho nhau sẽ phản ánh một cách chính xác nhất về việc có bán phá giá hay không và mức độ bán phá giá tác động lên thị trường nước nhập khẩu như thế nào. Khi sử dụng phương pháp zeroing với việc quy về 0 tất cả các giao dịch có biên đô phá giá âm là vi phạm vào nguyên tắc “so sánh công bằng” mà Điều 2.4.2 Hiệp định ADA đã quy định.

WTO đã thể hiện rất rõ quan điểm này trong các án lệ của mình đó. Trong vụ Bed linen, WTO phán quyết rằng:

“Chúng tôi thấy rằng Điều 2.4.2, đoạn một, quy định rằng việc xác định biên độ bán phá giá đối với sản phẩm bị điều tra phải được thực hiện theo một trong hai phương pháp. Trong trường hợp này đang áp dụng phương pháp thứ nhất trong quy định đó, theo đó biên độ bán phá giá được xác định: “…trên cơ sở so sánh một giá trị bình quân gia quyền thông thường với giá trị bình quân gia quyền của giá của tất cả các giao dịch xuất khẩu có thể so sánh được…” Theo phương pháp này, các cơ quan điều tra phải so sánh giá trị bình quân gia quyền với giá bình quân gia quyền của tất cả các giao dịch xuất khẩu có thể so sánh được. Ở đây, chúng tôi nhấn mạnh rằng Điều 2.4.2 nói tới “tất cả” các giao dịch xuất khẩu có thể so sánh được. Như giải thích trên đây, khi “Quy về 0”, Ủy ban Châu Âu đã đếm số không tất cả các “biên độ phá giá’ của các mẫu có biên độ “âm”. Như Hội đồng sơ thẩm đã kết luận một cách chính xác, đối với những mẫu đó, Ủy ban Châu Âu đã coi như “giá xuất khẩu bình quân gia quyền là bằng với giá trị bình quân gia quyền thông thường… bất chấp sự thực là trên thực tế nó cao hơn giá trị bình quân gia quyền”. Khi “Quy về 0” các biên độ bán phá giá âm, Cộng đồng Châu Âu đã không xem xét một cách đầy đủ tới tính toàn thể của các mức giá của một số giao dịch xuất khẩu, tức là những giao dịch xuất khẩu của những mẫu tấm trải giường loại vải coton có “biên độ bán phá giá âm”. Thay vào đó, Cộng đồng Châu Âu đã coi những giao dịch này thấp hơn với giá trị đáng có của nó. Điều này đã gây méo mó trong quá trình tính toán biên độ bán phá giá. Vì vậy, Cộng đồng Châu Âu không xác định được “sự tồn tại của biên độ bán phá giá” đối với sản phẩm tấm trải giường loại coton trên cơ sở so sánh giá trị bình quân gia quyền thông thường với giá bình quân gia quyền của tất cả các giao dịch xuất khẩu có thể so sánh được – tức là đối với tất cả các giao dịch liên quan tới tất cả các mẫu hoặc loại của sản phẩm đang bị điều tra. Hơn nữa, chúng tôi cũng có quan điểm rằng phép so sánh giữa giá xuất khẩu và giá trị thông thường mà không xem xét đầy đủ các giá của tất cả các giao dịch xuất khẩu – ví dụ như cách tính “Quy về 0” trong vụ tranh chấp này – không phải là “sự so sánh công bằng” giữa giá xuất khẩu và giá trị thông thường, như yêu cầu của Điều 2.4 và Điều 2.4.2”3

Trong vụ US – Lumber V năm 2004, WTO lại khẳng định lại quan điểm này một lần nữa:

“Quy về 0” có nghĩa chung nhất là giá xuất khẩu được xem như thấp hơn giá trị thật của chúng, ít nhất là đối với một vài giao dịch xuất khẩu. Vì vậy, “quy về 0” không xem xét tới tính toàn diện của các mức giá của một số giao dịch xuất khẩu, tức là những mức giá của những giao dịch xuất khẩu trong những nhóm nhỏ trong đó giá trị bình quân gia quyền thông thường thấp hơn giá xuất khẩu bình quân gia quyền. Vì vậy, “Quy về 0” thổi phồng biên độ bán phá giá đối với toàn bộ tình hình nhập khẩu sản phẩm”4.

3. Ảnh hưởng của việc áp dụng phương pháp này đối với các doanh nghiệp xuất khẩu

Việc áp dụng phương pháp zeroing gây ra rất nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu của nước xuất khẩu.

Thứ nhất, khi áp dụng phương pháp zeroing, hầu hết các kết quả điều tra đều đưa đến kết luận là có bán phá giá và bị áp thuế chống bán phá giá cao. Điều đó gây bất công và tạo ra nhiều khó khăn cho các nước xuất khẩu, từ đó hạn chế sự tự do hóa thương mại.

Thứ hai, biên độ phá giá bị đẩy lên cao không phản ánh đúng thực tế. Bởi lẽ, trong nhiều giao dịch xuất khẩu mà doanh nghiệp tiến hành, những giao dịch có biên độ phá giá âm đã không được xem xét để bù trừ cho các giao dịch có biên độ phá giá dương. Điều này có nghĩa là chỉ một phần các giao dịch của doanh nghiệp bị coi là có bán phá giá, còn các giao dịch khác là không phá giá nhưng nước nhập khẩu chỉ xem xét đến phần có bán phá giá đó và tuyên bố là doanh nghiệp xuất khẩu có bán phá giá, rồi tiến hành áp thuế chống bán phá giá cho toàn bộ các giao dịch. Rõ ràng điều này rất không công bằng khi các giao dịch không bán phá giá cũng bị áp thuế bán phá giá. Và số tiền mà doanh nghiệp phải nộp cho thuế chống bán phá giá cũng là một gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Thứ ba, ngoài thiệt hại về việc phải đóng thuế chống bán phá giá, các doanh nghiệp xuất khẩu còn phải chịu những hệ lụy khác từ việc áp thuế như phải ký quỹ một khoản tiền rất lớn. Điều này một lần nữa gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu khi vốn – luôn là một vấn đề của doanh nghiệp – phải dùng để ký quỹ. Điều này lại làm tăng lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp không bị áp thuế chống bán phá giá. 

Như vậy, có thể hiểu là tại sao các nước xuất khẩu, thường là các nước đang phát triển, hết sức lên án phương pháp “Quy về 0” và coi đó là một trong những biện pháp điển hình của chống bán phá giá bất công.

4. Quan điểm của Việt Nam và các quốc gia thành viên WTO về phương pháp Zeroing

Vấn đề chống bán phá giá tác động tới Việt Nam ở cả hai góc độ, Việt Nam vừa có thể là nước bị kiện (khi hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang các nước khác và bị kiện tại các nước đó) và Việt Nam cũng có thể là nước đi kiện (khi hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam). Tuy nhiên, khi Việt Nam – với nền kinh tế hướng vào xuất khẩu và lợi thế cạnh tranh chủ yếu dựa vào giá rẻ – thể hiện quan điểm về vấn đề zeroing từ góc độ của nước bị kiện sẽ phù hợp hơn. Thêm nữa là, các doanh nghiệp Việt Nam bị kiện chống bán phá giá tại nước ngoài đã gây thiệt hại rất lớn. Đây không còn là nguy cơ mà đã là một thực tế hết sức lo ngại. Một điểm nữa cần thẳng thắn nhìn nhận, là năng lực của các ngành sản xuất, các doanh nghiệp trong nước hiện còn nhiều hạn chế trong việc đáp ứng các yêu cầu về khởi kiện. Vì vậy, khi đàm phán sửa đổi Hiệp định về chống bán phá giá của WTO thuộc khuôn khổ của vòng đàm phán Doha hiện nay, Việt Nam nên thể hiện rõ ràng quan điểm cấm sử dụng phương pháp zeroing trong mọi trường hợp. Quan điểm này đã được sự ủng hộ của nhiều nước như Braxin, Trung Quốc, Ai Cập, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Nauy, Thái Lan, Ấn Độ và các nước này đã từng nộp đơn kiện phương pháp “quy về 0” của Mỹ. Nếu được chấp nhận thì điều này sẽ đem lại một lợi thế đáng kể cho hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu vào các thị trường xuất khẩu, trong đó có Mỹ.

 (1) Hiểu một cách đơn giản nhất, phương pháp bình quân gia quyền là phương pháp dùng để tính toán cặn kẽ biên độ bán phá giá căn cứ trên giá bán từng đơn vị sản phẩm của từng lô hàng chứ không chỉ là phép trung bình cộng đơn giản giữa các lô hàng với nhau.

(2) Brittany Eck, Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO phán quyết có lợi cho Mỹ trong tranh chấp về “Quy về số không” với Mexico (WTO Panel Finds for United States in “Zeroing” Dispute with Mexico), http://www.trade.gov/press/press_releases/2007/mexico_122007.asp

(3) Vụ Bed linen, WT/DS141/AB/R, năm 2001,  đoạn 54, 55.

(4) Vụ US – Lumber V năm 2004, đoạn 101.

ThS. Vũ Phương Lan – Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội.

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)