1. Quyền bình đẳng của phụ nữ về việc làm

Bình đẳng về việc làm là một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng nhất với cuộc sống và vị thế của phụ nữ, bởi lẽ nó là tiền đề để giúp phụ nữ tự chủ về phương diện kinh tế, qua đó thoát khỏi địa vị phụ thuộc vào đàn ông. Điều 11 CEDAW yêu cầu các quốc gia thành viên phải áp dụng các biện pháp thích hợp để xóa bỏ sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ trong tất cả các khía cạnh của lĩnh vực việc làm, cụ thể là trong các vấn đề như quyền được làm việc; quyền có các cơ hội việc làm (bao gồm việc áp dụng những tiêu chuẩn như nhau khi tuyển dụng); quyền tự do lựa chọn ngành, nghề và việc làm; các quyền liên quan đến việc thăng tiến, an ninh việc làm, phúc lợi, đào tạo nghề, đào tạo, huấn luyện nâng cao; quyền bình đẳng trong trả thù lao và trong đối xử, đánh giá trong công việc; quyền được hưởng an sinh xã hội; quyền được bảo vệ sức khỏe và an toàn lao động, kể cả bảo vệ chức năng sinh đẻ (Khoản 1). Khoản 2 Điều 11 nêu nh ững biện pháp cụ thể mà các quốc gia thành viên phải thực hiện để ngăn chặn sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ trong quan hệ việc làm vì lý do hôn nhân hay sinh đẻ, trong đó bao gồm: a) Cấm kỷ luật, sa thải phụ nữ với lý do có thai, nghỉ đẻ hay kết hôn; b) Áp dụng chế độ nghỉ đẻ vẫn hưởng lương, thâm niên và các phúc lợi xã hội như khi đang làm việc; c) Khuyến khích cung cấp những dịch vụ xã hội cần thiết hỗ trợ cho các bậc cha mẹ để họ có thể chăm sóc con cái; d) Bảo vệ đặc biệt đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai trước những công việc độc hại; e) Định kỳ xem xét lại, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về bảo vệ phụ nữ. Liên quan đến Điều 11 CEDAW, Uỷ ban CEDAW, trong Khuyến nghị chung số 12 thông qua tại phiên họp lần thứ 8 năm 1989 đã đề cập việc bảo vệ phụ nữ không bị xâm hại, quấy rối tình dục ở nơi làm việc, coi đó là một khía cạnh về bình đẳng của phụ nữ về việc làm. Sau đó, trong Khuyến nghị chung số 13 cũng được thông qua tại phiên họp lần thứ 8, Ủy ban đặc biệt lưu ý các quốc gia thành viên về việc bảo đảm quyền được trả công bình đẳng của phụ nữ thông qua các biện pháp như: phê chuẩn hoặc gia nhập ngay Công ước số 100 về trả công bình đẳng của ILO ( đoạn 1); nghiên cứu, xây dựng, xem xét và thông qua những cơ chế đánh giá nghề nghiệp dựa trên các tiêu chí phi giới tính ( đoạn 2); hỗ trợ đến mức cao nhất có thể việc thành lập một cơ chế nhằm bảo đảm trả công bình đẳng cho nam và nữ trong những công việc như nhau ( đoạn 3).

2. Không áp dụng cho các công việc trên lĩnh vực nông nghiệp, làm việc tại gia

Tuy nhiên, Điều 11 CEDAW có một điểm hạn chế là chỉ áp dụng cho phụ nữ trong các công việc chính thức, không áp dụng cho các công việc trên lĩnh vực nông nghiệp, làm việc tại gia… Như vậy, vẫn còn một số lớn phụ nữ lao động không được bảo vệ bởi quy định này. Tuy nhiên, hạn chế đó phần nào đã được khắc phục thông qua một số Khuyến nghị chung của Ủy ban công ước. Cụ thể, trong Khuyến nghị chung số 17 được thông qua tại phiên họp lần thứ 10 năm 1991, Ủy ban CEDAW khẳng định sự đóng góp của phụ nữ với nền kinh tế của các quốc gia và các gia đình khi làm những công việc không tính thành tiền công, đồng thời, khuyến nghị các quốc gia thành viên nghiên cứu, điều tra để đánh giá giá trị của những công việc không tính thành tiền công mà phụ nữ đang thực hiện và cộng giá trị những công việc đó vào tổng thu nhập quốc dân, cũng như, để làm cơ sở xây dựng các chính sách quốc gia về thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ. Trong Khuyến nghị chung số 16 cũng được thông qua tại phiên họp lần thứ 10 năm 1991, Uỷ ban cho rằng, các nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho phụ nữ làm việc ở các doanh nghiệp tư nhân do thành viên gia đình làm chủ. Ngoài ra, trong Khuyến nghị chung số 19 được thông qua tại phiên họp lần thứ 11 năm 1992, Uỷ ban yêu cầu các quốc gia thành viên giám sát điều kiện làm việc của những phụ nữ làm nghề giúp việc gia đình nhằm bảo vệ họ khỏi mọi sự ngược đãi. Như đã đề cập ở trên, bên cạnh Điều 11 CEDAW, để bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ về việc làm, rất cần thiết tham chiếu với các công ước có liên quan của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó tiêu biểu là Công ước số 100 về trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho các công việc có giá trị như nhau.

3. Quyền bình đẳng của phụ nữ trong vấn đề chăm sóc sức khoẻ

Chăm sóc sức khỏe là một nhu cầu thiết yếu của con người nhưng có ý nghĩa đặc biệt với phụ nữ. Điều này là bởi khác với đàn ông, phụ nữ phải gánh vác chức năng sinh nở và nuôi con – chức năng mà hàm chứa rất nhiều rủi ro về sức khỏe. Tuy nhiên, điều bất hợp lý là trên thực tế, phụ nữ thường phải chịu thiệt thòi trong việc hưởng thụ quyền này do dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ở các quốc gia thường là dịch vụ trả tiền, trong khi xét chung, phụ nữ có thu nhập thấp hơn nhiều so với nam giới. Điều 12 CEDAW yêu cầu các quốc gia thành viên phải áp dụng tất cả các biện pháp thích hợp để xóa bỏ sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nhằm bảo đảm phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, kể cả dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Điều này cũng yêu cầu các quốc gia thành viên Công ước phải bảo đảm cho phụ nữ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đặc biệt có liên quan đến chức năng làm mẹ, cụ thể là những dịch vụ về thai nghén, sinh đẻ và nuôi con, và phải bảo đảm là những dịch vụ này được cung cấp cho phụ nữ một cách miễn phí nếu cần thiết. Liên quan đến Điều 12, Uỷ ban CEDAW đã thông qua Khuyến nghị chung số 24 tại phiên họp lần thứ 20 năm 1999, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền được chăm sóc sức khỏe với phụ nữ, đồng thời, khuyến nghị các quốc gia thành viên thực thi một chiến lược toàn diện cấp quốc gia để chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ suốt đời, trong đó bao gồm các biện pháp nhằm phòng, chống và điều trị những loại bệnh tật và điều kiện tác động đến sức khỏe của phụ nữ, bảo đảm cho mọi phụ nữ được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, kể cả dịch vụ sức khỏe sinh sản, với chi phí vừa phải, đồng thời, phân bổ ngân sách, nhân lực thích đáng cho hoạt động chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và quản lý để bảo đảm các nguồn lực đó được sử dụng có hiệu quả (các đoạn 29,30). Ngoài Khuyến nghị chung số 24, một số Khuyến nghị chung khác của Ủy ban CEDAW cũng đề cập nhiều khía cạnh cụ thể về quyền được chăm sóc sức khỏe của phụ nữ. Cụ thể, các Khuyến nghị chung số 14 (thông qua tại phiên họp lần thứ 9 năm 1990) và 19 (thông qua tại phiên họp lần thứ 11 năm 1992) yêu cầu các quốc gia thành viên thực thi những biện pháp thích hợp để xoá bỏ những tập tục nguy hại cho sức khoẻ phụ nữ như tục cắt bỏ âm vật nữ, tục bắt phụ nữ có thai và nuôi con phải ăn kiêng, tục đa thê, tục trọng nam khinh nữ dẫn tới sự lựa chọn giới tính cho thai nhi hoặc ép buộc phụ nữ phải mang thai để có con trai. Khuyến nghị chung số 15 được Ủy ban thông qua tại phiên h ọp lần thứ 9 năm 1990 khuyến nghị các quốc gia tăng cường những biện pháp bảo vệ phụ nữ trước đại dịch HIV và chống phân biệt đối xử với phụ nữ trong các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Khuyến nghị chung số 24 được Ủy ban thông qua tại phiên họp lần thứ 20 năm 1999 yêu cầu các quốc gia thành viên bảo đảm quyền của phụ nữ được thông tin, giáo dục về những dịch vụ sức khoẻ tình dục và chú trọng đến nhu cầu đặc biệt về sức khoẻ của các phụ nữ trong những hoàn cảnh khó khăn như trong xung đột vũ trang, bị buôn bán, bóc lột tình dục, cũng như nhu cầu chăm sóc sức khỏe của phụ nữ cao tuổi và phụ nữ khuyết tật.

4. Quyền bình đẳng của phụ nữ trong đời sống kinh tế, xã hội

Thực tế ở khắp nơi trên thế giới cho thấy, trên lĩnh vực kinh tế, phụ nữ thường bị phân biệt đối xử trong việc hưởng trợ cấp gia đình, quản lý, sử dụng tài sản, thế chấp và vay vốn ngân hàng… Cùng với việc làm, đây là những tiền đề quyết định khả năng về tài chính của phụ nữ – một trong những yếu tố thiết yếu tạo nên vị thế bình đẳng nam nữ. Về phương diện xã hội, do gánh nặng đa vai trò về giới, phụ nữ thường có rất ít thời gian vui chơi, giải trí và hưởng thụ đời sống văn hoá, trong khi điều này được xem là một trong những biểu hiện thực chất của sự bình đẳng nam nữ. Chính vì vậy, Điều 13 CEDAW yêu cầu các quốc gia bảo đảm cho phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong ba khía cạnh: (i) Hưởng các phúc lợi gia đình; (ii) Tín dụng, ngân hàng (ví dụ như: vay tiền của ngân hàng, thế chấp tài sản và tham gia các loại hình tín dụng..) và (iii) Tham gia các hoạt động giải trí và văn hoá.

5. Bình đẳng trong các quan hệ dân sự

Điều 15 CEDAW không chỉ khẳng định vị thế bình đẳng của phụ nữ với nam giới trước pháp luật mà cả trong những quan hệ dân sự cụ thể – lĩnh vực mà theo truyền thống văn hoá của nhiều xã hội, phụ nữ thường phải chịu sự phân biệt đối xử nặng nề so với đàn ông. Theo Điều này, các quốc gia thành viên phải bảo đảm cho phụ nữ có vị thế bình đẳng với nam giới trong mọi quan hệ dân sự, cụ thể là trong các vấn đề như giao kết các hợp đồng, quản lý tài sản, tự do đi lại, lựa chọn nơi cư trú và trong các hoạt động tố tụng… Điều này cũng quy định tất cả các hợp đồng và giấy tờ dân sự mà có nội dung hạn chế tư cách pháp lý của phụ nữ phải bị coi là vô giá trị và không có hiệu lực thi hành. Trong Khuyến nghị chung số 21 thông qua tại phiên họp lần thứ 11 năm 1992, Uỷ ban CEDAW nêu rằng, việc giới hạn các quyền của phụ nữ trong việc ký kết hợp đồng, tự do lựa chọn chỗ ở hay tiếp cận với tòa án và dịch vụ pháp luật,v.v. đều làm hạn chế nghiêm trọng khả năng tự chủ trong cuộc sống của phụ nữ và đều bị coi là phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (các đoạn 7,8,9). Ủy ban cũng cho rằng, những phụ nữ nhập cư sống và làm việc tạm thời ở nước ngoài với chồng hay bạn tình cũng phải được bình đẳng về tư cách pháp lý với người chồng hay bạn tình đó (đoạn 10).