1. Quyền có quốc tịch của cá nhân.
Điều 31 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
Điều 31. Quyền đối với quốc tịch
1. Cá nhân có quyền có quốc tịch.
Quốc tịch là yếu tố nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân, là yếu tố thể hiện sự liên kết của một cá nhân với quốc gia mà cá nhân mang quốc tịch. Điều 1 Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định: “Quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cả nhân với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đổi với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với công dân Việt Nam”.
Điều 2. Quyền đối với quốc tịch (Luật quốc tịch Việt Nam 2008, sửa đổi, bổ sung 2014)
1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mỗi cá nhân đều có quyền có quốc tịch. Công dân Việt Nam không bị tước quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại Điều 31 của Luật này.
2. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, mọi thành viên của các dân tộc đều bình đẳng về quyền có quốc tịch Việt Nam.
Việc xác định quốc tịch của cá nhân được thực hiện khi tiến hành thủ tục đăng kí khai sinh cho trẻ.
2. Căn cứ xác định quốc tịch của một cá nhân.
Theo Điều 14 Luật quốc tịch Việt Nam có quy định căn cứ để xác định một người có quốc tịch Việt Nam như sau:
Người được xác định có quốc tịch Việt Nam, nếu có một trong những căn cứ sau đây:
1. Do sinh ra theo quy định tại các điều 15, 16 và 17 của Luật này;
2. Được nhập quốc tịch Việt Nam;
3. Được trở lại quốc tịch Việt Nam;
4. Theo quy định tại các điều 18, 35 và 37 của Luật này;
5. Theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Do sinh ra theo quy định tại các Điều 15, 16 và 17 của Luật quốc tịch Việt Nam như:
- Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam;
- Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam hoặc trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ Ịà công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam;
- Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam hoặc trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có mẹ là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam, còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam;
– Được nhập quốc tịch Việt Nam: Đây là những trường hợp cá nhân không có quốc tịch Việt Nam nhưng thỏa mãn các điều kiện luật định để có thể được nhập quốc tịch Việt Nam. Điều kiện để nhập quốc tịch Việt Nam được quy định cụ thệ tại Điều 19 Luật quốc tịch Việt Nam.
– Theo quy định tại các điều 18, 35 và 37 của Luật quốc tịch Việt Nam, cụ thể:
Điều 18 quy định trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai thì có quốc tịch Việt Nam;
Điều 35 ghi nhận về quốc tịch của con chưa thành niên khi cha mẹ được nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam: Khi có sự thay đổi về quốc tịch do nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam của cha mẹ thì quốc tịch của con chưa thành niên sinh sống cùng với cha mẹ cũng được thay đổi theo quốc tịch của họ.
Điều 37 quy định về quốc tịch của con nuôi chưa thành niên: Trẻ em là công dân Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi thì vẫn giữ quốc tịch Việt Nam; Trẻ em là người nước ngoài được công dân Việt Nam nhận làm con nuôi thì có quốc tịch Việt Nam, kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam công nhận việc nuôi con nuôi…
– Theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam.
Theo Điều 19 Luật quốc tịch Việt Nam:
Điều 19. Điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam
1. Công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;
b) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;
c) Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam;
d) Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam;
đ) Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
2. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải có các điều kiện quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người quy định tại khoản 2 Điều này, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép.
4. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam. Tên gọi này do người xin nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn và được ghi rõ trong Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
5. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam không được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.
Theo Điều 7 Nghị định 16/2020/NĐ-CP có quy định cụ thể một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam:
Điều 7. Một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam
1. Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam là khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.
2. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam phải là người đang thường trú tại Việt Nam và đã được Cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp Thẻ thường trú.
Thời gian thường trú tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được tính từ ngày người đó được cấp Thẻ thường trú.
3. Khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.
4. Quyền của người không quốc tịch.
Khoản 3 Điều 31 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
Quyền của người không quốc tịch cư trú, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam được bảo đảm theo luật.
Pháp luật Việt Nam hướng tới mục tiêu chính là bảo hộ quyền lợi cho những cá nhân mang quốc tịch Việt Nam nhưng điều đó không có nghĩa là phủ nhận quyền của những người không có quốc tịch. Đối với những người không có quốc tịch thì việc sinh sống, cư trú trên lãnh thổ Việt Nam được pháp luật Việt Nam bảo đảm về các quyền con người và quyền dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015. Sở dĩ Điều luật này không quy định chính sách bảo hộ liên quan đến người có quốc tịch nước ngoài bởi nội dung này được quy định tại Phần thứ 5 Bộ luật dân sự năm 2015 đối với các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Đồng thời, các quy chế pháp lý liên quan đến người nước ngoài được điều chỉnh chủ yếu, trực tiếp bởi các Hiệp định tương trợ Tư pháp được kí kểt giữa Việt Nam và quốc gia khác.
Người không quốc tịch là người không có quốc tịch Việt Nam và cũng không có quốc tịch nước ngoài (khoản 2 Điều 3 Luật quốc tịch Việt Nam).
Theo Điều 8 Luật quốc tịch có quy định hạn chế tình trạng không quốc tịch:
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tạo điều kiện cho trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam đều có quốc tịch và những người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam được nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật này.
5. Bị tước quốc tịch Việt Nam trong trường hợp nào?
– Các trường hợp bị tước quốc tịch bao gồm: (Theo Điều 31 Luật quốc tịch Việt Nam)
1. Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 của Luật này dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.
– Trình tự, thủ tục tước quốc tịch Việt Nam:
+) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày phát hiện hoặc nhận được đơn, thư tố cáo về hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam , Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm xác minh, nếu có đầy đủ căn cứ thì lập hồ sơ kiến nghị Chủ tịch nước tước quốc tịch Việt Nam của người có hành vi đó.
Tòa án đã xét xử đối với bị cáo có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam lập hồ sơ kiến nghị Chủ tịch nước tước quốc tịch Việt Nam của người có hành vi đó.
+) Các giấy tờ trong hồ sơ kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam: (Theo Điều 22 Nghị định 16/2020/NĐ-CP)
- Văn bản kiến nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Cơ quan đại diện về việc tước quốc tịch Việt Nam;
- Hồ sơ, tài liệu điều tra, xác minh, kết luận của cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm của người bị đề nghị tước quốc tịch Việt Nam;
- Đơn, thư tố cáo người bị đề nghị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có.
Trường hợp Tòa án kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam thì hồ sơ gồm có:
- Văn bản kiến nghị của Tòa án về việc tước quốc tịch Việt Nam;
- Bản án đã có hiệu lực pháp luật và các tài liệu có liên quan.
+) Hồ sơ kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam được gửi đến Bộ Tư pháp. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ kiến nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc của Tòa án, Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành khác có liên quan thẩm tra hồ sơ kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
+) Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.