1.Các nguyên tắc do luật định

Nguyên tắc nhất trí – Theo BLDS Điều 221, các chủ sở hữu chung cùng quản lý tài sản chung theo nguyên tắc nhất trí, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên, nguyên tắc này sẽ bị loại bỏ trong một số trường hợp cần thiết để bảo vệ lợi ích cộng đồng, lợi ích chung của các chủ sở hữu (chẳng hạn như: kiện đòi chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp; bán tài sản dễ hư hỏng; sửa chữa tài sản theo định kỳ; khắc phục sự cố…). Các chủ sở hữu chung không nhất thiết tự mình quản lý tài sản chung. Họ có thể uỷ quyền cho một chủ sở hữu chung (thậm chí một người thứ ba) để quản lý và sử dụng tài sản hoặc để xác lập một giao dịch nào đó liên quan đến tài sản. Nguyên tắc sử dụng chung – Sử dụng chung một tài sản không thể được hiểu theo nghĩa đen mà có thể hình dung như sau: một chủ sở hữu chung sử dụng tài sản thuộc sở hữu chung và một chủ sở hữu chung khác cũng sử dụng tài sản chung đó. Cả hai người này đều không có độc quyền hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung do mình sử dụng và khai thác. Hoa lợi, lợi tức đó, sau khi trừ giá trị công sức lao động của người sử dụng sẽ thuộc về tất cả các chủ sở hữu chung và trong trường hợp không được tích luỹ, thì hoa lợi, lợi tức đó được phân bổ cho các chủ sở hữu theo tỷ lệ phần quyền của mỗi người trong khối tài sản chung. Nguyên tắc tự do hợp tan – Theo BLDS Điều 224 khoản 1, trong trường hợp sở hữu chung có thể phân chia, thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung. Điều luật được áp dụng chung cho sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất. Sở hữu chung theo phần, trên nguyên tắc, có thể phân chia. Tuy nhiên, ta cũng có một số trường hợp sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia như sở hữu của cộng đồng, sở hữu của hộ gia đình… Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung theo phần không thể phân chia về mặt vật chất, thì việc phân chia vẫn có thể được thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng về giá trị. Nếu các chủ sở hữu chung theo phần có thoả thuận về việc duy trì sở hữu chung trong một thời gian hoặc nếu việc phân chia tài sản chung bị cấm thực hiện trong một thời gian theo ý chí của người chuyển giao tài sản cho các chủ sở hữu chung, thì sở hữu chung có thể phân chia sau khi hết thời hạn đó. 

2. Quản lý tài sản chung theo thỏa thuận

Theo BLDS Điều 681 khoản 2, mọi thoả thuận của những người thừa kế đều phải lập thành văn bản. Như vậy, sự thoả thuận giữa những người có quyền sở hữu chung theo phần về việc quản lý một khối di sản chưa chia phải được lập thành văn bản. Các chủ sở hữu chung có thể thoả thuận về việc loại bỏ nguyên tắc nhất trí trong việc quản lý tài sản chung. Các chủ sở hữu chung cũng có thể thoả thuận về việc cử một hoặc nhiều người đứng ra quản lý khối tài sản chung. Quyền hạn của người quản lý có thể được pháp luật xác định một phần, như trong trường hợp quản lý chính thức di sản chưa chia, nhưng thông thường do cộng đồng các chủ sở hữu chung ấn định. Người quản lý được hưởng quy chế của người được uỷ quyền, đặc biệt là được hưởng thù lao do công việc quản lý của mình.

3. Quyền của chủ sở hữu chung đối với phần tài sản của mình

Định đoạt – Theo BLDS Điều 223 khoản 1, mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Một cách tổng quát, chủ sở hữu chung có quyền chuyển giao phần quyền sở hữu của mình trong tài sản chung cho người khác, có hoặc không có đền bù. Việc chuyển giao có thể có đối tượng là một phần hoặc toàn bộ phần quyền sở hữu đó. Nếu chủ sở hữu chung bán phần quyền của mình trong tài sản chung, thì các chủ sở hữu chung khác có quyền ưu tiên mua. Là một tài sản theo nghĩa đầy đủ, phần quyền sở hữu trong một hoặc một khối tài sản chung có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ như bao nhiêu tài sản khác. Phù hợp với tính đa dạng về sở hữu của nền kinh tế thị trường, BLDS đã đưa ra sự phân loại các loại hình sở hữu và những quy định phù hợp với tính chất đặc thù của mỗi loại sở hữu. Các quy định của BLDS về các hình thức sở hữu và cơ sở xác lập chúng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định sở hữu trong các doanh nghiệp liên doanh, công ty, kể cả công ty đối nhân hay công ty đối vốn.

4.Nguyên tắc xác lập, thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản

Pháp luật dân sự quy định cho chủ sở hữu, chủ thể khác có thể tự mình thực hiện quyền sở hữu và các quyền khác bằng mọi hành vi theo ý chí của mình để chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản một cách trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác chiếm hữu sử dụng, định đoạt tài sản đó.

Các nguyên tắc khi thực hiện quyền sở hữu

Trong quan hệ với quốc gia, dân tộc, công cộng

Việc thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản của chủ sở hữu không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng.

Trong quan hệ với chủ thể khác

Việc thực hiện quyền sở hữu của chủ sở hữu không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của người khác. Hành vi khai thác tài sản của chủ sở hữu có thể ảnh hưởng đến lợi ích của các chủ thể khác.

Vì vậy, Nhà nước không chỉ bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu mà còn phải đảm bảo lợi ích chính đáng của tất cả các chủ thể khác trong xã hội.

Ví dụ: Nhà nước quy định chủ sở hữu vứt bỏ tài sản thì không được gây ô nhiễm môi trường; hoặc một người có quyền xây nhà trên diện tích đất sử dụng hợp pháp, tuy nhiên khi xây dựng phải bảo đảm vệ sinh công cộng, bảo đảm khoảng cách an toàn lưới điện…

Như vậy, các chủ thể hoặc chủ thể khác có thể tự mình thực hiện quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản nhưng không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, công cộng và lợi ích của chủ thể khác.

5. Đặc điểm của sở hữu chung

Về khách thể

Khách thể của sở hữu chung là thống nhất, đó là một tài sản hoặc một tập hợp tài sản. Tài sản này nếu đem chia tách vẻ mặt vật lý, tức là chia ra các phần khác nhau… thì sẽ không còn giá trị sử dụng như ban đầu; các chủ sở hữu sẽ không khai thác được công dụng vốn có của nó.

Ví dụ: Một xe ô tô thuộc sở hữu chung của các đồng chủ sở hữu. Nếu đem chia tách ra thành các phần nhỏ thì trở thành phụ tùng mà không còn công dụng để chở hàng hoá hoặc chuyên chở hành khách.

Ngoài ra, trong thực tế còn có trường hợp do tập quán hoặc do kết cấu xây dựng, tính chất, công dụng mà khách thể chỉ có thể là tài sản chung. Điều này còn tuỳ thuộc vào sự thoả thuận hoặc thối quen của tập quán.

Về chủ thể

Mỗi đồng chủ sở hữu chung khi thực hiện các quyền năng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản chung sẽ liên quan đến quyền lợi của tất cả các đồng chủ sở hữu khác. Tuy nhiên, mỗi một đồng chủ sở hữu trong sở hữu chung có vị trí độc lập và tham gia quan hệ pháp luật dân sự với tư cách là một chủ sở hữu độc lập.

Việc thực hiện các quyền năng đối với tài sản chung của các đồng chủ sở hữu 

Việc thực hiện các quyền năng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản chung của các đồng chủ sở hữu cũng có những đặc điểm riêng. Tuy rằng, địa vị của mỗi một đồng chủ sở hữu có tính chất độc lập nhưng các quyền năng của mỗi một chủ sở hữu lại thống nhất đối với toàn bộ khối tài sản chung mà không phải chỉ riêng với phần giá trị tài sản mà họ có.

Nếu quyền năng của mỗi một đồng chủ sở hữu mà tách ra theo phạm vi phần giá trị tài sản mà họ có, thì các đồng chủ sở hữu không thể sử dụng được tài sản và do vậy sở hữu chung ấy sẽ không có ý nghĩa. Từ đặc điểm này nên việc sử dụng, định đoạt tài sản phải được các đồng chủ sở hữu thoả thuận dựa trên tính chất, cổng dụng của tài sản và dựa vào hoàn cảnh cụ thể của các đồng chủ sở hữu chung.

Đối với việc sử dụng tài sản (Điều 217 BLDS)

Các đồng chủ sở hữu có thể thoả thuận và lựa chọn một trong những hình thức: Cùng sử dụng để khai thác công dụng của tài sản; thay phiên nhau sử dụng (nếu tài sản chung không thể phân chia thành nhiều phần để sử dụng. Ví dụ trâu, bò mua chung để khai thác sức kéo thường được thay phiên nhau sử dụng theo thoả thuận); hoặc nếu tài sản gồm nhiều vật khác nhau, các chủ sở hữu có thể thay phiên nhau sử dụng từng vật, tức là mỗi người sử dụng một phần tài sản mà vẫn bảo đảm được nhu cầu sử dụng.

Trường hợp các chủ sở hữu mua chung tài sản dể cho thuê, thì căn cứ vào phần quyền tài sản của mỗi chủ sở hữu để xác định quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người.

Đối với việc định đoạt tài sản ( Điều 218 BLDS)

Về nguyên tắc mỗi đồng chủ sở hữu chung là một chủ thể độc lập nên có những quyền nhất định. Chủ sở hữu chung theo phần cố quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thoả thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp một chủ sở hữu chung bán phần quyền sở hữu của mình thì các chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua. Đối với bất động sản và động sản, pháp luật quy định sau một thời hạn 3 tháng đối với tài sản chung là bất động sản, 01 tháng đối với tài sản chung là động sản mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán phần quyền sở hữu chung của mình cho người khác( khoản 3 Điều 218 BLDS).

Nếu một chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình hoặc chủ sở hữu chết mà không có người thừa kế thì phần quyền tài sản đó sẽ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Trường hợp này không áp dụng Điều 228 BLDS-Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu. Trường hợp trên, vật đang có chủ sở hữu nhưng chủ sở hữu không muốn sở hữu nữa vì vậy sẽ có nhiều chủ thể muốn được sở hữu, cho nên sẽ xảy ra tranh chấp giữa người biết được chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu và những người đồng sở hữu.

Theo Điều 228 thì người phát hiện sản đó không ai chiếm giữ, do vậy nếu vật là động sản thuộc quyền sở hữu của người phát hiện được, nếu là bật động sản thuộc quyền sở hữu nhà nước.

Luật LVN Group (sưu tầm và biên tập)