1. Quyền được hưởng và duy trì tiêu chuẩn sống thích đáng

Trong một số tài liệu, quyền này được xem như là một tập hợp các quyền liên quan đến việc bảo đảm những điều kiện cơ bản của cuộc sống như ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế,v.v.. trong đó quan trọng nhất là quyền có đủ lương thực, thực phẩm và quyền có nhà ở thích đáng. Quyền này lần đầu tiên được đề cập trong Khoản 1 Điều 25 UDHR, trong đó nêu rằng, mọi người đều có quyền được hưởng một mức sống thích đáng, đủ để bảo đảm sức khoẻ và phúc lợi của bản thân và gia đình, về các khía cạnh ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết, cũng như có quyền được bảo hiểm trong trường hợp thất nghiệp, đau ốm, tàn phế, góa bụa, già nua hoặc thiếu phương tiện sinh sống do những hoàn cảnh khách quan vượt quá khả năng đối phó của họ. Quy định kể trên sau đó được tái khẳng định và cụ thể hóa trong Điều 11 ICESCR. Khoản 1 Điều này nêu rằng: Các quốc gia thành viên Công ước thừa nhận quyền của mọi người được có một mức sống thích đáng cho bản thân và gia đình mình, bao gồm các khía cạnh về ăn, mặc, nhà ở, và được không ngừng cải thiện điều kiện sống. Các quốc gia thành viên phải thi hành những biện pháp thích hợp để bảo đảm việc thực hiện quyền này, và vì mục đích đó, thừa nhận tầm quan trọng thiết yếu của hợp tác quốc tế dựa trên sự tự do chấp thuận. Khoản 2 Điều này đề cập cụ thể trách nhiệm của các quốc gia trong việc bảo đảm quyền có lương thực, thực phẩm, theo đó, trên cơ sở thừa nhận quyền cơ bản của mọi người là không bị đói, các quốc gia thành viên Công ước sẽ thực hiện, tự mình và thông qua hợp tác quốc tế, các biện pháp, kể cả các chương trình cụ thể cần thiết.

2. Các quốc gia thành viên Công ước sẽ thực hiện, tự mình và thông qua hợp tác quốc tế

 a) Cải thiện các phương pháp sản xuất, bảo quản và phân phối lương thực, th ực phẩm bằng cách vận dụng các kiến thức khoa học – kỹ thuật; bằng cách phổ biến kiến thức về các nguyên tắc dinh dưỡng, bằng cách phát triển và cải tổ lại hệ thống đất trồng trọt sao cho có thể phát triển và sử dụng các tài nguyên thiên nhiên này một cách hiệu quả nhất; b) Bảo đảm phân phối công bằng các nguồn lương thực, thực phẩm của thế giới dựa theo nhu cầu, có tính đến các vấn đề của những nước xuất khẩu và những nước nhập khẩu lương thực, thực phẩm. Liên quan đến Điều 11 ICESCR, Ủy ban về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa đã giải thích rất cụ thể về ý nghĩa và nội hàm của các quyền ghi nhận trong Điều này trong các Bình luận chung số 4 (thông qua tại phiên họp thứ 6 năm 1991), số 7 (thông qua tại phiên họp thứ 16 năm 1997), số 12 (thông qua tại phiên họp thứ 21 năm 1999), số 14 (thông qua tại phiên họp thứ 22 năm 2000), số 15 (thông qua tại phiên họp thứ 29 năm 2002).

3. Quyền có nhà ở thích đáng

Quyền có nhà ở thích đáng xuất phát từ quyền có mức sống thích đáng và có tầm quan trọng đặc biệt với việc hưởng thụ tất cả các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa ( đoạn 1). Mặc dù có nhiều văn kiện quốc tế khác nhau đề cập những khía cạnh khác nhau của quyền có nhà ở thích đáng, nhưng Khoản 1 Điều 11 ICESCR là quy định toàn diện và quan trọng nhất về quyền này ( đoạn 3). Quyền có nhà ở thích đáng áp dụng cho tất cả mọi người mà không có sự phân biệt về bất cứ yếu tố nào, kể cả về giới tính, cho dù Điều 11 ICESCR sử dụng cụm từ “bản thân và gia đình anh ta” (himself and his family). Việc sử dụng cụm từ này chỉ phản ánh quan niệm về vai trò giới và khuôn mẫu về hoạt động kinh tế theo nhận thức chung ở thời điểm ICESCR được thông qua vào năm 1966, ngày nay, cụm từ đó không được hiểu là sự hạn chế áp dụng quyền này với phụ nữ cũng như với những gia đình có phụ nữ là chủ hộ. Quyền có nhà ở không được hiểu theo nghĩa hẹp là quyền có một nơi trú ngụ với một mái che trên đầu. Thay vào đó, cần hiểu đó là quyền được sống ở một nơi an toàn, bình yên và thích đáng với phẩm giá con người. Điều này xuất phát bởi hai lý do: Một là, quyền có nhà ở có quan hệ mật thiết với các quyền con người khác và với những nguyên tắc cơ bản của ICESCR, đó là nhằm bảo đảm “phẩm giá vốn có của con người”. Nguyên tắc này chi phối cách hiểu về thuật ngữ nhà ở, trong đó, một yêu cầu quan trọng nhất đó là việc có nhà ở là quyền của tất cả mọi người, không phân biệt về mức độ thu nhập và khả năng tiếp cận với các nguồn lực kinh tế. Hai là, quy định trong Khoản 1 Điều 11 không chỉ nói đến nhà ở, mà còn nói đến nhà ở thích đáng. Liên quan đến khía cạnh này, cả Ủy ban về định cư con người và trong Chiến lược toàn cầu về nhà ở đến năm 2000 của Liên h ợp quốc đều giải thích rằng nhà ở thích đáng là: “…nơi ở với sự bảo đảm thích đáng về tính riêng tư, khoảng không gian, an ninh, ánh sáng, sự thông thoáng, kết cấu hạ tầng, địa điểm phù hợp với công việc và với các cơ sở dịch vụ cơ bản – tất cả với chi phí hợp lý” (đoạn 7).

4. Ý nghĩa về quyền có nhà ở thích đáng

 Khái niệm thích đáng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với quyền về nhà ở, bởi nó chi phối một loạt các yếu tố cần phải tính đến khi đánh giá một nơi ở có phải là “thích đáng” theo như quy định của ICESCR không. Mặc dù các khía cạnh về kinh tế, xã hội, văn hóa, khí hậu, sinh thái và các yếu tố khác quyết định một phần tính thích đáng, tuy nhiên, có một số khía cạnh cần phải bảo đảm trong bất cứ bối cảnh nào, bao gồm: – Bảo đảm pháp lý: Quyền với nhà ở có thể dưới nhiều hình thức khác nhau như nhà thuê (của các chủ thể công cộng hay tư nhân), nhà hợp tác, nhà thuộc sở hữu của mình, nhà tạm ở trong trường hợp khẩn cấp, nhà định cư không chính thức… Trong mọi hình thức sở h ữu, người ở đều có quyền được bảo đảm pháp lý về ơi ở và tài sản ở mức độ nhất định để tránh khỏi bị quấy rối, tước đoạt hay các nguy cơ khác. – Tính sẵn có của dịch vụ, vật chất, tiện nghi và cơ sở hạ tầng: Một nơi ở thích đáng cần có những bảo đảm cơ bản về y tế, an ninh, tiện nghi và sự nuôi dưỡng, mà từ đó, có thể tiếp cận một cách bền vững với các nguồn lực tự nhiên và chung, với các điều kiện về nước sạch, chất đốt, ánh sáng, hệ thống sưởi ấm, vệ sinh, giặt giũ, phương tiện bảo quản thực phẩm, xử lý rác thải, thoát nước và các dịch vụ trong trường hợp khẩn cấp. – Tính chấp nhận được: Một nơi ở thích đáng chỉ phải trả chi phí ở mức hợp lý mà cá nhân hay hộ gia đình chấp nhận được, và việc chi trả cho nơi ở không ảnh hưởng đến việc chi trả cho các nhu cầu thiết yếu khác. – Có thể sinh sống được: Một nơi ở thích đáng cần bảo đảm có thể sinh sống ở đó được, thể hiện ở các khía cạnh như có không gian riêng tư thích đáng và có thể tránh được nóng, lạnh, ẩm ướt, mưa, nắng, gió và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến sức khỏe hay làm lây nhiễm bệnh tật. Việc này cần tham chiếu với Các nguyên tắc y tế về nhà ở do Tổ chức Y tế thế giới đưa ra năm 1990. – Có thể sử dụng được: Nhà ở thích đáng cần bảo đảm cho người ở, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương như người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo, người sống chung với HIV, người cần sự hỗ trợ y tế thường xuyên, người bị bệnh tâm thần, nạn nhân của các thảm họa thiên tai, người phải sống ở các khu vực thường có thảm họa và các nhóm cần được ưu tiên khác có thể sử dụng một cách thuận lợi. – Địa điểm: Nhà ở thích đáng cần được xây dựng ở những nơi cho phép người ở dễ dàng tiếp cận với nơi làm việc, cơ sở y tế, trường học, nhà trẻ và các dịch vụ xã hội khác. Điều này cần áp dụng với cả khu vực thành thị và nông thôn. Không được xây nhà ở tại các khu vực ô nhiễm hay gần các nguồn ô nhiễm đe dọa sức khỏe của con người. – Thích đáng về phương diện văn hóa: Nhà ở thích đáng phải phù hợp với bản sắc văn hóa của người ở, xét về kiến trúc, vật liệu sử dụng và chính sách hỗ trợ.

5. Không được nhìn nhận quyền có nhà ở thích đáng một cách tách biệt với các quyền con người khác

Không được nhìn nhận quyền có nhà ở thích đáng một cách tách biệt với các quyền con người khác mà được quy định cả trong ICCPR và ICESCR. Có thể thấy rõ sự gắn kết của quyền này với các quyền khác thông qua các nguyên tắc về không phân biệt đối xử và nhân phẩm. Không thể bảo đảm sự hưởng thụ đầy đủ các quyền khác, ví dụ như: quyền tự do biểu đạt, tự do hội họp, tự do cư trú, quyền được tham gia các hoạt động của xã hội, quyền được bảo vệ đời tư nếu không bảo đảm quyền có nhà ở thích đáng. Bất kể trình độ phát triển như thế nào, các quốc gia thành viên cũng phải thực hiện ngay những biện pháp nhất định để thực hiện quyền có nhà ở thích đáng. Như đã được đề cập trong Chiến lược toàn cầu về nhà ở và nhiều phân tích quốc tế khác, nhiều biện pháp thúc đẩy quyền có nhà ở thích đáng chỉ có thể thực hiện được thông qua cam kết và sự điều hành của các chính phủ với việc trợ giúp các nhóm xã hội gặp khó khăn. Trong trường hợp quốc gia gặp khó khăn trong việc thực hiện các chính sách về quyền có nhà ở thích đáng thì cần đề nghị có sự hỗ trợ quốc tế càng sớm càng tốt (đoạn 10). Các biện pháp hiện thực hóa quyền có nhà ở thích đáng là khác nhau giữa các quốc gia, tuy nhiên, tất cả các quốc gia cần thông qua chiến lược quốc gia về nhà ở và tham chiếu với quy định ở đoạn 32 của Chiến lược toàn cầu về nhà ở, trong đó quy định cần: “xác định mục tiêu về phát triển nhà ở, các nguồn lực phù hợp, các cách thức hiệu quả nhất về mặt chi phí, quy định các biện pháp, trách nhiệm và khung thời gian để đạt được những mục tiêu đó” (đoạn 12).