1. Quyền hạn và giới hạn của uỷ ban trọng tài

Quyền hạn của uỷ ban trọng tài là những quyền mà các bên trao cho uỷ ban trọng tài để uỷ ban trọng tài có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình. Những quyền này có thể được quy định rõ trong thoả thuận trọng tài hoặc ngụ ý thông qua việc dẫn chiếu quy tắc tố tụng trọng tài của tổ chức trọng tài thường trực thường trực hoặc quy tắc khác (ví dụ Quy tắc tố tụng trọng tài của UNCITRAL).

Những quyền này được trao trong giới hạn của luật áp dụng, thường là luật của nơi xét xử trọng tài, hoặc luật áp dụng cho thoả thuận trọng tài – nếu luật này khác luật áp dụng của nơi xét xử trọng tài.

Quyền lực đặc biệt và những đặc trưng duy nhất của trọng tài quốc tế là Thẩm quyền của thẩm quyền (Kompetenz – Kompetenz) và quyền xét xử tranh chấp nếu hợp đồng (trong đó có thoả thuận trọng tài) vô hiệu – cả hai quyền này đã và đang được phát triển thông qua luật án lệ – sẽ được phân tích trong mục C dưới đây về “Thẩm quyền của uỷ ban trọng tài”.

 

1.1. Khái quát về quyền của Ủy ban trọng tài

Uỷ ban trọng tài thường có những quyền sau:

– Nơi xét xử trọng tài: ấn định nơi xét xử trọng tài, trừ khi nơi xét xử do các bên thoả thuận hoặc do tổ chức trọng tài thường trực quyết định;

– Ngôn ngữ trọng tài: quyết định ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài, trừ phi các bên đã thoả thuận;

– Thời hạn: ấn định lịch cho tố tụng, bao gồm đặt ra và gia hạn thời hạn nộp văn bản giải trình của các bên;

– Phiên họp xét xử: tổ chức các phiên họp xét xử và đi thăm thực tế;

– Nhân chứng: lắng nghe các nhân chứng;

– Chuyên gia: chỉ định các chuyên gia;

– Luật áp dụng: xác định luật áp dụng cho tố tụng và nội dung của vụ tranh chấp, trừ khi các bên tự thoả thuận.

Nếu các bên đã trao những quyền này cho uỷ ban trọng tài (chỉ trong rất ít vụ), các trọng tài viên có thể quyết định như một nhà trung gian hoà giải (amiable compositeur). Uỷ ban trọng tài đã được trao quyền, khi áp dụng luật cụ thể, để không phải áp dụng nghiêm ngặt luật nếu uỷ ban xem xét thấy việc áp dụng nghiêm ngặt luật đó dẫn đến kết quả không công bằng, hoặc để quyết định trên cơ sở công bằng (ex aequo et bono).

 

1.2. Các biện pháp tạm thời

Đáp lại yêu cầu của một bên, uỷ ban trọng tài thường ra lệnh các biện pháp bảo vệ tạm thời trước khi ban hành phán quyết. Các biện pháp này có thể bao gồm:

– Các mệnh lệnh yêu cầu một bên cho phép tiếp cận để giám định hàng hoá, tài sản hoặc tài liệu;

– Các biện pháp để tránh tổn thất hoặc thiệt hại, ví dụ một mệnh lệnh để nhà thầu tiếp tục xây dựng công trình mặc dù khi có khiếu kiện thì nhà thầu có quyền dừng công trình lại; và

– Các biện pháp tạo thuận lợi cho việc thi hành phán quyết, ví dụ như tịch thu tài sản hoặc tài khoản ngân hàng, hoặc các mệnh lệnh rút từ tài khoản chung ở ngân hàng số tiền đang tranh chấp.

Thậm chí nếu một trọng tài viên có quyền đưa ra những mệnh lệnh như vậy theo luật quốc gia áp dụng hoặc quy tắc tố tụng trọng tài liên quan thì các bên không bắt buộc phải tuân theo những mệnh lệnh đó. Điều này không giống như một cơ quan có thẩm quyền quốc gia có quyền niêm phong hoặc tịch thu tài sản của bên thứ ba được giữ ở ngân hàng. Theo luật trọng tài của một số quốc gia, nếu mệnh lệnh đi kèm với phán quyết, các thẩm phán có thể do dự, hoặc từ chối thi hành phán quyết trọng tài đó.

 

2. Nhiệm vụ của uỷ ban trọng tài

Nhiệm vụ của uỷ ban trọng tài có thể bắt nguồn từ thoả thuận giữa các bên, từ luật áp dụng, hoặc từ quy tắc tố tụng trọng tài (vụ việc hoặc thường trực) áp dung.

Nhiệm vụ chủ yếu của uỷ ban trọng tài là ban hành một quyết định giải quyết tranh chấp giữa các bên.

 

2.1. Quy định bắt buộc

Như là một nguyên tắc chung, theo bất kỳ luật nào và theo bất kỳ nguyên tắc của một tổ chức trọng tài thường trực nào, một uỷ ban trọng tài có nhiệm vụ tôn trọng các quy tắc thủ tục bắt buộc của luật. Uỷ ban trọng tài sẽ phải đối xử công bằng với tất cả các bên, hành động một cách khách quan và bảo đảm các bên có đủ cơ hội trình bày và bảo vệ ý kiến của mình và trả lời ý kiến của bên kia. Một số tổ chức quy định “Quy tắc đạo đức” (“code of conduct” hoặc “code of ethics”) của trọng tài viên.

 

2.2. Điều khoản tham chiếu

Quy tắc của một số tổ chức trọng tài thường trực quy định uỷ ban trọng tài, trước khi bắt đầu giải quyết vụ việc, phải lập điều khoản tham chiếu. Việc này đòi hỏi một văn bản mang tính thủ tục, bao gồm tên và địa chỉ của các bên và các trọng tài viên, và một bản tóm tắt các sự kiện của vụ việc, khiếu kiện của các bên, các vấn đề cần quyết định, luật áp dụng (nếu các bên đã thoả thuận) và tất cả các vấn đề liên quan tới tố tụng.

 

2.3. Phán quyết có giải thích

Các bên hoặc luật và quy tắc áp dụng có thể quy định rằng quyết định của uỷ ban trọng tài phải nêu rõ các lý do để ban hành quyết định, và rằng quyết định phải được ban hành trong một thời hạn cụ thể. Hiện nay, thông lệ chung trong trọng tài quốc tế là ban hành phán quyết có giải thích lý do.

 

2.4. Thông báo phán quyết

Luật một số quốc gia cũng có thể quy định các nhiệm vụ đặc biệt và bổ sung cho trọng tài viên, ví dụ, nhiệm vụ thông báo và nộp phán quyết trọng tài cho toà án quốc gia.

 

3. Thẩm quyền của uỷ ban trọng tài

Nếu các bên đã thoả thuận đưa tranh chấp ra giải quyết bằng trọng tài, họ trao cho uỷ ban trọng tài quyền xét xử tranh chấp. Vì vậy, toà án quốc gia sẽ không có thẩm quyền xét xử tranh chấp, trừ khi điều khoản trọng tài vô hiệu hoặc trừ khi các bên huỷ thoả thuận trọng tài.

Một bên đã ký thoả thuận trọng tài không thể đưa vụ việc ra toà án quốc gia. Đây gọi là tác động tiêu cực của thoả thuận trọng tài. Điều khoản cơ bản trong vấn đề này là Điều II của Công ước Niu-oóc năm 1958 về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nướcngoài:

1.Mỗi Quốc gia thành viên sẽ công nhận một văn bản thỏa thuận theo đó các bên cam kết đưa ra xét xử trọng tài mọi bất đồng đã hoặc có thể phát sinh giữa các bên từ một quan hệ pháp lý  xác định, có là quan hệ hợp đồng hay không, liên quan tới một đối tượng có khả năng giải quyết bằng trọng tài.

2.Thuật ngữ ” văn bản thoả thuận ” bao gồm điều khoản trọng tài trong một hợp đồng hoặc một thoả thuận trọng tài, được các bên ký kết hoặc được ghi trong thư tín trao đổi.

3.Toà án của một Quốc gia thành viên, khi đã nhận được đơn kiện về vấn đề mà đối với vấn đề đó các bên đã thoả thuận theo nội dung của điều khoản này, sẽ theo yêu cầu của một trong các bên đưa các bên ra trọng tài, trừ khi toà thấy rằng thoả thuận nói trên là vô hiệu hoặc không thể thực hiện.

 

1. Thẩm quyền của toà án quốc gia không loại trừ hoàn toàn bị

Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định các vấn đề đang tranh chấp của uỷ ban trọng tài không loại trừ khả năng các toà án quốc gia có thể được yêu cầu áp dụng một số biện pháp nhất định trước khi bắt đầu tố tụng trọng tài, hoặc thậm chí trong quá trình tố tụng trọng tài, đó là các biện pháp khẩn cấp hoặc tạm thời. Yêu cầu toà án quốc gia ra lệnh các biện pháp đó sẽ bị xem như đã từ bỏ điều khoản trọng tài.

 

2. Thẩm quyền của thẩm quyền

Nếu một bên không thừa nhận thẩm quyền của uỷ ban trọng tài với lý do thoả thuận trọng tài không có hiệu lực, uỷ ban trọng tài sẽ có quyền tự quyết định thẩm quyền của mình. Đây được coi là nguyên tắc thẩm quyền của thẩm quyền (Kompetenz-Kompetenz). Quyết định về thẩm quyền sẽ được uỷ ban trọng tài đưa ra trong phán quyết tạm thời hoặc phán quyết cuối cùng.

 

3. Uỷ ban trọng tài vẫn có thẩm quyền thậm chí nếu hợp đồng vô hiệu

Trong trường hợp, uỷ ban trọng tài coi hợp đồng mà trong đó có thoả thuận trọng tài là không tồn tại, hoặc vô hiệu, điều này không dẫn đến thỏa thuận trọng tài cũng trở nên không tồn tại, hoặc vô hiệu. Nguyên tắc phổ biến trong trọng tài quốc tế là thoả thuận trọng tài “độc lập” và “tách rời” với những điều khoản còn lại của hợp đồng. Vì vậy, uỷ ban trọng tài sẽ tiếp tục có thẩm quyền quyết định quyền và nghĩa vụ tương ứng của các bên và xét xử khiếu kiện giữa họ, thậm chí nếu chính hợp đồng có thể không tồn tại, hoặc vô hiệu. Tuy nhiên, bất kỳ quyết định do uỷ ban trọng tài ban hành về thẩm quyền của mình thường bị  kiểm soát bởi toà án quốc gia nơi quyết định được lập.

Luật LVN Group (tổng hợp & sưu tầm từ các nguồn trên internet)