1. Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của cá nhân.
Cá nhân được quyền tự quyết đối với cơ thể mình và đối thi thể của họ sau khi chết. Do đó, Bộ luật dân sự đã ghi nhận quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.
Khoản 1 Điều 34 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
Cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.
Quyền hiến mô của cá nhân cũng được ghi nhận trong Luật hiếm, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006:
Điều 5. Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác
Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.
Mô là tập hợp các tế bào cùng một loại hay nhiều loại khác nhau để thực hiện các chức năng nhất định của cơ thể người; Còn bộ phận cơ thể người là một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định (Bộ phận cơ thể gồm bộ phận tái sinh và bộ phận không tái sinh) (Điều 3 Luật hiến, lẩy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006). Hiến mô, bộ phận cơ thể người là việc cá nhân tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết.
Quyền nhân thân này của cá nhân thể hiện tính nhân đạo cao cả. Mô, bộ phận cơ thể của con người khi còn sống hoặc sau khi chết có thể đem lại sự sống cho cá nhân khác hoặc có thể là căn cứ để phát triển các nghiên cứu khoa học, có tác dụng cứu giúp rất nhiều các bệnh nhân khác.
2. Quyền nhận mô, bộ phận cơ thể của cá nhân.
Theo khoản 2 Điều 35 Bộ luật dân sự 2015 thì cá nhân có quyền nhận mô, bộ phận cơ thể:
2. Cá nhân có quyền nhận mô, bộ phận cơ thể của người khác để chữa bệnh cho mình. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, pháp nhân có thẩm quyền về nghiên cứu khoa học có quyền nhận bộ phận cơ thể người, lấy xác để chữa bệnh, thử nghiệm y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.
Nhận mô, bộ phận cơ thể của người khác là quyền nhân thân thể hiện việc cá nhân được quyền chữa bệnh và quyền được sống. Đây còn là quyền nhân thân của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, pháp nhân có thẩm quyền về nghiên cứu khoa học. Các tổ chức này nhận bộ phận cơ thể người, lấy xác để thực hiện các hoạt động với mục đích: chữa bệnh, thử nghiệm y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.
3. Quy định của pháp luật liên quan đến việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người.
Văn bản chuyên ngành điều chỉnh việc hiến bộ phận cơ thể ở người sống hiện nay là Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006. Luật này quy định chi tiết và đầy đủ các nội dung như điều kiện hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể; quy trình thủ tục tiến hành; quyền lợi, nghĩa vụ của bên hiến và bên nhận; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc thực hiện quyền hiến mô, bộ phận cơ thể cả khi cá nhân còn sống hay khi đã chết đều gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến tình cảm gia đình, các quan niệm truyền thống của nhân dân.
Việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác phải tuân theo các nguyên tắc theo quy định ại Điều 4 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006:
– Tự nguyện đối với người hiến, người được ghép;
– Vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học;
– Không nhằm mục đích thương mại;
– Giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường họp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Một số hành vi bị cấm liên quan đến việc hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người:
– Lấy trộm mô, bộ phận cơ thể người; lấy trộm xác.
– Ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến.
– Mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác.
– Lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.
– Lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống dưới mười tám tuổi.
– Ghép mô, bộ phận cơ thể của người bị nhiễm bệnh theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
– Cấy tinh trùng, noãn, phôi giữa những người cùng dòng máu về trực hệ và giữa những người khác giới có họ trong phạm vi ba đời.
– Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.
– Tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép trái với quy định của pháp luật.
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm sai lệch kết quả xác định chết não.
4. Thủ tục đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống.
– Người có đủ điều kiện như: từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền bày tỏ nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể của mình với cơ sở y tế.
– Khi nhận được thông tin của người có nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể người, cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
– Khi nhận được thông báo về trường hợp hiến mô, bộ phận cơ thể người, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người có trách nhiệm thông báo cho cơ sở y tế có đủ điều kiện lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người để tiến hành các thủ tục đăng ký cho người hiến.
– Khi nhận được thông báo của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cơ sở y tế có đủ điều kiện lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể ngườicó trách nhiệm sau đây:
+ Trực tiếp gặp người hiến để tư vấn về các thông tin có liên quan đến hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người;
+ Hướng dẫn việc đăng ký hiến theo mẫu đơn; thực hiện việc kiểm tra sức khỏe cho người hiến;
+ Báo cáo danh sách người đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
– Việc đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống có hiệu lực kể từ khi cơ sở y tế nhận đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống.
– Trong trường hợp nếu muốn thay đổi, hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người ở người sống thì người đã đăng ký hiến gửi đơn đề nghị thay đổi hoặc hủy bỏ đến cơ sở y tế đã tiếp nhận đơn đăng ký hiến. Việc thay đổi hoặc hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống có hiệu lực kể từ khi cơ sở y tế nhận đơn thay đổi hoặc hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống.
5. Tội mua bán chiếm đoạt mô hoặc cơ thể người.
Theo Điều 154 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 thì:
Điều 154. Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người
1. Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì mục đích thương mại;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Đối với 06 người trở lên;
d) Gây chết người;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
– Khách thể của tội phạm: là sức khỏe và tính mạng của người khác.
– Chủ thể của tội phạm: Chủ thể thực hiện tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người không phải là chủ thể đặc biệt. Tức là người có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định. Theo quy định tại khoản 2 điều 12 BLHS thì người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này. Như vậy người từ đủ 16 tuổi trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.
– Mặt khách quan:
+ Hành vi:
- Hành vi mua bán mô hoặc bộ phận cơ thể người: không trực tiếp tác động lên cơ thể nạn nhân mà hoàn toàn dựa vào mục đích lợi nhuận và đối tượng của hành vi mua bán đó là mô hoặc bộ phận cơ thể người.
- Hành vi chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người: có thể trực tiếp tác động lên cơ thể nạn nhân để chiếm đoạt hoặc chiếm đoạt từ người khác và không phải mọi trường hợp chiếm đoạt đều vì mục đích lợi nhuận.
+ Về hậu quả: Tội phạm này là tội phạm có cấu thành hình thức, người phạm tội chỉ cần thực hiện một trong hành vi trên là đã cấu thành tội phạm mà không cần biết đã mua bán được chưa hay đã chiếm đoạt được mô hoặc bộ phận cơ thể người chưa.
– Mặt chủ quan:
Người phạm tội tiến hành mua bán chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người một cách cố ý. Người phạm tội thấy trước được hành động của mình sẽ là hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi phạm tội, biết hậu quả xảy ra và mong muốn hậu quả xảy ra.
Người phạm tội có thể thực hiện hành vi với nhiều động cơ, mục đích khác nhau nhưng đây không phải là dấu hiệu cấu thành tội phạm đối với tội phạm này.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Trân trọng./.