>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự về khởi kiện vụ án, gọi:  1900.0191

 

Luật sư tư vấn:

1. Căn cứ pháp lý áp dụng quyền khởi kiện vì lợi ích công cộng và nhà nước

Căn theo quy định tại Điều 187, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước

1. Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.

2. Tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao động ủy quyền theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

4. Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật.

5. Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.

 

2. Phân tích các nội dung, cách hiểu về quyền khởi kiện vì lợi ích công cộng và nhà nước

Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về quyền khởi kiện vụ án dân sự như sau: 

“Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.” 

Theo quy định này thì chủ thể có quyền khởi kiện được hiểu là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động có tranh chấp và chủ thể có quyền đại diện thực hiện quyền khởi kiện vụ án dân sự. Tiếp theo đó, Bộ luật Tố tụng dân sự đã cụ thể hóa hơn các chủ thể có quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác đồng thời quy định quyền khởi kiện của cơ quan, tổ chức vì lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước tại Điều 187 với nội dung sau:

Theo các quy định trên thì chủ thể có quyền khởi kiện vụ án dân sự bao gồm:

Thứ nhất, cơ quan quản lý Nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định tại khoản 5 Điều 84, khoản 2 Điều 86, khoản 3 Điều 102, khoản 2 Điều 119 của Luật Hôn nhân gia đình năm 2014. Đó là các trường hợp khởi kiện vụ án về: thay đổi người trực tiếp nuôi con; hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên; xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; xác định con cho cha, mẹ chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự; buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

Thứ hai, tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao động ủy quyền theo quy định của Bộ luật lao động.

Thứ ba, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Đây là một chủ thể có quyền khởi kiện mới được bổ sung vào Bộ luật tố tụng dân sự nhằm phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như điều kiện thực tế khi nhu cầu tiêu dùng của con người ngày càng gia tăng, sự biến động phức tạp của thị trường cung cầu trong và ngoài nước dẫn đến quyền lợi của người tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng và cần được bảo vệ một cách nhanh chóng kịp thời. Để trở thành tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì cần phải đáp ứng được các tiêu chí quy định tại Điều 27 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể là cần có 02 điều kiện: 

  • Một là, được thành lập theo quy định của pháp luật và hoạt động theo điều lệ được tham gia hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 
  • Hai là, hoạt động bảo vệ người tiêu dùng của tổ chức xã hội phải tuân theo quy định củ pháp luật hiện hành. Hiện nay, theo thống kê của Bộ Công thương thì ngoài Hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (VINASTAS) đã có 53 Hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở 53 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thứ tư, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân gia đình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định tại khoản 2 Điều 51, khoản 5 Điều 84, khoản 2 Điều 86, Điều 92, khoản 3 Điều 102, khoản 2 Điều 119 của Luật Hôn nhân gia đình năm 2014. Đó là các trường hợp khởi kiện vụ án về việc: yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do vợ, chồng của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ; yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn khi người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên; xác định cha, mẹ con trong trường hợp người có yêu cầu chết; xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con thành niên mất năng lực hành vi dân sự; xác định con cho cha, mẹ chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự; buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ. Chủ thể có quyền khởi kiện trong trường hợp này là sự bổ sung mới của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nhằm phù hợp với quy định của Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 cũng như giải quyết được các vướng mắc trong việc giải quyết quan hệ hôn nhân trong trường hợp vợ hoặc chồng bị mất năng lực hành vi dân sự và chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của bạo lực gia đình. 

Thứ năm, bên cạnh việc quy định các chủ thể khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã ghi nhận quyền khởi kiện của cơ quan, tổ chức vì lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước. Theo quy định tại khoản 4 Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, chủ thể khởi kiện được coi là nguyên đơn những không có quyền lợi bị tranh chấp hay vi phạm. Các văn bản giải đáp của Tòa án tối cao hiện nay không đề cập tới vấn đề này. Tuy nhiên, theo tinh thần của Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 hướng dẫn tại khoản 1 Điều 3 như sau:

“1. Cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước quy định tại khoản 3 Điều 162 của Bộ luật tố tụng dân sự khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Cơ quan, tổ chức đó có những nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quản lý xã hội về một lĩnh vực nhất định;

b) Lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước cần yêu cầu Tòa án bảo vệ phải thuộc lĩnh vực do cơ quan, tổ chức đó phụ trách.”

Trên đây là tư vấn của chúng tôi.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi số: 1900.0191 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Xin chân thành cảm ơn!