I. Quy trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ Liên bang Nga

1. Cơ sở pháp lý và hình thức văn bản quy phạm pháp luậtcủa Chính phủ

1.1. Cơ sở pháp lý

Liên bang Nga không có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL của Chính phủ Liên bang Nga được các văn bản pháp luật khác nhau điều chỉnh. Đó là Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993[1]; Luật hiến pháp liên bang về Chính phủ Liên bang Nga[2](sau đây gọi tắt là Luật về Chính phủ Liên bang Nga); Sắc lệnh số 763 ngày 23/5/1996 của Tổng thống Liên bang Nga quy định về thủ tục công bố và hiệu lực của các quyết định của Tổng thống, Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của các cơ quan hành pháp liên bang[3]; Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 260 ngày 01/6/2004[4].

Ngoài ra, Chính phủ ban hành Nghị định số 195 ngày 05/3/2009 về thẩm định dự thảo VBQPPL và các văn bản khác nhằm phát hiện các quy định tạo điều kiện cho tham nhũng[5], Nghị định số 196 ngày 05/3/2009 về Phương pháp thẩm định dự thảo VBQPPL và các văn bản khác nhằm phát hiện các quy định tạo điều kiện cho tham nhũng[6].

1.2. Hình thức văn bản

Theo quy định tại khoản 1 Điều 115 Hiến pháp Liên bang Nga thì căn cứ và để thực hiện Hiến pháp Liên bang, các luật liên bang, các VBQPPL của Tổng thống, Chính phủ ban hành các nghị định, quyết định và bảo đảm việc thực hiện các văn bản đó. Điều 23 Luật về Chính phủ Liên bang Nga quy định: các văn bản mang tính quy phạm pháp luật được ban hành dưới hình thức nghị định của Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, điều hành không mang tính quy phạm pháp luật được ban hành dưới hình thức quyết định của Chính phủ. Như vậy, Chính phủ ban hành một loại VBQPPL duy nhất là nghị định. Điều 29 Luật về Chính phủ Liên bang Nga quy định: để giải quyết các vấn đề cấp bách theo đề nghị của Chủ tịch Chính phủ, có thể thành lập Đoàn Chủ tịch Chính phủ. Đoàn Chủ tịch họp và có thể thông qua quyết định nhưng không được trái với các quyết định đã được tập thể Chính phủ thông qua và Chính phủ có thể hủy bỏ bất cứ quyết định nào của Đoàn Chủ tịch Chính phủ. Theo quy định tại khoản 9 Quy chế làm việc của Chính phủ thì Chủ tịch, các Phó Chủ tịch ban hành các nghị quyết và theo quy định của pháp luật, các nghị quyết này không phải là VBQPPL.

2. Thủ tục soạn thảo và thông qua các dự thảo nghị định

Các bộ liên bang soạn thảo các dự thảo nghị định. Tờ trình kèm theo dự thảo nghị định phải nêu rõ căn cứ trình, các thông tin về nội dung và sự nhất trí đối với dự thảo, thuyết minh, giải trình về kinh phí cần thiết, các dự báo về hậu quả kinh tế – xã hội, tài chính và các hậu quả khác do việc thực hiện nghị định đó (nếu được ban hành) gây ra.

2.1. Tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo nghị định

Dự thảo nghị định phải có sự thỏa thuận của: các bộ trưởng liên bang về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ đó và của các cơ quan hành pháp khác của liên bang; người đứng đầu các cơ quan hành pháp khác của liên bang (không phải là các bộ liên bang) về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của các cơ quan này; các cơ quan khác của Nhà nước và các tổ chức khác trong trường hợp cần thiết. Người đứng đầu cơ quan hành pháp liên bang trình dự thảo nghị định, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Chính phủ xác định thành phần các cơ quan, tổ chức cần xin ý kiến bổ sung.

Cơ quan được lấy ý kiến phải góp ý đối với dự thảo nghị định trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo. Nếu cơ quan được lấy ý kiến mà không góp ý đối với dự thảo thì trong thời hạn ba ngày kể từ ngày hết hạn góp ý, dự thảo nghị định vẫn có thể được trình Chính phủ.

Trường hợp có các ý kiến khác nhau đối với dự thảo, người lãnh đạo cơ quan chủ trì soạn thảo phải thảo luận với người lãnh đạo các cơ quan, tổ chức đã đóng góp ý kiến. Dự thảo nghị định còn có các ý kiến khác nhau vẫn có thể được trình Chính phủ kèm theo biên bản cuộc họp lấy ý kiến và bản chính các văn bản đóng góp ý kiến có chữ ký của những người có ý kiến khác nhau. Trường hợp không nhận được biên bản cuộc họp góp ý do người đứng đầu của cơ quan được lấy ý kiến ký thì trong thời hạn năm ngày kể từ ngày biên bản được gửi đến cơ quan đó, dự thảo nghị định có thể được trình Chính phủ kèm theo biên bản mà không có chữ ký của người đứng đầu của cơ quan được lấy ý kiến. Các dự thảo nghị định trình Chính phủ còn có ý kiến khác nhau được báo cáo Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Chính phủ (phụ trách lĩnh vực) để đề nghị tiếp tục thủ tục hoàn chỉnh. Các ý kiến khác nhau đối với dự thảo được Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Chính phủ (phụ trách lĩnh vực) xem xét với sự tham gia của các bộ trưởng liên bang, người đứng đầu các cơ quan hành pháp khác của Liên bang có ý kiến khác nhau. Đối với các ý kiến khác nhau thì phải thông qua các quyết định để giải quyết. Các ý kiến khác nhau có thể được giải quyết tại cuộc họp của cơ quan phối hợp hoặc tư vấn có liên quan của Chính phủ, tại Văn phòng Chính phủ và theo chỉ đạo của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Chính phủ (phụ trách lĩnh vực). Theo quyết định của Chủ tịch, các ý kiến khác nhau chưa được giải quyết có thể được đưa ra phiên họp Chính phủ. Đối với các vấn đề theo quy định của pháp luật chỉ được giải quyết tại phiên họp Chính phủ, quyết định cuối cùng về giải quyết các ý kiến khác nhau chỉ được thông qua tại phiên họp Chính phủ.

2.2. Thẩm định dự thảo nghị định

Sau khi hoàn thành việc lấy ý kiến, trước khi trình Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi dự thảo nghị định đến Bộ Tư pháp để thẩm định, đánh giá về: sự phù hợp của đối tượng điều chỉnh của dự thảo với các văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn; không còn mâu thuẫn trong dự thảo; không còn khoảng trống trong điều chỉnh pháp luật các quan hệ xã hội có liên quan và về sự tuân thủ kỹ thuật pháp lý của văn bản. Để chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật, Nghị định số 242 ngày 17/3/2009 có hiệu lực từ ngày 04/4/2009[7] đã bổ sung nội dung thẩm định dự thảo nghị định theo quy định của Chính phủ về Phương pháp thẩm định dự thảo VBQPPL và các văn bản khác nhằm phát hiện các quy định tạo điều kiện cho tham nhũng.

Dự thảo nghị định ảnh hưởng đến thu, chi ngân sách liên bang, ngân sách của các chủ thể của Liên bang, ngân sách địa phương, các quỹ nhà nước ngoài ngân sách phải kèm theo các biên bản cuộc họp thảo luận (nếu có) và các ý kiến góp ý phải được gửi đến Bộ Tài chính để xem xét, đánh giá hậu quả về mặt tài chính đối với các ngân sách, các quỹ do việc ban hành và thực hiện các nghị định nêu trên. Dự thảo nghị định điều chỉnh các quan hệ của các doanh nghiệp hoặc quan hệ của doanh nghiệp với Nhà nước và ảnh hưởng đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế vĩ mô của đất nước kèm theo các biên bản cuộc họp thảo luận (nếu có) và các ý kiến đóng góp được gửi đến Bộ Phát triển kinh tế để có đánh giá về ảnh hưởng của nghị định đối với các chỉ tiêu phát triển kinh tế vĩ mô và các hậu quả của việc ban hành nghị định đó đối với doanh nghiệp.

2.3. Trình Chính phủ và ban hành

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Văn phòng Chính phủ chuẩn bị trình Chính phủ xem xét dự thảo nghị định theo các thủ tục như: chuẩn bị ý kiến thẩm tra, soạn thảo dự thảo biên bản phiên họp (nếu thấy cần thiết) và chuẩn bị dự thảo nghị định để trình ký. Chỉ Chủ tịch, các Phó Chủ tịch (phụ trách lĩnh vực) hoặc Phó Chủ tịch Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ mới có quyền quyết định kéo dài thời hạn nêu trên. Dự thảo nghị định đã có ý kiến thẩm tra được các Phó Chủ tịch (phụ trách lĩnh vực) xem xét và được Phó Chủ tịch Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình Chủ tịch ký hoặc được đưa ra phiên họp Chính phủ. Căn cứ kết quả xem xét của Chủ tịch hoặc các Phó Chủ tịch (phụ trách lĩnh vực), dự thảo nghị định có thể được trả lại người đứng đầu cơ quan hành pháp liên bang đã trình để hoàn chỉnh hoặc do không hợp lý nếu ban hành nghị định đó.

Dự thảo nghị định được thông qua tại phiên họp Chính phủ bằng hình thức nhất trí chung như biểu quyết theo đề nghị của thành viên Chính phủ và được chủ tọa quyết định; theo đó, dự thảo nghị định được thông qua theo đa số thành viên Chính phủ có mặt tại phiên họp; nếu số phiếu ngang nhau thì theo lá phiếu của chủ tọa. Theo đề nghị của thành viên Chính phủ hoặc theo quyết định của chủ tọa phiên họp, có thể đưa vào biên bản phiên họp ý kiến đặc biệt của thành viên Chính phủ về vấn đề đang được xem xét. Nếu còn các ý kiến và đề nghị chỉnh lý các dự thảo nghị định đã được xem xét tại phiên họp, Chính phủ giao cho các bộ, các cơ quan hành pháp khác của liên bang thực hiện. Trường hợp không quy định thời hạn hoàn thành, thì việc chỉnh lý dự thảo phải được thực hiện trong thời gian không quá 10 ngày. Sau khi dự thảo nghị định được Chủ tịch Chính phủ ký, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ghi ngày, tháng, số vào nghị định và tổ chức phát hành.

3. Thủ tục công bố và thời điểm có hiệu lực của nghị định của Chính phủ

Theo quy định tại Điều 23 Luật về Chính phủ Liên bang Nga và Sắc lệnh số 763 ngày 23/5/1996 của Tổng thống, các nghị định của Chính phủ phải được đăng Công báo của Liên bang và không phải đăng ký quốc gia. Các nghị định (trừ các nghị định có các nội dung thuộc bí mật nhà nước hoặc các nội dung mang tính bí mật) phải được công bố trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ban hành; trong trường hợp cần phải công bố để toàn dân biết ngay thì phải đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các nghị định có hiệu lực đồng thời trên toàn bộ lãnh thổ Liên bang sau bảy ngày kể từ ngày công bố chính thức đầu tiên. Các nghị định liên quan đến các quyền, tự do và nghĩa vụ của con người và công dân, quy định địa vị pháp lý của các cơ quan hành pháp liên bang và các tổ chức cũng có hiệu lực sau bảy ngày kể từ ngày công bố chính thức lần đầu tiên. Tuy nhiên, Sắc lệnh của Tổng thống cũng cho phép trong các nghị định của Chính phủ có thể có quy định khác về thời điểm có hiệu lực của các văn bản đó.

4. Xem xét, xử lý các nghị định có dấu hiệu trái pháp luật

Theo quy định tại khoản 3 Điều 115 Hiến pháp Liên bang Nga và Điều 32 Luật về Chính phủ Liên bang Nga thì các nghị định của Chính phủ trái Hiến pháp Liên bang, các luật liên bang, các sắc lệnh của Tổng thống có thể bị Tổng thống hủy bỏ. Đồng thời, các nghị định của Chính phủ có thể bị kiện ra Toà án Hiến pháp Liên bang để xem xét tính hợp hiến theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 125 Hiến pháp Liên bang Nga, điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Hiến pháp liên bang số 1-FKZ ngày 21/7/1994 ”Về Toà án Hiến pháp Liên bang Nga” (sau đây gọi tắt là Luật về Toà án Hiến pháp Liên bang Nga)[8].

Các nghị định của Chính phủ thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án tối cao Liên bang Nga theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang Nga[9]. Toà án tối cao Liên bang Nga không giải quyết các đơn yêu cầu kiểm tra tính hợp hiến của các nghị định.

5. Xử lý văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ trái pháp luật

Quy định tại đoạn thứ ba khoản 108 Quy chế làm việc của Chính phủ: ”Văn phòng Chính phủ gửi các chất vấn, các kiến nghị của thành viên Hội đồng Liên bang, của đại biểu Đuma quốc gia đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Chính phủ đến các cơ quan hành pháp liên bang thuộc quyền lãnh đạo của Tổng thống hoặc Chính phủ để chuẩn bị trả lời” đã bị một đại biểu Đuma quốc gia kiện ra Toà án tối cao liên bang vì trái với Điều 14 Luật liên bang số 3-FZ ngày 08/5/1994 ”Về địa vị của thành viên Hội đồng liên bang và đại biểu Đuma quốc gia”[10]. Theo đó, người có chức vụ nhận được chất vấn phải trả lời chất vấn bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được chất vấn hoặc trả lời bằng hình thức khác theo sự thoả thuận với người đã chất vấn. Nhiều lần, các chất vấn của các đại biểu này gửi đến Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Chính phủ về các vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ đã bị Văn phòng Chính phủ gửi đến các cơ quan hành pháp liên bang để trả lời theo quy định tại đoạn thứ ba khoản 108 nêu trên. Căn cứ quy định tại các điều từ Điều 194 đến Điều 199 và Điều 253 Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang Nga, Toà án tối cao liên bang đã tuyên bố đoạn thứ ba nêu trên là không có hiệu lực kể từ ngày Quyết định số GKPI06-1355 ngày 15/02/2007 của Toà án tối cao liên bang[11] có hiệu lực pháp luật. Chính phủ có đơn kháng cáo lên Toà Phúc thẩm Toà án tối cao liên bang. Sau khi xem xét nội dung đơn kháng cáo, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành và các quy định tại các Điều 360, 361 và 366 Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang Nga, ngày 03/5/2007, Toà phúc thẩm đã ra Phán quyết số KAX07-151[12] giữ nguyên Quyết định số GKPI06-1355 ngày 15/02/2007 của Toà án tối cao liên bang.

Vì vậy, ngày 31/7/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 492[13] sửa đổi, bổ sung đoạn thứ ba khoản 108 Quy chế làm việc của Chính phủ và có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2007.

II. Quy định của pháp luật về soạn thảo, ban hành, kiểm tra, xử lý và đăng ký quốc gia VBQPPL của các cơ quan hành pháp Liên bang Nga (các bộ liên bang và các cơ quan hành pháp liên bang)

Việc soạn thảo, ban hành, kiểm tra, xử lý và đăng ký quốc gia VBQPPL của cơ quan hành pháp liên bang được thực hiện theo Quy tắc chuẩn bị và đăng ký quốc gia VBQPPL của cơ quan hành pháp liên bang (sau đây gọi tắt là Quy tắc) ban hành kèm theo Nghị định số 1009 ngày 13/8/1997[14]; các Nghị định số 195 và 196 ngày 05/3/2009[15]; Chỉ thị số 48 ngày 04/5/2007 của Bộ Tư pháp ”Về việc hướng dẫn thi hành Quy tắc chuẩn bị và đăng ký quốc gia VBQPPL của cơ quan hành pháp liên bang”[16](sau đây gọi tắt là Chỉ thị).

Theo Quy tắc và Chỉ thị nêu trên, chỉ các cơ quan hành pháp liên bang mới có thẩm quyền ban hành VBQPPL dưới hình thức nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy tắc, hướng dẫn và quy chế. Các cơ quan thuộc Chính phủ không được ban hành VBQPPL. VBQPPL của các cơ quan hành pháp liên bang được ban hành trên cơ sở và để thi hành các luật hiến pháp liên bang, các luật liên bang, sắc lệnh, chỉ thị của Tổng thống, nghị định và quyết định của Chính phủ và theo sáng kiến của cơ quan hành pháp liên bang trong phạm vi thẩm quyền của mình. Quy tắc không cho phép ban hành VBQPPL dưới hình thức thư, công điện và không cho phép các đơn vị cấu thành của các cơ quan hành pháp liên bang, các cơ quan hành pháp địa phương thẩm quyền ban hành VBQPPL. VBQPPL có thể được một số cơ quan hành pháp liên bang liên tịch ban hành hoặc được một cơ quan hành pháp liên bang ban hành, nhưng phải có sự đồng ý của các cơ quan khác.

1. Quy trình soạn thảo, ban hành

Dự thảo VBQPPL do một hoặc một số đơn vị chức năng thuộc cơ quan hành pháp liên bang chuẩn bị; trong đó, phải xác định số người tham gia chịu trách nhiệm chuẩn bị dự thảo, thời hạn chuẩn bị, trường hợp cần thiết có thể mời các tổ chức tham gia chuẩn bị. Có thể thành lập các tổ công tác để chuẩn bị các dự thảo VBQPPL quan trọng và phức tạp và các dự thảo VBQPPL liên tịch của một số cơ quan hành pháp liên bang. Thời hạn chuẩn bị và ban hành VBQPPL để thực hiện các luật hiến pháp liên bang, các luật liên bang, các sắc lệnh, chỉ thị của Tổng thống, các nghị định của Chính phủ không được muộn hơn một tháng, trừ trường hợp pháp luật có quy định thời hạn khác. Để thẩm định độc lập về nguy cơ tham nhũng theo Quy định về tiến hành thẩm định dự thảo VBQPPL và các văn bản khác nhằm phát hiện các quy định tạo điều kiện cho tham nhũng[17], trừ các văn bản có các thông tin bí mật nhà nước hoặc các văn bản có các thông tin mang tính chất bí mật, dự thảo VBQPPL được đưa lên mạng của cơ quan hành pháp liên bang chủ trì soạn thảo cùng với ngày gửi văn bản đó đến tổ chức pháp chế của cơ quan hành pháp liên bang để thẩm định. Thời hạn tiến hành thẩm định độc lập về nguy cơ tham nhũng trong dự thảo VBQPPL do cơ quan hành pháp liên bang thực hiện không ít hơn bảy ngày. Khi chuẩn bị dự thảo VBQPPL, phải sử dụng Phương pháp thẩm định dự thảo VBQPPL và các văn bản khác nhằm phát hiện các quy định tạo điều kiện cho tham nhũng[18] để không đưa các quy định đó vào dự thảo.

Dự thảo VBQPPL phải được sự đồng ý của các cơ quan hành pháp liên bang có liên quan nếu như sự đng ý đó là bắt buộc theo quy định của pháp luật liên bang. Dự thảo VBQPPL có các quy định liên ngành hoặc có sự phối hợp hoạt động của các cơ quan hành pháp liên bang cũng phải được sự đồng ý của các cơ quan hành pháp liên bang có liên quan.

Dự thảo VBQPPL ảnh hưởng đến thu, chi của ngân sách liên bang, ngân sách của các chủ thể liên bang, ngân sách địa phương và ngân sách của các quỹ ngoài ngân sách nhà nước phải được gửi đến Bộ Tài chính thẩm định để đánh giá về các hậu quả tài chính đối với các loại ngân sách và các quỹ ngoài ngân sách do việc ban hành văn bản nêu trên. Thời hạn thẩm định là 30 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo VBQPPL. Cơ quan hành pháp liên bang có ý kiến đối với dự thảo VBQPPL trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo. Hết thời hạn đã định mà cơ quan hành pháp liên bang không có văn bản đồng ý với dự thảo thì coi như dự thảo đã được đồng ý. Nếu những góp ý và phản đối ngoài phạm vi quản lý của cơ quan hành pháp liên bang đã góp ý hoặc phản đối thì những góp ý hoặc phản đối đó có thể không được cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo VBQPPL xem xét.

Để đảm bảo tính hợp pháp và rút ngắn thời gian đăng ký quốc gia tại Bộ Tư pháp liên bang, theo đề nghị của cơ quan hành pháp liên bang và căn cứ các hợp đồng đã ký kết, Bộ Tư pháp có thể tiến hành thẩm định về mặt pháp lý đối với dự thảo VBQPPL do các cơ quan soạn thảo.

Nếu dự thảo VBQPPL còn có những ý kiến khác nhau thì cơ quan soạn thảo phải thảo luận với cơ quan có liên quan để giải quyết. Trường hợp không đạt được thỏa thuận, các cơ quan hành pháp liên bang lập biên bản các cuộc họp hòa giải có chữ ký của lãnh đạo các cơ quan liên quan và lãnh đạo hoặc cấp phó của cơ quan có các ý kiến khác nhau.

Cùng với việc soạn thảo dự thảo VBQPPL là việc chuẩn bị các đề nghị về việc sửa đổi hoặc công nhận hết hiệu lực các văn bản hoặc những phần các văn bản đã ban hành trước đó. Nếu theo quy định của pháp luật liên bang, việc soạn thảo dự thảo VBQPPL của cơ quan hành pháp liên bang dẫn đến sự công nhận hết hiệu lực của văn bản của Chính phủ thì cùng với việc soạn thảo dự thảo VBQPPL phải soạn thảo dự thảo VBQPPL của Chính phủ công nhận văn bản của Chính phủ hết hiệu lực. Trong đó, cần phải xem xét quy định về thủ tục có hiệu lực của dự thảo VBQPPL của cơ quan hành pháp liên bang phù hợp với dự thảo văn bản của Chính phủ công nhận văn bản của Chính phủ hết hiệu lực. VBQPPL được các cơ quan hành pháp liên bang liên tịch ban hành hoặc ban hành trên cơ sở thỏa thuận với các cơ quan hành pháp liên bang khác được sửa đổi hoặc được công nhận hết hiệu lực theo sự thỏa thuận với các cơ quan hành pháp liên bang đó. Nếu trong quá trình chuẩn bị dự thảo VBQPPL, xuất hiện sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung cơ bản các VBQPPL đã ban hành trước đó hoặc có các văn bản liên quan đến vấn đề đó thì phải soạn thảo văn bản mới duy nhất. Trong dự thảo VBQPPL mới có các quy định mới và các quy định cũ vẫn còn hiệu lực pháp luật.

VBQPPL được người đứng đầu (hoặc người được ủy quyền) của cơ quan hành pháp liên bang ký, ban hành.

2. Thẩm quyền kiểm tra, xử lý và đăng ký quốc gia VBQPPL của cơ quan hành pháp liên bang

Sau 10 ngày kể từ ngày ký, ban hành, VBQPPL phải được gửi đến Bộ Tư pháp để đăng ký quốc gia. Đối với văn bản liên tịch thì cơ quan nào đứng tên đầu tiên trong những cơ quan ký văn bản thì cơ quan đó gửi VBQPPL đến Bộ Tư pháp để đăng ký quốc gia. Bộ Tư pháp tiến hành đăng ký quốc gia trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản. Thủ tục đăng ký quốc gia VBQPPL bao gồm: thẩm định về mặt pháp lý sự phù hợp của dự thảo với pháp luật Liên bang Nga; trong đó có kiểm tra các quy định trong văn bản làm nảy sinh các điều kiện dẫn đến tham nhũng; ban hành quyết định về sự cần thiết đăng ký quốc gia văn bản nêu trên; cấp số đăng ký; đưa vào đăng ký quốc gia VBQPPL của cơ quan hành pháp liên bang. Những nội dung liên quan đến VBQPPL được gửi đến Bộ Tư pháp để đăng ký quốc gia như: căn cứ ban hành văn bản; thông tin về các VBQPPL đang có hiệu lực liên quan đến vấn đề trong VBQPPL và thông tin về các thời hạn có hiệu lực của các văn bản phù hợp với văn bản đã được ban hành; thông tin về sự thỏa thuận với các cơ quan hành pháp liên bang và các cơ quan khác của Nhà nước nếu như sự thỏa thuận đó phải có theo quy định; thông tin về tiến hành thẩm định độc lập về nguy cơ tham nhũng kèm theo bản photocopy các kết luận thẩm định.

Trường hợp cần thiết, thời hạn đăng ký có thể do Bộ Tư pháp kéo dài thêm 10 ngày làm việc và trường hợp đặc biệt thì không quá một tháng. Trong quá trình đăng ký quốc gia, VBQPPL có thể bị từ chối đăng ký nếu như khi tiến hành thẩm định về mặt pháp lý có xác định được sự không phù hợp của văn bản với pháp luật Liên bang Nga hoặc trong VBQPPL có các quy định tạo điều kiện cho tham nhũng. VBQPPL bị từ chối đăng ký được Bộ Tư pháp trả lại cơ quan hành pháp liên bang đã ban hành văn bản đó, trong đó nêu rõ nguyên nhân từ chối đăng ký. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được sự từ chối, người đứng đầu cơ quan hành pháp liên bang phải ban hành văn bản hủy bỏ VBQPPL đã bị từ chối đăng ký và gửi đến Bộ Tư pháp một bản photocopy văn bản hủy bỏ VBQPPL đó.

Trường hợp VBQPPL chưa đăng ký quốc gia được trả lại do vi phạm thủ tục đăng ký hoặc vi phạm Quy tắc, các hành vi vi phạm phải được khắc phục; văn bản được đăng ký lại trong thời hạn 10 ngày hoặc gửi đến Bộ Tư pháp văn bản hủy bỏ VBQPPL. Trong thời hạn một ngày sau khi đăng ký quốc gia, Bộ Tư pháp gửi bản chính VBQPPL có đánh số đăng ký đến cơ quan hành pháp liên bang đã gửi văn bản đến đăng ký.

Các VBQPPL của các cơ quan hành pháp liên bang liên quan đến các quyền, tự do và nghĩa vụ của con người và công dân, quy định địa vị pháp lý của các tổ chức hoặc có tính liên ngành đã được đăng ký quốc gia tại Bộ Tư pháp phải được công bố chính thức, trừ các văn bản hoặc các phần khác nhau của các văn bản đó chứa các thông tin bí mật nhà nước hoặc các thông tin có tính chất bí mật. Trong thời hạn một ngày kể từ ngày đăng ký, Bộ Tư pháp gửi bản photocopy các văn bản phải công bố đến báo Rossixkaia Gazeta, Công báo VBQPPL của các cơ quan hành pháp liên bang của Nhà xuất bảnTài liệu pháp lý trực thuộc Văn phòng Tổng thống, Trung tâm khoa học – kỹ thuật về thông tin pháp luật ”Hệ thống”Viện Nghiên cứu lập pháp và luật học so sánh trực thuộc Chính phủ.

Pháp luật Liên bang Nga quy định dự thảo VBQPPL còn có những ý kiến khác nhau chưa giải quyết được trong các cuộc họp hòa giải có thể được lãnh đạo cơ quan hành pháp liên bang ký, ban hành và gửi đến đăng ký quốc gia ở Bộ Tư pháp hoặc cũng có thể được gửi đến Phó Chủ tịch Chính phủ (phụ trách lĩnh vực) cùng với biên bản các cuộc họp hòa giải để giải quyết có sự tham gia của người đứng đầu cơ quan hành pháp liên bang còn có các ý kiến khác nhau. Phó Chủ tịch Chính phủ ban hành quyết định để giải quyết các ý kiến khác nhau. Cơ quan phối hợp hoặc cơ quan tư vấn của Chính phủ có thể tổ chức cuộc họp để giải quyết các vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Trường hợp dự thảo VBQPPL phải được hoàn chỉnh thêm theo quyết định của Phó Chủ tịch Chính phủ thì dự thảo đó phải được hoàn chỉnh và phải có sự thỏa thuận của cơ quan hành pháp liên bang có liên quan. Nếu theo quyết định của Phó Chủ tịch Chính phủ, dự thảo VBQPPL không phải hoàn chỉnh thêm thì dự thảo đó không phải lấy ý kiến thỏa thuận lần thứ hai và VBQPPL sau khi được ban hành phải được gửi đến đăng ký quốc gia tại Bộ Tư pháp có kèm theo quyết định của Phó Chủ tịch Chính phủ.

Tại các cuộc họp hòa giải, dự thảo VBQPPL còn có ý kiến khác nhau chưa được giải quyết vẫn được lãnh đạo cơ quan hành pháp liên bang ký, ban hành, thì lãnh đạo cơ quan hành pháp liên bang có ý kiến khác nhau có quyền báo cáo Phó Chủ tịch Chính phủ kèm theo các tài liệu về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau đối với dự thảo VBQPPL và biên bản các cuộc họp hòa giải. Phó Chủ tịch Chính phủ có thể giao Bộ Tư pháp dừng việc đăng ký văn bản trước khi có quyết định giải quyết.

Nếu Bộ Tư pháp đã đăng ký quốc gia VBQPPL còn có các ý kiến khác nhau chưa được giải quyết tại các cuộc họp hòa giải thì Phó Chủ tịch Chính phủ có thể xem xét các ý kiến khác nhau đó và quyết định giao cho người đứng đầu cơ quan hành pháp liên bang đã ký VBQPPL phải sửa đổi VBQPPL theo đề nghị của cơ quan hành pháp liên bang đã có các ý kiến khác nhau.

Các VBQPPL (trừ các văn bản và các phần khác nhau của các văn bản có chứa thông tin bí mật nhà nước hoặc các thông tin có tính chất bí mật) không đăng ký quốc gia hoặc đã được đăng ký quốc gia nhưng không công bố theo quy định thì không có hậu quả pháp lý, không có hiệu lực và cũng không phải là cơ sở để điều chỉnh các quan hệ xã hội tương ứng, không phải là cơ sở để áp dụng các chế tài đối với các công dân, những người có thẩm quyền và các tổ chức do không thực hiện các quy định trong các văn bản đó. Các văn bản nêu trên không phải là căn cứ pháp lý khi giải quyết các tranh chấp.

Như vậy, pháp luật Liên bang Nga không quy định hệ thống các cơ quan kiểm tra, xử lý VBQPPL như ở Việt Nam, nhưng thông qua việc đăng ký quốc gia, Bộ Tư pháp Liên bang Nga tiến hành kiểm tra, xử lý VBQPPL do các bộ, cơ quan hành pháp liên bang ban hành để đảm bảo cho các văn bản đó đúng pháp luật trước khi đăng ký quốc gia.

Các VBQPPL của các cơ quan hành pháp liên bang có hiệu lực đồng thời trên toàn lãnh thổ Liên bang Nga sau mười ngày kể từ ngày công bố chính thức nếu như các văn bản đó không có quy định khác về hiệu lực. Các VBQPPL có các thông tin bí mật nhà nước hoặc có các thông tin mang tính chất bí mật và không phải công bố chính thức, đã được đăng ký quốc gia tại Bộ Tư pháp Liên bang Nga, được đánh số thứ tự có hiệu lực kể từ ngày đăng ký quốc gia, nếu như các văn bản đó không quy định về thời hạn có hiệu lực muộn hơn.

Tính đến hết ngày 31/7/2009, Bộ Tư pháp Liên bang Nga đã đăng ký quốc gia cho 14.443 VBQPPL của các cơ quan hành pháp liên bang[19].

Theo quy định tại Điều 12 Luật về Chính phủ Liên bang Nga, thì Chính phủ có quyền bãi bỏ các văn bản của các cơ quan hành pháp liên bang hoặc đình chỉ việc thi hành các văn bản đó. /.

Chú thích:

[1] Конституция Российской Федерации 1993 с изменениями, внесенными     Законами Российской Федерации о поправке к Конституции Российской Федерации: от 30 декабря 2008 года N 6-ФКЗ; от 30 декабря 2008 года N 7-ФКЗ; от 25 марта 2004 года N 1-ФКЗ (изменения вступили в силу с 1 декабря 2005 года); от 14 октября 2005 года N 6-ФКЗ (изменения вступили в силу с 1 января 2007 года); от 12 июля 2006 года N 2-ФКЗ (изменения вступили в силу с 1 июля 2007 года); от 30 декабря 2006 года N 6-ФКЗ (изменения вступили в силу с 1 января 2008 года); от 21 июля 2007 года N 5-ФКЗ (изменения вступают в силу с 1 марта 2008 года);

В часть 1 статьи 65 Конституции внесены изменения в соответствии с Указами Президента Российской Федерации: от 9 января 1996 года N 20; от 10 февраля 1996 года N 173; от 9 июня 2001 года N 679; от 25 июля 2003 года N 841;

В документе учтено: постановление Конституционного Суда Российской Федерации от 16 июня 1998 года N 19-П (http://www.kodeks.ru/noframe/LegRFsearch?d&nd=9004937&nh=1).

[2] Федеральный конституционный закон “О Правительстве Российской Федерации” с изменениями от 31 декабря 1997 г., 19 июня, 3 ноября 2004 г., 1 июня 2005 г., 30 января, 2 марта 2007 г., 25 декабря 2008 г.

(http://www.flexa.ru/law/zak/zak037.shtml).

[3] Укaз Президента Российской Федерации N 763 от 23 мая 1996 года N 763 “О порядке опубликования и вступления в силу актов Президента Российской Федерации, Правительства Российской Федерации и нормативных правовых актов федеральных органов исполнительной власти” (в редакции Указов Президента от 16.05.1997 г., 13.08.1998 г., 28.06.2005 г.)

(http://www.base.spinform.ru/show.fwx?Regnom=19498).

[4] Регламент Правительства Российской Федерации Утвержден Постановлением Правительства Российской Федерации от 1 июня 2004 г. N 260 (в ред. Постановлений Правительства РФ от 27 мая 2006 года N 322; от 7 июля 2006 года N 418; от 31 июля 2007 года N 492; от 28 марта 2008 года N 221; от 19 мая 2008 года N 376; от 26 ноября 2008 года N 888; от 10 марта 2009 года N 202; от 17 марта 2009 года N 242) ( http://docs.cntd.ru/document/901899283).

[5] Постановление oт 5 марта 2009 N 195 oб утверждении Правил проведения экспертизы проектов нормативных правовых актов и иных документов в целях выявления в них положений, способствующих созданию условий для проявления коррупции (http://www.garant.ru/hotlaw/doc/132673.htm).

[6] Постановление oт 5 марта 2009 N 196 oб утверждении методики проведения экспертизы проектов нормативных правовых актов и иных документов в целях выявления в них положений, способствующих созданию условий для проявления коррупции (http://www.garant.ru/hotlaw/doc/132673.htm).

[7] Chú thích số 4.

[8] Федеральный конституционный закон от 21 июля 1994 г. N 1-ФКЗ “О Конституционном Суде Российской Федерации” с изменениями, внесенными Федеральными конституционными законами: от 8 февраля 2001 года N 1-ФКЗ; от 15 декабря 2001 года N 4-ФКЗ; от 7 июня 2004 года N 3-ФКЗ; от 5 апреля 2005 года N 2-ФКЗ; от 5 февраля 2007 года N 2-ФКЗ; от 2 июня 2009 года N 2-ФКЗ.

(http://www.kodeks.ru/noframe/com-pus-FullLegRF?d&nd=9006048&nh=1).

[9] Гражданский процессуальный кодекс Российской Федерации с изменениями, внесенными Федеральными законами: от 30 июня 2003 года N 86-ФЗ (вступил в силу с 1 июля 2003 года); от 7 июня 2004 года N 46-ФЗ; от 28 июля 2004 года N 94-ФЗ; от 2 ноября 2004 года N 127-ФЗ (вступает в силу с 1 января 2005 года); от 29 декабря 2004 года N 194-ФЗ; от 21 июля 2005 года N 93-ФЗ; от 27 декабря 2005 года N 197-ФЗ (вступил в силу с 1 января 2006 года); от 5 декабря 2006 года N 225-ФЗ; от 24 июля 2007 года N 214-З (о порядке вступления в силу см. статью 32 Федерального закона от 24 июля 2007 года N 214-ФЗ); от 2 октября 2007 года N 225-ФЗ.

В документе учтены постановления Конституционного Суда Российской Федерации: от 18 июля 2003 года N 13-П; от 27 января 2004 года N 1-П; от 4 марта 2004 года N 73-О; от 26 декaбря 2005 года N 14-П; от 20 февраля 2006 года N 1-П; от 13 июня 2006 года N 272-О; от 12 июля 2007 года N 10-П.

(http://www.kodeks.ru/noframe/aids?d&nd=901832805&nh=1).

[10] Федеральный закон от 8 мая 1994 года N 3-ФЗ “О статусе члена Совета Федерации и статусе депутата Государственной Думы Федерального Собрания Российской Федерации” (в ред. Федеральных законов: от 12 февраля 2001 года N 9-ФЗ вступил в силу с 1 января 2001 года; от 4 августа 2001 года N 109-ФЗ; от 9 июля 2002 года N 81-ФЗ; от 25 июля 2002 года N 116-ФЗ; от 10 января 2003 года N 8-ФЗ; от 30 июня 2003 года N 86-ФЗ; от 23 декабря 2003 года N 186-ФЗ; от 22 апреля 2004 года N 21-ФЗ; от 19 июня 2004 года N 53-ФЗ; от 22 августа 2004 года N 122-Ф; от 16 декабря 2004 года N 160-ФЗ; от 9 мая 2005 года N 42-ФЗ; от 21 июля 2005 года N 93-ФЗ (с изменениями, внесенными Федеральным законом от 12 июля 2006 года N 106-ФЗ); от 6 июля 2006 года N 105-ФЗ (вступил в силу с 1 января 2007 года); от 25 июля 2006 года N 128-ФЗ; от 30 декабря 2006 года N 277-ФЗ; от 30 января 2007 года N 8-ФЗ; от 2 марта 2007 года N 24-ФЗ; от 12 апреля 2007 года N 48-ФЗ; от 29 марта 2008 года N 30-ФЗ; от 27 октября 2008 года N 190-ФЗ; от 25 декабря 2008 года N 274-ФЗ; от 9 февраля 2009 года N 4-ФЗ; от 12 мая 2009 года N 94-ФЗ.

(http://www.kodeks.ru/noframe/com-pus-FullLegRF?d&nd=9027721&nh=1).

[11] Решение Верховного Суда Российской Федерации от 15 февраля 2007 года (http://lawrussia.ru/texts/legal_498/doc498a264x715.htm).

[12] Определение Верховного Суда Российской Федерации от 3 мая 2007 г. N КАС07-151 (http://lawrussia.ru/texts/legal_498/doc498a164x940.htmhttp://lawrussia.ru/texts/legal_

498/doc498a164x940.htm).

[13] Регламент Правительства Российской Федерации Утвержден Постановлением Правительства Российской Федерации от 1 июня 2004 г. N 260 (в ред. Постановлений Правительства РФ от 27 мая 2006 года N 322; от 7 июля 2006 года N 418; от 31 июля 2007 года N 492; от 28 марта 2008 года N 221; от 19 мая 2008 года N 376; от 26 ноября 2008 года N 888; от 10 марта 2009 года N 202; от 17 марта 2009 года N 242) ( http://docs.cntd.ru/document/901899283).

[14] Правила подготовки нормативных правовых актов федеральных органов исполнительной власти и их государственной регистрации утверждены Постановлением Правительства Российской Федерации от 13 августа 1997 г. N 1009 (в ред. Постановлений Правительства РФ от 11.12.1997 N 1538, от 06.11.1998 N 1304, от 11.02.1999 N 154, от 30.09.2002 N 715, от 07.07.2006 N 418, от 29.12.2008 N 1048, от 17.03.2009 N 242) (http://base.consultant.ru/cons/cgi/online.cgi?req=doc;base=LAW;n=86090).

[15] Các chú thích số 5 và số 6.

[16] Приказ Министерства юстиции Российской Федерации от 4 мая 2007 г. N 88 “Об утверждении Разъяснений о применении Правил подготовки нормативных правовых актов федеральных органов исполнительной власти и их государственной регистрации” (в ред. Приказа Министерства юстиции Российской Федерации от 26 мая 2009 г. N 155)(http://www.rg.ru/2007/05/24/razyasnenia-yusticia-dok.html).

[17] Chú thích số 5.

[18]Chú thích số 6.

[19] http://www.minjust.ru/ru/activity/act_registry/index.php?id4=458.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ – THS. NGUYỄN ĐÌNH HÀO – Văn phòng Chính phủ

Trích dẫn từ: http://www.nclp.org.vn

 

(MINH KHUE LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)