Căn cứ pháp lý:
Thông tư 53/2020/TT-BTC;
Nghị định 37/2018/NĐ-CP;
Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
1. Người được giám sát, giáo dục
Người được giám sát, giáo dục là người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục theo quy định tại Khoản 2 Điều 91 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể:
2. Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này:a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;
c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.”.
Các biện pháp giám sát, giáo dục bao gồm: Khiển trách; hòa giải tại cộng đồng; giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
2. Người trực tiếp giám sát, giáo dục
Người trực tiếp giám sát, giáo dục là người có tư cách đạo đức tốt, có kiến thức, kỹ năng về công tác xã hội, công tác trẻ em hoặc kiến thức cần thiết về tâm sinh lý trẻ em hoặc được đào tạo, tập huấn về tư pháp đối với người chưa thành niên, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện việc giám sát, giáo dục.
Cán bộ, chiến sỹ công an, công an viên, công chức văn hóa – xã hội, công chức tư pháp – hộ tịch, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, cộng tác viên công tác xã hội cấp xã, đại diện Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên hoặc người có uy tín trong cộng đồng dân cư có đạo đức tốt, có Điều kiện, khả năng và kinh nghiệm trong việc giáo dục, giúp đỡ người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật trực tiếp thực hiện việc giám sát, giáo dục theo sự phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
3. Quyền của người được giám sát, giáo dục
– Được giải thích về biện pháp giám sát, giáo dục;
– Được lao động, học tập hoặc học nghề; được tham gia các Chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại địa phương;
– Được hướng dẫn thực hiện thủ tục khai báo tạm vắng, đăng ký thường trú, tạm trú;
– Được trình bày nguyện vọng, kiến nghị của mình với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và người trực tiếp giám sát, giáo dục;
– Được cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp giám sát, giáo dục;
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, trước khi hết thời hạn giám sát, giáo dục, người trực tiếp giám sát, giáo dục làm Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát, giáo dục gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và báo cáo kết thúc nhiệm vụ.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát, giáo dục, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp khiển trách, biện pháp hòa giải tại cộng đồng cho người được giám sát, giáo dục.
– Đối với người được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn khi có đủ các Điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 95 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Nếu người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã chấp hành một phần hai thời hạn và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục, Cơ quan đã áp dụng biện pháp này có thể quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
4. Nghĩa vụ của người được giám sát, giáo dục
– Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc;
– Chịu sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức và người trực tiếp giám sát, giáo dục;
– Tích cực tham gia các Chương trình học tập, dạy nghề, tham gia lao động tại cộng đồng;
+ Các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục quốc dân có trách nhiệm tiếp nhận người được giám sát, giáo dục vào học tập theo Kế hoạch giám sát, giáo dục. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên căn cứ vào nhu cầu, trình độ của người được giám sát, giáo dục và khả năng thực tế của cơ sở để bố trí người hỗ trợ, giúp đỡ họ hòa nhập, hoàn thành Chương trình học tập.
+ Trên cơ sở Kế hoạch giám sát, giáo dục, người trực tiếp giám sát, giáo dục báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã liên hệ với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội để đề xuất việc hỗ trợ dạy nghề cho người được giám sát, giáo dục. Căn cứ vào Điều kiện về sức khỏe, khả năng và nguyện vọng của người được giám sát, giáo dục, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm liên hệ với các cơ sở dạy nghề, Trung tâm giới thiệu việc làm, các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để thu xếp cho người được giám sát, giáo dục tham gia Chương trình dạy nghề phù hợp.
+ Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ hoặc đoàn thể xã hội, cơ quan, tổ chức khác tổ chức cho người được giám sát, giáo dục tham gia các buổi lao động tại cộng đồng, giúp đỡ người già, người tàn tật, người có hoàn cảnh đặc biệt hoặc các hoạt động tình nguyện khác nhằm tăng cường ý thức, trách nhiệm và sự gắn kết, chia sẻ với cộng đồng của người được giám sát, giáo dục.
– Báo cáo tình hình học tập, lao động, kết quả sửa chữa sai phạm và sự tiến bộ của mình khi được yêu cầu;
– Trình diện cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu.
– Ngoài các nghĩa vụ quy định trên, người được giám sát, giáo dục còn có nghĩa vụ sau:
+ Người được giám sát, giáo dục trong trường hợp áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại (nếu có);
+ Người được giám sát, giáo dục trong trường hợp áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có nghĩa vụ không được đi khỏi nơi cư trú khi không được phép và chấp hành đầy đủ nghĩa vụ về học tập, lao động.
5. Trách nhiệm của người trực tiếp giám sát, giáo dục
Người trực tiếp giám sát, giáo dục có trách nhiệm:
– Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch giám sát, giáo dục;
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận Quyết định phân công, người trực tiếp giám sát, giáo dục, căn cứ thời hạn giám sát, giáo dục và Báo cáo thu thập thông tin, xác định các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân và Điều kiện vi phạm pháp luật quy định tại Điều 9 của Nghị định 37/2018/NĐ-CP, người trực tiếp giám sát, giáo dục xây dựng dự thảo Kế hoạch giám sát, giáo dục theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 37 và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Trong quá trình xây dựng dự thảo Kế hoạch, người trực tiếp giám sát, giáo dục tham khảo ý kiến, nguyện vọng của người được giám sát, giáo dục và cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó; chủ động liên hệ với các cơ sở cung cấp dịch vụ sẵn có ở địa phương, trao đổi với Trung tâm công tác xã hội và các cơ quan, tổ chức liên quan để bảo đảm tính phù hợp và khả thi của Kế hoạch.
Căn cứ Kế hoạch giám sát, giáo dục, người trực tiếp giám sát, giáo dục có trách nhiệm phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
+ Thường xuyên gặp gỡ, giáo dục, động viên người được giám sát, giáo dục nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và thực hiện cam kết; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của người được giám sát, giáo dục để có biện pháp giúp đỡ kịp thời;
+ Hướng dẫn người được giám sát, giáo dục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình quy định tại Điều 25 của Nghị định 37.
+ Liên hệ với các cơ quan, tổ chức liên quan để tạo Điều kiện cho người được giám sát, giáo dục tham gia các Chương trình học văn hóa, học nghề, tham gia lao động phù hợp, ổn định cuộc sống;
+ Hướng dẫn, giúp đỡ người được giám sát, giáo dục thực hiện các thủ tục đăng ký tạm vắng, tạm trú, cấp giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, trợ giúp pháp lý;
+ Phối hợp tổ chức các buổi lao động tại cộng đồng với hình thức phù hợp;
+ Liên hệ, giới thiệu người được giám sát, giáo dục tham gia các lớp kỹ năng sống, các hoạt động văn hóa, xã hội, thể thao sẵn có tại địa phương;
+ Lập và ghi Sổ theo dõi tình hình thực hiện Kế hoạch giám sát, giáo dục theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; định kỳ hàng tháng báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về kết quả giám sát, giáo dục.
– Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức và gia đình trong việc giám sát, giáo dục;
– Phối hợp với Công an cấp xã trong việc tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục;
– Theo dõi, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp giám sát, giáo dục cụ thể, dịch vụ hỗ trợ của cơ quan, tổ chức, gia đình;
– Định kỳ hàng tháng nhận xét, đánh giá tình hình, kết quả giám sát, giáo dục vào Sổ theo dõi tình hình thực hiện Kế hoạch giám sát, giáo dục và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
– Thông báo kịp thời cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về những biểu hiện, hành vi vi phạm pháp luật của người được giám sát, giáo dục để có biện pháp ngăn ngừa, quản lý, giáo dục phù hợp;
– Trách nhiệm khác quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 14, Điều 18, Khoản 1 Điều 19, Khoản 1 Điều 20, Khoản 2 và Khoản 4 Điều 22, Khoản 1 Điều 23, Khoản 1 Điều 24 của Nghị định 37/2018/NĐ-CP.
6. Quyền của người trực tiếp giám sát, giáo dục
– Tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm giáo dục, giúp đỡ người được giám sát, giáo dục;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn cho người trực tiếp giám sát, giáo dục hoặc cử người trực tiếp giám sát, giáo dục tham gia các Chương trình tập huấn thích hợp do cấp huyện hoặc cấp tỉnh tổ chức để thực hiện nhiệm vụ.
– Hưởng kinh phí hỗ trợ cho việc giám sát, giáo dục, giúp đỡ người được giám sát, giáo dục theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan.
Chi hỗ trợ người trực tiếp giám sát, giáo dục theo quy định tại điểm b Khoản 1 và Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ.
Nhà nước hỗ trợ người trực tiếp giám sát, giáo dục thực hiện nhiệm vụ.
Người trực tiếp giám sát, giáo dục được hưởng kinh phí hỗ trợ cho việc thực hiện nhiệm vụ. Mức hỗ trợ một tháng tối thiểu là 25% mức lương cơ sở đối với mỗi người được giám sát, giáo dục. Căn cứ vào tình hình thực tiễn ở địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể quyết định mức hỗ trợ cao hơn.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ email: [email protected] để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Trân trọng./.