1. Thế nào là tài sản vô hình?
–Tài sản vô hình: Tài sản nhìn chung được chia thành hai loại: tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Tài sản hữu hình gồm động sản và bất động sản. Tài sản vô hình được hiểu là những đối tượng phi vật chất, nhưng có thể nhận biết được, có khả năng sinh lợi bằng tiền hoặc bằng các tài sản khác ví dụ uy tín, tài sản trí tuệ*5, nguồn nhân lực, bí quyết kỹ thuật… Như vậy tài sản trí tuệ là một loại tài sản vô hình.
2. Tài sản trí tuệ là gì?
–Tài sản trí tuệ: theo định nghĩa của WIPO (World Intellectual Property Organization) – Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới, thì tài sản trí tuệ bao gồm các đối tượng được tạo ra bởi “trí tuệ” của con người như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, các tác phẩm văn học, nghệ thuật…
3. Đặc điểm của tài sản trí tuệ
– Đặc tính vô hình của tài sản trí tuệ:
Cũng như các loại tài sản vô hình khác, tài sản trí tuệ không có bản chất vật lý do đó con người không thể nhận biết sự tồn tại của chúng bằng các giác quan. Chúng tồn tại dưới dạng các thông tin, tri thức chứa đựng sự hiểu biết về tự nhiên, xã hội và con người.
Với bản chất như vậy thì:
+ Sự tồn tại của tài sản trí tuệ được con người nhận biết thông qua trí óc (nhận thức) chứ không phải thông qua các giác quan;
+ Tài sản trí tuệ cũng được chiếm hữu thông qua nhận thức, nhờ nhận thức mà bản chất (nội dung) của một tài sản trí tuệ cụ thể có thể được lan truyền (phổ biến) từ người này sang người khác.
+ Cùng với lý do đó, tài sản trí tuệ có thể được nhiều người sử dụng ở nhiều nơi một cách độc lập với nhau.
– Tính xác định được:
Mặc dù không thể nhận biết được bằng giác quan, tài sản trí tuệ vẫn được con người nhận biết – ví dụ bằng nhận thức, bằng các công cụ tính toán/kiểm soát giá trị… Không những cho phép nhận biết được, tài sản trí tuệ còn cho phép xác định được nó, cụ thể là có thể xác định được bản chất, phạm vi và công dụng.
– Tính kiểm soát được:
Đặc tính này thể hiện ở khả năng chịu tác động của một trong các hành vi của con người: điều khiển, sản xuất, sử dụng, duy trì, phát triển, mua bán, trao đổi, cho thuê, góp vốn… và mang lại một kết quả nhất định.
– Khả năng sinh lợi:
Đây là đặc tính quyết định khiến cho tài sản trí tuệ được coi là tài sản và thể hiện ở chỗ: khi được sử dụng, khai thác như bán, chuyển giao, cho thuê, trao đổi… thì đem lại cho người kiểm soát nó lợi ích bằng tiền hay bằng một tài sản khác.
– Tính sáng tạo và đổi mới:
Đây là đặc tính riêng để phân biệt tài sản trí tuệ với các dạng tài sản vô hình khác, được thể hiện ở chỗ: khi được tạo ra, tài sản trí tuệ phải là một đối tượng mới hoặc khác biệt, hoặc là một đối tượng đã biết nhưng được bổ sung cái mới (được đổi mới).
4. Thế nào là quyền sở hữu trí tuệ?
Quyền sở hữu trí tuệ: là một loại quyền hợp pháp của chủ sở hữu đối với tài sản trí tuệ. Tính hợp pháp của quyền được xác định khi quyền được xác lập phù hợp với quy định của pháp luật, hoặc được pháp luật thừa nhận. Thông thường có hai cách thức làm phát sinh quyền sở hữu trí tuệ:
– Tự động phát sinh hay phát sinh tự nhiên và
– Phát sinh trên cơ sở đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm các nhóm quyền: quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả; quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
5. Quyền sở hữu trí tuệ trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
Với các phân tích cặn kẽ nêu trên về tài sản trí tuệ, đặc điểm của loại tài sản này, quyền sở hữu trí tuệ, có thể nhận thấy đây là một loại tài sản đặc biệt, độc đáo vì vậy bảo hộ quyền này chắc chắn không giống các loại tài sản thông thường khác, nhất là trong phạm vi quốc tế. Bởi lẽ, quyền sở hữu trí tuệ phát sinh trên cơ sở pháp luật của nước nào sẽ chỉ được bảo hộ ở nước đó mà thôi, hay phạm vi quyền sở hữu trí tuệ chỉ được giới hạn bởi phạm vi hiệu lực của pháp luật bảo vệ nó. Do vậy khi đối tượng sở hữu trí tuệ bị khai thác, sử dụng bất hợp pháp tại lãnh thổ nơi pháp luật quốc gia bảo hộ quyền không có hiệu lực thì quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng đó cũng không được bảo vệ. Đó là tính lãnh thổ đặc trưng của loại quyền này. Song dưới góc độ lợi ích của chủ sở hữu quyền, điều đó là hết sức bất công và vô lý, nếu không giải quyết được bất cập này chắc chắn sự sáng tạo sẽ bị ảnh hưởng. Để có thể bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong phạm vi quốc tế các quốc gia không có cách nào khác phải ký kết các điều ước quốc tế để thỏa thuận về trách nhiệm cùng nhau bảo vệ chủ sở hữu quyền, ngăn chặn sự vi phạm tại các vùng lãnh thổ mà pháp luật quốc gia gốc không có hiệu lực.
Về phía pháp luật quốc gia, thông thường các quốc gia sẽ tự xây dựng pháp luật của mình trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, pháp luật quốc gia còn ghi nhận các quy định của các điều ước quốc tế mà các quốc gia tham gia bằng cách nội luật hóa hoặc dẫn chiếu áp dụng điều ước quốc tế. Như vậy, khi một đối tượng sở hữu trí tuệ của công dân nước sở tại phát sinh tại nước đó sẽ được bảo hộ tại chính nước đó bằng luật quốc gia nước mình. Ví dụ: Một tác giả là công dân Việt Nam sáng tạo một tác phẩm âm nhạc tại Việt Nam thì sẽ được bảo hộ tại Việt Nam bằng luật quốc gia của Việt Nam cụ thể là Luật sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp luật có liên quan. Nhưng nếu quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài thì sự bảo hộ sẽ như thế nào, ví dụ một cuốn tiểu thuyết của nước ngoài đã bị dịch và in tại Việt Nam mà không có sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm thì tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có quyền được bảo hộ ở Việt Nam hay không và bằng luật nào? Các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam từ trước đến nay luôn tuân thủ đúng nguyên tắc áp dụng pháp luật của nước nơi sự bảo hộ được yêu cầu, như một sự hiển nhiên và tất yếu đối với việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài. Ở ví dụ trên, tác giả chủ sở hữu của cuốn tiểu thuyết đó có được bảo hộ hay không ở Việt Nam không thể trả lời ngay được mà phải căn cứ vào pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, tức là căn cứ vào pháp luật của nước nơi sự bảo hộ được yêu cầu.
Chính vì cho rằng, việc áp dụng pháp luật của nước nơi sự bảo hộ được yêu cầu là đương nhiên nên trong các văn bản pháp luật trước đây của Việt Nam như Bô luật dân sự hay Luật sở hữu trí tuệ đều không hề quy định về việc pháp luật nước nào sẽ được áp dụng để điều chỉnh vấn đề này mà mặc nhiên sẽ là pháp luật của nước nơi có yêu cầu bảo hộ.
Tuy nhiên, Điều 679 Bộ luật dân sự năm 2015 lại có một quy phạm quy định về việc xác định pháp luật áp dụng trong lĩnh vực này, cụ thể Điều 679 quy định: “Quyền sở hữu trí tuệ được xác định theo pháp luật của nước nơi đổi tượng quyền sở hữu trí tuệ được yêu cầu bảo hộ”.
Đây là một quy phạm xung đột hai chiều, lần đầu tiên được ghi nhận trong hệ thống pháp luật của Việt Nam về vấn đề pháp luật áp dụng đối với việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. về nội dung của quy định này thì không có vấn đề khúc mắc hay khó hiểu, chỉ đơn giản là yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ ở đâu thì áp dụng pháp luật nước đó. Ví dụ một nhãn hiệu hàng hóa của một doanh nghiệp nước ngoài bị một doanh nghiệp Việt Nam xâm phạm tại Việt Nam. Nay doanh nghiệp nước ngoài có đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam bảo hộ quyền lợi cho mình. Trường hợp này cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam căn cứ vào quy định của pháp luật Việt Nam để xem xét có hay không bảo hộ cho nhãn hiệu đó. Nếu nhãn hiệu đó đã đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ tại Việt Nam thì đương nhiên sẽ được pháp luật Việt Nam bảo hộ, nhưng nếu nhãn hiệu đó chưa đăng ký bảo hộ tại Việt Nam thì nhãn hiệu đó sẽ không được bảo hộ tại Việt Nam trừ khi đó là nhãn hiệu nổi tiếng theo tiêu chuẩn của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và pháp luật Việt Nam thừa nhận. Lưu ý quy phạm ở Điều 679 Bộ luật dân sự 2015 này chỉ xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn các quan hệ khác có liên quan đến sở hữu trí tuệ ví dụ các quan hệ về hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu hoặc chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu trí tuệ, hoặc quan hệ về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy phạm quy định tại Điều 679 mà sẽ được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật khác.
Như trên đã đề cập, vì quy định tại Điều 679 Bộ luật dân sự 2015 là một quy phạm xung đột lần đầu tiên được xây dựng trong lĩnh vực này nên một câu hỏi nữa được đặt ra là liệu có phải đây chính là sự thừa nhận của pháp luật Việt Nam rằng có hiện tượng xung đột pháp luật trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ? Để trả lời câu hỏi này bắt buộc phải quay lại các vấn đề lý luận của tư pháp quốc tế về xung đột pháp luật. Xung đột pháp luật là hiện tượng hai hay nhiều hệ thống pháp luật của các nước khác nhau cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh một quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài hay quan hệ tư pháp quốc tế. Bản chất của xung đột pháp luật đó là khả năng có thể điều chỉnh của cả hai hệ thống pháp luật liên quan, là pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài đối với một quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Thừa nhận có xung đột pháp luật cũng đồng thời thừa nhận khả năng có thể áp dụng pháp luật nước ngoài. Như vậy nếu cho rằng có xung đột pháp luật trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tức là đồng ý rằng pháp luật nước ngoài về sở hữu trí tuệ có thể được áp dụng ở Việt Nam và ngược lại? Điều này là hoàn toàn không phù hợp với thực tiễn trên thế giới từ xưa đến nay trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Ở một khía cạnh khác, quy phạm xung đột là quy phạm xác định luật áp dụng, quy phạm này chỉ ra với quan hệ mà quy phạm đã ấn định thì hệ thống pháp luật nước nào sẽ được áp dụng để điều chỉnh, chứ quy phạm xung đột không hoàn toàn là kết quả của sự lựa chọn giữa hai hệ thống pháp luật liên quan. Cụ thể, quy phạm xung đột chỉ là công cụ để xác định luật áp dụng mà không phải là hiện thân của quá trình lựa chọn pháp luật. Thực tế nếu có hai hệ thống pháp luật cùng có thể áp dụng để điều chỉnh một quan hệ dân sự (có xung đột pháp luật) thì quy phạm xung đột trường hợp này cũng sẽ chỉ ra hay ấn định một hệ thống pháp luật nhất định để điều chỉnh quan hệ. Nhưng nếu điều chỉnh quan hệ chỉ có thể là một hệ thống pháp luật, mà không có hiện tượng cả hai hay nhiều hệ thống pháp luật cùng có thể được áp dụng (không có xung đột pháp luật), như trong quan hệ về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, khi mà các quốc gia không chấp nhận việc áp dụng pháp luật nước ngoài ở nước mình thì quy phạm xung đột lúc này cũng vẫn làm đúng chức năng của mình là xác định luật áp dụng – chỉ ra hệ thống pháp luật duy nhất đó.
Luật LVN Group (Sưu tầm & Biên tập)