hệ tài sản.

1. Quyền sở hữu là gì ?

Sở hữu là việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản của cá nhân, nhóm cá nhân, cơ quan, tổ chức,… Quyền sở hữu là một chế định pháp luật quan trọng được Nhà nước quy định nhằm xác định nội dung về sở hữu tài sản của các đối tượng có quyền với tài sản đó. Pháp Luật dân sự quy định: Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật. Đây là nội dung cơ bản của quyền sở hữu.

Quyền chiếm hữu.

Quyền chiếm hữu là khả năng của chủ sở hữu tự mình nắm giữ, quản lý tài sản thuộc sở hữu của mình đồng thời có quyền kiểm soát, chi phối tài sản tài sản theo ý mình, không bị hạn chế, gián đoạn về thời gian. Thông thường, chủ sở hữu tự mình thực hiện quyền chiếm hữu đối với tài sản như nắm giữ tài sản trong phạm vi kiểm soát vật chất của mình hoặc thực hiện quyền kiểm soát sự tồn tại của tài sản, tiến hành kiểm kê, định giá… Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chủ sở hữu có thể trao quyền chiếm hữu này cho người khác thông qua một hợp đồng dân sự phù hợp với ý chí của họ như cho vay, cho thuê, cho mượn tài sản. Quyền chiếm hữu của chủ sở hữu chấm dứt hoàn toàn khi họ từ bỏ hoặc chuyển giao quyền sở hữu của mình. Ví dụ: Chủ sở hữu hợp pháp(A) của dãy trọ kí hợp đồng( hợp pháp) cho ông B thuê một phòng trọ. Việc A cho B thuê nhà là một trong những hình thức chuyển giao quyền chiếm hữu cho B cũng để thể hiện việc A kiểm soát và chi phối tài sản theo ý muốn.

Quyền sử dụng.

Quyền sử dụng là quyền của chủ sở hữu khai thác lợi ích vật chất từ tài sản trong khuôn khổ pháp luật để thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt vật chất hoặc tinh thần… Quyền sử dụng là một trong các quyền năng cơ bản của chủ sở hữu, trong đó bao gồm: quyền dùng tài sản và quyền khai thác hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Đây là một trong những quyền năng quan trọng và có ý nghĩa thực tế. Chủ sở hữu hoàn toàn có quyền khai thác công dụng, thu hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản của mình tùy theo ý muốn miễn là không vi phạm pháp luật, không gây thiệt hại và làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân khác. Ví dụ như: Chủ một chiếc xe máy có thể dùng nó để đi hoặc dùng nó để làm phương tiện kiếm sống; chủ một dãy tập thể có thể sử dụng một trong số những ngôi nhà trong dãy đó để ở, những diện tích còn lại có thể cho thuê để kiếm thêm thu nhập.

Tuy nhiên. Trong thực tế, có nhiều người tuy không phải là chủ sở hữu nhưng vẫn có quyền sử dụng tài sản nếu họ được chủ sở hữu chuyển giao quyền sử dụng (ví dụ trường hợp ông B thuê phòng trọ, ông B được gọi là có quyền sử dụng đối với phòng trọ đã thuê) hoặc những trường hợp theo quy định của pháp luật. Người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình cũng có quyền khai thác lợi ích vật chất từ tài sản theo quy định của pháp luật.

Quyền định đoạt.

Quyền định đoạt là quyền năng của chủ sở hữu trong việc quyết định số phận tài sản thuộc sở hữu của mình thông qua việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản của mình cho người khác hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó. Chủ sở hữu có thể thực hiện quyền định đoạt của mình bằng hai phương thức:

– Định đoạt số phận thực tế của tài sản. Ví dụ bằng hành vi của mình, chủ sở hữu làm cho tài sản không còn trong thực tế như tiêu dùng hết, hủy bỏ tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản.

– Định đoạt số phận pháp lý của tài sản: Chủ sở hữu bằng hành vi của mình chuyển giao quyền sở hữu cho người khác thông qua các giao dịch dân sự phù hợp với ý chí của chủ sở hữu như bán, trao đổi, tăng cho, cho vay, để thừa kế…

Bộ luật Dân sự cũng quy định người có quyền định đoạt tài sản phải là người có năng lực hành vi dân sự và phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Đồng thời, bộ luật cũng quy định những trường hợp quyền định đoạt tài sản bị hạn chế như: Đối với những tài sản kê biên, cầm cố, thế chấp; Khi tài sản đem bán là cổ vật, di tích lịch sử thì Nhà nước có quyền ưu tiên mua; Trong trường hợp pháp luật quy định tổ chức, các nhân có quyền ưu tiên mua đối với một tài sản nhất định thì khi bán, chủ sở hữu phải dành quyền ưu tiên mua cho tổ chức, cá nhân đó

2. Phương thức dân sự bảo vệ quyền sở hữu là gì ?

Bảo vệ quyền sở hữu là việc sử dụng các biện pháp tác động bằng pháp luật đối với hành vi xử sự của con người, ngăn chặn những hành vi xâm hại đến quyền sở hữu, khắc phục những thiệt hại vật chất cho chủ sở hữu. Có thể bảo vệ quyền sở hữu bằng các quy phạm của nhiều ngành luật như Luật hình sự, Luật hành chính, Luật dân sự…

Phương thức dân sự bảo vệ quyền sở hữu là phương thức sử dụng các quy phạm pháp luật của Luật dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, khắc phục những thiệt hại về tài sản cho chủ sở hữu. Phương thức dân sự bảo vệ quyền sở hữu có vai trò quan trọng và mang đặc điểm riêng, khác với các phương thức bảo vệ quyền sở hữu theo các trình tự hình sự hay hành chính. Đặc trưng của phương thức dân sự là lấy sự chủ động của đương sự với nguyên tắc tự quyết, tự định đoạt lấy số phận của tài sản cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của họ làm cơ sở tố tụng. Chủ sở hữu được quyền chủ động hành động để tự bảo vệ tài sản thuộc sở hữu của mình bằng những biện pháp theo quy định của pháp luật. Quyền được chủ động hành động cho phép chủ sở hữu có quyền ngăn cản các hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình, quyền đòi lại, tìm lại tài sản của mình đang bị người khác chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật và có quyền yêu cầu bên kia phải bồi thường thiệt hại. Đồng thời lấy tính toàn vẹn của quyền sở hữu và của tài sản làm mục tiêu. Giá trị thực tiễn của phương thức này làm nhằm khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản như trước khi bị xâm hại.

Các phương thức dân sự được quy định trong BLD sự bao gồm: Kiện đòi lại tài sản; Kiện yêu cầu ngăn chặn hoặc chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp; Kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại( kiện trái quyền).

3. Phương thức Kiện đòi tài sản

Kiện đòi lại tài sản là phương thức kiện dân sự để bảo vệ quyền sở hữu có hiệu quả nhất và đã tồn tại từ rất lâu đời, được áp dụng trong hoàn cảnh chủ sở hữu bị mất quyền chiếm hữu của mình. Chủ sở hữu sử dụng phương thức này để đòi lại tài sản từ người đàn chiếm hữu bất hợp pháp.

Khi sử dụng phương thức này, người khởi kiện đòi lại tài sản phải là chủ sở hữu hoặc đại diện hợp pháp của chủ sở hữu của tài sản đang bị tranh chấp. Điều này có nghĩa là nguyên đơn phải chứng minh được quyền sở hữu của mình đối với tài đang bị bị đơn chiếm giữ bất hợp pháp. Nếu người khởi kiện là người chiếm hữu hợp pháp thì người đó cũng phải chứng minh mình có quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản đang có tranh chấp này và tài sản đó đang bị một người khác chiếm giữ trái pháp luật.

Khi sử dụng phương thức kiện đòi lại tài sản, yêu cầu của đương sự sẽ được Tòa án chấp nhận. Người chiếm giữ không có căn cứ pháp luật và không ngay tình phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu, cho người chiếm hữu hợp pháp. Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp không phải bồi thường cho người chiếm hữu bất hợp pháp trừ trường hợp người này đã phải chi phí hợp lý để sửa chữa, bảo quản, bảo đảm cho tài sản còn được giữ nguyên trạng. Tuy nhiên, một trường hợp khác, đối với người chiếm hữu bất hợp pháp nhưng ngay tình ( tức là họ không biết và không thể biết việc mình chiếm hữu tài sản là không có căn cứ pháp luật), trong trường hợp này, họ vẫn phải trả lại tài sản nhưng quyền lợi của họ được pháp luật bảo đảm bằng việc cho phép người chiếm hữu bất hợp pháp nhưng ngay tình khởi kiện một vụ án khác để đòi bồi thường thiệt hại đối với người đã chuyển dịch tài sản cho mình. Cần phải lưu ý trường hợp tài sản rời khỏi chủ sở hữu theo ý chí của họ được thể hiện qua các hợp đồng dân sự như cho thuê, cho mượn, sau đó tài sản này lại rời khỏi tay người thuê, mượn (người đang chiếm hữu hợp pháp) theo ý chí của những người này như việc họ bán cho người thứ ba ngay tình (các giao dịch có tính đền bù). Trong trường hợp này, mặc dù tài sản vẫn còn và đang do một người khác chiếm giữ ngay tình thì chủ sở hữu không thể dùng phương thức kiện đòi tài sản được mà phải dùng phương thức khác để bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, nguyên đơn được đòi lại tài sản từ tay người chiếm hữu thứ ba ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu tài sản nhận được tài sản đó trong các giao dịch không mang tính đền bù như tặng cho, thừa kế. Điều này đảm bảo không gây thiệt hại về vật chất cho người chiếm hữu bất hợp pháp nhưng ngay tình.

4. Yêu cầu ngăn chặn hoặc chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu hợp pháp

Một nguyên tắc ứng xử của chủ sở hữu trước cộng đồng đã được pháp luật thừa nhận đó là:

Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.( Điều 160 BLDS 2015).

Người không phải chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình theo thỏa thuận của chủ sở hữu tài sản đó hoặc theo quy định của pháp luật. Từ các quy định trên đây, chủ sở hữu có toàn quyền chiếm hữu sử dụng và định đoạt tài sản của mình, có quyền khai thác lợi ích vật chất từ tài sản để thỏa mãn các nhu cầu trong cuộc sống cũng như đem tài sản đó vào sử dụng trong các công việc khác như đầu tư vào sản xuất, kinh doanh để kiếm lời…

Để thực hiện quyền năng hợp pháp này, ngoài công nhận quyền tự bảo vệ, yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật phải chấm dứt hành vi đó, BLDS năm 2015 còn quy định trong Điều 169 như sau:

Khi thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, chủ thể có quyền yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật phải chấm dứt hành vi đó hoặc có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi vi phạm.

Việc sử dụng phương thức kiện này cần phải hội tụ đủ các yếu tố sau:

– Chủ thể khởi kiện phải là chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp đang nắm giữ tài sản trong tay (hoặc người đại diện hợp pháp) và đang bị người khác gây khó khăn cho việc thực hiện các quyền năng cụ thể.

– Người bị kiện trong vụ án là người có hành vi trái pháp luật, xâm phạm các quyền năng của chủ sở hữu hay người chiếm hữu hợp pháp khiến họ không thực hiện được các nghĩa vụ tương ứng làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền sở hữu.

– Yêu cầu mà đương sự đề ra trong đơng kiện là ngăn chặn hoặc chấm dứt hành vi trái pháp luật đang cản trở chủ sở hữu hay người chiếm hữu hợp pháp thực hiện các quyền năng cụ thể.

Trong thực tế, loại án kiện này thường xảy ra giữa những người có bất động sản liền kề nhau như nhà ở, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất… Chính vì vậy, muốn quyền của chủ thể này được tôn trọng thì đòi hỏi chủ thể kia phải thực hiện nghĩa vụ tương ứng.

5. Phương thức Khởi kiện yêu cầu bồi thương thiệt hại

Điều 170 BLDS năm 2015 quy định:

Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản bồi thường thiệt hại.

Khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là phương thức kiện dân sự tương đối phổ biến, được áp dụng khi người chiếm hữu hợp pháp hoặc bất hợp pháp đã bán hoặc tẩu tán hoặc hủy hoại tài sản để cho chủ sở hữu không thể lấy lạo tài sản của mình được nữa.

Người chiếm hữu hợp pháp bán tài sản cho người thứ ba ngay tình thì chủ sở hữu yêu cầu người chiếm hữu hợp pháp phải bồi thường giá trị của tài sản.

Người chiếm hữu hợp pháp hoặc bất hợp pháp đã bán tài sản cho người khác mà không tìm thấy người mua nữa hoặc tài sản đã bị tiêu hủy… Trong trường hợp này chủ sở hữu không thể lấy lại được tài sản của mình và luật cho phép chủ sở hữu lựa chọn phương thức kiện đòi bồi thường thiệt hại. Nghĩa là, chủ sở hữu có quyền kiện đòi người chiếm hữu hợp pháp hoặc bất hợp pháp ài sản của mình phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra cho chủ sở hữu. Ngoài ra, người gây thiệt hại phải bồi thường hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản ( nếu có).

Tuy nhiên cũng như trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung, trách niệm bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu chỉ phát sinh khi có đủ các yếu tố sau:

– Có thiệt hại xảy ra: đó là thiệt hại về tài sản như làm mất tài sản, làm hư hỏng, làm giảm sút tài sản…;

– Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật;

– Có lỗi của người gây thiệt hại;

– Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật.

Nguyên tắc chung trong bồi thường thiệt hại là nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời. Đây là nguyên tắc công bằng, hợp lý nhằm khắc phục, bù đắp tình trạng tài sản của người bị thiệt hại. Tuy nhiên cũng có thể giảm mức bồi thường nếu do lỗi vô ý mà gây hậu quả quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại.

Trân trọng!