1. Quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, thân thể.

Tính mạng, sức khỏe, thân thể của cá nhân là những yếu tố quan trọng hàng đầu và vô giá đổi với mỗi người. Do đó, quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể của cá nhân là quyền nhân thân cơ bản, được ưu tiên quan tâm và bảo vệ từ phía Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền.

Theo Điều 19, 20 Hiến pháp 2013 có quy định:

Điều 19.

Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.

Điều 20.

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định.

3. Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm.

Cụ thể hóa Hiến pháp thì trong Bộ luật dân sự 2015 có quy định:

Điều 33. Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể

1. Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.

Bên cạnh quyền sống, cá nhân có quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Giữa quyền sống và quyền bất khả xâm phạm về tính mạng có mối liên quan mật thiết với nhau. Một cá nhân có quyền sống thì đương nhiên loại trừ các hành vi xâm phạm đến tính mạng, vi phạm đến quyền sống của cá nhân; ngược lại, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng là cơ sở, điều kiện quan trọng để cá nhân được bảo đảm quyền sống. Mọi cá nhân trong xã hội, không phân biệt giới tính, giàu nghèo, địa vị xã hội đều được bình đẳng trước pháp luật trong việc bảo vệ tính mạng, thân thể, sức khỏe của mình. Việc xâm phạm đến những yếu tố này gây ra thiệt hại cho người bị xâm phạm là cơ sở phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của người có hành vi xâm phạm.

Theo quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Nếu sức khỏe bị xâm phạm thì sẽ được bồi thường theo Điều 590 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

2. Không cứu giúp người bị tai nạn thì có bị xử phạt không?

Quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, thân thể còn thể hiện trong trường hợp cá nhân bị tai nạn hoặc bệnh tật mà tính mạng bị đe dọa. Trong trường hợp này, người phát hiện ra cá nhân đang gặp nạn phải có trách nhiệm đưa cá nhân gặp nạn đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có điều kiện đưa nạn nhân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi gần nhất.

Khi phát hiện người bị tai nạn, bệnh tật mà tính mạng bị đe dọa thì người phát hiện có trách nhiệm hoặc yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có điều kiện cần thiết đưa ngay đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi gần nhất; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh. (Khoản 2 Điều 33 Bộ luật dân sự 2013).

Cơ sở y tế có trách nhiệm tiếp nhận cá nhân gặp nạn và có trách nhiệm sử dụng mọi phương tiện và khả năng hiện có để thực hiện việc cứu chữa cho nạn nhân theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Nếu việc không cứu giúp người khác mà gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng được quy định tại Điều 132 Bộ luật hình sự:

Điều 132. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

3. Nếu áp dụng phương pháp chữa bệnh mới trên cơ thể cá nhân thì phải được sự đồng ý của cá nhân đó không?

Với sự phát triển và hiện đại hóa của y học, ngày càng có nhiều các phương pháp chữa bệnh mới được áp dụng. Đồng thời với đó là các thử nghiệm y học cần thiết. Phương pháp chữa bệnh mới là những phương pháp lần đầu hoặc chưa được áp dụng rộng rãi, kết quả của phương pháp chữa bệnh chưa được khẳng định qua thời gian, dó đó, việc áp dụng phương pháp chữa bệnh mới có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, thân thể người bệnh. Vì vậy, việc áp dụng các phương pháp chữa bệnh mới hoặc các thử nghiệm y học phải được sự đồng ý của người bệnh.

Việc gây mê, mổ, cắt bỏ, cấy ghép mô, bộ phận cơ thể người; thực hiện kỹ thuật, phương pháp khám, chữa bệnh mới trên cơ thể người; thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất cứ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải được sự đồng ý của người đó và phải được tổ chức có thẩm quyền thực hiện.

Trường hợp người được thử nghiệm là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc là bệnh nhân bất tỉnh thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con thành niên hoặc người giám hộ của người đó đồng ý; trường hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân mà không chờ được ý kiến của những người nêu trên thì phải có quyết định của người có thẩm quyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

(Khoản 3 Bộ luật dân sự 2015)

4. Việc khám nghiệm tử thi có cần sự đồng ý của người đó hoặc của người thân không?

Theo khoản 4 Điều 33 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:

Việc khám nghiệm tử thi được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có sự đồng ý của người đó trước khi chết;

b) Có sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con thành niên hoặc người giám hộ nếu không có ý kiến của người đó trước khi chết;

c) Theo quyết định của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp luật quy định.

Thân thể của một cá nhân được bảo đảm an toàn, toàn vẹn cả khi cá nhân còn sống hay đã chết. Nguyên tắc này xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau như: tâm linh, phong tục, tập quán và đồng thời xuất phát từ quyền của con người. Sự tồn trọng thi thể của cá nhân thể hiện ở việc thi thể của cá nhân được bảo đảm sự toàn vẹn thông qua các cơ chế bảo vệ của dân sự, hình sự. Việc khám nghiệm tử thi chỉ được thực hiện trong các trường hợp đã nêu trên.

Việc khám nghiệm tử thi đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực điều tra hình sự. Việc khám nghiệm tử thi giúp các cơ quan điều tra xác định thời điểm chết, nguyên nhân chết, thậm chí thu thập chứng cứ… Qua đó, nhằm xác định, tìm kiểm hung thủ cũng như hoàn thiện hồ sơ vụ án.

5. Xâm phạm sức khỏe, tính mạng của người khác thì bị xử lí như thế nào?

Tính mạng, sức khỏe của cá nhân được pháp luật bảo vệ. Trong trường hợp sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm ngoài được bồi thường dân sự thì người thực hiện hành vi xâm phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi đó đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Bộ luật hình sự.

Điều 123 Bộ luật hình sự quy định về tội Giết người như sau:

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

….

Hay khi xâm phạm sức khỏe của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 134 Bộ luật hình sự:

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;

b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;

….

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.