Thưa Luật sư của LVN Group, xin Luật sư của LVN Group cho biết theo quy định của pháp luật hiện hành người lao động có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở như thế nào?

Rất mong nhận được tư vấn của Luật sư của LVN Group. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Người gửi: Nhữ Danh – Hà Tĩnh

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Lao động của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Lao động, gọi: 1900.0191

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

– Bộ luật lao động năm 2019

2. Quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở

Quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được quy định tại Điều 170 Bộ luật lao động hiện hành.

1. Người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn.

2. Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định tại các điều 172, 173 và 174 của Bộ luật này.

3. Các tổ chức đại diện người lao động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.

Theo đó, Điều 170 quy định về hai nội dung chính, cụ thể:

Một là, lần đầu tiên bộ luật lao động ghi nhận người lao động có hai cách để thành lập, ta nhập vào hoạt động trong tổ chức đại diện của mình trong quan hệ lao động, bao gồm:

+ Cách thứ nhất là người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn. Mọi vấn đề về điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập được thực hiện theo quy định của luật công đoàn năm 2012 và điều lệ công đoàn Việt Nam năm 2020. Theo đó, có hai cách thành lập công đoàn cơ sở: (i) người lao động tự thành lập và đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp tức liên đoàn lao động cấp huyện, công đoàn các khu công nghiệp, công đoàn ngành địa phương ra quyết định công nhận khi đủ điều kiện; (ii) công đoàn cấp trên trực tiếp của công đoàn cơ sở vận động người lao động thành lập công đoàn và ra quyết định thành lập công đoàn cơ sở khi đủ điều kiện.

+ Cách thứ hai là người lao động thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Tổ chức của người lao động này không thống nhất thiết phải gia nhập Tổng liên đoàn lao động Việt Nam mà đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được công nhận và hoạt động hợp pháp. Những quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập và đăng ký hoạt động đối với tổ chức của người lao động được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động năm 2019. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, bộ luật chỉ quy định những vấn đề cơ bản, cốt lõi nhất, có tính nguyên tắc về điều kiện số lượng thành viên tối thiểu, điều kiện đối với ban lãnh đạo của tổ chức, nội dung cơ bản của điều lệ tổ chức để được đăng ký và những trường hợp thu hồi đăng ký. Nhiều vấn đề cụ thể, trong đó có vấn đề về thẩm quyền, điều kiện, thủ tục đăng ký sẽ được quy định chi tiết trong nghị định của Chính phủ.

Bộ luật lao động năm 2019 quy định hai cách khác nhau để người lao động thực hiện quyền thành lập, gia nhập vào hoạt động cho tổ chức đại diện của mình trong quan hệ lao động có thể có những hạn chế, bất cập, song được cho là cách quyết định khôn ngoan. Các quy định này, một mặt bảo đảm phù hợp với những đặc điểm đặc thù của hệ thống chính trị, hành pháp và luật pháp Việt Nam hiện hành; tôn trọng và duy trì đặc điểm của hệ thống Tổng liên đoàn lao động Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội trong hệ thống chính trị, vừa có chức năng đại diện, vừa có chức năng chính trị xã hội; Mặt khác bảo đảm sự tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế liên quan theo các công ước của ILO và các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới ở mức độ chấp nhận được. Về phương diện quan hệ lao động, các các quy định này cũng được đánh giá là bước đi phù hợp để chuyển đổi hệ thống quan hệ lao động Việt Nam từ hệ thống được xây dựng trên cơ sở có một tổ chức đại diện sang hệ thống quan hệ lao động được xây dựng dựa trên hệ thống đại diện trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Hai là, bộ luật quy định nguyên tắc các tổ chức đại diện người lao động và công đoàn cơ sở thuộc hệ thống Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và tổ chức của người lao động đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.

Cụ thể, sự bình đẳng ở đây là sự bình đẳng trong việc đều được bảo vệ không bị người sử dụng lao động phân biệt đối xử, can thiệp thao túng (Điều 175); bình đẳng trong việc hưởng các bảo đảm và điều kiện hoạt động như quyền tiếp cận người lao động, người sử dụng lao động tại nơi làm việc, quyền sử dụng thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ đại diện (Điều 176); bình đẳng trong việc bảo vệ việc làm (Điều 177); bình đẳng trong việc thực hiện đối thoại, thương lượng tập thể và có kiến thức khác điểm đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (Điều 178)…. Đây là nguyên tắc đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm sự ra đời, hoạt động hiệu quả của các tổ chức đại diện người lao động và là nguyên tắc bảo đảm sự phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế về tự do liên kết.

Điểm cần lưu ý là sự bình đẳng giữa hai loại tổ chức đại diện người lao động này không phải là sự bình đẳng về mọi khía cạnh, mà chỉ là sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động. Điều này cũng có nghĩa là có những lĩnh vực, hai loại tổ chức này không bình đẳng với nhau, ví dụ: chỉ có tổ chức công đoàn mới có chức năng và thực hiện các nhiệm vụ chính trị xã hội; tổ chức của người lao động không có chức năng thực hiện các nhiệm vụ chính trị xã hội, chỉ thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động trong quan hệ lao động thông qua đối thoại, thương lượng tập thể và các hình thức khác theo quy định của pháp luật

3. Công đoàn cơ sở thuộc hệ thống tổ chức công đoàn Việt Nam

Công đoàn cơ sở thuộc hệ thống tổ chức công đoàn Việt Nam được quy định tại Điều 171 Bộ luật lao động năm 2019 như sau:

1. Công đoàn cơ sở thuộc hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam được thành lập ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp.

2. Việc thành lập, giải thể, tổ chức và hoạt động của Công đoàn cơ sở được thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn.

Điều 171 là điều luật quy định riêng đối với công đoàn cơ sở thuộc hệ thống Tổng liên đoàn lao động Việt Nam

Có thể thấy, điều 175 và điều 171 có một số nội dung tương đối giống nhau, đều dẫn chiếu việc thành lập, gia nhập, tổ chức và hoạt động của công đoàn cơ sở được thực hiện theo quy định của Luật công đoàn. Tuy nhiên, điểm chú ý cần lưu ý ở đây là điều 170 quy định về quyền của người lao động, còn điều 171 quy định về tổ chức công đoàn cơ sở.

Một điểm cần lưu ý nữa đó là, điều 171 nhấn mạnh phạm vi thành lập công đoàn cơ sở là ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. Trong khi đó, tổ chức của người lao động đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được thành lập ở doanh nghiệp.

4. Thành lập, gia nhập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp

4.1. Quy định về thành lập, gia nhập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp

Thành lập, gia nhập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệpđược quy định tại Điều 172 Bộ luật lao động năm 2019. Cụ thể như sau:

1. Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký.

Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tổ chức và hoạt động phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ; tự nguyện, tự quản, dân chủ, minh bạch.

2. Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bị thu hồi đăng ký khi vi phạm về tôn chỉ, mục đích của tổ chức quy định tại điểm b khoản 1 Điều 174 của Bộ luật này hoặc tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp chấm dứt sự tồn tại trong trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể hoặc doanh nghiệp giải thể, phá sản.

3. Trường hợp tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gia nhập Công đoàn Việt Nam thì thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn.

4. Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký; thẩm quyền, thủ tục cấp đăng ký, thu hồi đăng ký; quản lý nhà nước đối với vấn đề tài chính, tài sản của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, quyền liên kết của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

4.2. Bình luận quy định về thành lập, gia nhập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp

Điều 172 là một trong những điều luật mới, quan trọng nhất của Bộ luật lao động năm 2019 về tổ chức của người lao động nằm ngoài hệ thống Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Điều luật có 04 khoản quy định về các nội dung khác nhau liên quan tổ chức của người lao động bao gồm: (i) việc thành lập, nguyên tắc tổ chức, hoạt động; (ii) các trường hợp thu hồi đăng ký; (iii) việc gia nhập Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; (iv) những nội dung bộ luật giao Chính phủ quy định chi tiết thi hành.

Khoản 1 Điều 172 quy định, tổ chức của người lao động chỉ được xem là thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký. Điều này cũng có nghĩa là nếu tổ chức của người lao động chưa được cấp đăng ký thì chưa được hưởng những bảo vệ của pháp luật và chưa được thừa nhận có thẩm quyền trong việc đại diện, bảo vệ quyền hợp pháp, lợi ích chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động, trong đó quan trọng nhất là quyền thay mặt người lao động để đối thoại, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động về tiền lương và các điều kiện lao động khác của người lao động, cũng như quyền tổ chức và lãnh đạo đình công để gây sức ép với người sử dụng lao động nhằm thỏa mãn những yêu cầu của người lao động về tiền lương và các điều kiện làm việc.

Khoản 1 điều 172 cũng quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, theo đó, tổ chức và hoạt động của tổ chức của người lao động phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ hiến pháp, pháp luật và điều lệ; tự nguyện, tự quản, dân chủ, minh bạch

Theo các tiêu chuẩn quốc tế về tự do liên kết, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tổ chức của người lao động phải do chính tổ chức quyết định trong điều lệ của mình và đây là vấn đề thuộc phạm vi tự chủ, tự quản của tổ chức của người lao động. Tuy nhiên, cần lưu ý là các tiêu chuẩn lao động quốc tế về tự do hiệp hội một mặt tôn trọng quyền tự chủ của tổ chức của người lao động trong việc đề ra các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động, mặt khác cũng cho phép nhà nước, thông qua quy định của pháp luật, có thể đưa ra các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tổ chức của người lao động, xong các quy định đó phải có mục đích bảo đảm Cho chính những nguyên tắc của quyền tự do liên kết như nhằm bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động của tổ chức của người lao động.

So với các tiêu chuẩn lao động quốc tế liên quan về tự do liên kết, có thể thấy các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của tổ chức của người lao động được quy định tại khoản 1 điều 172 bộ luật lao động năm 2019 đều là những nguyên tắc rất quan trọng và hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO về quyền tự do liên kết.

Khoản 2 điều 172 quy định về các trường hợp thu hồi đăng ký, theo đó, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bị thu hồi đăng ký trong hai trường hợp, bao gồm: (i) là khi tổ chức của người lao động vi phạm về tôn chỉ, mục đích của tổ chức quy định tại điểm bê khoản 1 điều 174 của bộ luật lao động; (ii) khi tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp chấm dứt sự tồn tại trong trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể hoặc doanh nghiệp giải thể, phá sản.

Trong hai trường hợp thu hồi đăng ký, trường hợp thứ hai được xem là đương nhiên, khi tổ chức của người lao động đã chấm dứt tồn tại thì công việc của cơ quan cấp đăng ký chỉ đơn giản là thu hồi lại đăng ký mà mình đã cấp. Và do đó, quy định này không đặt ra những vấn đề pháp lý phức tạp cần chú ý.

Tuy nhiên, ở trường hợp thứ nhất, thu hồi đăng ký khi tổ chức của người lao động vi phạm về tôn chỉ, mục đích là trường hợp không đơn giản vì pháp lý. Bộ luật lao động năm 2019 quy định tôn chỉ, mục đích hoạt động của tổ chức của người lao động là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên tổ chức mình trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp; cùng với người sử dụng lao động giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động; xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định (điểm b khoản 1 điều 174). Vấn đề đặt ra là hiểu thế nào là vi phạm về tôn chỉ mục đích theo quy định này?

Liệu một tổ chức của người lao động ngoài tôn chỉ, mục đích như quy định tại điểm b khoản 1 điều 174 như trên, có thêm tôn chỉ, mục đích là hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên; tham gia các hoạt động xã hội từ thiện… thì có bị xem là vi phạm quy định về tôn chỉ, mục đích và có thể bị thu hồi đăng ký hay không?

Trong quá trình thảo luận khi xây dựng bộ luật lao động năm 2019, ngoài nội dung, tôn chỉ, mục đích như đã thể hiện tại điểm b khoản 1 điều 174, đã có thời điểm dự thảo bộ luật quy định tổ chức của người lao động không được là tổ chức có mục đích chính trị. Tuy nhiên, nội dung này đã không được quy định tại bộ luật chính thức được Quốc hội thông qua. Điều này cho thấy, với quan tâm chính của bộ luật lao động năm 2019 khi quy định về tôn chỉ, mục đích của tổ chức của người lao động là nhằm bảo đảm tổ chức này chỉ là tổ chức đại diện người lao động trong quan hệ lao động, không phải là tổ chức chính trị hay tổ chức chính trị xã hội.

Do đó, cũng có thể hiểu sao có vi phạm về tôn chỉ, mục đích tới mức phải thu hồi đăng ký phải là trường hợp vi phạm nghiêm trọng như thay vì chỉ là tổ chức đại diện người lao động trong quan hệ lao động thì tổ chức này lại có các mục đích chính trị. Nếu tổ chức của người lao động không có tôn chỉ, mục đích chính trị, mà ngoài các mục đích như quy định tại điểm b khoản 1 điều 174 bộ luật lao động năm 2019 còn có các mục đích khác như nhằm hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện … thì không bị xem là vi phạm về tôn chỉ, mục đích để có thể bị thu hồi đăng ký.

Tuy nhiên, để bảo đảm việc thực thi trên thực tế được thống nhất và đúng theo ý tưởng của bộ luật lao động thì nội dung này rất cần được quy định cụ thể, chi tiết trong nghị định của Chính phủ sau này.

Khoản 3 điều 172 quy định việc gia nhập của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp với tổ chức công đoàn Việt Nam thì thực hiện theo quy định của luật công đoàn mà không đưa ra quy định cụ thể về vấn đề này.

Tuy nhiên, điều cần lưu ý là bộ luật lao động năm 2019 có đặt ra vấn đề chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, quyền liên kết của tổ chức và người lao động tại doanh nghiệp phải giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Vấn đề đặt ra là việc tổ chức của người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam thì có được xem là trường hợp sáp nhập hoặc liên kết giữa các tổ chức của người lao động. Theo lời văn của Bộ luật lao động năm 2019 (khoản 4 điều 172) dường như trường hợp gia nhập cộng đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động không phải là trường hợp sáp nhập hoặc liên kết giữa các tổ chức của người lao động. Nói cách khác, các quy định về chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, quyền liên kết của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được quy định tại Bộ luật lao động và quy định chi tiết sau này trong nghị định của Chính phủ là chỉ áp dụng đối với các tổ chức của người lao động nằm ngoài hệ thống Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Việc gia nhập của tổ chức của người lao động với công đoàn Việt Nam hoàn toàn được thực hiện theo quy định của Luật công đoàn năm 2012

Khoản 4 điều 172 không có nội dung quy phạm cụ thể mà chỉ là nội dung Quốc Hội ủy quyền lập pháp cho chính phủ quy định chi tiết về 04 vấn đề, bao gồm: hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký; thẩm quyền, thủ tục cấp đăng ký, thu hồi đăng ký; quản lý nhà nước đối với vấn đề tài chính, tài sản của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; chia tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, quyền liên kết của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Có thể thấy, hầu hết những nội dung lớn, quan trọng về tổ chức của người lao động như đăng ký thu hồi đăng ký hiện đã được Bộ luật lao động năm 2019 trực tiếp quy định. Những nội dung bộ luật do Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 4 điều 172 chủ yếu là những vấn đề về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và những vấn đề thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Chính phủ.

Yêu cầu đặt ra là các Nghị định của chính phủ quy định chi tiết thi hành sau này, bảo đảm phù hợp với các quy định của bộ luật lao động năm 2019, chỉ quy định chi tiết những nội dung được bộ luật giao; bảo đảm tiếp tục thể chế hóa quan điểm chỉ đạo, theo đó người lao động có quyền thành lập tổ chức đại diện của mình trong quan hệ lao động nằm ngoài hệ thống Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; giữ vững ổn định chính trị xã hội, tăng cường quản lý có hiệu quả và tạo điều kiện cho tổ chức này hoạt động thuận lợi, lành mạnh theo đúng pháp luật.

Những quy định của nghị định của Chính phủ phải bảo đảm không hạn chế quyền của người lao động trong việc thành lập doanh nghiệp và hoạt động cho tổ chức đại diện trong quan hệ lao động, dù đó là công đoàn cơ sở hay tổ chức của người lao động theo đúng tinh thần của hiến pháp năm 2013.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập