1. Nội dung cơ bản của quyền tiếp cận thông tin
Quyền tiếp cận thông tin (right to access to information) là quyền của mọi công dân được tiếp cận các thông tin được ban hành và lưu giữ tại các cơ quan, tổ chức công quyền, đặc biệt là các cơ quan hành chính nhà nước. Các cơ quan công quyền nắm giữ thông tin không vì bản thân họ mà với tư cách là người bảo vệ lợi ích của công chúng. Thông tin được coi là tài sản quốc gia và cũng như mọi tài sản khác, không thể để cho một cá nhân hay tổ chức nào độc quyền chiếm đoạt nếu đó không phải là các thông tin liên quan đến bí mật quốc gia, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân. Quyền tiếp cận thông tin được coi là một trong những quyền cơ bản của con người và công dân. Điều 19 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền đã khẳng định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến, quyền này bao gồm quyền tự do giữ quan điểm không có sự can thiệp và tự do tìm kiếm, tiếp nhận và chia sẻ các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện nào mà không có biên giới”. Điều 19 Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966 đã quy định: “Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không ai được can thiệp vào. Mọi người có quyền tự do ngôn luận, quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng hoặc bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tuỳ theo sự lựa chọn của họ”. Nhận thức được tầm quan trọng của Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị, Việt Nam đã tham gia Công ước này năm 1982.
Ở Việt Nam, quyền tiếp cận thông tin đã được thể hiện trong Hiến pháp 1992 và trong một số văn bản pháp luật khác, đặc biệt là trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005. Điều 11 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định:
– Chính sách pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật phải được công khai, phải minh bạch, đảm bảo công bằng dân chủ;
– Cơ quan tổ chức, đơn vị phải công khai hoạt động của mình, trừ nội dung thuộc bí mật Nhà nước và những nội dung khác theo quy định của Chính phủ.
Hình thức công khai theo quy định của Luật này bao gồm công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị; niêm yết tại trụ sở của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; phát hành ấn phẩm; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; đưa lên trang thông tin điện tử; cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Ngoài những trường hợp pháp luật có quy định về hình thức công khai, người đứng đầu cơ quan tổ chức đơn vị có trách nhiệm lựa chọn một hoặc một số hình thức công khai quy định tại khoản 1 điều này.
Các lĩnh vực cần phải công khai theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 bao gồm: Công khai minh bạch trong mua sắm công và xây dựng cơ bản (Điều 13). Trong lĩnh vực này phải công khai kế hoạch đấu thầu, mời sơ tuyển và kết quả sơ tuyển mời thầu; danh mục các nhà thầu tham gia đấu thầu hạn chế; kết quả lựa chọn nhà thầu; thông tin về cá nhân tổ chức thuộc chủ dự án bên nhà thầu, mời thầu…; Công khai minh bạch trong quản lý dự án đầu tư xây dựng (Điều 14). Dự án quy hoạch đầu tư xây dựng phải được tổ chức lấy ý kiến của nhân dân địa phương nơi quy hoạch. Dự án đầu tư xây dựng từ ngân sách địa phương phải được Hội đồng nhân dân xem xét quyết định. Dự án đầu tư xây dựng sau khi được quyết định phê duyệt phải được công khai để nhân dân giám sát; Công khai và minh bạch về ngân sách nhà nước (Điều 15). Các cấp ngân sách, đơn vị dự toán ngân sách phải công khai chi tiết số liệu dự toán và quyết toán đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê chuẩn kể cả ngân sách bổ sung. Đơn vị dự toán ngân sách có nguồn thu và các khoản chi từ các khoản đóng góp của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật phải công khai mục đích huy động, kết quả huy động và hiệu quả việc sử dụng các nguồn huy động; Tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ phải công khai các nội dung liên quan đến số liệu dự toán quyết toán; các khoản đóng góp của tổ chức cá nhân (nếu có); cơ sở xác định mức hỗ trợ và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ; Dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước phải công khai các nội dung về việc phân bổ vốn đầu tư trong dự án ngân sách được giao hàng năm trong các dự án, dự toán ngân sách của dự án đầu tư theo kế hoạch đầu tư được duyệt, mức vốn đầu tư của dự toán được giao trong dự toán ngân sách hàng năm; quyết toán vốn đầu tư của dự toán hàng năm; Công khai minh bạch việc huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân (Điều 16); Công khai minh bạch việc quản lý sử dụng các khoản viện trợ, hỗ trợ; Công khai minh bạch trong việc quản lý doanh nghiệp của Nhà nước (Điều 18). Doanh nghiệp của Nhà nước có trách nhiệm công khai vốn và tài sản của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, vốn vay ưu đãi, báo cáo tài chính và kết quả kiểm toán, việc trích lập và sử dụng quỹ của doanh nghiệp, việc tuyển dụng lao động, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp và nội dung khác theo quy định của pháp luật; Công khai minh bạch trong cổ phần hoá doanh nghiệp của Nhà nước (Điều 19); Báo cáo kiểm toán việc sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước phải được công khai (Điều 20); Công khai minh bạch trong quản lý và sử dụng đất (Điều 21); Công khai minh bạch trong quản lý và sử dụng nhà ở (Điều 22). Thẩm quyền, trình tự, thủ tục và việc cấp giấy phép xây dựng nhà ở và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở phải được công khai, việc hoá giá nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, đối tượng được hoá giá nhà ở và các khoản tiền phải nộp khi hoá giá nhà ở phải được công khai. Việc bán nhà ở cho người tái định cư, người có thu nhập thấp và những đối tượng ưu tiên khác phải được công khai; Công khai minh bạch trong lĩnh vực giáo dục (Điều 23); Công khai minh bạch trong lĩnh vực y tế (Điều 24); Công khai minh bạch trong lĩnh vực khoa học công nghệ (Điều 25). Việc xét tuyển chọn giao trực tiếp, tài trợ thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ và việc đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học công nghệ phải được tiến hành công khai, cơ quan quản lý khoa học công nghệ, đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ phải công khai việc quản lý sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản của Nhà nước, các khoản hỗ trợ, viện trợ, đầu tư, các khoản thu từ các hoạt động khoa học công nghệ; Công khai minh bạch trong lĩnh vực thể dục thể thao (Điều 26); Công khai minh bạch trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm toán Nhà nước (Điều 27); Công khai minh bạch trong các hoạt động giải quyết các công việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền (Điều 28); Công khai minh bạch trong lĩnh vực tư pháp (Điều 29). Việc thụ lý, điều tra, truy tố, kiểm sát, xét xử, thi hành án phải được công khai theo quy định của pháp luật về tố tụng và các quy định khác về pháp luật có liên quan; Công khai minh bạch trong công tác tổ chức cán bộ (Điều 30). Việc tuyển dụng cán bộ công chức, viên chức và người lao động khác vào cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai về số lượng tiêu chuẩn, hình thức và kết quả tuyển dụng. Việc quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, chuyển ngạch, luân chuyển, điều động, khen thưởng, cho thôi việc, cho thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, bãi nhiệm, kỷ luật, hưu trí đối với cán bộ công chức, viên chức và người lao động khác phải được công khai trong cơ quan tổ chức đơn vị nơi người đó làm việc.
Luật Phòng, chống tham nhũng, tại Điều 31, đã quy định về quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan tổ chức, theo đó cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, cơ quan báo chí trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm cung cấp thông tin về hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu phải cung cấp thông tin, trừ trường hợp nội dung thông tin đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, được phát hành ấn phẩm và các niêm yết công khai; trường hợp không cung cấp hoặc chưa cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức yêu cầu biết và nêu rõ lý do. Tại Điều 32 của Luật đã quy định về quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cá nhân theo đó cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác có quyền yêu cầu người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị nơi mình làm việc cung cấp thông tin về hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó (Khoản 1 Điều 32). Công dân có quyền yêu cầu chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi mình cư trú cung cấp về hoạt động của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn đó (Khoản 2 Điều 32). Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, người được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, trừ trường hợp nội dung thông tin đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, được phát hành ấn phẩm hoặc niêm yết công khai; trường hợp không cung cấp hoặc chưa cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản cho người yêu cầu biết và nêu rõ lý do (Khoản 3 Điều 32).
Ngoài các quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, các văn bản pháp luật sau đây cũng đã quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước và quyền tiếp cận thông tin của công dân: Luật Báo chí năm 1989, Luật Xuất bản năm 2004, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2004, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2005, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005, Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007, Pháp lệnh về vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003. Đặc biệt trong Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 đã quy định những nội dung phải công khai để nhân dân biết, nhân dân bàn và quyết định; những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; những nội dung nhân dân giám sát, trách nhiệm của chính quyền, cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, của cán bộ thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, của cơ quan tổ chức cá nhân có liên quan. Trong Điều 5 của Pháp lệnh trên đã quy định11 vấn đề cần phải công khai và Điều 6 quy định về các hình thức công khai thông tin. Đồng thời, tại Điều 10 Pháp lệnh trên cũng đã quy định về những nội dung nhân dân tham gia ý kiến và Điều 20 quy định 3 hình thức để nhân dân tham gia ý kiến.
Những quy định trên đây về việc tiếp cận thông tin của công dân và nghĩa vụ của cơ quan nhà nước về cung cấp thông tin trong một số lĩnh vực và phạm vi địa bàn áp dụng cũng đã khá rõ. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định này còn rất hạn chế vì trong tất cả các văn bản pháp luật nói trên hầu như có rất ít chế tài quy định về vấn đề xử phạt việc không cung cấp thông tin. Bên cạnh đó, những quy định trên lại nằm rải rác trong các văn bản pháp luật khác nhau, thiếu tính hệ thống nên vẫn chưa đảm bảo cho công dân được thực hiện một cách đầy đủ quyền tiếp cận thông tin. Đặc biệt là, Việt Nam vẫn chưa ban hành được một đạo luật riêng về quyền tiếp cận thông tin.
Theo Toby Mendel, một chuyên gia trong lĩnh vực tiếp cận thông tin, trong công trình nghiên cứu “Tầm quan trọng của Quyền tiếp cận thông tin: Xu hướng, Địa vị và Đặc điểm” (1), thì năm 1990 chỉ mới có 13 nước trên thế giới có Luật Tiếp cận thông tin. Đến năm 2009, đã có trên 80 quốc gia ban hành Luật Tiếp cận thông tin và khoảng 30 quốc gia khác đang trong quá trình xây dựng Luật Tiếp cận thông tin, trong đó có Việt Nam. Tổ chức phi chính phủ quốc tế về nhân quyền có tên là “ARTICLE 19” đã coi thông tin là “khí oxy của nền dân chủ”. Thông tin là nguồn sống cơ bản của nền dân chủ vì về bản chất, dân chủ là khả năng của cá nhân tham gia một cách hiệu quả vào quá trình ra quyết định có ảnh hưởng đến cá nhân đó (2).
2. Vai trò của quyền tiếp cận thông tin trong việc bảo đảm thực hiện các quyền chính trị và dân sự của công dân
Quyền chính trị của công dân bao gồm các quyền: tham gia quản lý công việc của Nhà nước và xã hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tham gia xây dựng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện quyền bầu cử và ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước, tham gia thực hiện giám sát bộ máy nhà nước, thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật, tự do thể hiện ý chí của mình khi Nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý. Muốn thực hiện các quyền trên đây trước hết công dân phải có đầy đủ các thông tin. Nếu không có thông tin hoặc thông tin không đầy đủ, công dân không thể thực hiện các quyền Hiến định đó của mình; chẳng hạn để thực hiện quyền bầu cử, nếu các cơ quan có thẩm quyền không cung cấp đầy đủ các thông tin về ứng cử viên trong danh sách bầu cử, người dân không biết lựa chọn người nào, vì vậy, mặc dù có quyền lựa chọn nhưng người dân không thể thực hiện được quyền này.
Các đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn các thành viên của Chính phủ trong các phiên họp của Quốc hội, nhưng nếu các đại biểu Quốc hội không được cung cấp thông tin đầy đủ, hoặc không có bộ máy giúp việc có năng lực, hoặc không có các cơ quan chuyên môn của Quốc hội như Thanh tra Quốc hội (Ombudsman) hay Kiểm toán Quốc hội (Parliamentary Audit), các đại biểu Quốc hội không thể có thông tin để đối chiếu với những số liệu mà các Bộ trưởng đã đưa ra khi trả lời chất vấn, thì quyền chất vấn cũng chỉ là hình thức. Ngay quyền bỏ phiếu để thông qua kế hoạch dài hạn và ngắn hạn, nếu không có thông tin đầy đủ thì các đại biểu Quốc hội cũng không dám chắc việc “bấm nút” của mình đúng hay sai. Có thể khẳng định, nếu không có thông tin đầy đủ do các cơ quan công quyền cung cấp thì các đại biểu Quốc hội cũng khó có thể hoàn thành được các quyền mà pháp luật đã trao cho người đại biểu của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Việc tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng các hình thức trực tiếp hay gián tiếp đều dựa trên sự hiểu biết của công dân. Sự hiểu biết này chủ yếu được hình thành trên cơ sở các thông tin mà công dân nắm được; chẳng hạn, nếu không có thông tin công khai về tài sản của Nghị sĩ và các quan chức khác của Nhà nước trước và sau các nhiệm kỳ bầu cử, thì các cử tri cũng không thể biết được liệu những người được nhân dân lựa chọn hoặc được các cơ quan nhà nước cấp trên bổ nhiệm vào những chức vụ nhất định, có tham nhũng hay không.
Do không có các thông tin đầy đủ, việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân sẽ rất khó khăn. Chẳng hạn, họ không biết gửi đơn khiếu kiện đến cơ quan nào, thủ tục giải quyết khiếu kiện sẽ ra sao, ai là người chịu trách nhiệm chính về loại vụ việc này. Do không có thông tin đầy đủ, người dân có thể buộc phải chịu đựng tình trạng vi phạm pháp luật của các cơ quan công quyền, vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của họ mà không dám đấu tranh vì các cơ quan công quyền – đặc biệt là các cơ quan hành chính nhà nước – đã bưng bít các thông tin.
Mọi công dân đều có đầy đủ các quyền dân sự của mình. Một trong các quyền dân sự của công dân là quyền được yêu cầu bồi thường khi họ là nạn nhân của việc bị bắt hoặc bị giam giữ bất hợp pháp. Công dân chỉ có thể đấu tranh để thực hiện quyền này khi họ được cung cấp thông tin về điều kiện và mức độ bồi thường, cơ quan bồi thường. Nếu không có các thông tin đó, người dân sẽ rất khó khăn khi bảo vệ các quyền của mình.
Quyền tài sản là quyền dân sự đặc biệt quan trọng của công dân. Khi vì lợi ích công, các bất động sản của công dân có thể bị Nhà nước trưng dụng với sự đền bù thoả đáng. Tuy nhiên, công dân chỉ có thể bảo vệ được quyền đền bù thoả đáng này khi họ được Nhà nước cung cấp đầy đủ và chính xác về giá cả đền bù và các thủ tục cần thiết trong việc đền bù do giải phóng mặt bằng.
Như vậy, nếu không có thông tin đầy đủ thì các quyền dân sự của người dân khó có thể được đảm bảo thực hiện.
3. Vai trò của quyền tiếp cận thông tin trong việc đảm bảo thực hiện các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội của công dân
Quyền tự do kinh doanh là một quyền cơ bản của công dân. Tuy nhiên, muốn thực hiện quyền này, công dân phải có đầy đủ thông tin trong lĩnh vực kinh tế. Chẳng hạn, công dân cần phải có đầy đủ các thông tin về nhu cầu tiêu dùng của xã hội, về thị trường tiêu thụ hàng hoá, trên cơ sở đó người dân đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới có hiệu quả. Khi có đầy đủ thông tin, công dân có thể xác định đúng sản xuất mặt hàng gì, yêu cầu chất lượng như thế nào và tiêu thụ ở đâu. Tình trạng nhiều nơi nông dân trồng mía, nuôi bò sữa, trồng các loại hoa quả, chăn nuôi các loại gia cầm, gia súc, nhưng không bán được sản phẩm của mình do nhu cầu tiêu thụ ít nhưng sản xuất lại nhiều, mặt hàng cần thì không có, mặt hàng có thì không cần, chính là do sự thiếu thông tin theo quy luật cung cầu trong nền kinh tế thị trường. Hoặc ví dụ khác, nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền không cung cấp cho người dân biết những thông tin về nguy cơ phá sản hay tình trạng đã phá sản của một số doanh nghiệp của Nhà nước cũng như tư nhân, thì người dân có thể sẽ mất trắng hàng trăm triệu, thậm chí hàng chục tỷ đồng nếu làm ăn với các doanh nghiệp đã hoặc đang trên đà phá sản mà họ không biết.
Đối với quyền học tập của công dân cũng vậy. Các cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền phải có nghĩa vụ cung cấp cho người dân những thông tin cần thiết về các nghề nghiệp mà xã hội đang cần, mặt khác cũng cần cung cấp các thông tin về những ngành nghề mà nhiều người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng hoặc trung cấp chuyên nghiệp nhưng không có việc làm. Nếu không có thông tin đầy đủ về các chỉ số trên đây thì sẽ dẫn đến tình trạng đào tạo tràn lan, đào tạo theo nhu cầu cảm tính, cán bộ vừa thừa vừa thiếu. Con số chỉ có 40% sinh viên các trường đại học sau khi tốt nghiệp có việc làm hiện nay ở Việt Nam đã nói lên tình trạng này, chưa nói đến những sai lầm về đào tạo cán bộ trong thời kỳ theo cơ chế hành chính quan liêu bao cấp.
Do thiếu thông tin khoa học, đặc biệt là những thông tin khoa học cập nhật, các lĩnh vực khoa học đặc biệt là khoa học xã hội của Việt Nam đã lạc hậu so với nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Cũng do thiếu thông tin về hình thức và phương pháp đào tạo ở nước ngoài nên trong một thời gian dài, chỉ có hình thức đào tạo công lập với phương pháp đào tạo mang tính chất cổ truyền.
Quyền tiếp cận thông tin có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các chính sách tạo công ăn việc làm cho công dân, đặc biệt là các chính sách xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Do không có thông tin đầy đủ và chính xác về việc làm và chế độ tiền lương ở nước ngoài, mà một số công nhân xuất khẩu lao động với những chi phí tốn kém để ra nước ngoài lao động ở nước ngoài nhưng họ đã thất vọng vì công việc nặng nhọc mà đồng lương thấp, hoặc không có việc làm, buộc phải trở về nước với những khoản nợ nặng nề do chi phí cho các dịch vụ môi giới tìm kiếm việc làm ở nước ngoài.
Sự thiếu thông tin cần thiết và đầy đủ cũng tước đi khả năng của công dân có thể hưởng thụ những tinh hoa văn hoá của nhân loại, như thông tin về những thành tựu mới trong văn học nghệ thuật, âm nhạc, trong phát minh sáng chế, trong các thành tựu y học về giải phẫu, về khả năng chữa các căn bệnh hiểm nghèo, các thành tựu trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, công nghệ sinh học tạo ra các giống cây mới, vật nuôi mới có năng suất và giá trị kinh tế cao…
Một trong các quyền thuộc về lĩnh vực các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội là quyền được sống trong môi trường trong sạch. Tuy nhiên, nếu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền không cung cấp thường xuyên các số liệu về mức độ ô nhiễm không khí, sự trong sạch của các nguồn nước, thì người dân có thể không biết họ đang sống trong một môi trường bị ô nhiễm về mức độ tiếng ồn, về mức độ bụi trong không khí, về các nguồn nước uống có chứa các chất độc hại… Các thực phẩm mà người dân sử dụng hàng ngày nếu không có thông tin đầy đủ thì người dân cũng có thể phải sử dụng các thực phẩm độc hại…
Như vậy, theo chúng tôi, quyền tiếp cận thông tin không chỉ là “oxy của nền dân chủ”, mà suy cho cùng, nó là quyền để thực hiện mọi quyền. Vì không có thông tin thì người dân không thể biết, không thể bàn, không thể làm, không thể kiểm tra về bất cứ vấn đề gì. Nói một cách khác tất cả các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội của công dân đều chỉ có thể đảm bảo thực hiện trên cơ sở đảm bảo quyền tiếp cận thông tin.
(1) Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: “Xây dựng Luật tiếp cận thông tin tại Việt Nam” ngày 06-07/05/2009 tại Hà Nội, tr. 30.
(2) Tài liệu đã dẫn, tr. 32.
PGS, TS Thái Vĩnh Thắng – Đại học Luật Hà Nội