Luật sư tư vấn:

1. Khách hàng tiềm năng là gì ?

Thuật ngữ “khách hàng tiềm năng” được tác giả tiếp cận đối với những chủ thể có quan hệ với tổ chức tín dụng, chưa tham gia ký kết hợp đồng cho vay, muốn được vay vấn theo chính sách tín dụng đặc thù của Nhà nước, hoặc các chính sách tín dụng ưu đãi của các tổ chức tín dụng.

 

2. Xác định khách hàng tiềm năng như thế nào ?

Những chủ thể (khách hàng vay) này bao gồm:

Thứ nhất, nhóm khách hàng là tổ chức, cá nhân có năng lực tài chính hạn hẹp, khó tiếp cận vốn vay từ tổ chức tín dụng

Nhóm khách hàng này được Nhà nước bảo đảm vay vốn theo các điều kiện được nới lỏng thông qua nguồn tín dụng của ngân hàng chính sách kể cả các ngân hàng thương mại (chủ yếu là các ngân hàng thương mại nhà nước bỏ vốn đầu tư, thành lập – Các ngân hàng thương mại do nhà nước bỏ vốn thành lập hiện nay chiếm 51,8% toàn hệ thống. Xem tại: ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia: Báo cáo tình hình kinh tế- tài chính năm 2017 và triển vọng năm 2018) để bảo đảm quyền tiếp cận tín dụng công bằng, tạo điều kiện cho người vay phát triển, chủ động tham gia vào các quan hệ kinh tế bền vững.

Trên lý thuyết, quyền tiếp cận tín dụng là quyền cơ bản của con người được tiếp cận vốn tín dụng để phát triển, được nhiều nghiên cứu, pháp luật nước ngoài đề cập. Các kết quả nghiên cứu này là nền tảng lý luận về quyền tiếp cận tín dụng, dựa trên những phân tích về pháp luật thực định trong và ngoài nước. Chẳng hạn, tại Hoa Kỳ, quốc gia theo hệ thống thông luật, pháp luật quốc gia này đề cao quyền tiếp cận vốn của các cá nhân khó tiếp cận được vay vốn. Cụ thể: Luật Cơ hội tín dụng công bằng (Equal Credit Opportunity Act) quy định cấm phân biệt đối xử đối với các thành phần có địa vị khác nhau trong xã hội khi cho vay (12 u.s.c §§ 1691 – 1691; Luật Tái đầu tư cộng đồng (Community Reinvestment Act) khuyến khích ngân hàng cấp tín dụng cho khu vực có thu nhập thấp, cung ứng tín dụng mua nhà giá rẻ, tài trợ các dịch vụ vì cộng đồng… (12 u.s.c §§ 2901-2906). Những quy định này được ban hành nhằm tạo điều kiện để các cá nhân khó khăn về tài chính, những tổ chức kinh tế quy mô nhỏ được tiếp cận vốn vay của ngân hàng, giải quyết các nhu cầu kinh tế thiết yếu. Trường hợp ngân hàng nào vi phạm sẽ bị chế tài bằng các biện pháp xử phạt hành chính, hoặc hạn chế các hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Như vậy, quyền tiếp cận tín dụng là khái niệm có nội hàm khá rộng, bao gồm cả những chủ trương, chính sách của ngân hàng đối với người vay, thay vì là một quyền năng hợp đồng. Phạm vi của các quyền này tùy vào từng khả năng, chiến lược, điều kiện của quốc gia, từng tổ chức tín dụng, cũng như được cụ thể hóa thông qua các quy định của pháp luật.

Thứ hai, nhóm khách hàng tiềm năng được hình thành thông qua quá trình tổ chức tín dụng ưu đãi, tìm kiếm nguồn khách hàng cho vay

Nhóm khách hàng này mong muốn được ký kết hợp đồng cho vay để vay vốn khi nguồn vốn trong ngân hàng dư thừa, có nguồn huy động vốn quen biết, ổn định, cần giải ngân nhanh chóng để cân bằng nguồn tài chính, tạo nguồn thu thanh toán cho các khoản chi tiêu, hoàn trả tiền gửi theo kế hoạch. Mối quan hệ giữa các chủ thể vay này thể hiện sự gắn bó mật thiết, tin tưởng lẫn nhau, được thực hiện thông qua các quyết định nội bộ của các tổ chức tín dụng. Nếu không kiểm soát nguồn vốn chặt chẽ, có chính sách tín dụng hợp lý, tổ chức tín dụng sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, mất kiểm soát, nguyên nhân do khách hàng vay không có khả năng hoàn trả vốn (mất năng lực tài chính), hoặc bị chi phối bởi các nhóm lợi ích như khuyến cáo thường thấy của Chính phủ.

Từ những phân tích, tác giả đã phân định nhóm khách hàng tiềm năng có những khác biệt với các nhóm lợi ích, những chủ thể bị cấm hoặc hạn chế cho vay. Sự khác biệt cơ bản này được thể hiện như sau:

i) Các nhóm lợi ích thường do các nhà đầu tư tổ chức tín dụng thành lập, hoặc có quan hệ, lợi ích liên quan với các lãnh đạo tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng khi cho đối tượng này vay thông thường lược bỏ qua các quy trình, thủ tục vốn dĩ phức tạp, lãi suất thiếu minh bạch, chi lãi ngoài hợp đồng, nâng khống giá trị tài sản bảo đảm so với giá trị thực tế, cho vay vượt hạn mức cho phép, công tác kiểm soát sau cho vay lỏng lẻo nên khoản vay thường không hiệu quả, thậm chí bị mất vốn…;

ii) Có thể thấy hiện tượng này trong các vụ án hình sự được Tòa án các cấp xử lý tội phạm: “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” gần đây đã minh chứng. Các lãnh đạo của tổ chức tín dụng (bị truy cứu trách nhiệm hình sự) xét duyệt cho vay các khách hàng do chính họ thành lập (doanh nghiệp), chi phối toàn bộ khoản vay, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các tổ chức tín dụng do mất cân đối tài chính, không thu hồi vốn vay và lãi suất.

Tóm lại, điểm tích cực khi cho vay đối với khách hàng tiềm năng đó là lợi ích của cộng đồng, khơi thông nguồn vốn vay, ngân hàng chủ động nguồn khách hàng ổn định, lâu dài. Các nhà làm luật Việt Nam đã nhìn nhận rõ, từ đó xây dựng, hình thành các phương thức tiếp cận tín dụng đa dạng, đáp ứng nhu cầu vốn, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quyền chủ động kinh doanh của các tổ chức tín dụng trong quan hệ, tìm kiếm khách hàng. Song, với những thực tiễn đã nêu, các nghiên cứu trong lý luận và pháp lý cần tiếp tục được làm rõ: Tiêu chí phân định khách hàng tiềm năng với các nhóm lợi ích vay vốn; Cụ thể hóa các điều kiện cho vay những khách hàng có lợi ích liên quan đến lãnh đạo tín dụng (một số gợi ý cho vấn đề này như: không cho vay tín chấp đối tượng này, tài sản bảó đảm phải tương ứng khoản vay và lãi suất, có tính thanh khoản cao,… như kinh nghiệm các nước), nhằm minh định rõ hơn mối quan hệ pháp lý giữa tổ chức tín dụng với khách hàng tiềm năng, có giải pháp điều chỉnh bằng pháp luật phù hợp, hiệu quả, thay vì bỏ ngỏ như hiện nay.

 

3. Quy định theo pháp luật Việt Nam nhóm khách hàng vay

Rải rác trong các chính sách tín dụng của Nhà nước đều đề cập những ưu đãi vay vốn vào mục đích dự án nông nghiệp, nông thôn; đánh bắt xa bờ; chính sách nhà ở cho người lao động;… Quy định nhằm giải quyết các nhu cầu vốn thiết yếu theo định hướng phát triển của nền kinh tế. Pháp luật điều chỉnh quan hệ cho vay ngân hàng còn đặt ra 05 (năm) lĩnh vực ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn; kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao nếu doanh nghiệp có tài chính minh bạch, lành mạnh (khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN) để có chính sách hỗ trợ cho vay hợp lý. Vận dụng quy định này, các tổ chức tín dụng thường đưa ra những gói vay cho phép các tổ chức, cá nhân được hưởng chính sách ưu đãi về lãi suất so với những khoản vay có mục đích thương mại, và được các ngân hàng có nguồn vốn đầu tư của Nhà nước quán triệt áp dụng (Đối với các ngân hàng thương mại tư nhân, với mục đích kinh doanh sinh lời, việc thực hiện chính sách này phải bảo đảm cân đối nguồn vốn, chủ trương chung trong nội bộ ngân hàng), tạo ra các sản phẩm tín dụng đa dạng, giải quyết nhu cầu vốn cho mọi lĩnh vực kinh tế nhà nước quan tâm phát triển.

Chẳng hạn, từ tháng 8/2017 Ngân hàng thương mại cổ phần ĐT & PTVN đưa ra gói vay 10.000 tỷ đồng ưu đãi doanh nghiệp vừa và nhỏ, với mức lãi suất thấp hơn 1%/năm so với lãi suất vay thông thường của khách hàng cùng loại. Những ưu đãi này không chỉ đơn thuần là để khuyến khích đầu tư, mang lại lợi ích bền vững cho quốc gia. Đó còn là cơ hội để các tổ chức, cá nhân được tiếp cận vốn dễ dàng, thuận lợi, đạt khả năng hiệu quả kinh doanh cao hơn khi lựa chọn, quyết định đầu tư, kinh doanh ở những lĩnh vực này (không chỉ ưu đãi về lãi suất, tổ chức tín dụng còn có các chính sách ưu đãi tín dụng và sản phẩm; ưu đãi qua các hoạt động chăm sóc khách hàng).

Mọi vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, hoạt động vay vốn, giải ngân vốn… Quý khác hàng vui lòng gọi: 1900.0191 để được Luật sư tư vấn pháp luật ngân hàng, tài chính trực tuyến qua tổng đài điện thoại. Đội ngũ Luật sư của LVN Group của Công ty luật LVN Group luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp mọi vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.