1. Căn cứ pháp lý cho quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

– Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền nổi tiếng của Pháp năm 1789;

– Hiến chương của Liên hợp quốc năm 1945;

– Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người năm 1948;

– Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966;

 

2. Tự do tín ngưỡng là gì ?

Tự do tín ngưỡng hay tự do tôn giáo thường được coi là một nguyên tắc ủng hộ quyền tự do của cá nhân hay cộng đồng trong việc công khai hoặc bí mật thực hành, thờ phụng, rao giảng, hay tu tập một tôn giáo hay tín ngưỡng. Khái niệm này thường được thừa nhận là có bao gồm cả việc tự do thay đổi tôn giáo hoặc tự do không theo một tôn giáo nào. Tại nhiều quốc gia, tự do tín ngưỡng được nhiều người coi là một quyền cơ bản của con người.

Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền định nghĩa tự do tín ngưỡng như sau:

“Mỗi người có quyền tự do tư tưởng, lương tâm, và tín ngưỡng; quyền này bao gồm tự do thay đổi tín ngưỡng, và tự do thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng của mình một cách cá nhân hoặc công khai trong việc rao giảng, thực hành, thờ phụng, và tu tập.”

 

3. Khái quát lịch sử phát triển của các quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những vấn đề được thảo luận nhiều nhất trong lịch sử phát triển các quyền và tự do cơ bản của con người. Quan niệm về “tự do tôn giáo” được hình thành ở châu Âu gắn liền với các cuộc cách mạng tư sản thế kỷ XVII – XVIII. Những nhà tư tưởng như John Locke đã đặt nền móng cho quyền tự do tôn giáo khi cho rằng, tôn giáo là vấn đề của cá nhân hơn là của xã hội. Vai trò của nhà nước không phải là khuyến khích phát triển tôn giáo mà là bảo vệ quyền của mỗi cá nhân có thể sở hữu niềm tin tôn giáo của chính mình và cách tốt nhất là hãy để cá nhân mỗi người tự lựa chọn tôn giáo cho mình.

Trong tiến trình vận động của lịch sử, quan niệm về tự do tôn giáo dần trở nên hoàn thiện hơn. Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 đề cập đến tự do, song chưa nói cụ thể về tự do tôn giáo. Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền nổi tiếng của Pháp ngày 26-8-1789 đã nói đến tự do cá nhân, tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, song cũng chưa thực sự nói rõ về tự do tôn giáo:

“Không ai phải lo lắng về những quan điểm của họ, bao gồm cả những quan điểm về tôn giáo, miễn là sự thể hiện chúng không làm ảnh hưởng tới trật tự công cộng được pháp luật bảo vệ”.

Năm 1905, Luật Phân ly nổi tiếng của nước Pháp thật sự nói về tự do lương tâm và tự do thờ cúng. Như vậy, cho đến đầu thế kỷ XX, quan niệm về tự do tôn giáo mới chỉ mang tính quốc gia riêng lẻ, cho đến khi Liên hợp quốc thông qua Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền ngày 10-12-1948 thì tự do tôn giáo mới trở thành một quyền mang tính quốc tế.

 

4. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong luật nhân quyền quốc tế

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được ghi nhận trong nhiều văn kiện của luật nhân quyền quốc tế. Cụ thể, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được ghi nhận trong một số văn bản chính trị – pháp lý của Liên hợp quốc bao gồm các văn bản mang tính chất tuyên ngôn như Hiến chương của Liên hợp quốc năm 1945, Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người năm 1948; các văn bản mang tính chất pháp lý như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, trong đó, Hiến chương của Liên hợp quốc và Tuyên ngôn nhân quyền là những văn bản không có tính ràng buộc pháp lý, nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định các nguyên tắc và định hướng đạo lý, chính trị của quyền con người nói chung, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng. Công ước là văn bản có tính ràng buộc pháp lý, bao gồm các nội dung cụ thể về quyền con người và các quốc gia chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế đối với những văn kiện này.

– Hiến chương Liên Hợp Quốc, 1945

Hiến chương Liên Hợp Quốc năm 1945 đã đề cập đến nội dung quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hướng:

“Khuyến khích phát triển sự tôn trọng các quyền của con người và các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hoặc tôn giáo”.

Với mục đích nhằm tạo những điều kiện ổn định và tốt đẹp để duy trì những quan hệ hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc Liên Hợp Quốc khuyến khích“tôn trọng và tuân thủ triệt để các quyền con người và các quyền tự do cơ bản của tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo”[3].

– Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người, 1948 (UDHR)

Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người năm 1948 của Liên Hợp Quốc là văn kiện quốc tế đầu tiên ghi nhận quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo, khẳng định:

“Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo, kể cả tự do thay đổi tín ngưỡng hoặc tôn giáo của mình, và tự do bày tỏ tín ngưỡng hay tôn giáo của mình bằng các hình thức như truyền giảng, thực hành, thờ cúng và tuân thủ các nghi lễ, dưới hình thức cá nhân hay tập thể, tại nơi công cộng hoặc nơi riêng tư”.

UDHR đã kế thừa và phát triển tư tưởng về “tự do tôn giáo” trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1789. Điểm phát triển ở đây là UDHR quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cụ thể và chặt chẽ hơn.

Để thực hiện được các quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, UDHR đã xác định các điều kiện đảm bảo như tôn trọng và thực thi các nguyên tắc quan trọng nhất trong việc bảo vệ quyền con người:

“Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền”;

“Mọi người đều được hưởng tất cả các quyền và tự do nêu trong bản Tuyên ngôn này mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hay các địa vị khác”

. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng mà không có bất kỳ sự phân biệt nào. Mọi người đều có quyền được bảo vệ một cách bình đẳng chống lại bất kỳ sự phân biệt đối xử nào vi phạm bản Tuyên ngôn này, và chống lại bất kỳ sự kích động phân biệt đối xử nào như vậy”.

Bên cạnh đó, UDHR cũng đề cập đến những giới hạn trong việc thực hiện quyền con người nói chung, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng, mà bản chất của nó là cho phép các quốc gia thành viên có thể áp đặt một số điều kiện với việc thực hiện hoặc hưởng thụ một số quyền con người nhất định, theo đó, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là quyền tuyệt đối, mà là quyền có thể bị giới hạn, cụ thể:

“1. Mọi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng, là nơi duy nhất mà ở đó nhân cách của bản thân họ có thể phát triển tự do và đầy đủ.

2. Khi hưởng thụ các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định, nhằm mục đích bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác, cũng như nhằm đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ.

3. Trong mọi trường hợp, việc thực hiện các quyền tự do này cũng không được trái với các mục tiêu và nguyên tắc của Liên hợp quốc”.

– Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, 1966 (ICCPR)

Quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo được quy định tại Khoản 1, Điều 18 với bốn nội dung cụ thể, theo đó: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo. Quyền này bao gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn và tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác, công khai hoặc kín đáo, dưới các hình thức như thờ phụng, cầu nguyện, thực hành và truyền giảng”.

Ngoài ra, trong ICCPR, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo còn được bổ sung thêm ba nội dung, làm cho quan niệm về quyền này rõ ràng và đầy đủ hơn, đó là:

– Khoản 2, Điều 18: “Không ai bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn hoặc tin theo tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ”;

– Khoản 3 Điều 18: Khác với bản thân quyền tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo và tín ngưỡng là những quyền tuyệt đối, không thể giới hạn, theo ICCPR, việc biểu đạt, bày tỏ (manifest) tôn giáo và tín ngưỡng lại có thể bị giới hạn:

“Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”.

Trong khoản 3 Điều 18 nêu trên có đầy đủ các lý do thông thường mà các quốc gia có thể viện dẫn để giới hạn quyền, ngoại trừ an ninh quốc gia.

– Khoản 4, Điều 18 xác định quyền của các bậc cha mẹ được hướng dẫn về niềm tin, đức tin, tín ngưỡng cho con cái họ, khi quy định:

“Các quốc gia thành viên Công ước cam kết tôn trọng quyền tự do của các bậc cha mẹ, và của những người giám hộ hợp pháp nếu có, trong việc giáo dục về tôn giáo và đạo đức cho con cái họ theo ý nguyện của riêng họ”.

Như vậy, do đặc điểm hạn chế về khả năng nhận thức của trẻ em, ICCPR quy định cha mẹ hoặc người giám hộ sẽ có toàn quyền trong việc bảo đảm giáo dục về tôn giáo và đạo đức cho con cái phù hợp với nguyện vọng của mình.

Bốn nội dung của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thể hiện tại Điều 18 của ICCPR gắn kết với nhau trong mối tương quan mật thiết, vừa nói lên được tính phổ quát của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, vừa “để ngỏ” cho những quốc gia với những đặc thù riêng có thể thực hiện được. Vì vậy, tính khả thi trong hiện thực của nó rất cao.

– Bình luận chung số 22 của Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp quốc

Một số khía cạnh liên quan đến nội dung Điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị sau đó đã được Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp Quốc (The United Nations’ Human Rights Council – HRC) làm rõ thêm trong Bình luận chung số 22 thông qua tại phiên họp lần thứ 48 năm 1993 của Uỷ ban, mà có thể tóm tắt những quan điểm quan trọng sau:

1. Quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo không bị hạn chế hay bị tước bỏ trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia (đoạn 1).

2. Các khái niệm “tín ngưỡng” (belief) và “tôn giáo” (religion) trong Điều 18 ICCPR cần được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả những lòng tin hữu thần và vô thần. Điều này không chỉ được áp dụng với các tôn giáo, tín ngưỡng có tính thể chế mà còn với những tập tục truyền thống mang tính tôn giáo (đoạn 2).

3. Quyền tự do thực hành tôn giáo hay tín ngưỡng có thể được thực thi với tư cách cá nhân hay cùng với cộng đồng, ở nơi công cộng hay chỗ riêng tư; thể hiện ở các hành động như thờ cúng, tham gia những lễ hội tôn giáo, quan sát, thực hành và giảng dạy về tôn giáo. Khái niệm thờ cúng bao gồm những hoạt động lễ nghi, kỷ niệm, xây dựng những nơi thờ tự, sử dụng hay trưng bày các vật dụng và biểu tượng nghi lễ, tham gia các lễ hội và các ngày nghỉ lễ tôn giáo. Việc quan sát và thực hành tôn giáo không chỉ bao gồm các hoạt động nghi lễ mà còn bao gồm việc tuân thủ các nguyên tắc về ăn kiêng, trang phục, sử dụng ngôn ngữ đặc biệt, lựa chọn lãnh đạo tôn giáo, tăng lữ, người thầy tâm linh, thành lập các trường tôn giáo, biên soạn và phân phát các tài liệu tôn giáo (đoạn 4).

4. Quyền tin hoặc theo một tôn giáo hay tín ngưỡng bao gồm quyền tự do lựa chọn một tôn giáo hay tín ngưỡng để tin hoặc theo, kể cả việc thay đổi niềm tin từ tôn giáo, tín ngưỡng này sang tôn giáo, tín ngưỡng khác, hay thay đổi niềm tin từ vô thần sang hữu thần và từ hữu thần sang vô thần (đoạn 5).

5. Các trường công lập có thể giảng dạy những môn học như lịch sử đại cương của các tôn giáo và tín ngưỡng, miễn là nội dung cần trung lập và khách quan. Việc các trường công lập giảng dạy giáo lý một tôn giáo hay nội dung một tín ngưỡng cụ thể nào đó là  trái với quy định trong khoản 4 Điều 18, trừ phi việc giảng dạy như vậy là do ý nguyện và thuộc vào quyền quyết định của các bậc cha mẹ (đoạn 6).

6. Nghiêm cấm các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng có mục đích hoặc tính chất tuyên truyền cho chiến tranh hoặc hận thù dân tộc, tôn giáo hay kích động sự phân biệt đối xử về chủng tộc, sự thù địch hoặc bạo lực. Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ sử dụng pháp luật để ngăn chặn hành động đó (đoạn 7).

7. Khoản 3 Điều 18 cho phép hạn chế quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng trong trường hợp cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sự bình yên hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác. Tuy nhiên, quyền không bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn hoặc tin theo tôn giáo hoặc tín ngưỡng và quyền của các bậc cha mẹ hay người giám hộ hợp pháp được giáo dục về tôn giáo và đạo đức cho con cái họ theo ý nguyện của riêng họ thì không được hạn chế trong mọi trường hợp (đoạn 8).

8. Việc một tôn giáo được xác định là quốc giáo, là tôn giáo chính thức hay truyền thống, hoặc có số lượng tín đồ chiếm đa số trong xã hội không được sử dụng để làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền tự do quy định ở các Điều 18 và Điều 27 của ICCPR, cũng như không được tạo ra sự phân biệt đối xử với tín đồ củ các tôn giáo khác, hoặc với những người không theo tôn giáo nào. Những hình thức phân biệt đối xử với tín đồ của các tôn giáo khác, hay với những người không theo tôn giáo trong bối cảnh này, ví dụ như việc quy định chỉ những tín đồ thuộc tôn giáo chiếm ưu thế mới được tham gia chính quyền hay dành những ưu đãi về kinh tế cho họ, đều trái với các quy định về quyền bình đẳng nêu ở Điều 26 ICCPR (đoạn 9).

9. ICCPR không quy định quyền được từ chối thực hiện nghĩa vụ quân sự vì lý do lương tâm (mặc dù một số quốc gia đã ghi nhận quyền này bằng cách cho phép thực hiện nghĩa vụ khác thay thế). Tuy nhiên, nếu quyền này được ghi nhận trong pháp luật hay trong thực tế thì không được áp dụng theo cách thức phân biệt đối xử giữa các nhóm tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau (đoạn 11).

 

5. Những vấn đề quan trọng về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo:

Một là, tuyên bố sự tồn tại của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo;

Hai là, mọi người được thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo một cách công khai một mình hay trong cộng đồng;

Ba là, nghiêm cấm sự phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

Tuy nhiên, luật nhân quyền quốc tế cũng khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là một quyền tuyệt đối, mà các quốc gia có thể đặt ra những giới hạn nhất định hạn chế việc thực hiện quyền này nếu thấy đó là cần thiết nhằm mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác. Khi đặt ra những hạn chế về quyền này trong pháp luật, các quốc gia thành viên phải tuân thủ những nguyên tắc có liên quan nêu ở Điều 5 của ICCPR, theo đó các hạn chế đưa ra phải không làm tổn hại đến bản chất của các quyền; phải có sự tương thích giữa sự hạn chế ấy với việc bảo đảm các quyền có liên quan, giữa quy phạm và loại trừ; những hạn chế ấy phải tương xứng với lợi ích được bảo vệ.

 Những hạn chế của việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được quy định trong luật nhân quyền quốc tế đã được các quốc gia thành viên tuân thủ áp dụng trong pháp luật quốc gia một cách triệt để. Theo đó, các loại hình tổ chức tôn giáo hoặc hoạt động tôn giáo làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng, vi phạm đạo đức xã hội hoặc vi phạm các quyền và tự do của người khác,… đều không được phép hoạt động.

Ghi chú:

[1] Điều 10, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp, 1789.

[2] Khoản 3, Điều 1 Hiến chương Liên Hợp Quốc.

[3] Khoản 3, Điều 55 Hiến chương Liên Hợp Quốc.

[4] Điều 18, UDHR.

[5] Điều 1, UDHR.

[6] Điều 2, UDHR.

[7] Điều 7, UDHR.

[8] Điều 29, UDHR.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tư pháp, Quyền con người trong Hiến pháp năm 2013 quan điểm mới cách tiếp cận mới và các quy định mới, Nxb Chính trị Quốc gia, 2014.

2. Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Bình luận khoa học Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Nxb Chính trị Quốc gia, 2016.

3. Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền 1948 Mục tiêu chung của nhân loại, Nxb Lao động – Xã hội, 2011.

4. Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Giới thiệu Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính tri ̣(ICCPR,1966), Nxb Hồng Đức, 2012.

5. Học viện Khoa học Xã hội, Pháp luật Quốc tế về quyền con người, Nxb Khoa học xã hội, 2014.

6. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992, 2001), Hiến pháp, Nxb Lao đôṇg.

7. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Hiến pháp năm 2013.

8. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, http://moj.gov.vn, 2013.

9. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong pháp luật quốc tế và thực tiễn công tác “nội luật hóa” trong quá trình hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam; ThS.Nguyễn Thị Diệu Thúy; Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ (Trung tâm thông tin Ban Tôn giáo Chính phủ.

10. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo luật nhân quyền quốc tế và trong pháp luật Việt Nam; TS. Vũ Công Giao, ThS. Lê Túy Hương – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp).