1. Nghĩa vụ của bên gửi giữ

Điều 555 Bộ luật dân sự năm 2015 ghi nhận nghĩa vụ của bên gửi tài sản như sau:

Điều 555. Nghĩa vụ của bên gửi tài sản

1. Khi giao tài sản phải báo ngay cho bên giữ biết tình trạng tài sản và biện pháp bảo quản thích hợp đối với tài sản gửi giữ; nếu không báo mà tài sản gửi giữ bị tiêu hủy hoặc hư hỏng do không được bảo quản thích hợp thì bên gửi phải tự chịu; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

2. Phải trả đủ tiền công, đúng thời hạn và đúng phương thức đã thỏa thuận.

– Báo cho bên giữ biết tình trạng tài sản và biện pháp bảo quản thích hợp đối với tài sản gửi giữ;

Bộ luật dân sự xác định thời điểm để bên gửi tài sản thực hiện nghĩa vụ nói trên là thời điểm giao tài sản. Việc báo ngay cho bên giữ biết tình trạng tài sản và yêu cầu biện pháp bảo quản tài sản là nghĩa vụ phù hợp của bên gửi tài sản. Vì bản chất của hợp đồng gửi giữ là bên giữ phải trông coi, bảo quản tài sản và trả lại chính tài sản đó sau một thời hạn. Cho nên, nếu bên gửi không thông báo về tình trạng và yêu cầu đòi hỏi đối với quy cách bảo quản loại tài sản, đặc biệt là những tài sản dễ bị hư hỏng hoặc có quy trình bảo quản nghiêm ngặt sẽ gây ra thiệt hại cho bên gửi tài sản và vô tình ảnh hưởng tới bên giữ. Điều luật cũng khẳng định, nếu không thông báo mà gây ra thiệt hại, bên giữ không phải chịu trách nhiệm. Đây là một quy định triệt để để xử lý hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên gửi tài sản.

– Trả đủ tiền công, đúng thời hạn và đúng phương thức đã thỏa thuận.

Nghĩa vụ quan trọng nhất của bên gửi là trả đủ tiền công để đảm bảo quyền lợi cho bên giữ. Việc bên gửi trả đủ tiền công, đúng thời hạn và đúng phương thức đã thỏa thuận góp phần đảm bảo quyền của bên giữ.

2. Quyền của bên gửi giữ tài sản

Tương ứng với nghĩa vụ buộc phải làm của bên gửi, bên gửi được ghi nhận một số quyền năng tại Điều 556 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 556. Quyền của bên gửi tài sản

1. Yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý.

2. Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

– Yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào:

Quyền yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào sẽ được áp dụng trong hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải thông báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý.

Trong khi khoản 3 Điều 561 Bộ luật dân sự 2015 quy định “Khi bên gửi lấy lại tài sản trước thời hạn thì vẫn phải trả đủ tiền công và thanh toán chi phí cần thiết phát sinh từ việc bên giữ phải trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Điều này đồng nghĩa với việc, bên gửi có quyền lấy tài sản bất cứ khi nào kể cả trong hợp đồng có giới hạn thời gian trông giữ của bên giữ.

Như vậy, bên gửi giữ có quyền lấy lại tài sản bất cứ lúc nào chỉ cần bảo trước cho bên giữ một khoảng thời gian hợp lý và phải thanh toán chi phí.

Yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Việc bên giữ làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ làm phát sinh quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của bên gửi là hoàn toàn phù hợp. Tuy vậy, quy định này chỉ loại trừ trường hợp việc làm mất mát, hư hỏng tài sản do sự kiện bất khả kháng, bên giữ sẽ không phải bồi thường thiệt hại cho bên gửi là một sự liệt kê rơi vào tình trạng thiếu sót. Vì theo quy định tại khoản 1 Điều 555 Bộ luật dân sự năm 2015, bên gửi vẫn phải tự chịu trách nhiệm khi tài sản gửi giữ bị thiệt hại, hư hỏng vì xuất phát từ lỗi của chính mình. Hoặc thiệt hại xảy ra trong tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng… người phải bồi thường không phải là bên giữ mà có thể là một chủ thể thứ ba. Như vậy, đã sử dụng phương pháp loại trừ khi quy định ngoại lệ của nguyên tắc, cần phải ghi nhận đầy đủ. Tại quy định này cần bổ sung các trường hợp loại trừ sau “Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng, lôi thuộc về chính mình hoặc các trường hợp khác mà pháp luật có quy định ”.

3. Bên giữ tài sản có nghĩa vụ gì?

Về cơ bản, trong quan hệ hợp đồng, quyền của bên này luôn được đảm bảo bởi nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Tuy nhiên, trong các hợp đồng thông dụng cụ thể mà luật định các quyền và nghĩa vụ của các bên, ngoài việc quy định mang tính đối xứng nhau, quyền và nghĩa vụ của các bên luôn được pháp luật hướng tới ghi nhận theo hướng cụ thể nhất để trở thành công cụ giải quyết tranh chấp nếu có.

Điều 557 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ của bên giữ tài sản như sau:

Điều 557. Nghĩa vụ của bên giữ tài sản

1. Bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ.

2. Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó, nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi.

3. Thông báo kịp thời cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí.

4. Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

– Thứ nhất, bên giữ có nghĩa vụ “Bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ”. Khi các bên thỏa thuận làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của nhau thì đây cũng là căn cứ để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, các quy định của luật cần phải điều chỉnh theo định hướng cho các bên thỏa thuận hoặc mặc định khác sự thỏa thuận của các bên và mang tính chất mệnh lệnh quyền uy. Đoạn đầu của khoản 1 điều này quy định “Bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận ”. Rõ ràng, nếu có tranh chấp mà các bên đã thỏa thuận lúc này sẽ áp dụng thỏa thuận của các bên chứ không phải áp dụng quy định của luật.

– Thứ hai, Bên giữ tài sản “Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó, nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi”.

– Thứ ba, bên giữ làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, khoản 4 Điều này chỉ loại trừ trường hợp việc làm mất mát, hư hỏng tài sản do sự kiện bất khả kháng, bên giữ sẽ không phải bồi thường thiệt hại cho bên gửi là một sự liệt kê rơi vào tình trạng thiếu sót. Vì ngay như ở trên (khoản 1 Điều 555 Bộ luật dân sự 2015) bên gửi vẫn phải tự chịu trách nhiệm khi tài sản gửi giữ bị thiệt hại, hư hỏng vì xuất phát từ lỗi của chính mình. Hoặc thiệt hại xảy ra trong tình thể cấp thiết, phòng vệ chính đáng… người phải bồi thường không phải là bên giữ mà có thể là một chủ thể thứ ba.

4. Quyền của bên giữ tài sản

Tương xứng với nghĩa vụ thì bên giữ tài sản có các quyền được quy định tại Điều 558 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 558. Quyền của bên giữ tài sản

1. Yêu cầu bên gửi trả tiền công theo thỏa thuận.

2. Yêu cầu bên gửi trả chi phí hợp lý để bảo quản tài sản trong trường hợp gửi không trả tiền công.

3. Yêu cầu bên gửi nhận lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên gửi một thời gian hợp lý trong trường hợp gửi giữ không xác định thời hạn.

4. Bán tài sản gửi giữ có nguy cơ bị hư hỏng hoặc tiêu hủy nhằm bảo đảm lợi ích cho bên gửi, báo việc đó cho bên gửi và trả cho bên gửi khoản tiền thu được do bán tài sản, sau khi trừ chi phí hợp lý để bán tài sản.

Thứ nhất, yêu cầu bên gửi trả tiền công theo thỏa thuận. Quyền yêu cầu trả tiền công ghi nhận cho bên giữ tài sản là phù hợp vì bên giữ đã bỏ công sức ra bảo quản tài sản cho bên gửi. Tuy nhiên, trong quan hệ hợp đồng này, các bên có thể không thỏa thuận đến chi phí cũng như thù lao, công sức trông coi, bảo quản tài sản.

Thứ hai, yêu cầu bên gửi trả chi phí hợp lý để bảo quản tài sản trong trường hợp gửi không trả tiền công. Trong hợp đồng gửi giữ các bên có thể thỏa thuận với nhau về việc trông trả công cho việc gửi giữ, pháp luật luôn tôn trọng ý chí của các bên. Tuy nhiên. nếu không trả công mà việc bảo quản tài sản phát sinh chi phí thì chi phí này sẽ do bên gửi chi trả.

Thứ ba, yêu cầu bên gửi nhận lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên gửi một thời gian hợp lý trong trường hợp gửi giữ không xác định thời hạn.

Khi hợp đồng không xác định thời hạn, bên giữ có quyền yêu cầu bên gửi nhận tài sản bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo trước là hợp lý. Nhưng để đảm bảo tính đối xứng, quy định về nghĩa vụ của bên gửi cần thiết phải có loại nghĩa vụ này. Khi hợp đồng có xác định thời hạn, luật định bên giữ có quyền yêu cầu bên gửi lấy lại tài sản trước thời hạn nếu có lý do chính đáng.

Thứ tư, bán tài sản gửi giữ có nguy cơ bị hư hỏng hoặc tiêu hủy nhằm bảo đảm lợi ích cho bên gửi, báo việc đó cho bên gửi và trả cho bên gửi khọản tiền thu được do bán tài sản, sau khi trừ chi phí hợp lý để bán tài sản. Nghĩa vụ này tựa như việc thực hiện công việc không có ủy quyền. Hoạt động này hướng đến lợi ích của bên gửi. Quy định này và cả chế định thực hiện công việc không có ủy quyền đều xuất phát từ sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống.

5. Nghĩa vụ trả lại tài sản gửi giữ

Việc trả lại tài sản gửi giữ được Bộ luật dân sự 2015 quy định như nghĩa vụ và quyền của bên giữ. Điều 559 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 559. Trả lại tài sản gửi giữ

1. Bên giữ phải trả lại chính tài sản đã nhận và cả hoa lợi nếu có, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Địa điểm trả tài sản gửi giữ là nơi gửi; nếu bên gửi yêu cầu trả tài sản ở địa điểm khác thì phải chịu chi phí vận chuyển đến nơi đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Bên giữ phải trả lại tài sản đúng thời hạn và chỉ có quyền yêu cầu bên gửi lấy lại tài sản trước thời hạn, nếu có lý do chính đáng.

Thứ nhất, phải trả lại chính tài sản. Bên giữ phải trả lại chính tài sản đã nhận và cả hoa lợi nếu có tại địa điểm nơi gửi. Ví dụ: A gửi một chiếc xe máy cho B, nhờ B giữ hộ trong thời gian 1 tháng đi xa nhà. A sẽ trả tiền công cho B là 200 nghìn. Khi hết thời hạn 1 tháng, B có nghĩa vụ phải trả cho A đúng chiếc xe mà ban đầu A đã giao cho B giữ.

Thứ hai, trả lại đúng thời hạn và chỉ có quyền yêu cầu bên gửi lấy lại tài sản trước hạn ví lí do chính đáng. Lí do chính đáng ở đây có thể liên quan đến bên giữ bị bệnh tật cần chữa trị không thể tiếp tục thực hiện nghĩa vụ bảo quản tài sản…

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Trân trọng./.