1. Quyền sở hữu đối với tài sản vay

Điều 464 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:

Điều 464. Quyền sở hữu đối với tài sản vay

Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó.

Khi hợp đồng vay được giao kết hoặc thậm chí hợp đồng vay đã phát sinh hiệu lực cũng không đồng nghĩa với việc bên vay đã trở thành chủ sở hữu đối với tài sản vay. Theo Điều luật này, bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó. Nếu hợp đồng vay tài sản là hợp đồng thực tế thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng vay cũng đồng thời là thời điểm bên vay được xác lập sở hữu với tài sản vay. Nếu hợp đồng vay tài sản là hợp đồng ưng thuận thì thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng và thời điểm xác lập quyền sở hữu của bên vay đối với tài sản vay không phải là một. Các bên cũng có thể thỏa thuận về thời điểm giao, nhận tài sản vay theo một đơn vị thời gian xác định hoặc thông qua một sự kiện cụ thể.

Việc xác định chính xác thời điểm giao, nhận tài sản vay có ý nghĩa quan trọng để qua đó biết được đích xác thời điểm bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay. Kể từ thời điểm tài sản vay thuộc sở hữu của bên vay, bên vay có toàn quyền sử dụng, định đoạt đối với tài sản vay theo ý chí của mình, trừ trường hợp bên vay phải sử dụng theo đúng mục đích đã cam kết với bên cho vay.

2. Nghĩa vụ giao tài sản của bên cho vay

Để bảo đảm quyền lợi của bên vay trong hợp đồng vay tài sản, bên cho vay có các nghĩa vụ luật định tại Điều 465 Bộ luật dân sự 2015.

Theo khoản 1 Điều 465 Bộ luật dân sự 2015: “Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận.”

Khi các bên giao kết hợp đồng vay tài sản, bên vay và bên cho vay phải thỏa thuận tài sản vay là gì, số lượng bao nhiêu, chất lượng như thế nào? Trên thực tế, tài sản vay phổ biến nhất là tiền. Với đối tượng này thì các bên chỉ thỏa thuận về số tiền (số lượng) vay; còn đối với tài sản vay là vật (vàng, thóc, gạo) thì bên cạnh việc thỏa thuận số lượng, các bên thỏa thuận rõ về chất lượng của vật vay. Trên cơ sở nội dung đã thỏa thuận với bên vay, bên cho vay phải giao tài sản vay đầy đủ, đúng chất lượng và số lượng.

Thời gian và địa điểm giao tài sản vay cũng được xác định theo thỏa thuận giữa bên vay và bên cho vay. Thông thường việc giao tài sản cho vay được thực hiện tại nơi cư trú (bên cho vay là cá nhân) hoặc nơi có trụ sở (bên cho vay là pháp nhân) của người cho vay. Trường hợp các bên không thỏa thuận thì bên thời điểm và địa điểm chuyển giao tài sản vay được xác định theo quy định chung của pháp luật. Việc chuyển giao tài sản vay từ bên cho vay sang bên vay đồng thời cũng làm xác lập quyền sở hữu của bên vay đối với tài sản vay.

3. Nghĩa vụ bồi thường của bên cho vay

Khoản 2 Điều 465 Bộ luật dân sự 2015: “Bồi thường thiệt hại cho bên vay, nếu bên cho vay biết tài sản không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó.”

Bên cho vay có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bên vay khi có các căn cứ sau:

+ Bên vay bị thiệt hại do bên cho vay chuyển giao tài sản vay không bảo đảm chất lượng;

+ Bên cho vay biết tài sản không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết;

+ Bên vay không biết hoặc không bắt buộc phải biết về chất lượng của tài sản vay.

Bên cho vay chỉ phải bồi thường cho bên vay nếu thỏa mãn đầy đủ ba căn cứ trên. Thực tế có những trường hợp, bên cho vay không biết về việc tài sản vay không bảo đảm chất lượng nên đã chuyển giao cho bên vay. Với những trường hợp này, xét về mặt ý chí thì bản thân người cho vay không cố ý, do đó, người cho vay không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên vay trong trường hợp này. Đối với trường hợp, bên vay biết tài sản vay không bảo đảm chất lượng nhưng vẫn nhận thì bên vay phải tự chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại xảy ra cho mình.

Ngoại ra, bên cho vay không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Điều 470 của Bộ luật dân sự hoặc luật khác có liên quan quy định khác. Thời hạn vay là yếu tố quan trọng trong hợp đồng vay, là khoảng thời gian từ thời điểm bên vay nhận tài sản cho đến khi bên vay trả tiền, về nguyên tắc, bên cho vay chỉ được yêu cầu bên vay trả tiền theo đúng thời hạn các bên đã thỏa thuận; bên cho vay không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn. Tuy nhiên, nếu bên cho vay đòi trước thời hạn và được bên vay đồng ý thì thỏa thuận của các bên được tôn trọng áp dụng (Điều 470 Bộ luật dân sự 2015).

Bên cạnh quy định chung về nghĩa vụ của bên cho vay trong hợp đồng vay, đối với hợp đồng vay mà bên cho vay là các tổ chức chuyên nghiệp (ngân hàng…) thì còn có nghĩa vụ thông tin và cố vấn cho khách hàng vay. Người cho vay phải lưu ý cho người vay về sự cần thiết của việc đánh giá sức vay, không nên vay số tiền quá khả năng chi trả trong thực tế.

4. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

Tương ứng với nghĩa vụ của bên cho vay, bên vay trong hợp đồng vay có các nghĩa vụ được quy định tại Điều 466 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

….

– Nghĩa vụ trả lại tài sản của bên vay đối với bên cho vay được xác định dựa trên loại tài sản vay, cụ thể:

+ Nếu tài sản vay là tiền thì bên vay phải trả đủ tiền khi đến hạn. Đối với đối tượng vay là tiền thì các bên chỉ quan tâm đến loại tiền vay (nội tệ hoặc ngoại tệ), số lượng vay;

+ Nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong thực tế, vay vật áp dụng phổ biến với đối tượng là vàng, thóc, gạo… Khi thực hiện nghĩa vụ trả vật thì bên cho vay phải trả vật cùng loại với tài sản bên cho vay đã chuyển giao, đảm bảo chất lượng và số lượng đúng với loại tài sản mà bên vay đã vay. Quy định này chỉ đề cập đến hai loại tài sản vay là tiền và vật vì cả về mặt lý luận và thực tiễn, giấy tờ có giá, quyền tài sản không được coi là đối tượng của hợp đồng vay tài sản.

– Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý. Về nguyên tắc, bên vay phải trả lại cho bên cho vay theo đúng loại tài sản họ đã được vay. Nếu tài sản vay là tiền thì bên vay phải trả tiền; nếu tài sản vay là vật thì bên vay phải trả vật (cùng loại, đúng chất lượng, số lượng). Tuy nhiên, nếu bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo giá trị của vật đã vay (định giá vật vay ra tiền).

Việc định giá vật vay ra tiền được xác định theo giá tại địa điểm và thời điểm trả nợ. Chỉ áp dụng việc trả tiền thay cho vật khi bên cho vay đồng ý. Ví dụ: A cho B vay 5 chỉ vàng 9999 trong thời gian 3 năm. Đen thời điểm trả nợ, A đồng ý cho B trả bằng tiền vay thì trả vàng, khoản tiền B phải trả cho A tương đương với số tiền mua 5 chỉ vàng 9999 tại thời điểm trả nợ.

– Địa điểm thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bên vay đối với bên cho vay được xác định như sau:

+ Địa điểm trả nợ được xác định theo thỏa thuận của các bên: các bên có thể thỏa thuận địa điểm trả nợ là nơi cư trú (hoặc trụ sở) của bên cho vay hoặc bên vay; hoặc các bên cũng có thể thỏa thuận ở một địa điểm bất kì nào khác;

+ Nếu các bên không thỏa thuận về địa điểm trả nợ thì địa điểm trả nợ được xác định là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay. Quy định này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, tâm lý của bên cho vay và phù hợp với quy định chung tại điểm b khoản 2 Điều 277 Bộ luật dân sự 2015, trường hựop các bên không có thỏa thuận thì địa điểm thực hiện nghĩa vụ là nơi cư trú hoặc trụ sở của bên có quyền, nếu đối tượng của nghĩa vụ không phải là bất động sản.

5. Nghĩa vụ sử dụng tài sản vay đúng mục đích

Theo Điều 467 Bộ luật dân sự 2015:

“Các bên có thể thỏa thuận về việc tài sản vay phải được sử dụng đúng mục đích vay. Bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích.”

Hợp đồng vay là hợp đồng chuyển quyền sở hữu tài sản, do đó, kể từ thời điểm nhận tài sản vay thì bên vay trở thành chủ sở hữu đối với tài sản. Theo nguyên tắc chung, chủ sở hữu có toàn quyền sử dụng, định đoạt theo ý chí của mình (phù họp với quy định của luật), do đó, thông thường khi bên vay đã trở thành chủ sở hữu tài sản vay thì họ có toàn quyền sử dụng tài sản theo mục đích của mình. Tuy nhiên, có một số hợp đồng vay, nhằm kiểm soát số tiền cho vay của mình được sử dụng một cách hiệu quả (điều này còn liên quan đến khả năng trả nợ của bên vay) thì bên cho vay còn thỏa thuận cụ thể với bên vay về mục đích sử dụng tài sản vay.

Ví dụ: A cho B vay 300 triệu để B mở trang trại nuôi dê, lợn và gà. Vậy mục đích sử dụng tài sản vay mà A và B thỏa thuận là dùng để mở trang trại. Việc thỏa thuận về mục đích sử dụng tiền vay nhằm hạn chế trường hợp bên vay lãng phí tài sản có thể dẫn đến tình trạng bên vay mất khả năng thanh toán nợ đến hạn, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thu hồi vốn của bên cho vay. Thông thường, thỏa thuận về mục đích sử dụng tài sản vay thường áp dụng đối với trường họp cho vay với mục đích hỗ trợ phát triển kinh tế, thoát nghèo hoặc hợp đồng tín dụng.

Khi các bên đã thỏa thuận, thống nhất về mục đích sử dụng tài sản vay thì bên vay phải tuân thủ cam kết đó. Bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Trân trọng./.