1.Quản lý tài sản của người vắng mặt

Chỉ định người quản lý Theo BLDS Điều 75, Toà án giao tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú cho những người sau đây quản lý, theo yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan

 – Đối với tài sản đã được người vắng mặt uỷ quyền quản lý, thì người được uỷ quyền tiếp tục quản lý;

– Đối với tài sản chung, thì do chủ sở hữu chung còn lại quản lý;

– Tài sản do vợ hoặc chồng đang quản lý, thì vợ hoặc chồng tiếp tục quản lý; nếu vợ hoặc chồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, thì con đã thành niên hoặc cha mẹ của người vắng mặt quản lý.

2.Nhận xét về việc chỉ định người quản lý

 Việc chỉ định người quản lý có vẻ như chỉ được thực hiện một khi có người yêu cầu. Người này đồng thời cũng là người yêu cầu thông báo tìm kiếm đối với người vắng mặt. Tuy nhiên, người này không nhất thiết là một trong những người đang nắm giữ tài sản của người vắng mặt. Quy định của Điều 75 BLDS cho phép rút ra các nhận xét sau đây:

1. Tài sản của người vắng mặt không được đặt dưới sự quản lý thống nhất của một người mà có thể được nhiều người khác nhau quản lý, tuỳ trường hợp.

2. Câu chữ của luật thực ra không rõ lắm, về phần quyền yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan. Suy cho cùng người có quyền và lợi ích liên quan chỉ có quyền yêu cầu Toà án chỉ định người quản lý tài sản. Toà án, về phần mình, chỉ định người quản lý theo đúng quy định tại BLDS Điều 75 đối với các tài sản được ghi nhận tại điều luật đó; Toà án không có quyền chỉ định người khác quản lý tài sản và người có quyền và lợi ích liên quan cũng không có quyền yêu cầu chỉ định người khác quản lý tài sản của người vắng mặt. Thế nhưng, vậy có nghĩa rằng đối với các tài sản không được quy định tại điều luật đó, thì người có quyền và lợi ích liên quan có quyền đề xuất các yêu cầu của mình về việc chỉ định người quản lý tài sản. Ví dụ điển hình là các tài sản riêng của một người độc thân, không được giao cho người khác quản lý theo uỷ quyền .

3. Tài sản do vợ hoặc chồng quản lý bao gồm các tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng và có thể cả các tài sản riêng của người vắng mặt được vợ (chồng) quản lý theo sự uỷ quyền rành mạch hoặc mặc nhiên từ trước khi xảy ra vụ biệt tích của đương sự

3. Quyền và nghĩa vụ của người quản lý tài sản

Theo BLDS Điều 76, người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú có các nghĩa vụ sau đây:

1. Giữ gìn, bảo quản tài sản của người vắng mặt như tài sản của chính mình;

2. Bán ngay tài sản là hoa màu, sản phẩm khác có nguy cơ hư hỏng;

3. Thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, thanh toán nợ đến hạn của người vắng mặt bằng tài sản của người đó theo quyết định của Toà án;

4. Giao lại tài sản cho người vắng mặt khi người này trở về và phải thông báo cho Toà án biết; nếu có lỗi trong việc quản lý tài sản mà gây thiết hại, thì phải bối thường. Theo BLDS Điều 77, người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú có các quyền sau đây:

1. Quản lý tài sản của người vắng mặt;

2. Trích một phần tài sản của người vắng mặt để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, nghĩa vụ thanh toán nợ đến hạn của người vắng mặt;

3. Được thanh toán các chi phí cần thiết trong việc quản lý tài sản

4.Nhận xét về quyền và nghĩa vụ của người quản lý tài sản

. Các quy định về quyền và nghĩa vụ của người quản lý tài sản được ghi nhận tại các Điều 76 và 77 BLDS chỉ được áp dụng trong trường hợp không có chế độ quản lý nào khác đang được áp dụng đối với tài sản của người vắng mặt. Bởi vậy,

– Đối với tài sản được đặt dưới chế độ quản lý theo uỷ quyền, thì các quyền và nghĩa vụ của người quản lý tiếp tục là các quyền và nghĩa vụ được xác định theo hợp đồng uỷ quyền chứ không phải theo các Điều 76 và 77 đã dẫn;

 – Đối với các tài sản thuộc khối tài sản chung của vợ chồng và đang được vợ (chồng) của người vắng mặt quản lý, thì chế độ quản lý là chế được xây dựng trong khuôn khổ luật hôn nhân và gia đình và các quyền, nghĩa vụ của người quản lý được quy định theo chế độ đó .

 – Đối với các tài sản thuộc sở hữu chung, thì việc quản lý được thực hiện theo đúng các quy định về quản lý tài sản chung, tại các Điều BLDS. Trên thực tế, chỉ có những tài sản riêng của người vắng mặt độc thân mà không được uỷ quyền cho người khác quản lý mới chịu sự quản lý theo chế độ được quy định tại các Điều 76 và 77 đã dẫn.

Tất cả những điều trên đây cho thấy rằng việc quản lý tài sản của người vắng mặt không theo một chế độ thống nhất; giữa những người quản lý tài sản của người vắng mặt cũng không có sự phối hợp trong việc thực hiện công tác quản lý. Dẫu sao, giữa chế độ quản lý theo các Điều 76, 77 đã dẫn và các chế độ quản lý khác luôn có một điểm chung: người quản lý có nghĩa vụ và có quyền dùng tài sản của người vắng mặt để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng và các nghĩa vụ tài sản đến hạn khác của người vắng mặt theo quyết định của Toà án . Nhắc lại rằng người vắng mặt vẫn có đầy đủ năng lực pháp luật thừa kế và do đó có thể được gọi để nhận di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Vấn đề không có gì đặc biệt trong trường hợp di sản có khả năng thanh toán, nhưng sẽ trở nên cực kỳ rắc rối trong trường hợp di sản mất khả năng thanh toán mà không có người quản lý chính thức . Trong khung cảnh của luật thực định, không ai trong số những người quản lý được quyền thay mặt người vắng mặt từ chối nhận di sản mà người vắng mặt được hưởng. Nếu di sản không có khả năng thanh toán và không có người quản lý chính thức, thì người vắng mặt có nguy cơ phải chịu trách nhiệm đối với nợ di sản bằng tài sản riêng của mình.

Tuy nhiên, như đã nói, sự vắng mặt khiến nhân thân của người vắng mặt bị suy yếu và điều đó có ảnh hưởng nhất định không thể tránh khỏi đối với số phận của các quyền mà người này là chủ thể, nhất là những quyền gắn với nhân thân của người này. Giả sử người vắng mặt đang là nguyên đơn trong một vụ án đòi bồi thường thiệt hại do tính mạng, danh dự, nhân phẩm bị xâm hại, thì sự vắng mặt của người này có thể khiến vụ án bị đình chỉ, bởi người quản lý tài sản của người vắng mặt không thể thay thế người này ở vị trí nguyên đơn trước Toà án. Điều gần như chắc chắn, đó là người được cấp dưỡng sẽ không có quyền yêu cầu tiếp tục cấp dưỡng cho mình, sau khi vắng mặt. Vấn đề có thể không có gì đặc biệt trong trường hợp người vắng mặt là người duy nhất thụ hưởng việc cấp dưỡng. Trái lại, trong trường hợp cả gia đình của người vắng mặt thụ hưởng việc cấp dưỡng , thì sự vắng mặt của người có quyền yêu cầu cấp dưỡng có thể đẩy gia đình của người này đến chỗ cùng cực, bởi, trong khung cảnh của luật thực định, quan hệ cấp dưỡng không được xác lập trực tiếp giữa người có nghĩa vụ cấp dưỡng và các thành viên khác trong gia đình của người có quyền yêu cầu cấp dưỡng.

Vai trò của người yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt . Sau khi yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt và yêu cầu quản lý tài sản của người này được Toà án đáp ứng thuận lợi, người yêu cầu chấm dứt vai trò của mình. Trong việc quản lý tài sản của người vắng mặt, chỉ những người quản lý tài sản được Toà án chỉ định là những người có quyền và có trách nhiệm pháp lý. Có trường hợp người yêu cầu quản lý tài sản của người vắng mặt là một chủ nợ của người này và họ đưa ra yêu cầu với Toà án chỉ nhằm mục đích tạo điều kiện để thu hồi số nợ cần đòi; sau khi đạt được mục đích của mình, họ chẳng quan tâm đến người vắng mặt hay người quản lý nữa.

5.Trường hợp người vắng mặt xuất hiện trở lại

Dấu hiệu của việc xuất hiện trở lại. Người vắng mặt có thể xuất hiện trở lại tại nơi cư trú hoặc ở bất kỳ nơi nào. Cũng được coi là xuất hiện trở lại, việc người vắng mặt, dù không xuất hiện, cho thấy mình vẫn còn sống, thông qua việc tiến hành các hoạt động thông tin liên lạc với người khác (điện thoại, thư từ, email, chat,…). Hiệu lực. Theo BLTTDS Điều 329, nếu người vắng mặt xuất hiện trở lại, thì quyết định thông báo tìm kiếm đương nhiên hết hiệu lực. Tất nhiên, thông báo tìm kiếm cũng hết hiệu lực. Người quản lý tài sản theo chế độ được quy định tại các Điều 76 và 77 BLDS phải giao trả tài sản cho người vắng mặt trở về, như đã nói ở trên. Cần lưu ý rằng theo quy định của pháp luật, người quản lý tài sản của người vắng mặt theo quy định của các Điều 76 và 77 phải báo cho Toà án về việc giao trả tài sản . Thoạt trông, luật có vẻ hơi khắt khe đối với người quản lý tài sản và có vẻ dễ dãi đối vơi người vắng mặt: người quản lý phải đặt mình dưới sự giám sát của Toà án trong quá trình quản lý và phải chính thức hoá việc chấm dứt nhiệm vụ của mình bằng cách thông báo cho Toà án; trong khi người vắng mình thậm chí chẳng cần phải báo cho Toà án về việc mình đã trở về, như người này đã chẳng cần báo cho Toà án về việc mình vắng mặt. Tuy nhiên, các giải pháp, suy cho cùng, đều nằm trong logique của sự việc: người quản lý tài sản là nhân vật do Toà án tạo ra; trong khi người vắng mặt không hề có một quan hệ nào với Toà án và cũng không bị buộc phải thiết lập một quan hệ nào với Toà án liên quan đến tình trạng vắng mặt của mình.

Rắc rối có thể phát sinh trong trường hợp người vắng mặt xuất hiện trở lại, nhưng không lên tiếng gì về việc quản lý tài sản của mình. Tất nhiên, sẽ không có vấn đề gì trong trường hợp tài sản đã được đặt dưới các chế độ quản lý đặc thù (uỷ quyền, tài sản chung,…) bởi các chế độ này cứ tiếp tục được duy trì theo luật chung. Nhưng, đối với tài sản riêng của người vắng mặt được đặt dưới sự quản lý theo các Điều 76, 77, thì liệu chế độ quản lý này có chấm dứt ngay sau khi người vắng mặt xuất hiện trở lại, hay chỉ chấm dứt sau khi người vắng mặt yêu cầu giao trả tài sản ? Trong khung cảnh của luật thực định, giải pháp thứ nhất có vẻ không phù hợp; nhưng giải pháp thứ hai cũng tỏ ra không hợp lý trong trường hợp người vắng mặt hoàn toàn thụ động45 . Hẳn cần thừa nhận cho người quản lý quyền yêu cầu Toà án tuyên bố chấm dứt nhiệm vụ của mình và Toà án phải đáp ứng thuận lợi đối với yêu cầu ấy, một khi có đủ bằng chứng về sự xuất hiện trở lại của người vắng mặt, ngay cả trong trường hợp người này không đòi lại tài sản. Sự xuất hiện trở lại của người vắng mặt còn có tác dụng khôi phục trọn vẹn nhân thân của người này. Chẳng hạn, nếu người trở về đã từng được cấp dưỡng và nay tiếp tục ở trong hoàn cảnh khó khăn, thì có thể tiếp tục được cấp dưỡng; tuy nhiên, có vẻ như đây là một quan hệ cấp dưỡng mới chứ không phải là sự khôi phục quan hệ cấp dưỡng đã tồn tại trước khi người này vắng mặt: quan hệ cấp dưỡng mới chỉ được xác lập nếu một trong các bên lên tiếng yêu cầu.

Luật LVN Group ( sưu tầm và biên tập)