Văn hoá nói chung và quyền văn hoá nói riêng được vận dụng trong thực tế như một định hướng cho lối sống, đạo lý, tâm hồn, hành động của người Việt Nam nhằm hướng tới cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong mối quan hệ giữa người và người, giữa các dân tộc và với môi trường tự nhiên xã hội.Về mặt pháp lý, quyền văn hoá, trong mối quan hệ với các quyền khác là tiền đề, là nhân tố nội sinh cho sự tồn tại và phát triển trong hệ thống pháp luật Việt nam.
Quan điểm xây dựng quyền văn hoá (một trong những chế định pháp lý về quyền con người) ở Việt Nam, ngoài việc đề cao quyền con người, đề cao tự do cá nhân và những bảo đảm của Nhà nước cho việc thực hiện quyền đó, còn có yếu tố rất quan trọng là đặt quyền văn hoá trong mối quan hệ chặt chẽ với các quyền khác, tạo thành một hệ thống các qui định hết sức chặt chẽ về quyền con người trong điều kiện chúng ta đang chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Các mối quan hệ này bao gồm: giữa kinh tế với văn hoá; giữa tự do của con người với sáng tạo, vun đắp tài năng văn hoá; giữa việc tính thống nhất đa dạng của văn hóa với việc phát huy bản sắc dân tộc, tôn trọng truyền thống văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng của các dân tộc và việc chống lại việc lợi dụng văn hoá, tín ngưỡng để đi ngược lại lợi ích chính đáng của nhân dân, của Tổ quốc; giữa kế thừa các giá trị văn hoá dân tộc với việc mở rộng giao lưu văn hoá với nước ngoài, tiếp thu tinh hoa nhân loại và đấu tranh ngăn chặn sự xâm nhập các loại văn hoá độc hại, bảo vệ nền văn hoá dân tộc; giữa việc khẳng định nhân tố mới, những giá trị cao đẹp của dân tộc ta với việc phê phán cái sai, lên án cái ác, cái xấu, đấu tranh không khoan nhượng với các luận điệu độc hại của các thế lực thù địch.
1. Các qui định về quyền văn hoá ở Việt Nam theo pháp luật hiện hành
Như trên đã đề cập, văn hoá là sự hiểu biết nhằm định hướng cho sự phát triển kinh tế- xã hội theo cái đúng, cái tốt, cái đẹp. Do đó, các quan hệ xuất hiện trong lĩnh vực văn hoá rất đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, nếu chỉ là quan hệ giữa người với người để hướng tới cái đẹp thì khó có tiêu chí và các bảo đảm cho sự phát triển hướng tới cái tốt, cái đẹp đó. Để bảo đảm được phải cần có các qui phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội đó thông qua quyền lực nhà nước (quyền lực này xuất phát từ quyền lực của nhân dân ).ở Việt nam, lợi ích của nhà nước chính là lợi ích của nhân dân; hơn thế nữa, nhà nước cũng do nhân dân bầu ra, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
1.1. Các nguyên tắc chủ yếu về quyền văn hoá được qui định trong hệ thống pháp luật Việt Nam:
– Quyền văn hoá xuất phát từ quyền con người trong lĩnh vực văn hoá (nguyên tắc tôn trọng quyền con người).
Là một thành viên bình đẳng trong các tổ chức quốc tế, Việt Nam luôn là chủ thể công pháp quốc tế tôn trọng các quyền con người mà khởi nguồn là “tất cả mọi người đề sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được…” mà tại buổi lễ long trọng đón chào độc lập của Việt Nam năm 1945, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh đến Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776. Quyền văn hoá cũng được thừa nhận bởi hai công ước quốc tế ngày 19/12/1966 (Công ước thứ nhất có hiệu lực từ ngày 23/3/1976 bảo vệ quyền dân sự và chính trị. Công ước thứ hai có hiệu lực từ ngày 3/1/1976 bảo vệ các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội (1).
– Nguyên tắc quyền văn hoá không tách rời nghĩa vụ văn hoá của công dân
Quyền và nghĩa vụ là hai mặt của quyền văn hoá của công dân. Công dân muốn được hưởng quyền văn hoá thì phải gánh vác nghĩa vụ. Việc gánh vác nghĩa vụ là điều kiện bảo đảm cho quyền văn hoá được thực hiện. Mặt khác, Nhà nước Việt Nam bảo đảm cho các quyền văn hoá hợp pháp của công dân thực hiện và Nhà nước cũng đòi hỏi mọi công dân phải thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ mà pháp luật qui định.
– Nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước quyền văn hoá.
Nguyên tắc này chỉ ra rằng, mọi chủ thể (công dân) đều phải bình đẳng (ngang bằng như nhau) về quyền lợi và nghĩa vụ. Quyền bình đẳng ở đây bao gồm sự không phân biệt nam, nữ, dân tộc, văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đều được hưởng giá trị văn hoá như nhau và đóng góp như nhau cho sự phát triển của văn hoá và đặc biệt, đều bình đẳng trước pháp luật khi vi phạm các qui định pháp luật về văn hoá được xét xử trước toà án.
– Nguyên tắc tính hiện thực của quyền và nghĩa vụ của công dân trong lĩnh vực văn hoá.
Mọi qui định trong hệ thống pháp luật về quyền văn hoá phải có cơ sở và điều kiện thực hiện được trong thực tế cuộc sống; tránh những qui định tạo ra sự không phù hợp, thiếu tính khả thi làm cho công dân không tuân thủ, nghi ngờ hoặc đôi khi cố tình vi phạm để tạo ra sự bất ổn trong quá trình thực hiện
– Nguyên tắc các quyền văn hoá phải được Nhà nước bảo đảm.
Đây là nguyên tắc thể hiện trách nhiệm của Nhà nước nhằm bảo đảm hiệu lực của các quyền về văn hoá. Không có sự bảo đảm của Nhà nước (pháp nhân công quyền) không có hiệu quả trên thực tế về các quyền văn hoá. Chẳng hạn khi qui định về quyền sở hữu hợp lý di sản văn hoá của cá nhân, tổ chức, Luật Di sản văn hoá năm 2001 qui định “Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu di sản văn hoá…” (Khoản 2, Điều 9 Luật Di sản văn hoá năm 2001)
1.2. Hệ thống văn bản qui phạm pháp luật Việt Nam về quyền văn hoá.
1.2.1. Nội dung các quyền văn hoá ở Việt Nam bao gồm các chế định:
+ Tự do ngôn luận, tự do báo chí;
+Tự do tôn giáo, tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào;
+ Học tập, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, phát minh, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hoá khác;
+ Quyền được thông tin;
+ Các bảo đảm của Nhà nước để thực hiện quyền văn hoá.
1.2.2. Hiến pháp và các văn bản luật, pháp lệnh, nghị định về quyền văn hoá và thực hiện quyền văn hoá
– Hiến pháp: Chúng ta đã có bốn bản Hiến pháp, tương ứng với các thời kỳ phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam.
+ Hiến pháp 1946, bản Hiến pháp của Nhà nước độc lập đầu tiên ở Đông Nam á với tuyên ngôn bất hủ “Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đảm bảo các quyền tự do dân chủ và thực hiện chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt của nhân dân” (Lời nói đầu Hiến pháp 1946).
Triển khai Tuyên ngôn trên trong Hiến pháp, Điều thứ 10 và 15 qui định: “Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng… có quyền học bằng tiếng của mình ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số…”
+ Hiến pháp 1959 với tính chất là một bản Hiến pháp phục vụ việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc ở Miền Nam, các nội dung vẫn kế thừa và ghi nhận quyền trong lĩnh vực văn hoá: Tự do ngôn luận, báo chí, hội họp (Điều 25); tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào (Điều 26); quyền học tập (Điều 33); tự do nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học, nghệ thuật và tiến hành các hoạt động văn hoá khác (Điều 34)
+ Hiến pháp 1980, bản Hiến pháp của thời kỳ cả nước đi lên CNXH, quyền Hiến định về văn hoá được qui định tại các điều 58,60,63,65,67,68 và 72. Đặc biệt, tại bản Hiến pháp này, cơ chế thực hiện quyền cũng như các bảo đảm của nhà nước với các quyền văn hoá được qui định khá cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế, do thời gian này là đỉnh cao của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp nên các quyền và cơ chế bảo vệ quyền chưa được thực hiện một cách có hiệu quả.
+ Hiến pháp 1992, Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, đoạn tuyệt với cơ chế tập trung kế hoạch hoá, xác lập nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Các quyền văn hoá được qui định rõ ràng, rộng rãi cùng với các quyền cơ bản khác, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế hội nhập trong khu vực và trên thế giới: các điều 52,59,60,63,66,69,70 và các nghĩa vụ tương ứng của nhà nước nhằm bảo vệ quyền như đưa ra các qui định nghiêm cấm hạn chế và vi phạm qyuền hoặc bảo đảm cho quyền văn hoá được thực hiện (các điều 58,61,63,65,70,71,73,79,81).
Các bản Hiến pháp là nguồn cơ bản để các luật và văn bản dưới luật về quyền văn hoá được ban hành một cách đồng bộ:
-Bộ luật Dân sự năm1995 với phần thứ sáu vềQuyền sở hữu và chuyển giao công nghệ( bao gòm quyền tác giả, quyến sở hữu của chủ sở hữu tác phẩm; hợp đồng sử dụng tác phẩm; quyền của người biểu diễn…);
– Luật Xuất bản năm 2004 và Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 16/8/2005 qui đ ịnh chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xuất bản;
– Luật Báo chí năm 1999 và Nghị định số51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 qui định chi tiết thi hành Luật báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí.
– Luật Điện ảnh năm 2006 và Nghị định số 96/2007/NĐ-CP ngày 06/6/2007 qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện ảnh;
– Pháp lệnh Thư viện năm 2000 và Nghị định số 72/2002/NĐ-CP ngày 06/8/2002 qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Thư viện;
– Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 qui định chi tiết một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan;
Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
– Luật Di sản văn hoá năm 2001; và Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Di sản văn hoá;
– Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001 và Nghị định số 24/2003/NĐ-CP ngày 26/6/2003 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quảng cáo;
Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 26/6/2001 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá, thông tin.
Ngoài ra, còn hàng trăm các văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức Thông tư, Chỉ thị của các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành nhằm cụ thể hoá các quy định của pháp luật.
Có thể nói, với hệ thống pháp luật trên, Việt Nam đã hội nhập được với thế giới về quyền văn hoá – chế định pháp lý quan trọng và là sự kết tinh của trí tuệ triết học pháp quyền của nhân loại.
Hiện nay, chúng ta đã gia nhập tổ chức Thương mại thế giới ( WTO), trong Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 của Bộ Chính trị, (Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ chính trị ngày 24 tháng 5 năm 2005) Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách thể chế nói chung và hoàn thiện quyền văn hoá của công dân trên cơ sở hệ thống pháp luật hiện đại, hội nhậpquốc tế trên cơ sở “tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế – xã hội, làm cho văn hoá thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”(2) như Văn kiện đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X đã chỉ ra.
2. Một số định hướng phát triển và hoàn thiện quyền văn hoá ở Việt Nam
Quyền văn hoá phải được cụ thể hoá theo hướng phục vụ việc hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế.
Muốn vậy, theo chúng tôi:
2.1. Quyền văn hoá phải được ghi nhận trong đạo luật có giá trị cao nhất, đó là Hiến pháp. Bởi lẽ, quyền con người luôn là một nguyên tắc để xây dựng thể chế pháp luật của một nhà nước. Quyền văn hoá gắn với quyền lực chính trị – cơ sở tạo ra sẽ bảo đảm cho quyền tự do công dân. Hiện nay, có tình trạng các quyền văn hoá được thể chế hoá quá cụ thể tại các đạo luật và văn bản dưới luật. Do đó, cần định hình thời gian tới trong Hiến pháp (nếu được sửa đổi) đưa các quyền văn hoá đang tồn tại ở các văn bản khác vào Hiến pháp.
2.2. Quyền văn hoá phải đặt trong tổng thể các quyền khác như một bộ phận không thể tách rời nhau như quyền chính trị, kinh tế. Bộ ba này phải đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự quản lý của Nhà nước theo nguyên tắc pháp quyền tiến bộ;
2.3. Phải đặt quyền văn hoá phải trở thành bộ phận của toàn thể những hoạt động xã hội, phải nhận thức rõ quyền của người dân được thực hiện là nhờ sự phát triển các hình thức dân chủ, trong đó có dân chủ hoá văn hoá (phát huy trí tuệ, tài năng văn hoá, khuyến khích các tác phẩm có giá trị văn hoá của công dân; hướng tới “tiêu thụ văn hoá” có chất lượng cao so với phát triển kinh tế);
2.4. Quyền văn hoá là chế định, đồng thời là sản phẩm trí tuệ của cả nhân loại, do đó, cần quy định các quyền trong thời gian tới gắn liền với sự thoả mãn, sự hưởng thụ nền văn hoá tiên tiến, hiện đại của thế giới, vận dụng sáng tạo, cụ thể vào Việt Nam bên cạnh việc tổ chức, quản lý đa dạng hoá các hoạt động văn hoá như xã hội hoá các hoạt động văn hoá, khắc phục tình trạng “hành chính hoá” hoặc “thương mại hoá” các quyền văn hoá.
2.5. Cần có cơ chế bảo đảm thực hiện quyền văn hoá từ phía Nhà nước.
Nhà nước quản lý văn hoá, nhưng không được xâm phạm quyền văn hoá của công dân và tổ chức. Nhà nước cần đưa ra các chế tài nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm quyền văn hoá; đồng thời đầu tư tài chính thích đáng, cơ sở vật chất, kêu gọi tự nguyện đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (Quỹ hỗ trợ, nhà nước và nhân dân cùng làm…); các phương thức quản lý về văn hoá phải là công cụ để phát triển quyền văn hoá chứ không phải là để kìm hãm, ràng buộc sự phát triển của quyền (Nhà nước chỉ cần định hướng chính sách văn hoá chứ không thể dùng mệnh lệnh hành chính để cấm đoán quyền tự do về văn hoá…)./.
Chú thích:
(1) Xem thêm Công ước quốc tế về quyền tác giả 1952 dưới sự bảo trợ của UNESCO; Luật bảo trợ sản xuất băng – đĩa năm 1971.
(2) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.106.
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ – TS. PHẠM TUẤN KHẢI – PTB, Ban Xây dựng Pháp luật – VPCP
Trích dẫn từ:
http://www.chinhphu.vn