Điều 26 Luật Thi hành án dân sự quy định như sau:

Khi ra bản án, quyết định, Tòa án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại phải giải thích cho đương sự, đồng thời ghi rõ trong bản án, quyết định về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án.

Nghiên cứu nội dung của điều luật ta thấy đây là điểm mới mà trước đây trong Pháp lệnh thi hành án dân sự chưa quy định. Theo đó, ngoài việc giải thích, Tòa án còn phải ghi rõ trong bản án, quyết định để các đương sự hiểu về quyền và nghĩa vụ thi hành án.

Quyền yêu cầu thi hành án được quy định tại Điều 7 như sau:

“Người được thi hành án, người phải thi hành án căn cứ vào bản án, quyết định có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án.”

Tòa án cần phải thích cho các đương sự rõ khi bản án, quyết định có hiệu lực thi hành, các đương sự có quyền thỏa thuận về việc thi hành án, nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thỏa thuận được công nhận. Trong trường hợp đương sự không thỏa thuận thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định.

Luật Thi hành án dân sự không có điều luật quy định về nghĩa vụ thi hành án nhưng ta cần phải hiểu đó là những nghĩa vụ đã được quyết định theo bản án hoặc quyết định của Tòa án. Như vậy, tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án chọn cách giải thích khác nhau.

Quyền yêu cầu và thời hiệu thi hành án

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:  1900.0191

Ví dụ:

1.Bản án đã quyết định ông Nguyễn Văn A phải trả cho ông Nguyễn Văn B 1.000.000đ khi bản án có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp này nghĩa vụ của ông A là phải trả cho ông B 1.000.000đ khi bản án có hiệu lực pháp luật.

2.Quyết định của Tòa án đã công nhận sự thỏa thuận giữa ông Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn B như sau: Ông Nguyễn Văn A phải trả cho ông Nguyễn Văn B căn nhà mang biển số 290 đường Đoàn Văn Bơ phường 13, quận 4, tp Hồ Chí Minh với nguyên hiện trạng; ông Nguyễn Văn B phải trả cho ông Nguyễn Văn A 100.000.000đ; hạn cuối để giao trả nhà và tiền là ngày 30/12/2009. Trong trường hợp này, Tòa án phải giải thích nghĩa vụ của ông Nguyễn Văn B là giao trả nhà cho ông Nguyễn Văn A với thời hạn cuối cùng là ngày 30/12/2009; ông Nguyễn Văn B giao trả cho ông Nguyễn Văn A 100.000.000đ, hạn cuối để giao tiền là ngày 30/12/2009.

Vấn đề đặt ra, Tòa án giải thích vào lúc nào, ai là người phải giải thích ?. Vấn đề này trong Luật Thi hành án không chỉ rõ, tuy nhiên cần phải thấy rằng, thẩm phán người được phân công giải quyết vụ án là người có trách nhiệm ra các quyết định, hoặc cùng với Hội thẩm nhân dân họp thành Hội đồng xét xử để ra các bản án phải có trách nhiệm giải thích là đúng đắn nhất. Ngoài quyền yêu cầu thi hành án và thời hiệu yêu cầu thi hành án thì chỉ có thẩm phán mới có thể giải thích rõ ràng về nghĩa vụ thi hành án của các đương sự đã được ghi trong bản án, quyết định. Đối với các trường hợp vụ án được xét xử và tuyên bằng bản án thì sau khi đọc xong bản án, thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải giải thích về quyền , nghĩa vụ và thời hiệu yêu cầu thi hành án để các đương sự được biết (như cách giải thích đối với án treo). Đối với các quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hai mốc thời gian để thẩm phán giải thích. Mốc thời gian thứ nhất, khi lập biên bản ghi nhận sự thỏa thuận của các đương sự hoặc biên bản hòa giải thành. Mốc thời gian thứ hai, khi giao quyết định cho các đương sự. Theo người viết, thẩm phán nên giải thích khi lập biên bản hòa giải thành hoặc khi lập biên bản ghi nhận sự thỏa thuận của các đương sự đồng thời ghi vào biên bản về nội dung của việc giải thích để khi ra quyết định có phần nội dung này trong quyết định. Trường hợp giải thích sau khi tuyên án thì phần này phải được ghi vào biên bản phiên tòa. Nếu lựa chọn việc giải thích khi giao quyết định thì phải ghi nội dung giải thích vào biên bản giao nhận quyết định.

Thời hiệu yêu cầu thi hành án được quy định tại Điều 30 như sau:

1.Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, ngưởi được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.

Trong trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

2.Đối với các trường hợp tạm hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật này thì thời gian hõan, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.

3.Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.

Như vậy, quyền yêu cầu thi hành án chỉ được thực hiện trong thời hạn 05 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (hoặc nghĩa vụ đến hạn hay đến định kỳ quy định trong bản án). Quá thời hạn này, nếu người yêu cầu thi hành án không chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì hết quyền yêu cầu thi hành án. Vấn đề này, từ trước đến nay ít được chú ý khi cấp bản án, quyết định cho đương sự nên các bên đương sự không biết để yêu cầu. Đặc biệt trong các vụ án hình sự mà bị cáo bị tuyên án phạt tù với mức cao hơn 05 năm, người được thi hành án không được giải thích về thời hiệu và quyền yêu cầu thi hành án nên họ chờ cho người bị kết án thi hành án phạt tù xong họ mới yêu cầu thi hành án thì thời hiệu yêu cầu thi hành án đã hết. Trong trường hợp này, người được thi hành án cứ yêu cầu thi hành án ngay khi người bị kết án đang thi hành hình phạt tù để đảm bảo về thời hiệu yêu cầu thi hành án.

Vấn đề thứ hai cần quan tâm là nội dung ghi trong bản án hoặc quyết định. Tòa án nhân dân tôi cao cần hướng dẫn một câu mẫu thống nhất để áp dụng trong toàn ngành. Người viết đề nghị ghi câu mẫu như sau: “Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (hoặc nghĩa vụ đến hạn hay định kỳ quy định trong bản án) nếu các bên không tự thỏa thuận về việc thi hành án thì có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Quá thời hạn này, nếu người yêu cầu thi hành án không chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì hết quyền yêu cầu thi hành án.”

Trên đây là một số vấn đề mà ngành Tòa án cần quan tâm để thực hiện, đảm bảo đúng quy định nhưng cũng cần được sự quan tâm hướng dẫn mang tính thống nhất thực hiện của Tòa án nhân dân tối cao.

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HCM – TRẦN THỊ HỒNG VIỆT – Tòa án nhân dân TPHCM

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)