Thưa Luật sư của LVN Group, hiện tại tôi đang tìm hiểu về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội theo quy định pháp luật hiện hành. Xin Luật sư của LVN Group cho biết trong lịch sử xây dựng pháp luật hình sự vấn đề này đã được ghi nhận như thế nào? Rất mong sẽ nhận được giải đáp từ Luật sư của LVN Group. Trân trọng cảm ơn! (Hoàng Gấm – Nghệ An)
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Hình sự của Công ty luật LVN Group
>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900.0191
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật hình sự năm 1985
– Bộ luật hình sự năm 1999
– Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017
2. Phạm nhiều tội là gì? Quyết định hình phạt là gì?
Phạm nhiều tội là trường hợp người phạm tội có nhiều hành vi phạm tội độc lập hoặc chỉ có một hành vi phạm tội và hành vi đã thực hiện đó thỏa mãn nhiều cấu thành tội phạm khác nhau.
Quyết định hình phạt là sự lựa chọn loại hình phạt và xác định mức hình phạt cụ thể trong phạm vi luật định để áp dụng đối với người phạm tội cụ thể
3. Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội trong các Bộ luật hình sự Việt Nam
3.1. Giai đoạn trước năm 1985
Trước khi có Bộ luật hình sự năm 1985, pháp luật hình sự nước ta chưa có những quy định cụ thể về quyết định hình phạt đối với trường hợp phạm nhiều tội, nên vào những thời điểm khác nhau, việc quyết định hình phạt đối với trường hợp phạm nhiều tội được các Tòa án thực hiện với nhiều cách thức, không nhất quán.
Từ năm 1964 trở về trước, việc quyết định hình phạt đối với trường hợp phạm nhiều tội, các Tòa án thường áp dụng nguyên tắc: “Tội nặng thu hút tội nhẹ, tức là truy tố về nhiều tội nhưng chỉ cần tuyên một hình phạt duy nhất là hình phạt của tội nặng nhất, còn tội nhẹ thì coi như một trường hợp tăng tội”.
Tuy nhiên, thực tiễn xét xử thời gian đó cho thấy, việc quyết định hình phạt của Tòa án đối với trường hợp phạm nhiều tội chưa nhất quán, thậm chí còn trái ngược với nhau. Có Tòa án tuy đã phân tích, nhận định trong bản án là bị cáo phạm nhiều tội, nhưng không quyết định hình phạt cụ thể cho mỗi tội rồi quyết định hình phạt phải chấp hành mà chỉ quyết định hình phạt chung cho các tội được phân tích; có Tòa án quyết định hình phạt cụ thể cho mỗi tội rồi quyết định hình phạt chung buộc bị cáo phải chấp hành. Việc quyết định hình phạt phải chấp hành chung cho nhiều tội cũng thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như thu hút hình phạt nhẹ vào hình phạt nặng hoặc cộng tất cả các hình phạt đã tuyên cho từng tội lại, hoặc cộng thêm vào hình phạt nặng nhất một phần của các hình phạt đã tuyên cho các tội khác; cá biệt có Tòa án đã quyết định hình phạt phải chấp hành nhẹ hơn hình phạt đã tuyên cho tội nặng nhất, trong số các tội mà bị cáo đã phạm.
Để khắc phục tình trạng trên, Báo cáo tổng kết năm 1964 của Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn: “Đối với trường hợp bị cáo phạm nhiều tội, khi xét xử nói chung trong những trường hợp thấy cần thiết và có thể, Tòa án nên phân tích và kết luận rõ đối với từng hành vi phạm tội và quyết định hình phạt cho từng hành vi rồi quyết định hình phạt chung bắt bị cáo phải chấp hành. Nhưng cũng cần chú ý rằng, đối với những trường hợp tuy bị cáo có nhiều hành vi nhưng mỗi hành vi cũng cấu thành một tội phạm hình sự, nhưng thấy việc xét xử về nhiều tội là không cần thiết, thì không máy móc phải xử phạt hết các tội và xử tổng hợp nhiều tội”
Trên cơ sở hướng dẫn trên, hoạt động xét xử đối với phạm nhiều tội trong thời gian từ năm 1964 đến trước-khi có Bộ luật hình sư năm 1985 diễn ra như sau:
Thứ nhất, đối với trường hợp bị cáo thực hiện nhiều hành vi phạm tội, mỗi hành vi phạm tội lại nhằm một mục đích khác nhau, không có quan hệ hữu cơ với nhau (ví dụ: bị cáo thực hiện hành vi hiếp dâm và hành vi cướp của, mặc dù hai hành vi đó cùng diễn ra một lúc và đối với một người), thì định tội và quyết định hình phạt cho mỗi hành vi, rồi quyết định hình phạt chung cho bị cáo phải chấp hành.
Thứ hai, đối với trường hợp bị cáo thực hiện nhiều hành vi phạm tội, tuy mỗi hành vi cấu thành một tội phạm hình sự khác nhau, nhưng cuối cùng chỉ nhằm một mục đích phạm tội (ví dụ: để tuyên truyền tổ chức người khác trốn theo địch, bị cáo đã xuyên tạc, nói xấu chế độ, ca tụng kẻ địch; mục đích của y chỉ là rủ rê người khác trốn theo địch, nhưng thủ đoạn của y lại phạm một tội khác: tội tuyên truyền phản cách mạng), tùy từng vụ án cụ thể Tòa án có thể xử về nhiều tội, cũng có thể chỉ xử về một tội chính và coi các hành vi khác là các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt. Cụ thể:
+ Nếu là những hành vi nghiêm trọng thì xử về nhiều tội.
+ Nếu là những hành vi không nghiêm trọng, thì xử một tội chính và coi các hành vi khác là các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt.
Thứ ba, trường hợp bị cáo chỉ thực hiện một hành vi phạm tội, nhưng hành vi này lại cấu thành hai tội phạm khác nhau (ví dụ: một nhân viên nhà nước trốn theo địch là đã phạm vào tội đào nhiệm và tội trốn theo địch), Tòa án tùy vào từng trường hợp cụ thể mà có thể xét xử về nhiều tội hoặc một tội nghiêm trọng nhất.
Việc quyết định hình phạt chung để bị cáo phải chấp hành cũng đã được các Tòa án vận dụng khác nhau. Để việc áp dụng pháp luật được thống nhất về quyết định hình phạt đối với phạm nhiều tội, Báo cáo tổng kết công tác năm 1964 của Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn như sau:
“1. Chỉ bắt bị cáo chấp hành hình phạt đã tuyên cho tội nặng nhạt, các hình phạt đã tuyên cho các tội khác được coi như thu hút vào hình phạt nặng nhất. Cách này được áp dụng cho mọi trường hợp, bên cạnh một hành vi là tội phạm nghiêm trọng, các hành vi khác chỉ là thủ đoạn, phương pháp để thực hiện hành vi đó hoặc bị cáo thực hiện một hành vi nhưng hành vi ấy lại phạm vào nhiều điều luật, nếu có tuyên hình phạt cho từng tội thì cũng chỉ nên bắt bị cáo chấp hành một hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên.
2. Cộng toàn bộ các hình phạt đã tuyên cho từng tội hoặc cộng vào hình phạt nặng nhất một phần các hình phạt đã tuyên, để thành hình phạt bắt bị cáo phải chấp hành, nhưng hình phạt này không được quá 20 năm tù. Cách này nói chung áp dụng trong trường hợp bị cáo thực hiện nhiều hành vi, mỗi hành vi nhằm thực hiện một mục đích khác nhau, không có quan hệ hữu cơ vởi nhau”.
Đối với một số vụ án cụ thể về các tội phản cách mạng, trong Báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1968, Tòa án nhân dân tối cao lại hướng dẫn: “Có thể quyết định ngay một hình phạt chung cho bị cáo, mà không cần tuyên hình phạt cho từng tội phạm rồi mới tổng hợp hình phạt lại”.
Như vậy, việc quyết định hình phạt đối với trường hợp phạm nhiều tội trong thời gian này chưa thống nhất đối với các loại tội phạm khác nhau và không thống nhất trong phạm vi toàn quốc.
Ngoài ra, trong thời gian này thực tiễn xét xử đối với các trường hợp phạm nhiều tội đã bộc lộ những vướng mắc cần phải giải quyết về mặt lý luận. Đó là trường hợp kẻ phạm tội – thường là phần tử nguy hiểm như lưu manh chuyên nghiệp – phạm rất nhiều tội trong một thời gian dài; đối với mỗi tội, nếu tuyên từng hình phạt riêng biệt thì có thể xử phạt 10 năm, 20 năm và tổng số các hình phạt có thể lên tối 40 năm, 50 năm tù. Nhưng nếu xem xét toàn bộ hoạt động đó trong thời gian kéo dài, kết hợp với nhân thân của kẻ phạm tội rất xấu và yêu cầu phòng ngừa chung, thì lại thấy phải xử chung thân hoặc tử hình mới thỏa đáng.
Các Tòa án đã giải quyết vưởng mắc trên rất khác nhau. Có nơi đã tổng hợp thành hình phạt tù chung thân các hình phạt tù dài hạn như vậy. Có nơi quyết định ngay một hình phạt chung: tù chung thân hoặc tử hình mà không cần phải quyết định hình phạt đối với từng tội, rồi mới tổng hợp hình phạt nhưng với điều kiện là: “phải có một trong số các tội phạm của bị cáo thuộc loại tội phạm mà theo luật hiện hành có thể bị xử phạt tù chung thân hoặc tử hình”.
Trong những trường hợp như trên, phương hướng chung được nhiều Toà án tán thành là: “trong những trường hợp không thể tuyên một hình phạt chung và bị cáo phải chịu nhiều hình phạt tù dài hạn với tổng số lên tới 30 năm, 40 năm tù, nếu theo luật chỉ tuyên hình phạt tổng hợp là 20 năm tù (mức tối đa của hình phạt tù có thời hạn), thì rõ ràng là chưa thể hiện được yêu cầu trừng trị bọn phạm tội đặc biệt nguy hiểm. Nhưng nếu lại cho phép tuyên ngay hình phạt tử hình bằng cách không tuyên xử các hình phạt riêng biệt thì lại quá nghiêm khắc, không phù hợp với tính chất các loại hình phạt (hình phạt tù dù có dài hạn đến đâu cũng nhẹ hơn nhiều so với hình phạt tử hình). Từ đó, có thể và cần thiết phải cho phép vượt 20 năm tù hoặc bằng cách nâng lên một tỷ lệ nhất định, hoặc cho phép chuyển thành tù chung thân trong những điều kiện chặt chẽ như bị xử nhiều hình phạt tù dài hạn mà tổng số vượt quá 30 năm, trong đó có một án 20 năm… và điều luật nặng nhất mà y thực hiện cũng cho phép xử tù chung thân”.
Quan điểm trên có nhiều điểm hợp lý, nhất là đã chỉ ra rằng: “cần thiết phải cho phép vượt 20 năm”. Rất đáng tiếc quan điểm này lại không được các nhà làm luật (Bộ luật hình sự năm 1985) lưu tâm đến.
3.2. Giai đoạn từ năm 1985 đến trước năm 1999
Trong Bộ luật hình sự năm 1985, lần đầu tiên trong lịch sử pháp luật hình sự Việt Nam, việc quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội đã được quy định tại Điều 41: “Khi xét xử cùng một lần người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó quyết định hình phạt chung cho các tội. Hình phạt chung không được vượt mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội nặng nhất đã phạm và trong phạm vi loại hình phạt đã tuyên”. Quy định: “khi xét xử cùng một lần người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó quyết định hình phạt chung cho các tội” đã khắc phục được nhược điểm thiếu nhất quán trong thực tiễn xét xử thời gian trước đó và đánh dấu sự trưởng thành về mặt kỹ thuật lập pháp hình sự của nước ta. Tuy nhiên, qua một thời gian thực hiện, Điều 41 Bộ luật hình sự năm 1985 đã bộc lộ bất cập ở quy định: “Hình phạt chung không được vượt mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội nặng nhất đã phạm và trong phạm vi loại hình phạt đã tuyên”, bởi lẽ quy định này đã hạn chế sự nghiêm khắc của pháp luật đối với những kẻ phạm nhiều tội, nhất là trong trường hợp các tội đã phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không giống nhau.
Để khắc phục nhược điểm này, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thống qua ngày 28-1-1989 đã sửa đổi quy định trên như sau: “Hình phạt chung không được vượt mức cao nhất của loại hình phạt đã tuyên”. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định cách thức tổng hợp hình phạt, do đó gây ra những vướng mắc cho Tòa án trong khi áp dụng pháp luật, nhất là trong những trường hợp phải tổng hợp các hình phạt khác loại.
3.3. Giai đoạn từ năm 1999 đến nay
(Bộ luật Hình sự năm 1999 và Bộ luật Hình sự năm 2015 không có sự khác biệt về nội dung này. Xem thêm tại Điều 50 và Điều 55)
Để khắc phục những vướng mắc nói trên, Điều 50 Bộ luật hình sự năm 1999 đã có một bước tiến rất quan trọng về mặt kỹ thuật lập pháp hình sự với quy định:
“Khi xét xử cùng một lần một người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:
1. Đối với hình phạt chính:
a. Nếu các hình phạt chính đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá ba năm đôì vối hình phạt cải tạo không giam giữ, ba mươi năm đối với hình phạt tù có thời hạn;
b. Nếu các hình phạt chính đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ ba ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành một ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
c. Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân;
d. Nếu hình phạt nặng nhất trong số’ các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình;
đ. Phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác; các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
e. Trục xuất không tổng hợp với các loại hình phạt khác.
2. Đối với hình phạt bổ sung:
a. Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật này quy định đối vối loại hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
b. Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên”.
Theo quy định trên, khi xét xử cùng một lần một người phạm nhiều tội, việc quyết định hình phạt (cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung) được tiến hành theo hai giai đoạn: Một là, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội; Hai là, trên cơ sở các hình phạt đó, Tòa án quyết định hình phạt chung cho các tội đã phạm.
Nhằm khắc phục các nhược điểm của Bộ luật hình sự năm 1985, Bộ luật hình sự năm 1999 có những sửa đổi, bổ sung rất cơ bản như sau:
Thứ nhất, Điều 50 về Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội đã được sửa lại trên cơ sở kết hợp nội dung của Điều 41 và Điều 43 Bộ luật hình sự năm 1985. Tăng mức tổng hợp hình phạt tù có thời hạn lên 30 năm. Điều này xuất phát từ nguyên tắc công bằng của luật hình sự, thể hiện chính sách hình sự nghiêm khắc đối với người phạm nhiều tội.
Thứ hai, điểm b khoản 1 Điều 50 quy định rõ tỉ lệ chuyển đổi từ thời gian cải tạo không giam giữ sang thời gian tù (cứ ba ngày cải tạo không giam giữ thành một ngày tù) để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổng hợp hình phạt chung trong trường hợp hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn.
Thứ ba, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 50 quy định rõ hình phạt bổ sung khác loại thì không được tổng hợp mà người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên.
Thứ tư, Điều 50 Bộ luật hình sự năm 1999 đã nêu ra quy định về cách thức tổng hợp hình phạt trong từng trường hợp cụ thể (các điểm a, b, c, d, đ, e của khoản 1 Điều 50 Bộ luật hình sự năm 1999).
Bên cạnh đó Bộ luật hình sự năm 1999 đã khắc phục được các nhược điểm của Bộ luật hình sự năm 1985 trong trường hợp quyết định hình phạt bổ sung đối với phạm nhiều tội. Cụ thể là:
– Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì Toà án quyết định một hình phạt chung trong giới hạn do Bộ luật hình sự quy định đối với loại hình phạt đó. Điều đó có nghĩa là phạt tiền không thấp hơn một triệu đồng (Khoản 3, Điều 30 Bộ luật hình sự năm 1999), thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, cấm cư trú, quản chế không quá năm năm (các Điều 36, 37, 38 Bộ luật hình sự năm 1999)…
Đối với hình phạt bổ sung cùng loại, Toà án không phải cộng các hình phạt đã tuyên như đối với hình phạt chính. Do vậy, có thể thực hiện việc cộng toàn bộ, cộng một phần hoặc thu hút toàn bộ hình phạt nhẹ hơn vào hình phạt nặng hơn. Do đây là hình phạt chung cho phạm nhiều tội, cho nên mức phạt chung không được thấp hơn mức hình phạt cao nhất trong số hình phạt đã tuyên. Ví dụ: Một người bị quản chế về hai tội là 3 năm và 2 năm thì hình phạt chung là quản chế có thể là từ 3 đến 5 năm, chứ không được dưối 3 năm.
Riêng đối với phạt tiền thì việc tổng hợp được thực hiện bằng cách cộng toàn bộ các hình phạt tiền đã tuyên và không giới hạn bởi mức tối đa.
– Nếu các hình phạt bổ sung đã tuyên là khác loại thì không thực hiện việc quyết định hình phạt chung. Trong trường hợp này, người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về nội dung “Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội trong các Bộ luật hình sự Việt Nam”. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập