Khách hàng: Chào Luật sư, tôi muốn hỏi nếu trường hợp 3 người đồng phạm với nhau về tội giết người. Nếu quyết định hình phạt cho người này thì Tòa án quyết định như thế nào?
Trả lời: Kính chào bạn, chúng tôi trả lời câu hỏi của bạn như sau
1. Đồng phạm theo Bộ luật hình sự
Theo Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định về Đồng phạm như sau:
Điều 17. Đồng phạm
1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.
Theo quy định ở trên,Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
Vậy đồng phạm theo điều luật quy định đòi hỏi phải có ít nhất 2 người trở lên, mặc dù pháp luật không quy định cụ thể, 2 người này đều phải có đủ điều kiện của chủ thể phạm tội: Là người có đủ khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp tội phạm được thực hiện là tội phạm có chủ thể đặc biệt thì dấu hiệu chủ thể đặc biệt chỉ đòi hỏi ở người đồng phạm là người thực hành.
2. Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm
Theo Điều 58 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định:
Điều 58. Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm
Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.
Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.
Theo điều luật trên, khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm Tòa án quy định trách nhiệm của những người đồng phạm được giải quyết trên cơ sở một số nguyên tắc sau đây:
Thứ nhất, những người đồng phạm phải chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm mà họ đã thực hiện; Tức là họ đều bị truy tố theo điều luật về tội phạm đã thực hiện với hình phạt tương ứng quy định trong điều luật cùng với những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Vì tội phạm do những người đồng phạm cùng thực hiện là một thể thống nhất không thể chia cắt được; hậu quả nguy hiểm gây ra cho xã hội là kết quả hành động chung về toàn bộ tội phạm mà họ đã thực hiện.
Thứ hai, mỗi người đồng phạm, trên cơ sở hành vi cụ thể của mình phải chịu trách nhiệm độc lập về việc cùng thực hiện tội phạm, chứ không phải chỉ có người thực hành giữ vai trò chính, còn những người đồng phạm khác giữ vai trò tòng phạm. Do đó:
+ Những người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá của người thực hành. Vì hành vi đó vượt quá giới hạn thoả thuận giữa các người đồng phạm và không thuộc ý định chung của họ.
Ví dụ: A với C đồng phạm về tội trộm cắp tài sản, Nhưng A là người người thực hành tội phạm còn hiếp dâm người chủ nhà nên A còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm.
Thứ ba, Những người đồng phạm có thể phải chịu trách nhiệm về những tội khác nhau vì họ không cùng mục đích phạm tội hoặc thuộc cấu thành tội phạm khác nhau (tăng nặng, giảm nhẹ) của một tội phạm.
+ Hành vi của người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức tuy chưa dẫn đến việc thực hiện tội phạm (Ví dụ: Người thực hành bị phát hiện và bị bắt khi phạm tội chưa đạt), vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự (về tội phạm họ định thực hiện), ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt tuỳ theo giai đoạn phạm tội của người thực hành.
+ Việc miễn trách nhiệm hình sự cho người thực hành (Ví dụ: Do chuẩn bị phạm tội xong lại từ bỏ ý định phạm tội) không lọai trừ trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm đã tác động để người thực hành thực hiện tội phạm.
+ Sự tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của một trong những người đồng phạm (kể cả người thực hành) không loại trừ trách nhiệm của những người đồng phạm khác; những người này không tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội hoặc chấm dứt không tự nguyện và dứt khoát, vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự trên cơ sở hành vi của mình.
Thứ tư, Trách nhiệm của từng người đồng phạm được cá thể hoá căn cứ vào nguyên tắc quyết định hình phạt, vào tính chất và mức độ tham gia của mỗi người vào việc thực hiện tội phạm và vào những tình tiết làm tăng, giảm hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự riêng biệt cho từng người đồng phạm.
Tính chất tham gia của mỗi người được xem xét căn cứ vào vai trò của họ trong vụ đồng phạm (người thực hành, người tổ chức, người xúi giục hoặc là người giúp sức). Thông thường, người tổ chức, người xúi giục gây nguy hiểm cho xã hội không ít hơn người thực hành và đôi khi còn nhiều hơn. Còn người giúp sức thông thường thì nguy hiểm cho xã hội ít hơn, nhưng cũng có trường hợp người giúp sức gây nguy hiểm cho xã hội nhiều hơn người thực hành hoặc người xúi giục. Mức độ tham gia của mỗi người đồng phạm được xem xét căn cứ vào tính chất và hành vi phạm tội của mỗi người như:Thái độ tâm lý đối với việc thực hiện tội phạm có quyết tâm không, mức độ quyết tâm, động cơ, mục đích phạm tội…
Nếu người thực hành có năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì mới bị coi là đồng phạm. Ngược lại, nếu người thực hành không có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự, thì người tổ chức, người xúi giục và người giúp sức phải chịu trách nhiệm hình sự như là người thực hành.
3. Trường hợp chuẩn bị phạm tội
Khách hàng: Kính thưa Luật sư, khi một người đã có căn cứ là người đó đang chuẩn bị phạm tội thì Tòa án sẽ quyết định hình phạt như thế nào đối với trường hợp này ạ?
Trả lời:
a. Chuẩn bị phạm tội
Theo Điều 14 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định như sau:
Điều 14. Chuẩn bị phạm tội
1. Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này.
2. Người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.
3. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội quy định tại Điều 123, Điều 168 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.
Vậy, chuẩn bị phạm tội được hiểu là hành vi tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm cố ý (cố ý trực tiếp) và được thể hiện qua các đặc điểm:
– Người có ý định phạm tội đã thực hiện một hành vi như: chuẩn bị kế hoạch, công cụ, phương tiện, điều kiện khác để phạm tội; tìm người cùng phạm tội như thành lập nhóm tội phạm, tham gia nhóm tội phạm…
– Chưa thực hiện hành vi phạm tội được mô tả trong các tội phạm của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, việc chưa thục hiện được hành vi phạm tội là do nguyên nhân khách quan chứ không phải do ý chí của người phạm tội.
Ví dụ: Chuẩn bị địa điểm, lên kế hoạch theo dõi để bắt cóc con tin nhưng lại không thực hiện được do bị người khác phát hiện.
b. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội
Theo Điều 57 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định như sau:
Điều 57. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt
1. Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.
2. Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, hình phạt được quyết định trong phạm vi khung hình phạt được quy định trong các điều luật cụ thể.
Vậy theo quy định của Điều luật này cụ thể theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự, thì hành vi chuẩn bị phạm tội, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật hình sự về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng. Quy định này được coi như là một căn cứ quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt, trong đó chúng ta thấy có những nội dung có tính chất đặc thù cho trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt như: “mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng ”
Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng là không quá hai mươi năm tù.
Nếu điều luật được áp dụng có quy định là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất đối với người chuẩn bị phạm tội không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định…
Trân trọng!
Khách hàng: Chào Luật sư của LVN Group LVN Group, H phạm tội giết người nhưng do lý do khách quan mà nạn nhân vẫn được đi chữa trị kị thời, không chết. Vậy trường hợp này H có phải phạm tội chưa đạt hay không? Quyết định hình phạt đối với H như thế nào?
3. Phạm tội chưa đạt
Theo Điều 15 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định:
Điều 15. Phạm tội chưa đạt
Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.
Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.
Theo điều luật trên để xác định về trường hợp phạm tội chưa đạt, ta cần xem xét các yếu tố sau:
Thứ nhất, mặt khách quan của tội phạm: Đây chính là mặt bên ngoài của tội phạm bao gồm những dấu hiệu của tội phạm, diễn ra và tồn tại bên ngoài thế giới khách quan. Trong trường hợp phạm tội chưa đạt, người phạm tội đã bắt đầu thực hiện hành vi khách quan hoặc hành vi liền trước đó được mô tả trong cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, khác với tội phạm hoàn thành, người phạm tội đã dừng lại khi chưa thoả mãn hết các dấu hiệu trong mặt khách quan, khi chưa hoàn thành việc phạm tội của mình.
Thứ hai, mặt chủ quan của tội phạm: Có thể thấy rằng nguyên nhân khiến cho việc dừng hành vi phạm tội lại khi chưa hoàn thành được tội phạm là do những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Về mặt ý chí, họ vẫn muốn thực hiện đến cùng các hành vi để hoàn thành tội phạm. Do lý do khách quan nên họ không thực hiện được hành vi của mình.
Căn cứ vào thái độ, tâm lý của người phạm tội đối với việc chưa đạt, khoa học pháp lý thường chia phạm tội chưa đạt thành hai loại như sau: chưa đạt đã hoàn thành (Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành là trường hợp người phạm tội đã thực hiện đầy đủ những hành vi mà họ cho là cần thiết để gây hậu quả, nhưng vì nguyên nhân khách quan hậu quả đó không xảy ra (chưa đạt về hậu quả, hoàn thành về hành vi).) và chưa đạt chưa hoàn thành (Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành là trường hợp người phạm tội vì nguyên nhân khách quan, chưa thực hiện hết các hành vi mà họ cho là cần thiết để gây ra hậu quả nên hậu quả không xảy ra (chưa đạt về hậu quả, chưa hoàn thành về hành vi).
Thứ ba, trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm tội chưa đạt:
Từ những phân tích nêu trên, ta có thể thấy rằng, nguyên nhân khiến người phạm tội dừng lại, không hoàn thành các hành vi phạm tội của mình là xuất phát từ các yếu tố bên ngoài, không phải xuất phát từ ý chí chủ quan của người phạm tội. Họ vẫn muốn thực hiện đến cùng các hành vi để đạt được kết quả, gây tổn hại và xâm phạm đến các quan hệ xã hội mà luật hình sự bảo vệ. Do đó, tuy trên thực tế, phạm tội chưa đạt tuy chưa phải là hành vi thực hiện tội phạm hoàn thành nhưng đã phần nào xâm hại trực tiếp đến khách thể hoặc trực tiếp đe doạ gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Do đó, pháp luật hình sự đã quy định: “Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt”.
Vậy với trường hợp bạn đưa ra, H muốn thực hiện hành vi giết người đến chết nhưng vì lý do khách quan mà H không thực hiện được theo ý chí, mong muốn của mình.
4. Quyết định hình phạt với H khi phạm tội chưa đạt
Tội danh mà họ bị truy cứu trong trường hợp này chính là tội phạm mà họ dự định thực hiện nhưng chưa thể thực hiện đến cùng hành vi của mình.
Theo nguyên tắc, đối với hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.
– Về hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt, khoản 3 Điều 57 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đã quy định như sau:
“Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.”
Vậy trường hợp của bạn, nếu H phạmtội giết người nhưng không thành do chưa đạt thì hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.
Trân trọng!
5. Xác định hình phạt đối với người phạm tội
Khách hàng: Thưa Luật sư, con tôi 18 tuổi nó bị phạt cải tạo không giam giữ trong vòng 2 tháng vì nó vô ý gây thương tích cho C (bạn cùng lớp) với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 31%. Vậy con tôi nếu có tình tiến giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì có được giảm nhẹ không?
Cảm ơn!
Chào bạn, câu hỏi của bạn chúng tôi trả lời như sau:
Đối với con bạn bị phạt cải tạo 2 tháng vì vô ý gây thương tích, nếu đủ một trong các điều kiện dưới đây con bạn sẽ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;
m) Phạm tội do lạc hậu;
n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
r) Người phạm tội tự thú;
s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;
u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
x)16 Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.
Bên cạnh đó con bạn có thể được ra quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng theo điều luật sau:
Điều 54. Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng
1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.
2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.
3.20 Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.
Trân trọng!