ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/2018/QĐ-UBND |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 7 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ HẠN CHẾ VÀ CẤP PHÉP Ô TÔ CHỞ HÀNG, Ô TÔ TẢI LƯU THÔNG TRONG KHU VỰC NỘI ĐÔ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Thông tư số 21/2010/TT-BGTVT ngày 10 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 95/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định niên hạn đối với xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người;
Căn cứ Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT ngày 07 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ;
Căn cứ Thông tư số 06/2016/TT-BGTVT ngày 08 tháng 4 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ;
Theo đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 6981/TTr-SGTVT ngày 29 tháng 12 năm 2017 và Công văn số 6559/SGTVT-KT ngày 31 tháng 5 năm 2018; ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Công văn số 19772/STP-VB ngày 13 tháng 12 năm 2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về hạn chế và cấp phép cho ô tô chở hàng, ô tô tải lưu thông trong khu vực nội đô thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2018; bãi bỏ các Quyết định số 121/2007/QĐ-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2007, Quyết định số 66/2011/QĐ-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2011, Quyết định số 68/2011/QĐ-UBND ngày 02 tháng 11 năm 2011, Quyết định số 85/2011/QĐ-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố và các văn bản trước đây có nội dung trái với Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Công an thành phố, Thủ trưởng các Sở – ban – ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận – huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN Trần Vĩnh Tuyến |
QUY ĐỊNH
VỀ HẠN CHẾ VÀ CẤP PHÉP CHO Ô TÔ CHỞ HÀNG, Ô TÔ TẢI LƯU THÔNG TRONG KHU VỰC NỘI ĐÔ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng
1. Quy định này quy định về thời gian hạn chế xe ô tô chở hàng, ô tô tải lưu thông trong khu vực nội đô thành phố Hồ Chí Minh; trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp giấy phép cho phương tiện lưu thông và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc quản lý tổ chức giao thông và tham gia giao thông trên địa bàn thành phố.
2. Các loại phương tiện không bị điều chỉnh bởi Quy định này gồm: ô tô thuộc các ngành Quân đội, Công an, Phòng cháy – chữa cháy, Thanh tra giao thông vận tải khi làm nhiệm vụ, xe bán tải, ô tô tang lễ, xe tải van có số chỗ ngồi từ 5 chỗ trở lên hoặc có khối lượng chuyên chở dưới 500 kg.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được định nghĩa như sau:
1. Ô tô chở hàng: là ô tô để chở hàng hoặc thiết bị chuyên dùng có khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường bộ nhỏ hơn 1.500 kg (trừ xe bán tải).
2. Ô tô tải (xe tải): là ô tô để chở hàng hoặc thiết bị chuyên dùng có khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường bộ từ 1.500 kg trở lên.
3. Xe bán tải (xe pickup): là xe có kết cấu thùng chở hàng đi liền với thân xe, có khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường bộ nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống.
4. Xe thí điểm (Xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ): là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chạy bằng động cơ, có hai trục, bốn bánh xe, có phần động cơ và thùng hàng lắp trên cùng một xát xi (tương tự ô tô tải có tải trọng dưới 3.500 kg). Xe sử dụng động cơ xăng, có công suất động cơ lớn nhất không lớn hơn 15 kW, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 60 km/h và khối lượng bản thân không lớn hơn 550 kg.
5. Máy kéo: là chỉ đầu máy tự di chuyển bằng xích hay bánh lốp để thực hiện các công việc đào, xúc, nâng, ủi, gạt, kéo, đẩy.
6. Ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc: là chỉ những loại xe cơ giới chuyên chở hàng hóa mà thùng xe là sơ mi rơ moóc được thiết kế nối với đầu kéo và truyền một phần trọng lượng đáng kể lên ô tô đầu kéo và ô tô đầu kéo không có bộ phận chở hàng hóa hoặc chở người (ô tô đầu kéo là ô tô được thiết kế để kéo sơ mi rơ moóc).
7. Ô tô kéo rơ moóc: là ô tô được thiết kế dành riêng hoặc chủ yếu dùng để kéo rơ moóc.
8. Rơ moóc: là chỉ phương tiện có kết cấu để sao cho khối lượng toàn bộ của rơ moóc không đặt lên ô tô kéo.
9. Xe tải nhẹ: bao gồm ô tô chở hàng có khối lượng chuyên chở dưới 1.500 kg (trừ xe bán tải), ô tô tải có khối lượng chuyên chở từ 1.500 kg đến 2.500 kg và xe thí điểm.
10. Xe tải nặng: bao gồm ô tô tải có khối lượng chuyên chở trên 2.500 kg, máy kéo, xe máy chuyên dùng, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô.
11. Dịch vụ thư: là dịch vụ chấp nhận, vận chuyển và phát thông tin trao đổi dưới dạng văn bản viết tay hoặc bản in, có địa chỉ nhận hoặc không có địa chỉ nhận (không bao gồm ấn phẩm định kỳ, sách, báo, tạp chí) từ địa điểm của người gửi đến địa điểm của người nhận qua mạng bưu chính bằng các phương thức, trừ phương thức điện tử.
12. Khối lượng chuyên chở: là khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông của xe được xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường bộ.
Điều 3. Đối tượng và thời gian hạn chế lưu thông
1. Xe tải nhẹ không được phép lưu thông vào khu vực nội đô thành phố từ 06 giờ đến 09 giờ và từ 16 giờ đến 20 giờ hàng ngày.
2. Xe tải nặng không được phép lưu thông vào khu vực nội đô thành phố từ 06 giờ đến 22 giờ hàng ngày (trừ một số tuyến hành lang được quy định tại Điều 5 Quy định này).
Điều 4. Giới hạn khu vực nội đô thành phố Hồ Chí Minh
1. Khu vực nội đô thành phố Hồ Chí Minh được giới hạn bởi các tuyến đường như sau:
a) Hướng Bắc và hướng Tây: đường Quốc lộ 1 (đoạn từ giao lộ Quốc lộ 1 – Xa Lộ Hà Nội đến giao lộ Quốc lộ 1 – đường Nguyễn Văn Linh).
b) Hướng Đông: Xa Lộ Hà Nội (đoạn từ giao lộ Quốc lộ 1 – Xa Lộ Hà Nội đến nút giao thông Cát Lái) – đường Mai Chí Thọ – đường Đồng Văn Cống (đến đường Võ Chí Công).
c) Hướng Nam: đường Võ Chí Công (từ đường Đồng Văn Cống đến cầu Phú Mỹ) – cầu Phú Mỹ – đường Trên cao (từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Khu A Nam Sài Gòn) – đường Nguyễn Văn Linh (đoạn từ nút giao Khu A Nam Sài Gòn đến Quốc lộ 1).
2. Xe tải nhẹ và xe tải nặng được lưu thông không hạn chế thời gian trên các tuyến vành đai giới hạn nêu trên.
Điều 5. Công tác tổ chức giao thông
1. Thời gian xe tải nặng được phép lưu thông trên các tuyến hành lang và tuyến đường, đoạn đường được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Quy định này.
2. Phân cấp cho Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố, Công an thành phố xem xét, quyết định việc điều chỉnh, bổ sung và công bố định kỳ hàng năm các tuyến đường, lộ trình cho phép xe tải nặng lưu thông.
Chương II
CÁC ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC CẤP PHÉP LƯU THÔNG VÀO KHU VỰC NỘI ĐÔ THÀNH PHỐ
Điều 6. Đối tượng được xem xét cấp giấy phép lưu thông vào giờ hạn chế lưu thông
1. Xe tải phục vụ cho việc sửa chữa công trình điện của các Công ty Điện lực, các doanh nghiệp có chức năng truyền tải, phân phối điện năng.
2. Xe tải phục vụ cho việc ứng cứu thông tin các công trình của Bưu điện, Viễn thông, sửa chữa các công trình thông tin liên lạc của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích. Xe phục vụ vận chuyển phát hành thư, báo, bưu phẩm, bưu kiện của Bưu điện. Xe thư viện số lưu động.
3. Xe tải phục vụ cho việc bảo trì chiếu sáng công cộng, đèn tín hiệu giao thông, sửa chữa cầu, đường, cấp nước, thoát nước, chăm sóc công viên cây xanh của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích.
4. Ô tô chuyên dùng phục vụ vận chuyển tiền, vàng bạc đá quý của Ngân hàng, Kho bạc nhà nước.
5. Xe tải nhẹ của doanh nghiệp có chức năng chuyển phát, phục vụ vận chuyển dịch vụ thư, được Sở Thông tin và Truyền thông hoặc Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép cung ứng dịch vụ chuyển phát thư hoặc giấy phép bưu chính.
6. Xe tải nhẹ của doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu (thực phẩm tươi sống, hoa tươi, con giống).
7. Xe tải nhẹ vận chuyển ôxy, vắc-xin cung cấp cho bệnh viện, trung tâm y tế.
8. Xe tải nhẹ của doanh nghiệp có chức năng vận chuyển suất ăn công nghiệp hoặc thực phẩm tươi sống (thịt, thủy hải sản) phục vụ các trung tâm xã hội, trường học, bệnh viện, siêu thị, khu công nghiệp.
9. Xe tải của các cơ quan, đoàn thể, cá nhân vận chuyển dụng cụ, thiết bị phục vụ các dịp lễ Tết, các ngày lễ hội, hội diễn văn hóa nghệ thuật tại thành phố. Xe vận chuyển đạo cụ các đoàn múa Lân Sư Rồng phục vụ Tết Nguyên Đán hàng năm.
10. Ô tô cứu hộ của doanh nghiệp có chức năng cứu hộ giao thông (chức năng cứu hộ phải được thể hiện trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ).
11. Xe tải nhẹ của các doanh nghiệp vận chuyển thực phẩm tươi sống tham gia chương trình Bình ổn thị trường theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố.
12. Xe tải nặng vận chuyển nước sạch phục vụ nhu cầu đời sống của nhân dân.
Điều 7. Đối tượng được xem xét cấp giấy phép lưu thông từ 09 giờ đến 16 giờ và từ 20 giờ đến 22 giờ
1. Xe tải nặng vận chuyển các loại vật tư, thiết bị phục vụ thi công một số hạng mục thuộc các công trình hạ tầng trọng điểm của thành phố mà không thể thi công vào ban đêm (do công nghệ, biện pháp thi công đặc thù).
2. Xe tải nặng vận chuyển chất thải nguy hại (theo Quyết định số 85/2007/QĐ-UBNDngày 14 tháng 6 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố) theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường; xe thu gom, vận chuyển bùn hầm cầu, bùn nạo vét (theo Quyết định số 73/2007/QĐ-UBND ngày 10 tháng 5 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố).
3. Xe tải nặng vận chuyển rác thải theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường.
4. Xe chuyên dùng vận chuyển xăng dầu phục vụ hoạt động của sân bay.
Điều 8. Các trường hợp khác
1. Xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng lưu thông vào giờ cấm, đường cấm trong khu vực nội đô thành phố.
2. Ô tô lưu thông vào đường cấm, dừng xe, đỗ xe tạm thời trên các tuyến đường cấm, đoạn đường cấm nhưng không gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông của thành phố.
3. Các đối tượng không thuộc quy định tại Điều 6, Điều 7 và Khoản 1, 2 Điều 8 Quy định này.
Chương III
THẨM QUYỀN VÀ TRÌNH TỰ CẤP GIẤY PHÉP LƯU THÔNG VÀO KHU VỰC NỘI ĐÔ THÀNH PHỐ
Điều 9. Thẩm quyền cấp giấy phép
1. Sở Giao thông vận tải cấp Giấy phép lưu thông vào khu vực nội đô thành phố đối với các trường hợp quy định tại Điều 6, Điều 7 và Khoản 1, 2 Điều 8 Quy định này.
2. Sở Giao thông vận tải cấp Giấy phép lưu thông vào khu vực nội đô thành phố đối với các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 8 Quy định này, với thời hạn lưu thông không quá 10 (mười) ngày. Trường hợp đề nghị cấp phép với thời gian lưu thông trên 10 ngày thì Sở Giao thông vận tải có văn bản đề xuất trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, có ý kiến trước khi cấp phép.
Điều 10. Trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép
1. Tiếp nhận hồ sơ cấp giấy phép theo Quy định này và phải đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép.
2. Thực hiện việc cấp phép theo mẫu giấy phép và mẫu phù hiệu dán trên kính xe phía trước đối với các loại xe được cấp phép để thuận tiện cho việc giám sát, kiểm tra.
3. Chỉ đạo và kiểm tra việc tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra lộ trình, thời gian lưu thông để cấp giấy phép và cấp phù hiệu cho từng phương tiện theo quy định nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông.
Điều 11. Trình tự cấp giấy phép
1. Đối với các đối tượng đề nghị cấp phép tại Điều 6, 7 và Khoản 2, 3 Điều 8 Quy định này chuẩn bị Hồ sơ cấp Giấy phép gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép lưu thông trong khu vực nội đô thành phố: theo mẫu tại Phụ lục 2 Quy định này.
b) Chứng nhận Đăng ký xe (bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực).
c) Một số giấy tờ liên quan đến loại hàng vận chuyển (bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực): Hợp đồng và hóa đơn hoặc tờ khai hải quan hoặc các giấy tờ tương đương thể hiện được loại hàng vận chuyển, điểm đi, điểm đến, khối lượng cần thiết để sử dụng số lượng, loại xe phù hợp.
2. Đối với các đối tượng đề nghị cấp phép tại Khoản 1, Điều 8 Quy định này chuẩn bị Hồ sơ cấp Giấy phép gồm:
a) Đơn đề nghị cấp phép Xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng lưu thông vào giờ cấm, đường cấm trong khu vực nội đô thành phố: theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 Quy định này.
b) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu Giấy đăng ký xe hoặc Giấy đăng ký tạm thời đối với phương tiện mới nhận.
c) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; bản sao tính năng kỹ thuật của xe đối với phương tiện mới nhận (do nhà sản xuất gửi kèm theo xe).
d) Phương án vận chuyển đối với trường hợp phải khảo sát đường bộ (nếu có), gồm các nội dung sau: thông tin về tuyến đường vận chuyển; thông tin về phương tiện vận chuyển; thông tin hàng hóa chuyên chở có xác nhận của chủ hàng, gồm các thông số kích thước về chiều dài, chiều rộng và chiều cao (D x R x C); khối lượng, hình ảnh (nếu có); hợp đồng vận chuyển hoặc văn bản chỉ định đơn vị vận chuyển của chủ hàng hoặc đơn vị thuê vận chuyển.
e) Một số giấy tờ liên quan đến loại hàng vận chuyển (bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực): Hợp đồng và hóa đơn hoặc tờ khai hải quan hoặc các giấy tờ tương đương thể hiện được loại hàng vận chuyển, điểm đi, điểm đến, khối lượng cần thiết để sử dụng số lượng, loại xe phù hợp.
3. Trình tự cấp giấy phép:
a) Cá nhân, tổ chức có nhu cầu nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép lưu thông vào nội đô thành phố tại trụ sở Sở Giao thông vận tải.
b) Trong vòng không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở Giao thông vận tải xem xét hồ sơ, kiểm tra thực địa (nếu cần thiết) và cấp Giấy phép cho cá nhân, tổ chức; trường hợp từ chối không cấp phép phải có văn bản nêu rõ lý do.
Đối với các trường hợp phải có ý kiến của Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định tại Khoản 3, Điều 8 Quy định này, thời gian giải quyết cấp phép được kéo dài thêm không quá 03 (ba) ngày làm việc.
4. Thời hạn của giấy phép:
a) Giấy phép có hiệu lực ngay khi ban hành.
b) Đối với các đối tượng tại Điều 6, 7 Quy định này: thời hạn của giấy phép được cấp theo nhu cầu của tổ chức, cá nhân tối đa không quá 06 (sáu) tháng và không vượt quá thời hạn ghi trong các Hợp đồng kinh tế và Hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
c) Đối với các đối tượng tại Điều 8 Quy định này: thời hạn của giấy phép được cấp theo nhu cầu của tổ chức, cá nhân tối đa không quá 03 (ba) tháng và không vượt quá thời hạn ghi trong các Hợp đồng kinh tế và Hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Điều 12. Quản lý phương tiện, giấy phép
1. Cá nhân, tổ chức có trách nhiệm gắn và truyền dữ liệu của thiết bị Giám sát hành trình của phương tiện liên tục, ổn định về Sở Giao thông vận tải để thực hiện việc quản lý phương tiện lưu thông vào khu vực nội đô thành phố theo Giấy phép.
2. Sở Giao thông vận tải có quyền từ chối cấp phép. Việc xử lý hành vi vi phạm hành chính thực hiện theo các quy định hiện hành về xử lý hành vi vi phạm hành chính.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Trách nhiệm của cơ quan có liên quan
1. Giao Giám đốc Sở Giao thông vận tải chủ trì tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện quy định này trên cơ sở đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.
2. Giao Công an thành phố, Thanh tra Sở Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các quận – huyện theo chức năng và quyền hạn kiểm tra việc chấp hành giấy phép và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định; định kỳ hàng tháng tổng hợp danh sách các phương tiện vi phạm gửi về Sở Giao thông vận tải để xem xét xử lý theo quy định.
3. Giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố, các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan tổ chức tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm túc Quy định này.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở – ngành và các đơn vị có liên quan đề xuất trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định./.
PHỤ LỤC 1
THỜI GIAN XE TẢI NẶNG ĐƯỢC PHÉP LƯU THÔNG TRÊN CÁC TUYẾN HÀNH LANG VÀ TUYẾN ĐƯỜNG, ĐOẠN ĐƯỜNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố)
1. Các tuyến hành lang xe tải nặng lưu thông không giới hạn thời gian
– Hành lang ra vào khu vực cảng Phúc Long, quận Thủ Đức: Xa Lộ Hà Nội – Ngã tư Tây Hòa – đường Nguyễn Văn Bá – đường số 2 – cảng Phúc Long (địa chỉ số 494 đường Trường Thọ, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức) và ngược lại.
– Hành lang ra vào khu vực các cảng dọc tuyến đường Lưu Trọng Lư, quận 7:
+ Đường Nguyễn Văn Linh – Huỳnh Tấn Phát – Lưu Trọng Lư (bao gồm cả đường Liên cảng A5 và đường Bến Nghé).
+ Đường Lưu Trọng Lư – Huỳnh Tấn Phát – Trần Xuân Soạn – Tân Thuận 4 (đường nối Trần Xuân Soạn và đường Nguyễn Văn Linh) – Nguyễn Văn Linh.
– Hành lang ra vào khu vực Cảng ICD: Đường số 1, quận Thủ Đức (đoạn từ đường Nguyễn Văn Bá đến nhánh sông Sài Gòn).
– Đường vào chợ đầu mối Bình Điền, huyện Bình Chánh: đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh vào chợ.
2. Các tuyến hành lang xe tải nặng được phép lưu thông từ 9 giờ đến 16 giờ
– Đường Mai Chí Thọ: đoạn từ đường Nguyễn Cơ Thạch đến đường Đồng Văn Cống.
– Đường Trần Xuân Soạn: đường Huỳnh Tấn Phát đến đường Lê Văn Lương.
– Đường Phạm Thế Hiển: đoạn từ đường Trịnh Quang Nghị đến đường nối Phạm Thế Hiển – Quốc Lộ 50.
– Quốc Lộ 50: đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến đường Phạm Thế Hiển.
– Hành lang đăng kiểm xe 50.01S (số 464 Kinh Dương Vương, quận Bình Tân): Quốc lộ 1- đường Kinh Dương Vương – Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50.01S – và ngược lại.
– Hành lang đăng kiểm xe 50.03V (số 107 Phú Châu, quận Thủ Đức): Quốc lộ 1 – đường Phú Châu và ngược lại.
– Hành lang đăng kiểm xe 50.03S (số 6/6 Quốc lộ 13, quận Thủ Đức): Quốc lộ 1 – Phạm Văn Đồng – Quốc Lộ 13 – Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50.03S và ngược lại.
3. Các tuyến hành lang xe tải nặng được phép lưu thông từ 9 giờ 00 đến 16 giờ 00 và từ 21 giờ 00 đến 22 giờ 00
– Đường Lê Trọng Tấn: đoạn từ Quốc lộ 1 vào khu vực Khu công nghiệp Tân Bình và ngược lại.
– Hành lang vào Khu công nghiệp Tân Bình: Đường D7 – đường M1 và ngược lại. Đối với các tuyến đường chuyên dụng đi theo sự quản lý của khu công nghiệp.
– Đường số 14, quận Thủ Đức: từ Quốc lộ 1 đến đường số 13.
– Hành lang lưu thông vào nhà máy sữa: Xa lộ Hà Nội – Võ Văn Ngân – Thống Nhất – Đặng Văn Bi – đường số 6 và ngược lại.
– Hành lang ra vào khu vực Cảng Nhà Rồng: Hướng vào cầu Tân Thuận 1 – Nguyễn Tất Thành – Cổng kho 5 của Cảng. Hướng ra: lưu thông theo các tuyến đường không giới hạn thời gian: Trương Đình Hợi – Tôn Thất Thuyết – cầu Tân Thuận 2 – Nguyễn Văn Linh.
– Hành lang ra vào khu vực Cảng Tân Thuận 2: Nguyễn Văn Linh – Huỳnh Tấn Phát – Bùi Văn Ba – Cảng Tân Thuận 2 và ngược lại.
– Hành lang ra vào khu vực Cảng Lotus: Hướng vào đường Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Thị Thập – Nguyễn Văn Quỳ – cảng Lotus và ngược lại.
4. Các tuyến hành lang xe tải nặng được phép lưu thông từ 8 giờ 00 đến 16 giờ 00 và từ 18 giờ 00 đến 22 giờ 00
– Hành lang ra vào khu vực Cảng Phú Định: Quốc lộ 1 – Võ Văn Kiệt – Hồ Học Lãm – Cảng Phú Định và ngược lại.
PHỤ LỤC 2
MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP LƯU THÔNG VÀO GIỜ CẤM, ĐƯỜNG CẤM VÀ DỪNG, ĐỖ XE
(Ban hành kèm theo Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố)
(Tên đơn vị đề nghị cấp phép) |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP LƯU THÔNG TRONG KHU VỰC NỘI ĐÔ THÀNH PHỐ
Giờ Cấm □ |
Đường cấm □ |
Dừng, đỗ xe □ |
Kính gửi: ……………………………………………………
1. Tên tổ chức/cá nhân(1):………………………………………………………………………………….
2. Thông tin liên hệ(2):
Địa chỉ:…………………………………………………………………………………………………………
Số điện thoại: …………………………………………………… Fax:……………………………….
3. Mục đích đề nghị cấp phép(3):………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………..
4. Mã số Doanh nghiệp:
|
Tên Doanh nghiệp |
Mã số Doanh nghiệp |
Đơn vị đề nghị cấp phép: |
|
………… |
Đơn vị khác có liên quan (cho thuê xe, hợp đồng bán hàng hóa, vật liệu, …): |
1. |
………… |
2. |
………… |
|
3. |
………… |
5. Danh sách các phương tiện đề nghị cấp phép(4):
SốTT |
Biển số đăng ký |
Tên đăng ký xe |
Loạiphươngtiện |
Nhãnhiệu |
Khối lượng hàng CC CP TGGT |
Khối lượng bản thân |
Khối lượng toàn bộ CP TGGT |
Hạn đăng kiểm |
01 |
… |
… |
… |
… |
… |
… |
… |
…/…/… |
02 |
… |
… |
… |
… |
… |
… |
… |
|
…. |
… |
… |
… |
… |
… |
… |
|
|
6. Thời hạn đề nghị cấp phép: đến hết ngày …/…/… hoặc … tháng
7. Thời gian đề nghị cấp phép(5): Từ ………. giờ ……… đến …….. giờ …………..
8. Lộ trình lưu thông (đính kèm sơ đồ lộ trình lưu thông)(6):
Ø Lộ trình 1:
+ Áp dụng đối với các phương tiện mang biển số:………………………………………………..
Đi:……………………………………………………………………………………………………………….
Về:………………………………………………………………………………………………………………
Ø Lộ trình 2:
+ Áp dụng đối với các phương tiện mang biển số:………………………………………………..
Đi:……………………………………………………………………………………………………………….
Về: ……………………………………………………………………………………………………………..
Ø Lộ trình n: …
9. (Tổ chức/cá nhân) cam đoan nội dung kê khai trên đây là đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai./.
Đơn vị thuê vận chuyển |
………., ngày …. tháng …. năm ……. |
Ghi chú:
(1) : Tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép phải ghi đầy đủ, rõ ràng.
(2) : Thông tin liên hệ: thể hiện địa chỉ, số điện thoại và số Fax hiện đang sử dụng nhằm phối hợp trong công tác cấp phép.
(3): Mục đích đề nghị cấp phép: thể hiện thông tin về loại hàng vận chuyển và phục vụ cho đối tượng/chương trình nào.
(4): Danh sách các phương tiện đề nghị cấp phép
+ Biển đăng ký: Ghi thông tin dựa vào mục Biển số đăng ký trên Chứng nhận đăng ký xe.
+ Chủ phương tiện: Ghi thông tin dựa vào mục Tên chủ xe trên Chứng nhận đăng ký xe.
+ Nhãn hiệu phương tiện: Ghi thông tin dựa vào mục Nhãn hiệu trên Chứng nhận đăng ký xe.
+ Khối lượng hàng CC CP TGGT: Ghi thông tin dựa vào mục Khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
+ Khối lượng bản thân: Ghi thông tin dựa vào mục Khối lượng bản thân trên Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
+ Khối lượng toàn bộ CP TGGT: Ghi thông tin dựa vào mục Khối lượng toàn bộ CP TGGT trên Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ
+ Thời hạn đề nghị cấp phép: ghi rõ từ ngày… đến ngày… . Tuy nhiên, thời hạn đề nghị cấp phép không quá 06 tháng.
(5): Thời gian đề nghị cấp phép: ghi rõ thời gian.
(6): Lộ trình lưu thông:
+ Áp dụng đối với các phương tiện mang biển số: …, …, và …
Đi: xuất phát (ghi rõ địa chỉ, tên công ty…) – tên các tuyến đường/cầu lưu thông qua – vị trí đến (ghi rõ địa chỉ, tên công ty…) – tên các tuyến đường/cầu lưu thông qua – vị trí đến (địa chỉ…) …
Về: Tên các tuyến đường/cầu lưu thông qua – Nơi xuất phát/kho, bãi (ghi rõ địa chỉ, tên địa điểm…)
PHỤ LỤC 3
MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP LƯU HÀNH XE QUÁ TẢI TRỌNG, XE QUÁ KHỔ GIỚI HẠN, XE VẬN CHUYỂN HÀNG SIÊU TRƯỜNG, SIÊU TRỌNG TRÊN ĐƯỜNG BỘ LƯU THÔNG VÀO KHU VỰC NỘI ĐÔ THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————-
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP LƯU HÀNH XE QUÁ TẢI TRỌNG, XE QUÁ KHỔ GIỚI HẠN, XE VẬN CHUYỂN HÀNG SIÊU TRƯỜNG, SIÊU TRỌNG TRÊN ĐƯỜNG BỘ (1)
LƯU THÔNG VÀO KHU VỰC NỘI ĐÔ THÀNH PHỐ
Kính gửi: (tên cơ quan cấp giấy phép lưu hành xe) (2)
– Cá nhân, tổ chức đề nghị(3):…………………………………………………………………………….
– Địa chỉ (4): ……………………………………………………… Điện thoại(5):…………………….
Đề nghị cấp giấy phép lưu hành cho xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn với các thông số sau:
1. Thông tin tổ hợp xe đầu kéo và sơ mi rơ moóc (SMRM) tải: |
||||
Thông số kỹ thuật (6) |
Đầu kéo hoặc xe thân liền |
Rơ moóc/ Sơ mi rơ moóc |
||
Nhãn hiệu |
|
|
||
Biển số |
|
|
||
Số trục |
|
|
||
Khối lượng bản thân (tấn) |
|
|
||
Khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông (tấn) |
|
|
||
Khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông (tấn) |
|
|
||
Khối lượng cho phép kéo theo (tấn) |
|
|
||
Kích thước bao của tổ hợp (dài x rộng x cao) (m) |
|
|||
2. Thông tin hàng hóa đề nghị chuyên chở (7): |
||||
Loại hàng: |
||||
Kích thước (D x R x C) m: |
Tổng khối lượng (tấn): |
|||
3. Thông tin kích thước, khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe sau khi xếp hàng hóa lên xe: |
||||
Kích thước (D x R x C) m: |
Hàng vượt phía trước thùng xe: m |
|||
Hàng vượt hai bên thùng xe: m |
Hàng vượt phía sau thùng xe: m |
|||
Tổng khối lượng: tấn (gồm khối lượng bản thân ô tô đầu kéo + khối lượng bản thân sơ mi rơ moóc + khối lượng số người ngồi trên xe + khối lượng hàng hóa) |
||||
4. Tải trọng lớn nhất được phân bổ lên trục xe sau khi xếp hàng hóa lên xe (8): |
||||
Trục đơn: tấn |
||||
Cụm trục kép: tấn, khoảng cách giữa 02 tâm trục liền kề: d = m |
||||
Cụm trục ba: tấn, khoảng cách giữa 02 tâm trục liền kề: d = m |
||||
5. Tuyến đường và thời gian vận chuyển (9):
– Tuyến đường vận chuyển (ghi đầy đủ, cụ thể tên từng đoạn tuyến đường bộ, các vị tríchuyển hướng, đi qua đường ngang tại Km …):………………………………………………………………………………..
– Thời gian đề nghị lưu hành: Từ ………………………… đến:…………………………………….
6. Cam kết của chủ phương tiện: về quyền sở hữu phương tiện và hàng hóa tại thời điểm đề nghị cấp Giấp phép lưu hành xe.
(Giấy đề nghị cấp Giấy phép lưu hành xe phải kèm theo sơ đồ xe thể hiện rõ các kích thước: chiều dài, chiều rộng, chiều cao của xe đã xếp hàng và khoảng cách giữa các trục xe, chiều dài đuôi xe ) |
……………, ngày …… tháng ……. năm ……… |
Hướng dẫn nội dung ghi trong Đơn đề nghị
(1) Chỉ ghi đúng nội dung đề nghị cấp phép. Ví dụ: đề nghị cấp phép lưu hành xe quá khổ giới hạn đường bộ và chở hàng siêu trọng, cách thể hiện như sau:
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP LƯU HÀNH XE QUÁ KHỔ GIỚI HẠN, XE VẬN CHUYỂN HÀNG SIÊU TRỌNG TRÊN ĐƯỜNG BỘ
(2) Ghi đầy đủ Tên cơ quan cấp giấy phép lưu hành xe.
(3) Tên tổ chức, cá nhân đứng Đơn đề nghị.
(4) Ghi rõ số nhà, tên đường, phường, xã, thị trấn, thành phố, tỉnh.
(5) Điện thoại
(6) Ghi thông tin dựa vào Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
(7) Ghi rõ kích thước và khối lượng hàng chuyên chở.
(8) Tính toán tải trọng phân bố trên các trục tham khảo Văn bản số 1612/ĐKVN-VAQngày 16/05/2014 của Cục Đăng kiểm Việt Nam về kiểm tra xác định và ghi nhận khối lượng cho phép tham gia giao thông của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ.
(9) Ghi từ ngày, đến ngày.
PHỤ LỤC 4
MẪU GIẤY PHÉP LƯU THÔNG VÀO GIỜ CẤM, ĐƯỜNG CẤM VÀ DỪNG, ĐỖ XE
(Ban hành kèm theo Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố)
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /GP-SGTVT |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày … tháng …… năm …… |
GIẤY PHÉP
LƯU THÔNG TRONG KHU VỰC NỘI ĐÔ THÀNH PHỐ
– Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
– Căn cứ Quyết định số …./……/QĐ-UBND ngày …./…./….. của Ủy ban nhân dân thành phố Quy định về hạn chế và cấp phép cho xe ôtô chở hàng, ô tô tải lưu thông trong khu vực nội đô thành phố Hồ Chí Minh.
– Xét hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lưu thông trong khu vực nội đô thành phố Hồ Chí Minh của …. ngày …. tháng …. năm ……,
Thông tin phương tiện:
– Xe biển số: …………… |
– Nhãn hiệu: …………… |
– Loại phương tiện : …………… |
– Của: …. (tên tổ chức, cá nhân chủ xe)
– Được phép:
+ Lưu thông vào giờ cấm. |
Thời gian: …. |
+ Lưu thông vào đường cấm. |
Thời gian: …. |
+ Dừng, đỗ xe. |
Thời gian: …. |
* Lộ trình lưu thông hoặc vị trí được phép dừng, đỗ xe xem tại mặt sau giấy phép.
– Mục đích: ……………………………………………………
– Giấy phép có giá trị đến hết ngày …. tháng …. năm ….
Các điều kiện quy định khi xe ô tô lưu thông:
– Phải sử dụng giấy phép đúng mục đích, sử dụng cùng với phù hiệu dán trước kính xe.
– Không sử dụng bản sao chụp giấy phép này; giấy phép bị tẩy xóa không có giá trị.
– Khi lưu thông vào nội đô thành phố phải tuân thủ nội dung cho phép và các quy định khác của pháp luật về giao thông đường bộ. Tuân thủ biển báo tải trọng của các cầu; biển báo tại các công trình ngầm nổi trên tuyến.
– Đối với xe vận chuyển vật liệu thi công yêu cầu phải vệ sinh sạch sẽ trước khi lưu thông vào nội đô Thành phố và sau khi ra khỏi phạm vi công trường.
– Khi yêu cầu cấp giấp phép mới phải nộp lại giấy phép và phù hiệu đã hết hạn cho cơ quan cấp./.
Nơi nhận: |
TUQ. GIÁM ĐỐC |
LỘ TRÌNH
Lộ trình 1 Đi: Nguyễn Văn A – Nguyễn Văn B – Nguyễn Văn C. Về: Nguyễn Văn C – Nguyễn Văn B – Nguyễn Văn A.
Lộ trình 2: Được phép lưu thông trên địa bàn các Quận 1, Quận 2, Huyện Bình Chánh.
…….
* Lưu ý: ………………..
./.
PHỤ LỤC 5
MẪU GIẤY PHÉP LƯU HÀNH XE QUÁ TẢI TRỌNG, XE QUÁ KHỔ GIỚI HẠN, XE VẬN CHUYỂN HÀNG SIÊU TRƯỜNG, SIÊU TRỌNG TRÊN ĐƯỜNG BỘ LƯU THÔNG VÀO KHU VỰC NỘI ĐÔ THÀNH PHỐ.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố)
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /GP-SGTVT |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày ….. tháng …… năm …… |
GIẤY PHÉP
LƯU HÀNH XE QUÁ TẢI TRỌNG, XE QUÁ KHỔ GIỚI HẠN, XE VẬN CHUYỂN HÀNG SIÊU TRƯỜNG, SIÊU TRỌNG TRÊN ĐƯỜNG BỘ LƯU THÔNG VÀO KHU VỰC NỘI ĐÔ THÀNH PHỐ
Có giá trị đến hết ngày … tháng … năm …
Thời gian được phép lưu thông trong khu vực nội đô Thành phố: từ giờ đến giờ
– Căn cứ Khoản 2 Điều 28 Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;
– Căn cứ Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT ngày 07 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ;
– Căn cứ Quyết định số ……../……../QĐ-UBND ngày …. tháng …. năm …. của Ủy ban nhân dân thành phố Quy định về hạn chế và cấp phép cho xe ôtô chở hàng, ô tô tải lưu thông trong khu vực nội đô thành phố Hồ Chí Minh .
– Xét đơn đề nghị cấp Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn của ……. (tên tổ chức, cá nhân đứng đơn) …….ngày………tháng………năm……….,
Cho phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn trên đường bộ của …. (tên tổ chức cá nhân chủ xe) với các thông tin như sau:
1. Thông tin tổ hợp xe đầu kéo và sơ mi rơ moóc (SMRM) tải: |
|||
Thông số kỹ thuật |
Đầu kéo hoặc xe thân liền |
Rơ moóc/ Sơ mi rơ moóc |
|
Nhãn hiệu |
|
|
|
Biển số |
|
|
|
Số trục |
|
|
|
Khối lượng bản thân (tấn) |
|
|
|
Khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông (tấn) |
|
|
|
Khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông (tấn) |
|
|
|
Khối lượng cho phép kéo theo (tấn) |
|
|
|
Kích thước bao của tổ hợp (dài x rộng x cao) (m) |
|
||
2. Thông tin hàng hóa đề nghị chuyên chở: |
|||
Loại hàng: |
|||
Kích thước (D x R x C) m: |
Tổng khối lượng: tấn |
||
3. Thông tin kích thước, khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe sau khi xếp hàng hóa lên xe: |
|||
Kích thước (D x R x C) m: |
Hàng vượt phía trước thùng xe: m |
||
Hàng vượt hai bên thùng xe: m |
Hàng vượt phía sau thùng xe: m |
||
Tổng khối lượng: tấn (gồm khối lượng bản thân ô tô đầu kéo + khối lượng bản thân sơ mi rơ moóc + khối lượng số người ngồi trên xe + khối lượng hàng hóa) |
|||
4. Tải trọng lớn nhất được phân bổ lên trục xe sau khi xếp hàng hóa lên xe: |
|||
Trục đơn: tấn |
|||
Cụm trục kép: tấn, khoảng cách giữa 02 tâm trục liền kề: d = …….m |
|||
Cụm trục ba: tấn, khoảng cách giữa 02 tâm trục liên kề: d = …..m |
|||
5. Tuyến đường vận chuyển – Nơi đi ……………….. (ghi cụ thể Km ………./QL (ĐT) ………., địa danh) – Nơi đến ……………… (ghi cụ thể Km ………./QL (ĐT) ……….., địa danh) – Các tuyến đường được đi: ……………… (ghi đầy đủ, cụ thể tên đoạn tuyến đường bộ được đi, các vị trí chuyển hướng, đi qua dường ngang (nếu có), các điểm khống chế từ nơi đi đến nơi đến) |
|||
Các điều kiện quy định khi lưu hành xe trên đường bộ
– Chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện phải tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ.
– Xe phải có hệ thống hãm đủ hiệu lực (kể cả sơmi rơ moóc hoặc rơ moóc kéo theo). Hệ thống liên kết nối xe đầu kéo với sơmi rơ moóc hoặc rơ moóc phải chắc chắn, bảo đảm an toàn và đúng quy định của nhà sản xuất.
– Khi qua cầu, xe chạy đúng làn ……. với tốc độ ……….. để tránh gây xung kích và tránh gây ra sự lệch tâm làm tăng sự ảnh hưởng của tải trọng lên hệ thống dầm mặt cầu. Không dừng, đỗ, phanh, hãm xe trên cầu; không dừng, đỗ xe trong phạm vi đường ngang.
– ……………….. (các điều kiện quy định cần thiết bảo đảm an toàn khác) ………………..
– Phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng kiểm soát giao thông trên đường bộ.
– Khi có nhu cầu đổi lại Giấy phép lưu hành mới phải nộp lại Giấy này./.
Nơi nhận: |
TUQ. GIÁM ĐỐC |
PHỤ LỤC 6
PHÙ HIỆU DÀNH CHO XE ÔTÔ LƯU THÔNG VÀO GIỜ CẤM VÀ ĐƯỜNG CẤM KHU VỰC NỘI ĐÔ THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố)
PHỤ LỤC 7
PHÙ HIỆU DÀNH CHO XE ÔTÔ LƯU THÔNG VÀO GIỜ CẤM KHU VỰC NỘI ĐÔ THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố)