Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, Luật thi hành án dân sự năm 2008 đã có hiệu lực thi hành gần được một tháng rồi nhưng các văn bản hướng dẫn Luật thì chưa có, bên cạnh đó có nhiều quy định về thủ tục thi hành án cần được giải thích thì mới có thể áp dụng được. Dưới đây tôi xin được đề cập một trường hợp cụ thể như sau:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 của Pháp lệnh án phí, lệ phí của Toà án ngày 27/2/2009 thì Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thu các khoản lệ phí Toà án sau:
.
Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191
1. Lệ phí giải quyết việc dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 26, các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 7 Điều 28 của Bộ luật tố tụng dân sự.
2. Lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
3. Lệ phí xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
4. Kháng cáo quyết định của Tòa án đối với yêu cầu quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 43 Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án, nếu yêu cầu kháng cáo của họ không được chấp nhận (điểm d khoản 1 Điều 43).
Tuy nhiên căn cứ vào Điều 36 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án dân sự không biết mình có thẩm quyền ra quyết định thi hành án đối với khoản lệ phí Toà án hay không? Nếu có thì ra quyết định chủ động hay theo đơn yêu cầu. Đây cũng là vấn đền hiện nay đang có hai quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án không có thẩm quyền. Vì Luật THADS năm 2008 chỉ nói đến án phí Toà án mà không hề đề cập đến lệ phí Toà án. Mặc dù Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án có giao thẩm quyền thu lệ phí trong trường hợp này thuộc về Cơ quan thi hành án dân sự nhưng về mặt pháp lý nó có hiệu lực thấp hơn Luật THADS. Nếu có thẩm quyền thu thì cũng thu theo thủ tục hành chính chứ không ra quyết định thi hành án.
Quan điểm thứ hai cho rằng, Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án có thẩm quyền ra quyết định. Vì Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án đã xác định thẩm quyền cho Cơ quan thi hành án, hơn nữa, mặc dù Luật thi hành án dân sự không có điều khoản nào đề cập đến lệ phí Toà án nhưng cũng không có điều khoản nào mâu thuẫn với quy định của Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án. Vấn đề đặt ra ở đây là ra quyết định thi hành án chủ động hay theo đơn đối với khoản lệ phí trên.
Xét về bản chất đây là khoản thu cho ngân sách nhà nước nên phải thuộc loại chủ động ra quyết định thi hành án. Trước đây, tại điểm a, khoản 1 Điều 22 Pháp lệnh THADS năm 2004 cũng đã quy định khoản lệ phí Toà án thuộc trường hợp Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.
Tuy nhiên xét về mặt pháp lý việc ra quyết định chủ động hay theo đơn phải căn cứ vào Điều 36 của Luật THADS năm 2008 mới xác định được.
Điều 36 quy định:
“ 1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án đối với phần bản án, quyết định sau đây:
a) Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí;
b) Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;
c) Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu huỷ vật chứng, tài sản;
d) Thu hồi quyền sử đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;
đ) Quyết định áp dụng khẩn cấp tạm thời.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án.
Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do Toà án chuyển giao hoặc do đương sự giao trực tiếp, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án và phân công chấp hành viên tổ chức thi hành.
2. Ngoài các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án khi có đơn yêu cầu thi hành án.”
Trên cơ sở quy định tại Điều 36 nói trên, chúng ta thấy nếu căn cứ vào khoản 1 thì khoản lệ phí Toà án không có. Điều đó có nghĩa là khoản lệ phí Toà án không thuộc trường hợp chủ động ra quyết định thi hành án. Nếu khoản 1 không có thì tất nhiên phải căn cứ vào khoản 2 (theo tính chất loại trừ của điều luật) để ra quyết định thi hành án theo đơn đối với khoản lệ phí Toà án. Đây là điều không có thể chấp nhận được. Bởi như đã nói ở trên, bản chất của khoản lệ phí là thu cho ngân sách nhà nước nên Cơ quan thi hành án phải chủ động ra quyết định thi hành án, hơn nữa nếu ra quyết định theo đơn yêu cầu thi hành án thì ai sẽ làm đơn yêu cầu thi hành án khoản lệ phí Toà án này? Nên chăng là Toà án?!
Thiết nghĩ đây là một vấn đề cần phải được cơ quan có thẩm quyền có văn bản hướng dẫn kịp thời để cho những quy định của Luật thi hành án sớm đi vào thực tế.
SOURCE: TÁC GIẢ CUNG CẤP – THS. CÙ HOÀNG HANH – Thi hành án dân sự huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế
(MINH KHUE LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)