Khi tham vào bất kỳ giao dịch nào, người dân nên tìm hiểu kỹ các quy định trong hợp đồng để tránh những rủi ro, và khó xử lý sau khi giải ngân. Hiện nay, thị trường cho vay tài chính tiêu dùng tín chấp của các công ty tài chính (CTTC) với các dòng sản phẩm, dịch vụ tài chính như vay mua xe máy trả góp, vay mua sắm đồ điện tử gia dụng và cho vay tiền mặt nhằm đáp ứng nhu cầu của các khách hàng không tiếp cận được với nguồn vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, hình thức vay này còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Vay tín chấp là mộ hình thức vay hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Tín chấp là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, được quy định tại điều 292 Bộ luật dân sự 2015.

Điều 292 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

Điều 292. Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm:

1. Cầm cố tài sản.

2. Thế chấp tài sản.

3. Đặt cọc.

4. Ký cược.

5. Ký quỹ.

6. Bảo lưu quyền sở hữu.

7. Bảo lãnh.

8. Tín chấp.

9. Cầm giữ tài sản.

Vay tín chấp là hình thức vay từ các tổ chức tín dụng được pháp luật cho phép, thông qua sự tín nhiệm, không cần tài sản thế chấp. Đối tượng vay là những người không có đủ điều kiện tiếp cận tín dụng từ ngân hàng hoặc có nhu cầu vay được giải ngân tức thì.

Tuy nhiên, hình thức vay này người dân sẽ gặp với những rủi ro nhất định đó là: lãi suất thường cao hơn so với mặt bằng các ngân hàng thương mại.Các khoản vay tiêu dùng của các CTTC thường có mức lãi suất dao động trong khoảng 1,3 – 7%/tháng.

Người dân thường chủ quan không đọc và xem kỹ hợp đồng, dẫn đến không hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình. Vì vậy không hiểu rõ lãi suất, cũng như không thực hiện đúng các thỏa thuận hai bên đã ký kết. Thường hợp đồng vay tín dụng do các CTTC soạn, nên nội dung trong hợp đồng chủ yếu có lợi cho phía CTTC, điều này thường dẫn đến việc người dân sau khi được giải ngân khó chấp nhận những nội dung đó và không thực hiện những nội dung này.

Không ít người dân đã phàn nàn về việc sau khi vay mới “tá hỏa” vì chưa cầm hợp đồng, chưa được biết trách nhiệm thực hiện hợp đồng của mình và có rất nhiều phản ánh như lãi suất phải trả cao, bị “ăn chặn” phí tư vấn, phí phạt thanh lý sớm hợp đồng, phí phạt trả chậm, liên tục bị đòi nợ…

Nhưng đây cũng chính là những điều nan giải nhất đối với các CTTC trong quá trình xử lý vướng mắc với người vay hiện nay. Mặc dù, những hợp đồng này luôn luôn được người vay đọc trước khi ký. Tại sao người dân luôn được đọc hợp đồng trước khi ký mà vẫn xảy ra tình trạng không hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình, qua thực tiễn ta có thể thấy được một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, hợp đồng tín dụng do các CTTC xây dựng nên thường khá dài, nhiều thuật ngữ người dân không hiểu hết, người dân chỉ đọc qua, không hiểu rõ hoặc thậm chí hiểu lầm.

Thứ hai, một số người dân đang có nhu cầu vay gấp và tiếp cận phải một số cá nhân giả danh nhân viên từ các ngân hàng hoặc các CTTC để thuyết phục ký hợp đồng cho vay với lãi suất “hấp dẫn”, điều kiện hợp đồng “mập mờ”, quàng thêm nhiều phí phụ, tốn thêm phí dịch vụ “cò mồi” mà không tìm hiểu đối chiếu thông tin với văn phòng giao dịch, đại lý phân phối chính thức của các CTTC.

Thứ ba, các trường hợp người dân bị lừa đảo khi nhận lời đứng tên ký thay hợp đồng vay tín chấp thay cho người thân, bạn bè hoặc vì những lợi ích trước mắt như được hứa chia khoản lợi nhỏ và sau đó phải gánh khoản nợ và trả nợ thay.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp khách hàng thực hiện đúng trách nhiệm hợp đồng và thanh toán đầy đủ nhưng vì lý do nào đó mà họ bị các nhân viên của CTTC làm phiền đòi nợ. Nếu xảy ra những trường hợp như vậy, khách hàng nên trực tiếp liên hệ và thông báo ngay qua các kênh website, tổng đài, email đến các CTTC để được hỗ trợ giải quyết ngay nhằm ngăn chặn tình huống tương tự xảy ra trong tương lai.

Vì vậy, khi tham gia giao dịch vay tín chấp, người dân cần cân nhắc và lưu ý những vấn đề sau:

1. Đọc kỹ tất cả những nội dung, điều khoản được quy định trong hợp đồng vay. Nội dung nào chưa rõ, còn mập mờ thì đề nghị nhân viên của các CTTC tư vấn kỹ càng giải pháp vay phù hợp nhất;

2. Hiểu rõ thông tin về lãi suất, khoản trả góp hàng tháng, các phương thức thanh toán, các khoản phí: phí phạt khi thanh toán trễ hoặc tất toán khoản vay trước hạn, …;

3. Cần xác định rõ nguồn thu nhập và khả năng tài chính để trả nợ, tránh trường hợp vượt quá khả năng gây ra những giao dịch tranh chấp không đáng có.

4. Chỉ nên vay tiêu dùng khi thực sự có nhu cầu;

5. Tránh việc thanh toán chậm trễ: phải gánh thêm phí phạt cao, và ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng cá nhân. Với lịch sử tín dụng tốt, khách hàng sẽ dễ dàng được hỗ trợ vay tiếp tại tất cả các tổ chức tín dụng và được ưu đãi lãi suất;

6. Nên lưu giữ hợp đồng, biên nhận thanh toán, theo dõi bảng sao kê tín dụng cá nhân thường xuyên để nắm rõ tình trạng tín dụng của mình. Tránh trường hợp không rõ tình trạng tín dụng của mình đang như thế nào, quyền và lợi ích đối với các TCTD ra sao.

Trước khi ký vào hợp đồng vay tín dụng, người dân nên suy nghĩ và cân nhắc thật ký mọi rủi ro mà mình sẽ gặp phải. Đồng thời lên phương án để tận dụng khoản vay một cách hiệu quả nhất. Tránh được những tình huống nan giải sau khi giải ngân.

Trường hợp nêu người dân đã tiến hành ký hợp đồng vay tín dụng nhưng lại vi phạm hợp đồng, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự các TCTD có quyền khởi kiện ra Tòa. Tuy nhiên, thực tế không dễ dàng và đơn giản như vậy, khách hàng chây ỳ, thanh toán nợ không đúng hạn, gặp khó khăn về tài chính… là những nguyên nhân khiến cho việc thu nợ của TCTD gặp nhiều khó khăn. Khi hầu hết các phương pháp áp dụng để thu nợ không mang lại kết quả như mong muốn, TCTD có quyền tiến hành khởi kiện đối với bên vay ra toà án theo quy định tại Điều 466 Bộ luật dân sự 2015

Điều 466 Bộ luật này quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:

“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

[…] 5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”

Về nguyên lý, hầu như kết quả thắng kiện sẽ thuộc về TCDT, tuy nhiên, để khởi kiện đối với một vụ thu hồi nợ không đơn giản, cụ thể nó sẽ được tiến hành như sau:

✔ Thứ nhất là vụ việc còn trong thời hiệu khởi kiện :

Căn cứ Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện là 02 năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Hậu quả pháp lý của việc khởi kiện đòi nợ khi hết thời hiệu đó là:

– Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án do hết thời hiệu.

– Tòa án trả lại đơn khởi kiện đòi nợ do yêu cầu phản tố của bị đơn về việc hết thời hiệu khởi kiện

✔ Thứ hai là việc nộp hồ sơ khởi kiện phải đúng thẩm quyền của Tòa án

Đương sự có quyền yêu cầu Tòa án cấp Huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc để khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết nếu đương sự không ở nước ngoài, tài sản tranh chấp không ở nước ngoài và không cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan ở nước ngoài. Nếu đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản tranh chấp ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan ở nước ngoài thì đương sự phải yêu cầu Tòa án cấp Tỉnh nơi bị đơn cư trú, làm việc để khởi kiện.

✔ Thứ ba là hồ sơ khởi kiện phải đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật:

Hồ sơ khởi kiện đòi nợ bao gồm nhữn giấy tờ sau

– Đơn khởi kiện đòi nợ theo nội dung Luật sư đã chia sẻ

– giấy tờ vay nợ cá nhận, hợp đồng vay và các tài liệu khác.

– Giấy xác nhận của cơ quan nhà nước về địa chỉ cư trú, làm việc của bị đơn

– Chứng minh nhân dân và Hộ khẩu của người khởi kiện

– Giấy tờ chứng minh vụ việc vẫn còn thời hiệu khởi kiện (nếu có)

Các bước giải quyết thủ tục khởi kiện đòi nợ tại Tòa án

✔ Thủ tục thụ lý vụ án

– Sau khi nhận hồ sơ khởi kiện nếu vụ việc thuộc trường hợp trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện cho người khởi kiện. Nếu vụ việc không thuộc trường hợp trả lại đơn khởi kiện nhưng Đơn khởi kiện chưa đúng mẫu quy định hoặc không đủ các nội dung quy định thì Tòa án thông báo cho người khởi kiện sửa đổi, bổ sung theo thời hạn ấn định.

– Nếu vụ việc đủ điều kiện khởi kiện và đơn khởi kiện đã làm đúng theo quy định thì Tòa án cho người khởi kiện nộp tạm ứng án phí trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo.

✔ Thời hạn giải quyết vụ án:

– Thời hạn hòa giải và chuẩn bị xét xử là từ 4-6 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án

– Thời hạn mở phiên tòa: Trong thời hạn tối đa 02 tháng, kể từ ngày đưa vụ án ra xét xử.

– Thời hạn hoãn phiên toà: không quá 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.

Như vậy, có thể thấy hậu quả của việc vi phạm giao dịch hợp đồng vay tín dụng và thủ tục khởi kiện khá phức tạp và tốn nhiều công sức, thời gian. Vì vậy, khi các bên tham giao giao dịch cần cẩn trọng để thực hiện hợp đồng đúng quy định và không xảy ra tranh chấp.