Kén chọn người dịch

Năm 1982, khi còn công tác ở Học viện Kỹ thuật quân sự, dịch giả Phạm Văn Thiều được cử đi tu nghiệp tại Viện Vật lý Hạt nhân (Paris, Pháp). Sang đây, ông mới phát hiện và đặc biệt “mê mẩm” loại sách của các nhà bác học lớn, họ không chỉ xuất sắc trong nghiên cứu, mà còn là những tài năng văn học. Những tác phẩm này tuy nói về nghiên cứu cơ bản nhưng lại đậm chất văn học, rất hay, với các ví dụ minh họa độc đáo và hấp dẫn.

Để dịch được một cuốn sách khoa học như thế này phải mất khoảng từ 3-6 tháng trời! – ảnh: L.Quỳnh

Khao khát dịch loại sách ít được biết đến ở VN lúc bấy giờ để đem về cho độc giả VN, nhưng ông Thiều đã không dám “bập” ngay vào các tác phẩm lớn, mà ban đầu phải làm quen với dịch tin, bài cho các báo, tập dịch truyện khoa học viễn tưởng, truyện trinh thám, một số tác phẩm văn học… rồi đến các sách khoa học phổ thông. Sau cùng, ông mới dám “đụng” đến các tác phẩm nổi tiếng như “Lược sử thời gian”!…

(Dịch vụ dịch thuật pháp luật – Ảnh minh họa)

“Khó khăn đầu tiên là hệ thống thuật ngữ khoa học tiếng Việt chưa đầy đủ, còn thiếu rất nhiều, nên khi dịch cần phải sáng tạo” – ông Thiều nói. Đồng chia sẻ, bà Võ Hằng Nga, phòng biên tập sách khoa học NXB Kim Đồng cho biết: “Việc nhiều từ khoa học tiếng nước ngoài không có từ tương đương trong tiếng Việt là vấn đề đau đầu cho dịch giả và cả người biên tập”. Ví dụ, với đối tượng là trẻ em, thì cần cân nhắc nội dung, từ chuyên môn… để các em ở độ tuổi đó có thể hiểu được (tính trên trình độ trung bình).

Nhưng có lẽ khó khăn lớn nhất là làm sao người dịch phải truyền tải được cái hồn, tinh thần tác phẩm. Bởi theo ông Thiều, tác phẩm của các nhà khoa học lớn đều có những ý tưởng khoa học cũng như triết học rất sâu sắc, và quan trọng nữa là họ đã thổi vào các tác phẩm của họ những khát vọng, đam mê của những người trong cuộc. Vì vậy, bản dịch là một sự tái tạo, và sự tái tạo đó đều mang đậm dấu ấn của người dịch.

Ông Thiều đưa ra ví dụ với cuốn “Thế giới lượng tử kì bí” vừa được NXB Trẻ xuất bản. Tác giả người Đức Silvia Arroyo Camejo không phải là một nhà giáo đi giảng lượng tử, mà đây là một cô bé 17 tuổi thấy lượng tử “kì quặc” quá nên cô đi tìm lời giải. Có lời giải rồi, cô muốn kể lại chuyện mình tìm lời giải như thế nào. Nhưng nếu không biết bố cô là bác sĩ người Tây Ban Nha thì sẽ khó nhận ra cô đang “kể chuyện” bằng ngôn ngữ của người nước ngoài dùng ngôn ngữ Đức. “Điều đó rất lý thú. Nếu không hiểu được cái đầu, cảm xúc, lộ trình của cô ấy mà cứ dịch ra từng câu từng chữ thì không đâu vào đâu cả” – ông Vũ Công Lập, Viện Vật lý Y Sinh, một trong các dịch giả cuốn sách này cười khà, nói.

“Tuy nhiên, trong thực tế, người giỏi thì thường bận và không phải lúc nào cũng có thể mời đúng dịch giả mà phía các NXB mong muốn!” – bà Hải Vân, phòng biên tập sách khoa học NXB Trẻ cho biết. Dịch giả Vũ Công Lập, một trong những người sáng lập tủ sách Khoa học và Khám phá chia sẻ: công việc “lựa” người dịch rất kén chọn!

Quan niệm tủ sách nói về khoa học đại chúng nhưng nội dung khoa học phải sâu sắc, thực tiễn, ông Lập cho biết, tiêu chí người dịch phải là những nhà khoa học giỏi trong lĩnh vực để đảm bảo chuyển tải chất lượng nội dung.

Mặt khác, cách viết của nhà khoa học ấy phải hoạt bát, phong phú, không phải giảng giải một môn học mà là kể lại một câu chuyện! “Khoa học chuyển tải bằng câu chuyện thì mới giúp bạn đọc hứng thú được” – ông Lập khẳng định.

“Nhắm” vào người dịch trẻ

Nói về “đội ngũ” dịch sách khoa học hiện nay, thực tế nguồn dịch giả không cố định ở những người chuyên dịch thuật, có những người vẫn làm một công tác nào đó và tham gia dịch thêm trong lĩnh vực họ có chuyên môn. Chính vì vậy, nguồn cộng tác viên dịch của mảng sách này tại các NXB khá mở và được bổ sung thường xuyên. “Chúng tôi đang hướng đến các dịch giả trẻ tuổi” – nhiều NXB cho biết.

Theo nhận xét trong giới dịch sách khoa học, có thể nói, bên cạnh những người dịch có tuổi, “đội ngũ” dịch sách khoa học hiện nay bắt đầu “xuất hiện” những người trẻ đã hoặc du học ở nước ngoài. Ưu thế của họ là cập nhật kiến thức khoa học công nghệ, khả năng tra cứu tốt, sử dụng vi tính, internet thành thạo và chủ động. Đây là một trong những điểm cực kì thuận lợi vì người dịch khoa học luôn cần có khả năng tra cứu rất cao. Chính những điểm này đã thu hút nhiều NXB muốn nhắm tới và “đầu tư” theo hướng lâu dài cho nguồn lực dịch sách khoa học của mình.

Có thể kể đến Tủ sách Khoa học và Khám phá của NXB Trẻ mới được gây dựng gần đây hiện cũng đang “quy tụ” được một nhóm dịch giả trẻ “làm tay trái”. Đó là những nhà khoa học trong nước, và các bạn trẻ nghiên cứu sinh hiện đang học tập ở nhiều nước trên thế giới. Tuy tủ sách này hiện chỉ mới dừng lại ở con số 10 người dịch, và sản phẩm thì đến năm 2009 mới ra nhiều, nhưng có thể nói đã bắt đầu cho thấy điểm khả quan mới về chất lượng đội ngũ dịch.

Ông Vũ Công Lập thẳng thắn nhìn nhận: “Thông điệp niềm vui là cái mà chúng tôi muốn đưa đến bạn đọc qua mỗi bản dịch. Mình cứ thường chê trách người ta không đọc, nhưng vấn đề là người ta đọc thì có thấy niềm vui hay không? Có những niềm vui là game, phim ảnh, nhưng cũng có những niềm vui kiểu khác, niềm vui chữ nghĩa, đọc sách, trí tuệ. Người ta chỉ đọc sách là khi người ta thấy vui. Mình đem lại cho người đọc một niềm vui thì khi ấy người ta mới đọc sách của mình”.

Điều nguy hiểm khi dịch sách khoa học là dễ bị những nhầm lẫn về chuyên môn, hoặc hiểu đúng nhưng dịch không thoát, không sáng tạo, nhưng nỗi niềm đau đáu nhất của người dịch sách khoa học mà như lời tâm sự của nhiều nhà khoa học hiện đang dịch sách là: “Cái bức bách đau đáu nhất của người dịch là… không hiểu người đọc có đọc sách mình dịch không?”.Bách khoaVN còn kémCuốn “Di truyền sinh học” do NXB Giáo dục xuất bản năm 1998, đến nay đã 9 lần tái bản, mỗi lần tái bản khoảng 1000 cuốn, riêng năm 2008 tái bản lên 2000 cuốn. PGS.TS Phạm Thành Hổ (ĐH Khoa học Tự nhiên, TP.HCM), tác giả cuốn sách này tự hào: “Cuốn sách được SV, giáo viên ĐH, nhiều anh chị trong ngành đọc, tham khảo nhiều và rộng rãi cả nước. Có lần tôi nhận được cả thư của hai em SV ở Thái Nguyên và Phú Thọ gửi vào để trao đổi thêm về nội dung sách…”. Ông bảo, ông được người ta biết đến cũng là nhờ cuốn sách này.

Hiện nay, sách khoa học “made in” VN, do các nhà khoa học, nhà giáo… VN viết không ít, đa số là các loại sách giáo khoa, tài liệu tham khảo chuyên ngành… Riêng mảng sách khoa học phổ biến dành cho mọi giới rất ít. Ông Hổ chỉ có một cuốn sách dạng này “giắt túi”: “Nguồn gốc loài người”. Theo ông, bây giờ người ta bận rộn quá, không có thời gian viết sách khoa học. “Thu nhập” từ viết sách rất “hẻo” mà lại mất cả năm trời mới viết được một cuốn, điều này cũng khó mà khuyến khích người ta viết.

Ông Hổ ví dụ: cuốn sách “Di truyền học” ông viết ra được “nhuận bút” là 9 triệu đồng, mỗi lần tái bản thì được 14% giá bìa sách x số lượng in, trong khi tiền dạy của ông trong 1 học kì/4 tháng đã là 30-40 triệu rồi. “Các nhà khoa học viết sách khoa học vì đam mê và tâm huyết truyền khoa học với thế hệ sau” – ông nói.

Tại NXB Trẻ, nguồn sách khoa học “khai hoang” đầu tiên là sách về lĩnh vực tự nhiên và công nghệ, ban đầu được hình thành từ sự góp công sức của các tác giả là nhà khoa học VN như các nhà giáo, nhà khoa học Trần Kim Thạch, Lê Minh Triết, Nguyễn Ngọc Hải, Nguyễn Thiện Tống, Pham Thanh Minh…

Không hàm ý đánh giá các sách của tác giả trong nước, bà Ngọc Thảo, NXB Trẻ cho rằng sự xuất hiện của sách khoa học hay trên thế giới được các nhà khoa học VN dịch như thời gian gần đây, đã tạo hiệu ứng tốt hơn thời gian đầu khi chỉ làm sách trong nước…

Giải thích vì sao VN ít có những cuốn sách khoa học hay, hấp dẫn, ông Vũ Công Lập cho rằng: một trong các nguyên nhân là các nhà khoa học VN, nhất là khối tự nhiên, ít có điều kiện hoạt động phong phú để làm hành trang, trải nghiệm viết sách như các nhà khoa học ở nước ngoài. Ông lấy ví dụ tác giả cuốn sách “Bảy nàng con gái của Eva” là giáo sư di truyền học của ĐH Oxford, ông được mời tham gia khám nghiệm tử thi của người Băng (một người đàn ông bị đông cứng trong băng đá tự nhiên ở miền bắc Iatalia) hơn 5 ngàn tuổi, bản thân ông còn là một phóng viên truyền hình và cố vấn khoa học cho Quốc hội Anh…

(Theo VNN)

http://www.vietnamnet.vn