1. Giới thiệu tác giả

Cuốn sách “Quy trình pháp lý đầu tư phát triển dự án nhà ở thương mại” được biên soạn bởi Luật sư Trần Thanh Tiến. 

2. Giới thiệu hình ảnh sách

Sách Quy trình pháp lý đầu tư phát triển dự án nhà ở thương mạ

Quy trình pháp lý đầu tư phát triển dự án nhà ở thương mại

Tác giả: Luật sư Trần Thanh Tiến

Nhà xuất bản Xây dựng

3. Tổng quan nội dung sách

Dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được hiểu là tổng hợp các đề xuất có liên quan đến việc sử dụng vốn của nhà đầu tư tiến hành các hoạt động cây dựng nhà ở, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu ở trên địa bàn nhất định trong một khoảng thời gian và chi phí xác định nhằm mục đích để bán, cho thuê, cho thuê mua theo cơ chế thị trường.

Bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình Luật sư Trần Thanh Tiến nhận thấy rằng một dự án đầu tư phát triển bất động sản bao giờ cũng bị ràng buộc bởi những rào cản pháp lý hết sức phức tạp, trong đó có đầu tư phát triển dự án nhà ở thương mại. Về mặt pháp lý, quy trình pháp lý dành cho đối tượng nhà ở thương mại không nằm gọn trong một văn bản pháp luật mà là sự tổng hợp của hàng loạt các văn bản pháp luật đan xen, chòng chéo nhau cùng điều chỉnh: Pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về nhà ở, pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về kiến trúc, pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về đấu giá, pháp luật về đấu thầu, pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về thuế, pháp luật về bảo hiểm, pháp luật về lao động, pháp luật về dân sự, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…. trong đó có những quy định còn thiếu hoặc không rõ ràng, còn mẫu thuẫn giữa các văn bản khác nhau dẫn đến việc không dễ dàng gì trong việc kết nối các thủ tục với nhau theo một trình tự khoa học, thống nhất và khép kín. Và chính bởi lý do này đã dẫn đến lúng túng và gây khó khăn cho các nhà đầu tư phát triển dự án xây dựng nhà ở thương mại ở nước ta. Và cũng từ đó, tác giả hiểu rằng, một quy trình pháp lý minh bạch với đầy đủ các thủ tục được dẫn dắt theo một trình tự rõ ràng dành cho việc đầu tư phát triển một dự án xây dựng nhà ở thương mại luôn là một nhu cầu đòi hỏi chính đáng và thiết thực đối với các nhà đầu tư đã, đang và sẽ tham gia vào các hoạt động có liên quan đến lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản nhà ở thương mại hiện nay.

Trên tinh thần thấy hiểu và chia sẻ, tác giả đã cố gắng dành nhiều thời gian nghiên cứu, kết hợp những quy định pháp luật cùng với những kinh nghiệm thực tiễn công việc được trải nghiệm, tích lũy trong suốt quá trình trực tiếp tham gia hành nghề liên quan đến lĩnh vực phụ trách, Luật sư Trần Thanh Tiến đã biên soạn cuốn sách “Quy trình pháp lý đầu tư phát triển dự án nhà ở thương mại” nhằm trình bày theo cách cơ bản nhất, dễ dàng tiếp cận nhất, đơn giản hóa nhất những vấn đề pháp lý phức tạp và thích hợp nhất cho một quy trình pháp lý đầu tư phát triển dự án xây dựng nhà ở thương mại từ giai đoạn bắt đầu cho đến khi kết thúc dự án để đưa vào vận hành, khai thác, sử dụng và triển khai kinh doanh.

Không có kết cấu chương mục mà tác giả trực tiếp trình bày từng bước trong quy trình pháp lý đầu tư phát triển nhà ở thương mại bằng việc đánh số thứ tự để bạn đọc thuận tiện theo dõi.

4. Đánh giá bạn đọc

Tác giả đã dành nhiều thời gian và tâm sức nghiên cứu, hệ thống các vấn đề pháp lý liên quan đồng thời tìm hiểu các vấn đề thực tế trong quản lý nhà nước về đầu tư phát triển dự án nhà ở thương mại từ đó khái quát hóa toàn diện quy trình pháp lý đầu tư phát triển dự án nhà ở thương mại một cách khoa học thuận tiện cho nhà đầu tư, bạn đọc quan tâm tới nội dung này một tài liệu chất lượng. Cuốn sách như một bản đồ chỉ dẫn đường đi từng bước một cho nhà đầu tư khi tham gia đầu tư phát triển dự án nhà ở thương mại (đường đi ở đây là đường đi pháp lý, các thủ tục pháp lý bắt buộc phải thực hiện).

Với quy trình pháp lý khoa học, rõ ràng được tác giả hệ thống trong cuốn sách, bạn đọc sẽ có thêm những kiến thức pháp lý bổ ích và có cách nhìn mới mẻ để làm nền tảng cơ sở cho việc tiếp cận và tự đưa ra những quyết định của chính mình trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến lĩnh vực bất động sản nhà ở thương mại mà mình đã, đang và có ý định đầu tư, kinh doanh hoặc để ở.

Không nặng về lý luận, cuốn sách tập trung vạch rõ từng bước trong quy trình đầu tư phát triển dự án nhà ở thương mại theo quy định pháp luật hiện hành, có tính ứng dụng cao đối với bạn đọc, nhất là đối với các nhà đầu tư.

5. Kết luận

Quy trình thực hiện đầu tư phát triển dự án nhà ở thương mại ở Việt Nam được quy định ở nhiều văn bản pháp lý khác nhau, không phải nhà đầu tư nào cũng có thể tìm kiếm, tập hợp và khái quát hóa một cách đầy đủ dễ dàng, cùng với đó thực tiễn thực hiện công tác quản lý tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng rất phức tạp dẫn đến rất nhiều khó khăn cho những nhà đầu tư trong việc đầu tư phát triển dự án nhà ở thương mại.

Cuốn sách “Quy trình pháp lý đầu tư phát triển dự án nhà ở thương mại” là tài liệu tham khảo khoa học, hữu ích đối với nhà đầu tư, người làm công tác tư vấn pháp lý trong lĩnh vực này.

Trên đây là chia sẻ tổng quan về nội dung cuốn sách “Quy trình pháp lý đầu tư phát triển dự án nhà ở thương mại” của Luật sư Trần Thanh Tiến. Hy vọng sẽ là thông tin hữu ích giúp bạn đọc lựa chọn sách hiệu quả.

Trong chuyên mục “Sách luật” chúng tôi thường xuyên cập nhật và giới thiệu những cuốn sách luật hay và bổ ích, rất mong nhận được sự quan tâm và theo dõi từ bạn đọc nhiều hơn nữa. Chúc các bạn đọc sách hiệu quả và thu được nhiều thông tin hữu ích từ cuốn sách “Quy trình pháp lý đầu tư phát triển dự án nhà ở thương mại”.

Trình tự đầu tư xây dựng của một dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thường trải qua  03 giai đoạn gồm: Chuẩn bị dự án, thực hiện dự án và kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng.

a. Ở giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tưu xây dựng, dự án được thể hiện thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.

– Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng là tài liệu trình bày các nội dung nghiên cứu sơ bộ về sự cần thiết, tính khả thi và tính hiệu quả của việc đầu tư xây dựng, làm cơ sở quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng.

– Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng là tài liệu trình bày các nội dung nghiên cứu về sự cần thiết, mức độ khả thi và hiệu quả của việc đầu tư xây dựng theo phương án thiết kế cơ sở được lựa chọn, làm cơ sở xem xét, quyết định đầu tư xây dựng.

– Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng là tài liệu trình bày các nội dung về sự cần thiết, mức độ khả thi và hiệu quả của việc đầu tư xây dựng theo phương án thiết kế bản vẽ thi công cây dựng công trình quy mô nhỏ, làm cơ sở xem xét, quyết định đầu tư xây dựng.

Giai đoạn chuẩn bị dự án thông thường bao gồm các công việc sau: Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (nếu có); lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng để xem xét, quyết định đầu tư xây dựng và thực hiện các công việc cần thiết khác liên quan đến chuẩn bị dự án.

b. Giai đoạn thực hiện dự án thông thường bao gồm các công việc: Thực hiện việc giao đất hoặc thuê đất (nếu có); chuẩn bị mặt bằng xây dựng, rà phá bom mìn (nếu có); khảo sát xây dựng; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng; cấp giấy phép xây dựng (đối với công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng); tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng xây dựng; thi công xây dựng công trình; giám sát thi công xây dựng; tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành; nghiệm thu công trình xây dựng hoàn thành; bàn giao công trình hoàn thành; nghiệm thu công trình xây dựng hoàn thành; bàn giao công trình hoàn thành đưa vào sử dụng; vận hành, chạy thử và thực hiện các công việc cần thiết khác.

c. Giai đoạn kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng gồm các công việc: Quyết toán hợp đồng xây dựng, bảo hành công trình xây dựng.

Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thường có những điều kiện đặc thù, riêng biệt về quỹ đất, kiến trúc công trình, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư, địa điểm thực hiện, tiến độ thực hiện, giải quyết nhu cầu về lao động, tác động môi trường, hiệu quả kinh tế – xã hội, liên quan đến các yếu tố sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc thu xếp vốn, các yêu cầu cao về năng lực, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cùng với việc tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về mặt pháp lý; đặc biệt là tính khả thi và hiệu quả kinh tế cao nhất mà dự án sẽ mang lại cho các nhà đầu tư.

Mục đích cuối cùng của việc đầu tư dự án là xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua vậy nên dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại bắt buộc phải tuân thủ và đáp ứng các yêu cầu đối với một dự án đầu tư bất động sản để kinh doanh theo quy định như sau:

– Dự án đầu tư bất động sản để kinh doanh phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn và phải theo kế hoạch thực hiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

– Trình tự, thủ tục đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, đô thị, nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan.

– Dự án đầu tư bất động sản phải được thi công đúng tiến độ, đảm bảo chất lương theo quy định của pháp luật về xây dựng.