Smith, Adam (1723 – 1790) là nhà triết học và kinh tế học người Scốtlen, giáo sư triết học tại trường Đại học Tổng hợp Glasgow. Ông là tác giả của cuốn sách nổi tiếng có tiêu đề Của cải của các Quốc gia (1776). Trong cuốn sách này, ông nhấn mạnh những mối lợi do phân công lao động đem lại, trình bày tính tất yếu của chuyên môn hoá và trao đổi, cũng như tóm tắt phương thức hoạt động của cơ chế thị trường.

Smith lập luận rằng nếu nhà sản xuất được tự do theo đuổi lợi nhuận bằng cách cung ứng hàng hoá và dịch vụ, thì bàn tay vô hình của các lực lượng thị trường đảm bảo rằng hàng hoá và dịch vụ mà người tiêu dùng muốn có sẽ được sản xuất ra với chi phí thấp nhất. Theo Ông, nếu chính phủ không can thiệp vào thị trường, thì sự cạnh tranh trong môi trường tự do này sẽ làm cho sản xuất phát triển theo hướng làm tăng phúc lợi cộng đồng. Trong thị trường cạnh tranh, các nhà sản xuất phải cạnh tranh nhau để bán được nhiều sản phẩm hơn và điều này làm cho giá cả giảm xuống đến mức thấp nhất, chỉ đủ để họ bù đắp chi phí sản xuất và kiếm được mức lợi nhuận bình thường. Ngoài ra, nếu một số hàng hoá trở nên khan hiếm, người mua sẽ sẵn sàng mua với giá cao hơn và điều này hấp dẫn các nhà sản xuất gia nhập thị trường, làm cho mức cung tăng lên. Theo cách này, nhu cầu của người tiêu dùng đóng vai trò hướng dẫn sản xuất trong nền kinh tế thị trường. Nhận định khái quát trên của Smith bao hàm các điểm cốt lõi của cơ chế thị trường – hệ thống kinh tế bắt đầu hình thành ở các nước châu Âu mới công nghiệp hoá. Tuy nhiên. Smith thừa nhận rằng để cho hệ thống này hoạt động tốt, người ta phải đáp ứng hai điều kiện:

(1) chính phủ không được can thiệp vào thị trường, tức không có sự điều tiết quá chặt chẽ đối với hoạt động kinh tế như các chính phủ thường làm trong thời kỳ trước Smith;

(2) hành vi chạy theo lợi ích riêng của các nhà sản xuất chỉ đem lại kết quả tốt đẹp trong môi trường cạnh tranh. Smith không tin tưởng ở các nhà độc quyền và cho rằng họ luôn luôn tìm mọi cách để làm hại người tiêu dùng. Xem cạnh tranh hoàn hảo.