Luật sư tư vấn:

Vấn đề Bạn quan tâm, Luật LVN Group xin trao đổi như sau:

Quan hệ hợp đồng vay tài sản chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự với tính chất là luật chung. Trong khi đó, hợp đồng cho vay có chủ thể một bên bắt buộc là các tổ chức tín dụng, hoạt động với những đặc thù riêng, chịu sự điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành ngân hàng, nên các quy định về hai hợp đồng này thể hiện rõ nét những điểm riêng biệt. Việc nghiên cứu so sánh trong phạm vi hẹp của đề mục này chỉ mang tính tương đối, chưa thể lột tả hết các nhân tố tạo ra sự khác biệt đó.

 

1. Sự khác biệt về chủ thể (các bên)

Về chủ thể, những tổ chức, cá nhân tham gia quan hệ hợp đồng vay tài sản thường rộng hơn (không có sự tham gia của tổ chức tín dụng), chỉ cần họ có năng lực pháp luật, năng lực hành vi, có nhu cầu vay, khả năng hoàn trả tài sản, được bên cho vay chấp thuận. Các bên tự đàm phán, thực hiện giao dịch theo các cam kết riêng của mình. Do các quy định không bắt buộc sử dụng vốn vay đúng mục đích, không bắt buộc giao dịch lập thành văn bản nên thủ tục vay dân sự được tiến hành nhanh chóng. Đặc điểm này minh chứng rõ nét, quan hệ hợp đồng vay tài sản không phức tạp, không ảnh hưởng tác động tiêu cực đến hệ thống tín dụng. Nhà nước không cần thiết áp dụng các biện pháp kiểm soát dư nợ, dự phòng rủi ro, chỉ cần các bên đồng thuận, thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ hoàn trả tài sản.

 

2. Sực khác biệt về lãi suất cho vay

Vấn đề lãi suất vẫn được pháp luật đặt ra, cho phép áp dụng để bảo đảm quyền lợi của bên cho vay tài sản. Song xuất phát từ quan hệ tương hỗ ban đầu như đề cập, bên cho vay (với tư cách là chủ sở hữu, được toàn quyền quyết định tài sản vay), có thể không yêu cầu lãi suất. Trường hợp cho vay có lãi, tỷ lệ lãi suất cũng phải trong khuôn khổ nhất định (kiểm soát mức lãi), không để tình trạng “lãi chồng lãi” (hình thức tính lãi trái pháp luật, làm tăng nghĩa vụ trả nợ, gây bất lợi đối với bên vay), hoặc lãi suất quá cao, gây mất trật tự xã hội, cũng như mất cân đôi, duy trì ổn định trong quan hệ với lãi suất tín dụng ngân hàng.

Về nguyên tắc, lãi suất không được nhập vào nợ gốc sau đó tiếp tục tính lãi. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định thực hiện cách tính lãi phạt đối với các khoản nợ quá hạn, đã bao gồm tiền lãi (trong lĩnh vực ngân hàng, pháp luật không cho phép tính gộp lãi vào nợ gốc), cho dù pháp luật dân sự trước đây có đề cập (Cụ thể: Mục 1 điểm 4 tiết a Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản).

Mức lãi suất, trong quan hệ vay tài sản do các bên tự thỏa thuận, nhưng có những giới hạn nhất định để bảo vệ quyền lợi bên vay (không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015). Trong khi đó, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010) không đề cập mức trần lãi suất. Lãi suất trong hợp đồng cho vay do các bên tự thỏa thuận, tuân theo quy luật điều chỉnh của thị trường, thay vì Ngân hàng Nhà nước can thiệp bằng cách ấn định mức lãi như các quy định trước đây (dưới hình thức lãi suất cơ bản, hoặc áp trần lãi suất). Lĩnh vực thanh toán thương mại, lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán dựa theo lãi suất trung bình do các ngân hàng thương mại trên địa bàn ấn định (Điều 306 Luật Thương mại năm 2005).

Cấu trúc lãi suất đã tạo ra sự bất hợp lý giữa lãi suất tín dụng trong dân sự và ngân hàng, và với các lĩnh vực kinh tế có lợi ích tương đồng. Chẳng hạn, lãi suất do vi phạm nghĩa vụ thanh toán (thương mại) áp dụng theo lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại. Nhưng ở lĩnh vực kinh doanh vốn dĩ có cùng đặc điểm đối tượng và lợi ích (lợi nhuận), thì gần như không đề cập; cho vay tiêu dùng là quan hệ dân sự, được nhiều nước trên thê giới đưa vào điều chỉnh trong luật dân sự, thường có áp mức trần lãi suất (Ví dụ: Mục 491 Chương 2 Bộ luật Dân sự Đức, trần lãi suất cho vay tiêu dùng là 8%/năm; Chương 2 Bộ luật Thương mại và Dân sự Thái Lan, trần lãi suất cho vay tiêu dùng là 15%/năm – Mục 9 Chương 2 Điều 654 Bộ luật Thương mại và Dân sự Thái Lan ).

Tại Việt Nam, các quy định ở lĩnh vực này không bị áp trần lãi suất, các bên cho vay tiêu dùng được tự do thỏa thuận, phạm vi can thiệp của Nhà nước để bảo vệ quyền lợi bên vay “yếu thế” rất hạn hẹp.

Do đó, giải quyết tốt bài toán lãi, lãi suất trong quan hệ hợp đồng vay tài sản về cơ bản cũng sẽ giải quyết hài hòa các mối quan hệ pháp lý giữa lãi suất trong dân sự, ngân hàng, khắc phục thiếu sót ở những lĩnh vực giao dịch có liên quan. Điều này nảy sinh những bất hợp lý giữa lãi suất cho vay trong và ngoài ngân hàng, tạo cơ hội cho bên vay chậm trả nợ để được hưởng lợi chênh lệch về lãi suất (do lãi suất ngân hàng cao hơn) mà lẽ ra họ phải trả.

Đối với lãi suất tín dụng (ngân hàng), nếu đơn thuần chỉ dựa trên một vài giao dịch từ đó đưa ra các số liệu, đánh giá lãi suất để tham chiếu là chưa có cơ sở. Bởi lẽ, các ngân hàng tồn tại trên thực tế gồm nhiều loại hình kinh doanh khác biệt. Chẳng hạn, lãi suất của các ngân hàng thương mại có kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước qua việc sử dụng các công cụ kiểm soát lãi suất huy động được quy định rõ trong luật, phần nào phản ánh tương đối tín dụng trên thị trường. Nếu tín dụng tại các ngân hàng thương mại (chiếm tỷ trọng lớn, chủ yếu của hệ thống ngân hàng) phản ánh rõ nét quy luật thị trường thì quan hệ tín dụng tiêu dùng, khoản vay nhỏ, không có bảo đảm tài sản do những tác động rủi ro nên lãi suất thường rất cao như các nghiên cứu phản ánh. Lãi suất cho vay của các tổ chức tài chính vi mô, tuy cao hơn lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại, nhưng cần thiết để bù đắp những rủi ro do chi phí, nguy cơ mất vốn cao (Đối với lãi suất huy động vốn từ các doanh nghiệp không có chức năng kinh doanh ngân hàng, lãi suất này thường cao hơn lãi suất cho vay, song rủi ro cao, chiếm tỷ trọng không đáng kể, tác giả không đề cập).

Tóm lại, việc so sánh đích đến cuối cùng vẫn là đưa ra lãi suất (mức lãi) hợp lý nhất áp dụng cho quan hệ vay tài sản dân sự. Thiết nghĩ các quy định lãi suất ngoài lĩnh vực ngân hàng phải dựa trên lãi suất trung bình hằng năm (bình quân) của các ngân hàng mới phù hợp, vì quy định thể hiện nhu cầu, quyền tự do thỏa thuận lãi suất trên thị trường.

 

3. Cho ví dụ thực tiễn về các tranh chấp 

Trong thực tiễn áp dụng, giải quyết tranh chấp, các tổ chức, cá nhân, cơ quan thực thi, bảo vệ pháp luật vẫn còn nhầm lẫn giữa hai hợp đồng này, nên thường áp dụng sai pháp luật (Ví dụ: Bản án số 1413/2010/DS-PT ngày 14/12/2010 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết tranh chấp vụ án “hợp đồng cho vay” nhưng lại xác định không đúng quan hệ tranh chấp, khi cho rằng đây là vụ án tranh chấp “hợp đồng vay tài sản” (Xem: Phụ lục – Vụ án thứ 1: Bản án số 1413/2010/DS-PT ngày 14/12/2010 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa Ngân hàng thương mại cổ phần AC với bà Bùi Thị Mỹ H và ông Nguyễn Anh T), làm tranh chấp kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng xét xử. Vì vậy, việc định vị, làm sáng tỏ đặc điểm căn bản của hai chế định hợp đồng này không chỉ là căn cứ để các nhà làm luật thiết lập các quy định pháp lý phù hợp với bản chất của từng giao dịch, mà còn làm cơ sở để thực thi đúng pháp luật.

Như vậy, hợp đồng cho vay có đặc điểm chung với hợp đồng vay tài sản về nghĩa vụ hoàn trả tiền vay. Từ bản chất là một loại hợp đồng ưng thuận, với những điểm đặc thù như đã được phân tích, quan hệ hợp đồng này chịu sự điều chỉnh của pháp luật về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng. Thông qua cơ chế điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành ngân hàng, quan hệ vay đáp ứng được các tiêu chí đặc thù về quyền lợi hợp đồng của các bên, đáp ứng các mục tiêu quản lý kinh tế tài chính của nhà nước, cũng như mục tiêu an toàn tín dụng.

Mọi vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, hoạt động vay vốn, giải ngân vốn… Quý khác hàng vui lòng gọi: 1900.0191 để được Luật sư tư vấn pháp luật ngân hàng, tài chính trực tuyến qua tổng đài điện thoại. Đội ngũ Luật sư của LVN Group của Công ty luật LVN Group luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp mọi vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.