Vô ý phạm tội do quá tự tin là lỗi trong trường hợp người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thê gây nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xẩy ra hoặc có thể ngăn ngừa được nên vẫn thực hiện và đã gây ra hậu quả nguy hại đó.
Vô ý phạm tội do cẩu thả là lỗi trong trường hợp người phạm tội đã gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng do cẩu thả nên không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả đó, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước (hậu quả này).
– Giống nhau:
Về ý chí: Đều không mong muốn hậu quả xảy ra và không để mặc hậu quả xảy ra.
– Sự khác nhau:
+ Vô ý do quá tự tin: Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình có thể gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
+ Vô ý do cẩu thả: Người phạm tội không nhận thức được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, cũng như hậu quả nguy hiểm cho xã hội có thể xảy ra.
Luật LVN Group phân tích chi tiết vấn đề trên như sau:
Lỗi là một trong những căn cứ để tiến hành xử lý hình sự. Tuy nhiên nếu xác định sai lỗi sẽ làm ảnh hưởng đến quyết định của Tòa án gây ra các hậu quả có thể với một hoặc nhiều người với quyết định sai đó. Bài viết dưới đây của Luật LVN Group sẽ cung cấp thông tin cho bạn đọc về nội dung liên quan đến xác định lỗi trong hình sự. Lỗi vô ý là gì? So sánh lỗi vô ý phạm tội do quá tự tin với lỗi vô ý do cẩu thả? Mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung theo bài viết dưới đây.
1. Lỗi vô ý là gì?
Lỗi là dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm phản ánh chủ thể đã lựa chọn thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội khi có đủ điều kiện lựa chọn hành vi khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội.
Để xác định người thực hiện hành vi nguy hiểm và gây thiệt hại cho xã hội có lỗi trong khi thực hiện hành vi đó hay không, chúng ta cần phải xác định tính có lỗi của tội phạm
Yếu tố lỗi được xác định theo pháp luật hình sự khi hội tụ đủ 02 điều kiện như sau:
– Không mắc bệnh tâm thần, các bệnh làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi (tức là không bị mất năng lực hành vi)
– Đạt độ tuổi theo quy định hiện hành:
Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự với mọi tội phạm
Người từ đủ 14 tuổi trở lên mà chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Lỗi vô ý được hiểu là lỗi của một người trong đó chủ thể không lựa chọn hành vi phạm tội nhưng trên thực tế đã gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
2. So sánh lỗi vô ý phạm tội do quá tự tin với lỗi vô ý do cẩu thả
– Sự giống nhau giữa lỗi vô ý phạm tội do quá tự tin với lỗi vô ý do cẩu thả:
Về ý chí: Đều không mong muốn hậu quả xảy ra và không để mặc hậu quả xảy ra
– Sự khác nhau giữa lỗi vô ý phạm tội do quá tự tin với lỗi vô ý do cẩu thả:
Tiêu chí | Lỗi vô ý do quá tự tin | Lỗi vô ý do cẩu thả |
Căn cứ pháp lý | Khoản 1 Điều 11 Bộ luật hình sự năm 2015 | Khoản 2 Điều 11 Bộ luật Hình sự năm 2015 |
Khái niệm | Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được | Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó |
Về mặt lý trí | Nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thể hiện ở việc họ thấy trước hậu quả nguy hại cho xã hội mà hành vi của mình có thể gây ra | Phải thấy trước hậu quả nhưng lại không thấy trước hậu quả đó |
Về mặt ý chí | Người phạm tội không mong muốn hành vi của mình sẽ gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội. Sự không mong muốn này thể hiện ở việc người thực hiện hành vi phạm tội cho rằng hậu quả không xảy ra hoặc ngăn ngừa được dựa trên sự cân nhắc, phán đoán trước khi thực hiện hành vi. Tuy nhiên hậu quả nguy hại cho xã hội đã xảy ra và nằm ngoài dự tính của họ | Người phạm tội khi thực hiện hành vi của mình đáng ra phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ xảy ra |
Nguyên nhân | Do quá tự tin vào khả năng của mình | Do sự cẩu thả |
Ví dụ |
Anh A là bác sĩ muốn áp dụng pháp đồ điều trị mới cho chị B. Mặc dù anh A biết rằng việc thử nghiệm việc điều trị với chị B có thể gây ra hậu quả chết người nhưng anh A vẫn cho rằng mình sẽ kiểm soát được toàn bộ quá trình điều trị. Tuy nhiên, do phản ứng của thuốc quá mạnh đối với cơ thể nên chị B đã chết. Vậy trong trường hợp này anh A có lỗi vô ý vì quá tự tin. Khi phẫu thuật cho bệnh nhân, Bác sĩ B vì quá tự tin vào khả năng của mình nên cho rằng đây là một ca dễ, ông đã tự thực hiện ca phẫu thuật mà không mời thêm chuyên gia nào để hội chuẩn trước khi phẫu thuật dẫn tới hậu quả bệnh nhân đã tử vong do mất máu quá nhiều. Hành vi của bác sĩ B đã vô ý gây ra cái chết cho bệnh nhân do sự tự tin của mình, tuy không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng cho rằng mình có thể ngăn ngừa được nên chủ quan đối với trường hợp này nên đã gây ra hậu quả nghiêm trọng đó là làm chết người. |
Anh A là kế toán doanh nghiệp, khi đã nhập dữ liệu, anh A đã sơ ý bỏ sót một số tiền cần chuyển cho đối tác, hành vi này của anh A đã khiến cho công ty của anh A bị thiệt hại nặng nề. Trong trường hợp này, anh A là kế toán và phải biết được chỉ một hành vi sơ xuất cũng sẽ gây ra những hậu quả không mong muốn. |
3. Các yếu tố lỗi theo quy định của pháp luật hình sự
Căn cứ theo quy định tại Điều 10, Điều 11 của Bộ luật hình sự năm 2015 quy định các yếu tố lỗi của những hành vi vi phạm pháp luật như sau:
Cố ý phạm tội:
Cố ý phạm tội là một trong những trường hợp sau đây:
– Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra
– Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Vô ý phạm tội:
Vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
– Người phạm tội tuy thấy trước những hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được
– Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Người phạm tội do lỗi vô ý có được miễn trách nhiệm hình sự?
Căn cứ theo quy định tại Điêu 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 (bổ sung bởi điểm a khoản 1 điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017) quy định các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự như sau:
– Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
+ Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa
+ Khi có quyết định đại xá
– Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
+ Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do biến chuyển của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa
+ Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa
+ Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
– Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị được miễn trách nhiệm hình sự
Theo đói, người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng, gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Nếu có bất kỳ vướng mắc nào về vấn đề trên hoặc bất kỳ vấn đề pháp lý khác xin vui lòng liên hệ tới tổng đài tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua số điện thoại 1900.0191 để được hỗ trợ giải đáp thắc mắc. Luật LVN Group xin trân trọng cảm ơn!