Hỏi: So sánh dấu hiệu pháp lý của tội hành hạ người khác Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015 với tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015?

Đáp: Điều 140 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: Tội hành hạ người khác là hành vi đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình.

Điều 185 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình là hành vi bạo lực xâm phạm thân thể, làm cho đau đốn về thể xác, tinh thần ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

– Giống nhau:

+ Khách thể: Đều xâm phạm đến quyền được bảo hộ về danh dự, nhân phẩm của con người.

+ Mặt khách quan: Đều có hành vi đối xử tàn ác với nạn nhân.

+ Mặt chủ quan: Đều thực hiện với lỗi cố ý,

+ Chủ thể: Đều thực hiện bồi người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định.

– Khác nhau:

+ Đối tượng tác động:

Điều 140 Bộ luật hình sự năm 2015: Có thể là bất kỳ người nào có mối quan hệ lệ thuộc đối với người phạm tội ở các lĩnh vực khác nhau.

Điều 185 Bộ luật hình sự năm 2015: Phải là ông, bà, cha, mẹ, vợ chồng, con, cháu, người nuôi dưỡng của người phạm tội.

+ Chủ thể:

Điều 140 Bộ luật hình sự năm 2015: Là người có quan hệ lệ thuộc với nạn nhân. Quan hệ lệ thuộc ở đây phát sinh do quan hệ công tác (thủ trưởng với nhân viên…), do quan hệ tín ngưỡng (cha cố với con chiên…) hoặc do quan hệ thầy trò…

Điều 185 Bộ luật hình sự năm 2015: Là người có mối quan hệ về hôn nhân và gia đình. Và đối tượng tác động của tội phạm là ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng…

+ Mặt khách quan:

Điều 185 Bộ luật hình sự năm 2015: Còn có cả hành vi ngược đãi (đối xử tồi tệ về các mặt ăn, mặc, ở và về sinh hoạt khác như cố tình cho ăn đói, để mặc rách, để ở nơi khổ cực… mặc dù có điều kiện tốt hơn.

+ Điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự:

Điều 140 Bộ luật hình sự năm 2015: Không bắt buộc có hậu quả.

Điều 185 Bộ luật hình sự năm 2015: Dấu hiệu hậu quả là bắt buộc như:

(1) thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;

(2) đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Luật LVN Group phân tích, so sánh chi tiết hơn về vấn đề này như sau:

 

1. Dấu hiệu cấu thành Tội hành hạ người khác

Theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Nếu người phạm tội thực hiện tội phạm này trong trường hợp:

  1. Thực hiện đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người giá yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
  2. Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên;
  3. Đối với 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

Các dấu hiệu để cấu thành Tội hành hạ người khác, bao gồm:

+ Khách thể: Xâm phạm đến quyền được bảo hộ sức khỏe, tự do, danh dự, nhân phẩm của người bị lệ thuộc.

+ Mặt khách quan: Người phạm tội có những hành vi đối xử tàn ác, làm nhục người lệ thuộc mình. Đó là những hành vi mang tính chất hành hạ, gây đau đớn về thể xác lẫn tinh thần đối với người lệ thuộc. Hành vi đối xử tàn ác không nhất thiết phải gây ra hậu quả thương tích hay tổn hại cho sức khỏe của người bị lệ thuộc.

Hành vi đối xử tàn ác là làm cho nạn nhân đau đớn về thể xác và đè nén, áp bức về tinh thần như đánh đập, giam hãm, bắt nhịn ăn, nhịn uống,…Và hành vi làm nhục là hành vi làm cho nạn nhân đau đớn về tinh thần, làm bản thân mình cảm thấy vô dụng, nhân phẩm của mình bị bêu rếu, xuyên tạc,….

+ Chủ thể: người thực hiện hành vi phạm tội là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định, có mối quan hệ lệ thuộc với nạn nhân (nạn nhân là người bị lệ thuộc).

Người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ là người có đầy đủ năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi. Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội không có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc bị hạn chế năng lực hình sự thì có thể được xét loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015

Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì người từ đủ 14 tuổi những chưa đủ 16 tuổi thì phải chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội nhưng trong các tội đó thì không có tội hành hạ người khác. Do đó, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về tội hành hạ người khác.

+ Mặt chủ quan: Lỗi của tội hành hạ người khác là lỗi cố ý. Người thực hiện hành vi phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra.

 

2. Dấu hiệu cấu thành Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình

Theo quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình mà có một trong những hành vi sau: (1) thường xuyên làm cho nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần; (2) đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà con vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội mà đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực: (1) thực hiện hành vi phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu; (2) đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

Các dấu hiệu cấu thành Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình:

+ Khách thể: xâm phạm đến bảo hộ sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của người thân thích (ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình).

Tại Điều 104 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, quy định quyền và nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu thì ông bà có quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu,…còn người cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà…

Cha mẹ gồm cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng. Cha mẹ vợ, cha mẹ chồng có thể là đối tượng của tội phạm khi quan hệ vợ chồng của con cái vẫn còn tồn tại còn nếu quan hệ hôn nhân chấm dứt thì cha mẹ vợ, cha mẹ chồng không thuộc đối tượng tác động của tội phạm này.

Cháu được quy định trong tội này bao gồm: cháu nội, cháu ngoại hoặc cháu nuôi.

Người có công nuôi dưỡng mình là đối tượng tác động của tội phạm mà không phụ thuộc vào quan hệ huyết thống hoặc quan hệ hôn nhân mà phụ thuộc vào quan hệ nuôi dưỡng với người được nuôi dưỡng.

+ Mặt khách quan: Người phạm tội thực hiện thông qua hành vi sau: hành vi ngược đãi ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình hay hành vi hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình.

Hành vi ngược đãi là hành vi đối xử tồi tệ về ăn mặc, ở và về các mặt sinh hoạt hàng ngày khác đối với người thân như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân…Còn hành vi hành hạ là hành vi có tính chất bạo lực xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân như: đánh đập, sử dụng những công cụ gây thương tích, bắt làm những công việc nặng nhọc so với sức khỏe của nạn nhân,….

Tùy vào tính chất, mức độ nghiêm trọng để xác định xem có cấu thành tội phạm được không. Nếu người thực hiện hành vi vi phạm nhưng chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Tại Điều 53 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì xử phạt hành vi hành hạ, người đãi thành viên gia đình như sau: 

(1) Hành vi đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

(2) Hành vi bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

+ Chủ thể: người thực hiện hành vi phạm tội có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi nhất định. Người thực hiện hành vi là những người thân thích trong gia đình như cha mẹ đối với con cái, con cái đối với cha mẹ; chồng đối với vợ, vợ đối với chồng;…..

Theo Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì người từ đủ 16 tuổi trở lên sẽ chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi tội phạm, người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi thì chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm những trong đó không quy định về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ,vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình. Vì vậy, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm tại Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015.

+ Mặt chủ quan: lỗi của tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình là lỗi cố ý trực tiếp. Người thực hiện hành vi phạm tội biết mình có hành vi người đãi, hành hạ và biết hành vi này là hành vi nguy hiểm cho xã hội mà pháp luật cấm làm. 

 

3. So sánh Điều 140 và Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015

* Điểm giống nhau:

Về khách thể, người thực hiện hành vi phạm tội đều xâm phạm đến quyền được bảo hộ về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người.

Về mặt khách quan, người thực hiện hành vi phạm tội đều đối xử tồi tệ hoặc có những hành vi bạo lực xâm phạm đến thân thể của nạn nhân.

Về chủ thể, người thực hiện hành vi phạm tội đều là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định.

Về mặt chủ quan, cả hai tội phạm đều xuất phát từ lỗi cố ý của người thực hiện hành vi phạm tội.

* Điểm khác nhau:

Về đối tượng tác động: 

+ Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015: người thực hiện hành vi phạm tội có hành vi đối xử tàn ác hoặc làm nhục đối với bất kỳ người nào có mối quan hệ lệ thuộc đối với người phạm tội ở các lĩnh vực khác nhau.

+ Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015: người thực hiện hành vi phạm tội có hành vi đối xử tàn ác đối với ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người nuôi dưỡng của người phạm tội.

Về mặt khách quan:

Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015: người thực hiện hành vi phạm tội có hành vi ngược đãi (đối xử tồi tệ về các mặt ăn, mặc, ở và về sinh hoạt khác như bắt nhịn ăn, nhịn uống, để mặc rách, để ở nơi khổ cực,  bắt chịu rét…mặc dù có điều kiện tốt hơn)

Về chủ thể:

+ Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015: người thực hiện hành vi phạm tội là người có quan hệ lệ thuộc với nạn nhân. Quan hệ lệ thuộc ở đây có thể hiểu là quan hệ phát sinh do quan hệ công tác (thủ trưởng với nhân viên, giám đốc và nhân viên,….), do quan hệ tín ngưỡng (cha cố với con chiên…) hoặc do quan hệ thầy trò…..

+ Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015: người thực hiện hành vi phạm tội là người có quan hệ về hôn nhân và gia đình.

Về điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự:

+ Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015: người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội không nhất thiết phải có hậu quả.

+ Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015: người phạm tội thực hiện hành vi ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình cần có dấu hiệu hậu quả như: thường xuyên làm nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần; đã bị xử phạt hành chính về hành vi đó mà còn vi phạm.

Nếu bạn đọc có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này hay vấn đề pháp lý khác thì vui lòng liên hệ tới bộ phận tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của Luật LVN Group qua số 1900.0191 để được hỗ trợ kịp thời. Xin chân thành cảm ơn!