Câu hỏi:  So sánh dấu hiệu pháp lý của tội lây truyền HIV cho người khác quy định tại Điều 148 Bộ luật Hình sự năm 2015 với tội cố ý truyền HIV cho người khác quy định tại Điều 149 Bộ luật Hình sự năm 2015 ?

* Giống nhau:

+ Khách thể:

Đều xâm phạm vào quyền được bảo hộ về sức khỏe của con người.

Đối tượng tác động là con người đang sống không bị nhiễm HIV.

+ Mặt khách quan:

Hành vi khách quan: Được thể hiện bằng các cách thức phương thức hoặc thủ đoạn khác nhau làm người khác bị nhiễm HIV. *

Hậu quả: Nạn nhân sau khi được xét nghiêm có kết luận bị nhiễm vi rút HIV là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu có hành vi cố ý lây truyền nhưng hậu quả chưa xảy ra thì không cấu thành tội phạm.

+ Mặt chủ quan:

Đều là lỗi cố ý.

Động cơ không là yếu tố bắt buộc.

Mục đích đều nhằm làm cho người khác bị nhiễm HIV.

+ Chủ thể:

Đều là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định.

– Khác nhau:

+ Mặt khách quan:

Điều 148 Bộ luật hình sự năm 2015: Hành vi lây truyền HIV cho người khác có thể thực hiện thông qua việc tiếp xúc cơ thể trực tiếp giữa người phạm tội và nạn nhân hoặc gián tiếp thông qua các phương tiện trung gian nhưng vật chất truyền vào nạn nhân phải lấy từ cơ thể của người phạm tội.

Điều 149 Bộ luật hình sự năm 2015: Hành vi truyền HIV cho người khác thông qua các phương tiện trung gian và vật chất truyền vào nạn nhân không phải lấy từ cơ thể của người phạm tội.

+ Chủ thể:

Điều 148 Bộ luật hình sự năm 2015: Tội phạm được thực hiện bởi người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi theo luật định và phải là người đang bị nhiễm HIV.

Điều 149 Bộ luật hình sự năm 2015: Tội phạm được thực hiện do người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi theo luật định.

Luật LVN Group phân tích, lập bảng so sánh về hai tội danh này cụ thể như sau:

1. HIV được hiểu như thế nào?

HIV không phải là bệnh như mọi người suy nghĩ, HIV chỉ là tên của một loại virus gây tổn hại hệ thống miễn dịch của cơ thể. Nếu không được điều trị, HIV sẽ lây nhiễm và làm chết các tế bào CD4 – một loại tế bào miễn dịch lympho T. Khi HIV giết chết nhiều tế bào CD4, lúc đó hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy giảm, dễ bị các loại bệnh nhiễm trùng và ung thư khác nhau. Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị loại virus này, tuy nhiên người bị nhiễm HIV nếu biết cách phòng tránh, tuân thủ các quy định thì không dễ dàng lây virus này qua người khác. 

Loại virus này không thể phát hiện bằng mắt thường, chỉ khi người nghi ngờ nhiễm HIV đến các cơ sở khám chữa bệnh để xét nghiệm mới có kết quả chính xác xem mình có bị nhiễm hay không? Virus HIV thâm nhập và sinh sống trong cơ thể trong 3 giai đoạn:

Thứ nhất: Giai đoạn nhiễm trùng tiên phát: 

– Là giai đoạn virus vừa xâm nhập vào cơ thể người bệnh, giai đoạn này virus phát triển và nhân lên rất nhanh chóng.

– Sau 2 – 4 tuần kể từ khi phơi nhiễm, bệnh nhân có thể sẽ có các triệu chứng: sốt, ho, nổi hạch, phát ban, viêm họng, đau mỏi cơ, có thể đau đầu, buồn nôn, sút cân, sưng gan lách.

– Các triệu chứng kéo dài khoảng 1 tuần đến 1 tháng và xuất hiện không rõ ràng nên bệnh nhân thường nhầm lẫn với cảm cúm thông thường.

Thứ hai, Giai đoạn mãn tính:

– Giai đoạn này, một lượng lớn virus sẽ bị tác động bởi hệ miễn dịch nên chuyển sang tình trạng nhiễm trùng mãn tính, hay còn gọi là giai đoạn tiềm ẩn.

– Thời gian của giai đoạn này kéo dài từ vài tuần đến vài năm, có khi lên đến 20 năm. Bệnh nhân có thể lây bệnh cho người khác trong giai đoạn này.

– Trong suốt giai đoạn này, các hạch bạch huyết thường xuyên bị viêm do bắt giữ virus để bảo vệ cơ thể.

Thứ ba, Giai đoạn AIDS: 

– Virus tấn công và làm suy giảm hệ miễn dịch, vô hiệu hóa miễn dịch trung gian qua tế bào và tạo cơ hội cho nhiễm trùng do các vi sinh vật khác gây ra.

– Đặc trưng cho sự suy giảm miễn dịch là nhiễm nấm Candida species ở miệng, bệnh lao, viêm phổi do nấm, bùng phát virus herpes gây nên bệnh ung thư hạch bạch huyết, zona thần kinh.

– Bệnh nhân bị sút cân không rõ nguyên nhân và dễ mắc phải các nhiễm trùng thông thường. Cuối thời kỳ, bệnh nhân dễ bị tấn công và tử vong do các bệnh nhiễm trùng cơ hội.

AIDS là một căn bệnh có thể phát triển ở những người nhiễm HIV. Đây là giai đoạn nặng nhất của HIV. Nhưng không có nghĩa một người nhiễm HIV sẽ phát triển thành AIDS. Như vậy, một người bị AIDS chắc chắn nhiễm virus HIV, còn một người nhiễm virus HIV chưa chắc đã bị AIDS. Một người cũng có thể được chẩn đoán bị AIDS nếu như họ bị nhiễm HIV và bị nhiễm trùng cơ hội hoặc ung thư mà hiếm gặp ở những người không có virus HIV.

 

2. So sánh dấu hiệu pháp lý tội lây truyền HIV cho người khác và tội cố ý truyền HIV cho người khác

 

Tội lây truyền HIV cho người khác

Tội cố ý truyền HIV cho người khác

Căn cứ pháp lý

Điều 148 Bộ luật Hình sự năm 2015

Điều 149 Bộ luật Hình sự năm 2015

Khách thể

Cả hai tội đều giống nhau về mặt khách thể: Khách thể của tội phạm là xâm phạm đến quyền được bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người. Nạn nhân bị xâm hại đều là người không bị nhiễm virus HIV

Mặt khách quan

Dấu hiệu cơ bản của tội này khác với cố ý truyền HIV cho người khác ở chỗ người phạm tội đã bị nhiễm HIV và biết được mình đã bị nhiễm HIV, nhưng vì động cơ đê hèn nên đã cố ý thực hiện hành vi truyền HIV vào cơ thể người khác. 

Các hành vi mà người phạm tội thực hiện bằng những phương thức và thủ đoạn khác nhau. Các hành vi đó có thể thực hiện thông qua việc tiếp xúc cơ thể trực tiếp giữa người phạm tội và nạn nhân hoặc có thể gián tiếp thông qua các dụng cụ, phương tiện trung gian nhưng phải lấy từ cơ thể người phạm tội như: Dùng chung bơm kim tiêm, nhất là với người tiêm chích ma túy. Người nhiễm virus HIV dùng kim tiêm đâm vào người mình sau đó đâm vào người khác hoặc dùng dao,vật nhọn rạch tay, chân hoặc bất cứ bộ phận nào trên cơ thể của mình cho nó chảy máu rồi dùng máu đó dính/bôi vào vết thương hở của người khác; quan hệ tình dục không an toàn với người khác (trường hợp này nếu nạn nhân biết về tình trạng nhiễm virus HIV của đối phương nhưng vẫn tình nguyện quan hệ tình dục thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự) .Theo đó, điều kiện để người lây truyền HIV cho người khác bị coi là phạm tội là nạn nhân không biết rằng người quan hệ tình dục với mình bị nhiễm HIV.  Hoặc một số hành vi như tiêm, chích nơi công cộng hoặc nơi vắng vẻ nhưng không vứt kim tiêm vào thùng rác mà vứt rải rác xung quanh khiến cho người dân dẫm phải, người thực hiện hành vi phải nhận thức được rằng việc việc vứt bừa bãi kim tiêm như thế sẽ để hại hậu quả nghiêm trọng nhưng vẫn cố tình hoặc chủ quan không vứt.

Hậu quả của hành vi lây truyền HIV cho người khác đó là nạn nhân bị nhiễm HIV (lưu ý nạn nhân nhiễm HIV phải lây trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội).  Căn cứ để xác định nạn nhân có bị nhiễm bệnh hay không phải dựa vào xét nghiệm của cơ quan y tế có thẩm quyền. Nếu nạn nhân không bị nhiễm bệnh thì không cấu thành tội này. Phải làm rõ mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả xảy ra. Nạn nhân bị nhiễm HIV phải do lây lan từ người phạm tội, nếu nạn nhân bị nhiễm HIV do lây lan từ nguồn lây khác thì người đó không phạm tội này.

Tội phạm hoàn thành kể từ khi hậu quả nạn nhân bị nhiễm HIV xảy ra. Trường hợp nạn nhân không bị nhiễm HIV nhưng đã có hành vi lây truyền, người phạm tội phải chịu trách nhiệm với trường hợp phạm tội chưa đạt.

Dấu hiệu nhận biết cơ bản của tội này là người phạm tội không bị nhiễm HIV nhưng đã cố ý truyền HIV từ người này sang người khác.

Người phạm tội thực hiện các hành vi phạm tội một cách cố ý, biết mình làm sai và gây hậu quả nghiêm trọng nhưng vẫn cố tình làm để thỏa mãn động cơ đê hèn. Người phạm tội thực hiện các hành vi và phương thức thủ đoạn khác nhau như cho người bị nhiễm tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân hoặc dùng dụng cụ, phương tiện hỗ trợ để đưa virus từ người nhiễm sang nạn nhân chứ không phải lấy từ người phạm tội, ví dụ: dùng kim tiêm đâm vào người bị nhiễm bệnh rồi đâm vào người khác hoặc dùng dao, vật nhọn rạch tay, chân người bị nhiễm bệnh cho máu dính vào rồi rạch vào người khác; đem máu của người bị nhiễm HIV cho người khác; lôi kéo, dụ dỗ người nhiễm và nạn nhân quan hệ tình dục không an toàn. Bác sỹ, y tá biết được bệnh nhân của mình bị nhiễm HIV nhưng không diệt khuẩn đúng cách các dụng cũ phẫu thuật, dụng cụ khám chữa bệnh khiến bệnh nhân khác của mình bị nhiễm HIV, hoặc cố tình truyền máu bị nhiễm HIV sang cho bệnh nhân khác….

Ngoài ra, người phạm tội còn có hành vi khác như dùng các thủ đoạn làm cho những bình, túi máu sạch dự trữ trong các bệnh viện trở thành máu bị nhiễm virus HIV với ý thức để truyền bệnh này cho nhiều người khác. Trong trường hợp hành vi của người phạm tội mới chỉ làm nhiễm virus HIV trong các túi hoặc bình máu dự trữ, chưa truyền máu đó cho người khác đã bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời thì người phạm tội vẫn bị truy tố về tội cố ý truyền bệnh HIV cho người khác nhưng ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội.

Hậu quả xảy ra là người bị hại bị nhiễm HIV trực tiếp từ hành vi của người phạm tội gây ra. Căn cứ để xác định nạn nhân có bị nhiễm bệnh hay không phải dựa vào xét nghiệm của cơ quan tế có thẩm quyền. Nếu nạn nhân không bị nhiễm bệnh thì không cấu thành tội này.  

Hành vi cố ý truyền HIV phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả nạn nhân bị nhiễm HIV. Người bị hại (nạn nhân) là người đã bị truyền HIV và người có hành vi truyền HIV cho họ đã cấu thành tội phạm này rồi, không cần biết người bị hại có bị nhiễm HIV hay không. Nếu người bị hại không bị nhiễm HIV thì hành vi phạm tội thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. 

Dấu hiệu hậu quả là dấu hiệu để xác định tội phạm hoàn thành. Giữa hậu quả và hành vi của người phạm tội phải có mối quan hệ nhân quả. Tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện hành vi truyền HIV từ người bệnh, nguồn bệnh sang cho người khác và chính bởi hành vi đó khiến cho nạn nhân nhiễm HIV. Trường hợp nạn nhân chưa nhiễm HIV nhưng người phạm tội đã thực hiện các hành vi nêu ở mặt khách quan thì người này vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt.

Chủ thể

Chủ thể của tội lây truyền HIV cho người khác là bất kỳ người nào bị nhiễm HIV và có đủ năng lực trách nhiệm hình sự nhận thức mọi vấn đề, biết rõ mình bị nhiễm HIV

 

Điều 149 Bộ luật Hình sự quy định chủ thể của tội cố ý truyền HIV cho người khác là người không thuộc trường hợp quy định tại Điều 148 của Bộ luật này.

Hiểu đơn giản, chủ thể của tội phạm này là người không bị nhiễm HIV hoặc có bị nhiễm HIV nhưng virus HIV mà họ truyền cho người khác không phải virus HIV trong cơ thể của họ mà virus từ cơ thể của người khác.

Chủ thể của tội phạm có thể là cá nhân thực hiện hành vi truyền HIV một mình nhưng cũng có thể là người thực hành; người tổ chức; người xúi giục hoặc người giúp sức trong vụ án đồng phạm cố ý truyền HIV cho người khác.

Tuy nhiên ngoài điều kiện chủ thể không phải là người bị nhiễm HIV được quy định riêng biệt trong Điều 149 Bộ luật Hình sự thì người phạm tội phải đáp ứng được điều kiện từ đủ 16 tuổi trở lên theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự và điều kiện có đủ năng lực trách nhiệm hình sự gồm năng lực nhận thức và năng lực làm chủ hành vi.

Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện việc lây truyền HIV cho người khác với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội hoàn toàn biết rõ mình bị HIV và mong muốn người khác cũng bị nhiễm HIV như mình hoặc vì động cơ đê hèn nào đó. Nếu một người không biết mình bị HIV mà vô tình lây lan cho người khác thì không phạm tội này.

Người phạm tội thực hiện việc truyền HIV cho người khác với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội hoàn toàn biết rõ hành vi truyền HIV sẽ gây ra hậu quả làm nạn nhân bị HIV và mong muốn hậu quả ấy xảy ra. Hành vi truyền HIV cho người khác nguy hiểm hơn nhiều so với hành vi lây truyền HIV cho người khác nên nhà làm luật coi hành vi truyền HIV là hành vi phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, còn hành vi lây truyền HIV nhà làm luật chỉ coi là hành vi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng.

Hình phạt

Điều 148 Bộ luật Hình sự quy định 02 khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:

– Khung hình phạt phạt tù từ 01 năm đến 03 năm đối với người nào biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền HIV cho người khác, trừ trường hợp nạn nhân đã biết về tình trạng nhiễm HIV của người bị HIV và tự nguyện quan hệ tình dục.

– Khung hình phạt phạt tù từ 03 năm đến 07 năm khi người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đối với 02 người trở lên; đối với người dưới 18 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 145 của Bộ luật này; đối với phụ nữ mà biết là có thai; đối với thầy thuốc hoặc nhân viên y tế trực tiếp chữa bệnh cho mình; đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Điều 149 Bộ luật Hình sự quy định 04 Khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:

– Khung hình phạt phạt tù từ 03 năm đến 07 năm đối với người nào cố ý truyền HIV cho người khác.

– Khung hình phạt phạt tù từ 07 năm đến 15 năm khi người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có tổ chức; đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đối với người dưới 18 tuổi; đối với từ 02 người đến 05 người; lợi dụng nghề nghiệp; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 31% đến 60%.

– Khung hình phạt phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân  khi người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: đối với phụ nữ mà biết là có thai; đối với 06 người trở lên; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 61% trở lên; làm nạn nhân tự sát.

– Khung hình phạt bổ sung, người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ta có thể thấy, hành vi cố ý truyền HIV cho người khác nguy hiểm hơn nhiều so với hành vi lây truyền HIV cho người khác nên nhà làm luật coi hành vi truyền HIV là hành vi phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, còn hành vi lây truyền HIV nhà làm luật chỉ coi là hành vi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng điều đó thể hiện ở chỗ: Tội cố ý truyền HIV cho người khác sẽ có các hình thức xử phạt nặng hơn so với tội lây truyền HIV vì bản chất hai tội là khác nhau cũng như tội cố ý truyền HIV cho người khác là nguy hiểm hơn rất nhiều so với tội lây truyền HIV. 

Lưu ý một điều: Việc xác định người bị hại có nhiễm HIV hay không không được chỉ dựa vào việc người phạm tội có nhiễm HIV và phương pháp người đó đã lây truyền HIV cho bị hại mà phải căn cứ vào kết luận của của Hội đồng giám định pháp y. Trường hợp kết luận giám định pháp y có điểm chưa rõ thì cần phải yêu cầu giám định lại. Kết luận của Hội đồng giám định pháp y là yếu tố tiên quyết để làm căn cứ xác định các tội danh này.

Như vậy, Bài viết trên đây là các dấu hiệu nhận biết hai tội: Tội cố ý truyền HIV cho người khác và Tội lây truyền HIV cho người khác. Nếu khách hàng có vướng mắc về nội dung của bài viết, hãy gọi 1900.0191 để được Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua tổng đài trực tuyến.