1. Sơ thẩm là gì? Ý nghĩa của sơ thẩm

Sơ thẩm (hay nói một cách đầy đủ hơn là xét xử sơ thẩm) vụ án hình sự là một giai đoạn của tố tụng hình sự, trong đó Tòa án có thẩm quyền tiến hành xem xét, giải quyết vụ án, ra bản án, quyết định tố tụng theo quy định của pháp luật.

Hiểu theo cách đơn giản thì xét xử sơ thẩm chính là xét xử lần đầu. Đây là giai đoạn tố tụng hình sự được bắt đầu từ khi Tòa án nhận hồ sơ vụ án hình sự cùng bản cáo trạng hay quyết định truy tố do Viện kiểm sát chuyển đến, và kết thúc khi Tòa án ra bản án hoặc quyết định hình sự sơ thẩm. Tóm lại, xét xử sơ thẩm là một giai đoạn độc lập trong tố tụng hình sự, mà ở đó, hoạt động của Tòa án sẽ đóng vai trò chính và là trọng tâm.

Ý nghĩa của xét xử sơ thẩm: Có thể thấy, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của tố tụng hình sự hiện nay. Thông qua việc xét xử và đặc biệt là qua xét xử công khai, xét xử sơ thẩm sẽ góp phần giáo dục công dân về việc chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và tôn trọng các quy tắc của cuộc sống xã hội. Bên cạnh đó, hoạt động xét xử sơ thẩm còn góp phần nâng cao ý thức phòng ngừa và phòng, chống tội phạm, từ đây, xét xử sơ thẩm sẽ góp phần bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội và pháp chế xã hội chủ nghĩa.

 

2. Phúc thẩm là gì? Ý nghĩa của phúc thẩm

Phúc thẩm (hay nói một cách đầy đủ hơn là xét xử phúc thẩm) cũng là một giai đoạn của tố tụng hình sự, trong đó Tòa án cấp trên tiến hành xét xử lại vụ án hình sự hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.

Mặc dù pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện hành đã quy định nhiều biện pháp bảo đảm cho Tòa án xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội, nhưng không thể loại trừ những trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm không đáp ứng được yêu cầu của pháp luật. Vì vậy, quy định về chế định xét xử phúc thẩm là hoàn toàn hợp lý, để đảm bảo quyền phản đối bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Viện kiểm sát cũng như các bên liên quan.

Ý nghĩa của xét xử phúc thẩm: Có thể nói, xét xử phúc thẩm góp phần sửa chữa những sai lầm, thiếu sót trong việc giải quyết vụ án hình sự của Tòa án cấp sơ thẩm, qua đó bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Mặt khác, thông qua việc thực hiện công tác giám đốc xét xử, phát hiện và sửa chữa sai lầm của Tòa án cấp dưới, Tòa án cấp phúc thẩm có thể hướng dẫn Tòa án cấp dưới giải thích và vận dụng đúng pháp luật, và vì vậy, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng xét xử và bảo đảm áp dụng pháp luật tố tụng hình sự được đúng đắn, thống nhất.

 

3. Giám đốc thẩm là gì? Ý nghĩa của giám đốc thẩm

Giám đốc thẩm là thủ tục tố tụng hình sự đặc biệt, trong đó Tòa án có thẩm quyền tiến hành xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó.

Có thể thấy giám đốc thẩm là thủ tục có đặc thù riêng so với xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm. Tính chất của giám đốc thẩm không phải là hoạt động xét xử vụ án mà là hoạt động xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Và vì thế, để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm thì trước hết phải có văn bản kháng nghị của cơ quan có thẩm quyền, được ban hành theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ, trên cơ sở căn cứ do Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành quy định. Tóm lại, văn bản kháng nghị sẽ là cơ sở cần thiết để xét lại vụ án hình sự theo thủ tục giám đốc thẩm.

Ý nghĩa của giám đốc thẩm: Việc pháp luật tố tụng hình sự hiện hành quy định về giám đốc thẩm sẽ góp phần đáp ứng những đòi hỏi của nhà nước pháp quyền khi là một trong những cơ chế để đảm bảo việc kiểm tra, giám sát pháp luật, qua đó đảm bảo cho hoạt động xét xử được hợp pháp và hợp hiến. Bên cạnh đó, thủ tục giám đốc còn góp phần đảm bảo công bằng xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân vào hoạt động xét xử của Tòa án cũng như đảm bảo uy tín của các cơ quan tư pháp.

 

4. Tái thẩm là gì? Ý nghĩa của tái thẩm

Tái thẩm là thủ tục tố tụng hình sự, trong đó Tòa án có thẩm quyền tiến hành xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị cơ quan có thẩm quyền kháng nghị vì mới phát hiện tình tiết làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết khi ra bản án, quyết định đó.

Mặc dù về nguyên tắc, những bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được đưa ra thi hành, nhưng trong quá trình xét xử thì việc đánh giá, nhận thức sai về các tình tiết của vụ án hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, việc đặt ra vấn đề phải xem xét lại một bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật vì mới phát hiện tình tiết làm thay đổi cơ bản nội dung của nó là hoàn toàn phù hợp với tinh thần của pháp luật tố tụng hình sự và pháp chế xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Ý nghĩa của tái thẩm: Tái thẩm giúp khắc phục sai lầm về sự việc trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, đảm bảo vụ án được giải quyết khách quan và công bằng, qua đó xử lý được đúng người phạm tội và không làm oan người vô tội. Và vì thế, tái thẩm sẽ góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự, góp phần bảo đảm sự tồn tại của nguyên tắc nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

 

5. Phân biệt sơ thẩm với phúc thẩm

Tiêu chí Sơ thẩm Phúc thẩm
Cơ sở pháp lý Chương XXI Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2021). Chương XXII Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2021).
Tính chất Tòa án có thẩm quyền xét xử lần đầu vụ án hình sự. Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp dưới.
Thẩm quyền xét xử Tòa án các cấp theo quy định tại Mục I Chương XXI Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án đã ra bản án, quyết định sơ thẩm.
Phạm vi xét xử

– Xét xử những bị cáo và hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử;

– Xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.

– Phần nội dung của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị;

– Nếu thấy cần thiết có thể xem xét các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị.

 

 

6. Phân biệt giám đốc thẩm với tái thẩm

Tiêu chí Giám đốc thẩm Tái thẩm
Cơ sở pháp lý Chương XXV Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2021). Chương XXVI Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2021).
Tính chất Được tiến hành khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị do có vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng. Được tiến hành khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị do có tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định đó.
Căn cứ để kháng nghị

– Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;

– Có vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án;

– Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

– Có căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật;

– Có tình tiết mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án;

– Vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật;

– Những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.

Thời hạn kháng nghị

– Không quá 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đối với trường hợp không có lợi cho người bị kết án;

– Có thể được tiến hành bất cứ lúc nào đối với trường hợp có lợi cho người bị kết án.

– Không quá 01 năm kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện đối với trường hợp không có lợi cho người bị kết án;

– Không hạn chế về thời gian đối với trường hợp có lợi cho người bị kết án.

>> Xem thêm Mẫu giấy triệu tập của công an năm 2022 mới nhất

Trên đây là toàn văn bài viết của Luật LVN Group liên quan đến sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm trong tố tụng hình sự. Nếu có bất kỳ vướng mắc nào liên quan tới bài viết hoặc các câu hỏi về Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, quý khách hàng vui lòng gọi đến tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí 24/7 1900.0191 để được Luật sư tư vấn qua tổng đài trực tuyến.