Từ thực tiễn hoạt động trọng tài, các chuyên gia đã đúc kết được những điểm quan trọng cần lưu ý khi soạn thảo điều khoản trọng tài như sau:
Đơn giản và chính xác
Hai nguyên tắc cơ bản mà bất kỳ người soạn thảo điều khoản trọng tài nào cũng nên biết là tính đơn giản và tính chính xác. Cụ thể là đơn giản trong soạn thảo và chính xác khi tập hợp các nội dung để đưa vào điều khoản. Theo đó, điều khoản trọng tài nên quy định khái quát tối đa các tranh chấp không chỉ liên quan đến việc thực hiện hợp đồng, mà còn cả những vấn đề về sự tồn tại, hiệu lực của hợp đồng, vi phạm và chấm dứt hợp đồng và các hệ quả tài chính của hợp đồng. Cách diễn đạt sau đây có thể là thích hợp: “Tất cả các tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan tới hợp đồng này …”.
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191
Hình thức trọng tài
Khi soạn thảo điều khoản trọng tài, các bên cần cân nhắc các điều kiện về tài chính, sự thuận tiện hay bản chất của tranh chấp sẽ phát sinh để lựa chọn một hình thức trọng tài phù hợp. Thông thường, có hai hình thức trọng tài là Trọng tài vụ việc và Trọng tài quy chế.
Số lượng Trọng tài viên
Vấn đề số lượng Trọng tài viên cũng cần được cân nhắc khi soạn thảo điều khoản trọng tài. Các bên cần thỏa thuận tranh chấp sẽ được giải quyết bởi 1 hay 3 Trọng tài viên. Thông thường, Hội đồng trọng tài gồm 3 Trọng tài viên sẽ tốn kém chi phí hơn Hội đồng Trọng tài gồm 1 Trọng tài viên. Tuy nhiên, cũng có tổ chức trọng tài, ví dụ như Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam áp dụng một Biểu phí trọng tài thống nhất, không có sự phân biệt mức phí khi có 1 hoặc 3 Trọng tài viên. Vì vậy, các bên cần tham khảo, cân nhắc Biểu phí trọng tài của một số tổ chức trước khi có quyết định về số lượng Trọng tài viên.
Ngoài ra, các bên cũng có thể thỏa thuận thêm về một số tiêu chuẩn cụ thể của Trọng tài viên (ví dụ: trình độ chuyên môn, thâm niên nghề nghiệp, tính độc lập….), khả năng sử dụng ngôn ngữ (thường là ngoại ngữ) và quốc tịch Trọng tài viên để đảm bảo việc giải quyết tranh chấp được trung lập, khách quan và hiệu quả.
Nếu các bên không thỏa thuận về số lượng Trọng tài viên, các quy tắc tố tụng trọng tài của hầu hết các tổ chức trọng tài thường trực sẽ có quy định về vấn đề này: Ví dụ, theo Quy tắc tố tụng trọng tài của các tổ chức trọng tài như Tòa án Trọng tài thuộc Phòng Thương mại quốc tế, Viện Trọng tài Stockholm Thụy Điển, Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore, số lượng Trọng tài viên là 1 người, nếu các bên không có thỏa thuận khác. Hoặc theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm Trọng tài quốc tế VN (VIAC) hoặc Quy tắc tố tụng trọng tài của UNCITRAL, nếu các bên không có thỏa thuận về số lượng Trọng tài viên thì tranh chấp được giải quyết bởi Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên.
Địa điểm tiến hành trọng tài
Điều khoản trọng tài mẫu : “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết tại Trung tâm Trọng tài … theo Quy tắc tố tụng trọng tài của trung tâm này”. Ngoài ra, các bên có thể bổ sung các nội dung sau : a) Số lượng trọng tài viên là (1 hoặc 3)… b) Địa điểm tiến hành trọng tài tại… c) Luật áp dụng cho hợp đồng này là luật của… d) Ngôn ngữ dùng trong tố tụng trọng tài là… |
Việc quyết định địa điểm tiến hành trọng tài ở đâu tùy thuộc vào khả năng đàm phán của mỗi bên. Trong trường hợp không đạt được việc lựa chọn địa điểm trọng tài tại quốc gia mình và phải lựa chọn địa điểm trọng tài tại quốc gia khác, các bên cần cân nhắc kỹ xem pháp luật nơi tiến hành trọng tài có hoàn thiện không, phạm vi và vai trò của các Tòa án liên quan đến tố tụng trọng tài như thế nào, ủng hộ hay phản đối trọng tài. Tốt nhất nên chọn địa điểm tiến hành trọng tài tại quốc gia đã thông qua Luật Trọng tài Thương mại quốc tế Mẫu UNCITRAL (Luật Mẫu) vì Luật Mẫu được coi là “tiêu chuẩn vàng” về trọng tài thương mại quốc tế. Khi đó, các bên hoàn toàn yên tâm.
Một vấn đề cần đặc biệt chú ý tới việc xác định nơi tiến hành trọng tài là khả năng thi hành quyết định trọng tài. Các bên cần kiểm tra xem quốc gia được chọn xét làm nơi diễn ra quá trình xét xử trọng tài đã phê chuẩn Công ước New York năm 1958 về Công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài hay chưa.
Luật áp dụng cho nội dung vụ tranh chấp
Luật áp dụng sẽ xác định giá trị pháp lý của các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Khi thực hiện hợp đồng, các bên cần phải biết luật nào áp dụng cho hợp đồng bởi các điều khoản hợp đồng không phải lúc nào cũng quy định đầy đủ các quyền và nghĩa vụ tương ứng của các bên. Các bên cũng cần lưu ý rằng luật điều chỉnh nội dung hợp đồng có thể khác với luật điều chỉnh quá trình tố tụng trọng tài. Thông thường luật điều chỉnh quá trình tố tụng trọng tài là luật nơi tiến hành trọng tài.
Trong thương mại quốc tế, luật áp dụng hoàn toàn do các bên tự do lựa chọn. Tùy theo khả năng đàm phán, luật áp dụng có thể là luật của quốc gia của một bên, ví dụ như luật của nước bên bán hoặc bên mua hoặc là luật của một nước trung lập. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng trọng tài sẽ quyết định luật phù hợp nhất với quan hệ hợp đồng.
Ngôn ngữ trọng tài
Luật trọng tài của hầu hết các quốc gia và các quy tắc của các tổ chức trọng tài thường trực tôn trọng quyền tự do của các bên khi chọn ngôn ngữ trọng tài, ngoại trừ một vài tiếng địa phương không phổ biến. Vì vậy, tốt hơn hết là nên theo thông lệ chung: ngôn ngữ dùng trong xét xử trọng là ngôn ngữ thường được các bên sử dụng trong liên lạc với nhau và là ngôn ngữ được dùng trong quá trình đàm phán và soạn thảo hợp đồng.
Nguồn: http://dddn.com.vn
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)