Thẩm phán thường mắc nhiều lỗi khiến nhiều bản án bị hủy, sửa. Để nâng cao chất lượng xét xử, Tòa Dân sự TAND Tối cao thường tổ chức rút kinh nghiệm.

>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191

“Quên” người liên quan

Chẳng hạn, một người thuộc hàng thừa kế trong vụ tranh chấp nhưng không ủy quyền cho người khác, không từ chối tham gia nhưng nhiều thẩm phán “quên” đưa họ vào vụ án. Thậm chí có trường hợp người thứ ba trong tranh chấp đã được tặng cho một phần tài sản và đang sử dụng, quản lý nhưng tòa cũng “bỏ lơ” họ trong khi trong bản án vẫn giải quyết cả phần tài sản họ đang quản lý. Ngoài ra trong các tranh chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà có nhiều người đang quản lý, sử dụng hoặc được cho thuê hay thế chấp ngân hàng, nhiều tòa cũng không “đụng chạm” gì đến những người này.

Trái ngược với việc “quên” triệu tập thì một số thẩm phán lại giải quyết không đúng hoặc vượt quá yêu cầu của đương sự. Tòa Dân sự TAND Tối cao dẫn chứng, có vụ người khởi kiện chỉ yêu cầu đòi hoặc chia thừa kế một phần tài sản, hay chỉ yêu cầu trả nợ gốc (không yêu cầu lãi) nhưng tòa lại buộc bị đơn trả lại toàn bộ tài sản, chia toàn bộ di sản, hoặc buộc trả cả tiền gốc và lãi.

Làm đương sự mất quyền kháng cáo

Một dạng sai phạm khác là sau khi xử sơ thẩm vắng mặt đương sự, có tòa không làm thủ tục tống đạt bản án khiến họ không biết, dẫn đến mất quyền kháng cáo. Theo Tòa Dân sự, có tình huống cười ra nước mắt là khi xử sơ thẩm và thi hành xong thì đương sự bị thi hành án mới biết vì họ vắng mặt tại tòa và không có mặt tại địa phương.

Một lỗi nữa là việc đình chỉ xét xử phúc thẩm hoặc xử vắng mặt không đúng. Ví dụ tòa triệu tập người kháng cáo hai lần (họ đều có mặt) nhưng hai lần này tòa đều phải hoãn xử vì cần xác định thêm chứng cứ. Lần triệu tập thứ ba, người này vắng hoặc bỏ về lúc làm thủ tục phiên tòa. Nhiều tòa đã đình chỉ xử phúc thẩm hoặc xử vắng mặt bác kháng cáo của họ vì đã vắng mặt lần ba không lý do. Trường hợp này, theo Tòa Dân sự TAND tối cao, cấp phúc thẩm phải xác định là người kháng cáo vắng mặt lần thứ nhất và phải hoãn phiên tòa. Các tòa đã nhầm giữa quyền vắng mặt hai lần với việc vắng mặt ở lần tòa triệu tập thứ ba.

Đáng hủy mà không hủy

Theo Tòa Dân sự TAND Tối cao, nhiều trường hợp khi xử phúc thẩm, tòa nhận định án sơ thẩm có nhiều sai sót mà các sai sót này thuộc diện phải hủy án để giải quyết lại. Thế nhưng cấp này vẫn giữ nguyên bản án, chỉ nhắc nhở cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm. Làm vậy là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Ngược lại, trong thẩm quyền, cấp phúc thẩm chỉ được xem xét phần của bản án bị kháng cáo, kháng nghị. Nhưng khi quyết định tòa lại sửa luôn cả phần không bị kháng cáo, kháng nghị… Ví dụ, nguyên đơn chỉ kháng cáo việc công nhận người có quyền sử dụng đất nhưng tòa lại buộc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thanh toán giá trị quyền sử dụng đất trong khi họ không được tòa công nhận có quyền sử dụng đất có tranh chấp.

Án về tranh chấp đất đai sai sót nhiều nhất

Ngoài việc chỉ mặt đặt tên những lỗi về tố tụng, Tòa Dân sự TAND Tối cao còn vạch ra những sai sót về nội dung các bản án dân sự mà các thẩm phán thường gặp, trong đó các tranh chấp về đất đai chiếm đa số. Cụ thể, trong việc xác định người có quyền sử dụng đất hợp pháp, nhiều thẩm phán còn lúng túng trong việc xác định chứng cứ và sai sót khi quyết định. Tương tự, trong việc giải quyết hậu quả của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng khiến các bản án bị sai khá nhiều bởi nó khá phức tạp.

Nhiều lỗi lặt vặt

Nhiều tòa xử vắng mặt đương sự không hợp lệ, hoãn phiên tòa quá 30 ngày, hoãn tuyên án quá năm ngày làm việc. Nhiều bản án xử lại nhưng HĐXX khác so với quyết định đưa vụ án ra xét xử, hoặc lật bản án ra thì thấy thiếu chữ ký của hội thẩm nhân dân… Cạnh đó cũng có những lỗi nhỏ như khi ban hành quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ xử sơ thẩm, thẩm phán không làm đúng quy định.

Báo cáo tổng kết ngành tòa án năm 2009 của Tòa Dân sự TAND TP.HCM

Ghi sai cả tên, tuổi… đương sự

Dù không bị kháng nghị nhưng qua việc giải quyết khiếu nại còn phát hiện các thẩm phán thực hiện chưa nghiêm túc các hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao về việc viết bản án, đánh số bản án. Cụ thể nhiều thẩm phán đánh số bản án nhưng không ghi năm, ghi ký hiệu thì không theo hướng dẫn. Nhiều bản án ghi không chính xác họ tên đương sự, hoặc chỉ ghi tuổi mà không ghi năm sinh, không ghi đầy đủ, chính xác nơi cư trú của đương sự hoặc người được ủy quyền. Phần nhận định của một số bản án còn rườm rà, chưa nhận định rõ căn cứ những vấn đề cần quyết định, cá biệt có khi nội dung nhận định còn mâu thuẫn với quyết định.

Tòa Dân sự TAND Tối cao

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM – THANH TÙNG

Trích dẫn từ:http://phapluattp.vn/

 (LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)