>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới thư mục hỏi đáp của công ty chúng tôi, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:
1. Sống chung với nhau như vợ chồng
Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì điều kiện kết hôn gồm có:
Thứ nhất, độ tuổi kết hôn của nam là từ đủ 20 tuổi trở lên và độ tuổi kết hôn của nữ là từ đủ 18 tuổi trở lên.
Thứ hai, việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định. Kết hôn là hoạt động một cách tự nguyện giữa nam và nữ, không có sự ép buộc hay cưỡng ép của ai cả.
Thứ ba, không bị mất năng lực hành vi dân sự
Mất năng lực hành vi dân sự là một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Thứ tư, việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định: (1) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; (2) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; (3) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; (4) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
2. Quy định pháp luật về tảo hôn
Theo UNFPA (The United Nations Population Fund) và UNICEF (The United Nations International Children’s Emergency Fund), tảo hôn được định nghĩa như sau: “kết hôn trẻ em là hành vi kết hôn chính thức hoặc sống chung như vợ chồng khi chưa đủ 18 tuổi“.
Nhưng theo quy định của pháp luật Việt Nam, tại khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.
Tảo hôn là hành vi lấy vợ, lấy chồng mà một trong hai bên hoặc cả hai bên không đủ điều kiện về độ tuổi kết hôn, gồm có: nam chưa đủ 20 tuổi hoặc nữ chưa đủ 18 tuổi hoặc nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi.
Tảo hôn thuộc một trong những hành vi bị cấm tại điểm b khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014:
“2. Cấm các hành vi sau đây:
b, Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn“
Tảo hôn thường được diễn ra ở một vài dân tộc thiểu số tại một số vùng sâu, vùng xa. Trẻ em gái và trẻ em trai đều chịu ảnh hưởng từ tảo hôn, các em có nguy cơ bỏ học rất cao để tìm kiếm một công việc có thể kiếm ra tiền lo cho gia đình, nhưng do độ tuổi còn nhỏ nên các em rất khó trong quá trình tìm kiếm việc làm. Tập tục này thường xảy ra ở vùng sâu, vùng xa mà những nơi này khó tiếp cận đến công nghệ kỹ thuật số, truyền thông xã hội và công nghệ di động. Do đó, cần thúc đẩy việc tiếp cận đến thông tin, công nghệ của người dân ở vùng sâu, vùng xa đồng thời nâng cao trình độ dân trí để người dân tăng khả năng tiếp cận tri thức.
Độ tuổi lao động đối với nam theo quy định của pháp luật về lao động là từ đủ 15 tuổi đến 60 tuổi 06 tháng còn độ tuổi lao động đối với nữ là từ đủ 15 tuổi đến 55 tuổi 08 tháng:
+ Người chưa đủ 13 tuổi chỉ được làm công việc như: các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
+ Người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi chỉ được làm các công việc nhẹ theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành (Điều 8 Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên): vận động viên thể thao, lập trình phần mềm, nuôi tằm, chăn thả gia súc tại nông trại, đan lát,…
+ Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được làm công việc hoặc làm việc tại nơi làm việc được quy định tại Điều 147 Bộ luật Lao động năm 2019 như: bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc; phá dỡ công trình xây dựng; lặn biển, đánh bắt thủy, hải sản xa bờ;… hay làm việc ở dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm; công trình xây dựng; cơ sở giết mổ gia súc,….
3. Sống chung với bạn gái 17 tuổi có phạm pháp hay không?
Theo quy định tại Điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 về giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn:
Thứ nhất, nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì việc chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn dẫn đến không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền và nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
+ Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn:
Quyền, nghĩa vụ giữa nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.
+ Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.
Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo sự thỏa thuận giữa các bên. Nếu không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan khác.
Khi giải quyết quan hệ tài sản thì phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Thứ hai, trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.
Hiện nay không có quy định buộc sống chung với nhau thì phải đăng ký kết hôn mà chỉ quy định nam, nữ có đủ điều kiện đăng ký kết hôn và kết hôn là do sự tự nguyện của cả hai.
Như vậy, với trường hợp của bạn thì vì bạn và bạn gái bạn chưa đủ tuổi kết hôn nên việc sống chung với nhau thuộc hành vi vi phạm điều cấm của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 07 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã:
+ Hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
+ Hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Nếu bạn đọc có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này hay vấn đề pháp lý khác thì vui lòng liên hệ tới bộ phận tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của Luật LVN Group qua số tổng đài 1900.0191 để được hỗ trợ kịp thời. Xin chân thành cảm ơn!.