Đề án 30 là quyết định cải cách thủ tục hành chính với quy mô lớn nhất từ trước đến nay nhằm “ phát quang” rừng thủ tục làm khó cho người dân, DN hàng chục năm qua, đề án là biểu hiện của một quyết tâm chính trị, tấn công vào một trong ba “nút thắt” tăng trưởng.

PCI khởi đầu với sự hoài nghi, hờ hững và phản đối từ một bộ phận chính quyền cấp tỉnh, nay đã trở thành một công cụ hữu hiệu để chính quyền địa phương “bắt mạch, chữa bệnh” ngay tại địa phương mình cũng như kiến nghị về các vấn đề quản trị quốc gia.

Đề án 30 ngày mới ban hành đã nhận được sự hồ hởi từ cộng đồng dân cư, DN và quyết tâm rõ ràng của Chính phủ, sau khi “điểm mặt, chỉ tên” được gần sáu nghìn thủ tục hiện hành, nay đang hồi hộp chờ giai đoạn khó khăn hơn là đưa vào “máy” để “xén” hàng loạt thủ tục.

Song Hành (Đề án 30, PCI)

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:  1900.0191

Hai hoạt động, một khởi nguồn chủ yếu từ xã hội, một xuất hiện chủ yếu từ chính quyền, nay đang gặp nhau ở một mục tiêu chung: đó là sự chung tay tiếp sức, hợp tác công tư, vì một Nhà nước quản trị minh bạch, giải trình và trách nhiệm, vì một xã hội năng động, “biết, bàn, làm và kiểm tra” việc nước. Rõ ràng PCI và Đề án 30 đang cùng song hành !

PCI đã làm được những gì ở tuổi lên năm ? Đó là sự tham gia của hàng chục ngàn lượt DN, đại diện cho hàng trăm nghìn DN suốt năm năm qua, kiên nhẫn, kiên trì, mong mỏi và hy vọng, thông qua việc “chấm điểm” chính quyền các cấp từ xã phường đến phòng ban, sở, tỉnh, về chất lượng phục vụ các DN trên hàng trăm mối quan hệ điều hành giữa chính quyền và DN. Đó là việc tổ chức hàng trăm cuộc hội nghị, hội thảo các cấp nhằm chẩn đoán “bệnh” của chính quyền và tìm “thuốc” để chữa. Đó là sự chuyển giao kinh nghiệm thành công và chia sẻ bài học thất bại giữa các địa phương với nhau, từ đó, vừa có các kiến nghị cụ thể địa phương vừa có các kiến nghị chung ở tầm quốc gia. PCI là tiếng kèn “thi đua” kêu gọi phục vụ cộng đồng, là sự “cảnh báo” những ai mắc căn bệnh quan liêu, trì trệ, thỏa mãn và sớm hài lòng. PCI là cuộc đua đường trường mà những địa phương nào không sợ “mỏi gối, chùn chân” mới dám gia nhập.

Đề án 30 đã làm được những gì ở tuổi lên hai? Đó là việc hơn hai chục bộ ngành và 63 tỉnh thành đã vào cuộc; gần sáu nghìn thủ tục đã được “chụp ảnh”; hàng trăm nghìn hồ sơ các loại đã được nhận diện. Hàng chục nghìn lượt công dân, công chức, hiệp hội, DN đã tham gia cuộc tổng động viên này. Đó là việc thiết lập được ba tiêu chí hàng đầu trong nguyên tắc xây dựng thủ tục hành chính: “cần thiết, hợp lý và hợp pháp” mà giờ đây, các tiêu chí này đang “ngấm” dần vào cán bộ, công chức. Đề án 30 giai đoạn một cũng đã vượt qua được cái “dớp” thất bại của những lần cải cách nửa vời trước, bởi có quyết tâm chính trị cao, có tổ chức chặt chẽ, có phương pháp tiên tiến và có sự “cộng hưởng” rộng rãi của nhân dân, DN, giới truyền thông.

Những thách thức nào còn chờ PCI và Đề án 30 ở phía trước ?

Với PCI là liệu có khả năng tự làm mới mình theo hướng gia tăng giá trị của nghiên cứu này thông qua sự tham gia đông đảo hơn của DN, sự tích cực chủ động, cầu thị, thực sự vì môi trường pháp luật kinh doanh của các cán bộ chính quyền địa phương, từ người công chức phường xã đến người đứng đầu cấp tỉnh ? Đó còn là khả năng biết đúc kết kinh nghiệm, trao đổi, phổ biến bài học “rất Việt Nam” này giữa các địa phương với nhau ? Đó còn là liệu các bộ ngành có khả năng phân tích cơ sở thực tiễn quan trọng này để thực hiện một việc lớn hơn là đẩy mạnh cải cách để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời kì hội nhập, cạnh tranh gay gắt này ?

Với Đề án 30, thách thức lớn nhất vẫn đang ở phía trước, đó là việc liệu có thể cắt bỏ được một phần ba số lượng các thủ tục đang hiện hành ? Nhận diện là không khó, “cắt bỏ” bao giờ cũng là công việc khó khăn bởi điều này động chạm đến “lợi ích” sát sườn của các cán bộ, công chức. Mọi sự thỏa hiệp, cả nể, cục bộ, che chắn… hoặc thiếu khoa học, thiếu giải trình đều là chướng ngại trên lộ trình cắt bỏ thủ tục hành chính. Đồng thời, nếu thiếu một cơ chế kiểm duyệt chặt chẽ, khoa học khi ban hành các thủ tục hành chính mới thì đây cũng chỉ là một việc “đánh bùn sang ao”.

Như vậy, trong thập niên tới sẽ còn rất nhiều việc cần phải làm cho cả PCI lẫn Đề án 30. Đề án 30, nếu làm tốt, sẽ là niềm hứng khởi, là bước chạy đà tốt cho cuộc cải cách hành chính sâu rộng cả về thể chế, bộ máy, thủ tục và con người. PCI nếu biết làm tăng giá trị, sẽ giúp quốc gia có thêm điểm trên bản đồ cạnh tranh của thế giới.

Ý nghĩa nhân văn của PCI và quan niệm hành chính của Đề án 30 sẽ còn song hành trên con đường xuân của Đất nước trong thập niên tới.

Trần Hữu Huỳnh – DDDN

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích nghiên cứu, giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)