1. Khái niệm tư tưởng triết học Việt Nam 

Tư tưởng triết học Việt Nam là những tư tưởng triết học của người Việt. Trong suốt lịch sử Việt Nam nếu theo tiêu chí của một nền triết học là phải có triết gia, triết thuyết và trường phái thì Việt Nam không có một nền triết học bản địa nào. Suốt mấy thập kỷ qua, quan niệm này chiếm ưu thế trong đánh giá hoạt động văn hóa tinh thần của đất nước.

Tuy nhiên, một số học giả, một số nhà nghiên cứu vẫn nhìn nhận rằng dân tộc Việt Nam có một nền văn hiến riêng, trong nó chứa đựng một sắc thái tư tưởng không giống với các nền văn minh lân cận. Những nghiên cứu tư tưởng dân tộc làm cho việc khẳng định có một thứ tư tưởng triết học Việt Nam dần dần trở nên tự tin hơn. Đến nay, có xu hướng còn cho rằng Việt Nam không chỉ có những tư tưởng triết học mà còn có cả những học thuyết triết học theo đúng nghĩa của nó.

2. Điều kiện hình thành và phát triển lịch sử tư tưởng Việt Nam

          Về mặt địa lý: Việt Nam nằm ở phía Đông – Nam Châu Á, là vị trí địa lý thuận lợi cho quá trình giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc và Ấn Độ trong nhiều thế kỷ trước thời kì cận đại đã tạo điều kiện hình thành nên lịch sử tư tưởng tại Việt Nam.

          Về phương diện kinh tế: Việt Nam có nền kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp lúa nước. Nền nông nghiệp nước ta dựa vào trình độ lao động thủ công và kinh nghiệm lâu đời của người nông dân.

Về tổ chức, cơ cấu xã hội truyền thống Việt Nam: Hệ thống làng xã khép kín tạo điều kiện cho nền “văn hóa làng mạc” ra đời và phát triển. Nhà nước phong kiến có hai nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức dân cư các làng xã chống giặc ngoại xâm và xây dựng duy trì hệ thống thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Về văn hóa: Việt nam có sự giao lưu, tiếp nhận các học thuyết lớn từ Ấn Độ, Trung Quốc trong sự phong kiến hóa nền văn hóa dân tộc. Điều này đã làm cho bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam có sự phong phú và đa dạng.

3. Sơ lược về các hệ thống tư tưởng lớn tại Việt Nam

          Nho giáo, Đạo gia và Phật giáo du nhập vào Việt Nam và trải qua hàng ngàn năm đã có ảnh hưởng sâu sắc tới tư tưởng Việt Nam.

          Một là, Nho giáo còn có tên gọi khác là Khổng giáo – một hệ thống đạo đức, triết học học xã hội, triết lý giáo dục và triết học chính trị do Khổng Tử đề xướng và được các môn đệ của ông phát triển với mục đích xây dựng một xã hội hài hòa, trong đó con người ứng xử theo lẽ phải có đạo đức, đất nước thái bình, thịnh vượng.

          Nho giáo du nhập vào nước ta rất sớm nhưng không phải là Nho giáo nguyên thủy mà là Hán nho và Tống Nho. Các triều đại đầu tiên của Việt Nam đều xa lạ với Nho giáo, phải đến thời kỳ nhà Lý, Trần thì Nho giáo mới dần phát triển. Từ thế kỉ XV đến thế kỉ IXX, trong hai triều đại Lê, Nguyễn thì Nho giáo mới thống lĩnh tư tưởng văn hóa và để lại dấu ấn lớn trong quá trình giáo dục, lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

          Hai là, Đạo gia du nhập vào nước ta từ khoảng cuối thế kỉ thứ II, chia làm hai phái là nội tu và ngoại dưỡng nhưng phái nội tu phát triển hơn. Thời kì phong kiến độc lập, các triều đại Đinh, Lê, lý, Trần đều coi trọng các đạo sỹ không kém các tăng sư. Tới thời Lê Trung Hưng, Đạo gia bắt đầu suy thoái, các đạo quán bị Phật giáo hóa và trở thành chùa.

Ba là, Phật giáo do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sáng lập và truyền dạy-là một trong tôn giáo lớn nhất, tồn tại rất lâu đời với hệ thống giáo lý đồ sộ và số lượng phật tử đông đảo trên khắp thế giới. Đạo Phật được truyền bá vào nước ta khoảng thế kỷ II SCN, chia làm hai hệ phái Phật giáo Bắc tông ở miền Bắc và Nam tông ở miền Nam.

Phật giáo trong thời kì nhà Đinh, Tiền Lê, Lý và Trần phát triển cực thịnh, được coi là quốc giáo. Tuy nhiên, đến đời nhà Hậu Lê thì Phật giáo bị suy thoái. Bước sang thế kỉ XX, Phật giáo phát triển mạnh mẽ, tiêu biểu ở các đô thị miền Nam gắn với sự đóng góp của nhà sư Khánh Hòa, Thiện Chiếu.

Nho giáo, Đạo gia và Phật giáo được truyền bá vào nước ta từ thời Bắc thuộc và cả ba tôn giáo không bài trừ mà hài hòa, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Nho giáo lo tổ chức xã hội, Đạo gia lo về thể xác con người, Phật giáo lo về tinh thần, đời sống tâm linh kiếp sau của con người. Ba vị tổ sư của tam giáo là Khổng Tử- Nho giáo, Lão tử – Đạo gia, Phật Thích Ca Mâu Ni- Phật giáo đã in sâu trong tâm thức, đã được người Việt vận dụng một cách sáng tạo, dung hòa để đáp ứng nhu cầu tinh thần, tình cảm và tâm linh của con người.

4. Lịch sử phát triển của tư tưởng Đạo gia ở Việt Nam

Thời kì Bắc thuộc từ năm 207 TCN-938 SCN, các cuộc Hán hóa diễn ra trên lĩnh vực chính trị-xã hội, cùng với đó là sự truyền bá các học thuyết và đưa chúng du nhập vào Việt Nam trong đó có Đạo gia. Đạo gia có tư tưởng đối cực với Nho gia, cùng Nho gia ảnh hưởng sâu rộng đến tư tưởng và đời sống tinh thần của người Việt ta

Cuối thế kỉ II, khi thiền tông Trung Quốc truyền sang Việt Nam thì Đạo gia mới ảnh hưởng rõ rệt đến nhà tu hành Việt Nam. Giới trí thức Nho học cũng bắt đầu tìm đến học thuyết này như là phương thức để cân bằng giữa con người hành động và con người tư tưởng. Hoặc bất mãn với khi thời cuộc, họ tìm đến Đạo gia để tỏ chí lánh đời. Giới trí thức Nho giáo tìm đến Đạo gia với tư tưởng thoát tục, gần gũi cuộc sống tự nhiên. Tư tưởng phủ nhận danh lợi, coi danh lợi là đầu mối hư ngụy của Lão Trang cũng được các nhà nho tiếp nhận như là một cách thức bày tỏ cái trí thanh cao của mình.

Cũng trong thời kỳ này, Đạo gia dựa một cách thức vào Đạo của Lão Tử và tôn ông làm giáo chủ cũng du nhập vào Việt Nam và trở thành một trong Tam giáo có ảnh hưởng rất sâu đậm đến tư tưởng của người Việt, nhất là dưới thời Đường với sự cai trị của thái thú Cao Biền và được thể hiện trong nhiều tín ngưỡng dân gian. Ảnh hưởng rõ nét nhất của Đạo gia trong dân gian chính là những tín ngưỡng, tục lệ thờ thần tiên, thờ cúng tổ tiên qua những quan niệm về sinh tử và những nghi lễ thờ cùng đặc biệt như: mà chay, gọi hồn… Không ít địa danh ở miền Bắc Việt Nam gắn liền với các vị thần, vị tiên trong Đạo gia Trung Hoa, ví dụ như Động Tam Thanh thờ ba vị thiên tôn trong Đạo gia (Lạng Sơn), đền Trấn Vũ thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ (Hà Nội)…

Từ thế kỷ X trở về sau, tư tưởng Đạo gia không còn được sự tá trợ nhiều của đạo Phật để trở thành một thứ anh Hai trong gia đình Tam giáo (Phật, Lão, Nho) như dưới thời Bắc thuộc, thời đạo Phật phát triển mạnh. Đạo gia trong thời kỳ phong kiến nước ta đã bị đẩy dần xuống hàng thứ ba sau Nho và Phật.

Trên phương diện triết học, tư tưởng của Đạo gia trong thời phong kiến ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến giới tri thức khi tạo ra cảm hứng tiêu dao. Ngoài thời kỳ làm quan lập danh thì họ lui về ở ẩn. Thú vui của họ là an bần lạc đạo, vui thỏa trong cảnh tiêu dao, thanh nhàn, rời xa công danh phú quý. Minh chứng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm là những nhà nho tiêu biểu cho tầng lớp Nho sĩ, cũng là những người đóng góp rất tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước lựa chọn con đường ẩn dật, thong thả tiêu dao kết bạn với thiên nhiên, xem đó là hạnh phúc để nghỉ ngơi thân xác, thanh thản tâm hồn sau những năm tháng tận lực cho triều đình phong kiến.

Có những nhà nho lại buộc phải lựa chọn con đường ẩn dật vì bất mãn và bất lực khi không thể thích ứng với cục diện xã hội, họ tìm thấy tư tưởng Đạo gia để làm niềm an ủi bản thân như Phùng Khắc Khoan cũng từng là nho sĩ quan liêu nhưng rồi cũng lựa chọn con đường ẩn dật giữa thời cuộc hỗn loạn của cuộc chiến tranh Lê – Mạc.

So với thời kỳ Bắc thuộc, nhìn chung vai trò của tư tưởng Đạo gia ở Việt Nam lúc sâu đậm nhưng cũng dần bị lu mờ. Tuy nhiên, với Đạo gia thì ngược lại nhờ dung hợp được với tín ngưỡng và phong tục tập quán bản địa, Đạo gia ngày càng được hoan nghênh được thể hiện khi vào thời kỳ phong kiến, việc thánh hóa các vị thần bản địa chính là các yếu tố được sử dụng để thống nhất tín ngưỡng của các địa phương, hiện tượng này có biểu hiện rất đa dạng, ví dụ như Trần Hưng Đạo được coi là có tài trừ tà ma cứu nạn cho dân nên được tôn là Đức Thánh Trần; Liễu Hạnh được coi là nàng tiên có nhiều phép thần thông luôn phù hộ cho dân nên được tôn là Bà Chúa Liễu. Trong tâm thức dân gian, Thánh và Chúa luôn sóng đôi bên nhau.

Hay ngay từ thời Lý Trần, đã xuất hiện những Đạo sĩ lừng danh như Thông Huyền, Hoàn Nguyên, Huyền Vân. Đặc biệt về sau đã xuất hiện cuốn Kê song xuyết thập mà hậu thân của nó là Hội chân biên ghi lại sự tích 27 vị “tiên Việt Nam” qua 25 truyền thuyết Đạo gia, trong đó có 13 tiên ông và 14 tiên nữ, với các Đạo tổ, Chân nhân, Thánh Mẫu, Tiên Nương, Tiên nữ…

 Đến nay, Đạo gia cơ bản đã không còn phát triển và được biết đến nhiều nhưng nhìn chung vẫn đóng vai trò đáng kể trong quá trình hình thành tư tưởng ở Việt Nam. 

5. Sự ảnh hưởng của tư tưởng Đạo gia tới sự hình thành, phát triển lịch sử tư tưởng Việt Nam

Đạo gia được truyền bá vào nước ta sau Nho giáo và Phật giáo. Đạo gia được truyền bá vào Việt Nam đã có lúc trở thành một tôn giáo độc lập như dưới triều đại Lý, Trần. Nhưng sau đó, hiện tượng dung hợp Đạo gia với Phật giáo và Nho giáo đã diễn ra. Đến thời Lê, Đạo gia nhanh chóng kết hợp với Phật giáo, đa số đạo quán biến thành Phật tự, đạo sĩ, đạo kinh đều bị mai một. Đến thời Nguyễn, khi Nho giáo trở thành hệ tư tưởng thống trị trong xã hội, được nhà Nguyễn trọng dụng và được tôn vinh là “quốc giáo” thì Đạo gia gần như mất hẳn trong đời sống tín ngưỡng của người Việt Nam, danh từ Đạo gia đã không còn được người đời nhắc đến nhiều. Trong suốt tiến trình phát triển của dân tộc, cùng với Nho giáo và Phật giáo, Đạo gia có ảnh hưởng không nhỏ trong đời sống tinh thần, truyền thống và văn hóa của dân tộc ta, đặc biệt trong đời sống của những người dân lao động. Trong buổi đầu truyền bá vào nước ta, Đạo gia đã tìm thấy những tín ngưỡng tương đồng có sẵn từ lâu. Sự sùng bái ma thuật, phù phép, bùa chú… của người Việt cổ, đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho sự gieo mầm của Đạo gia. “Vì vậy, dễ hiểu là tại sao Đạo gia, trước hết là Đạo gia phù thủy, đã thâm nhập nhanh chóng và hòa quyện dễ dàng với tín ngưỡng ma thuật cổ truyền tới mức không còn ranh giới”. “Nó như có sẵn miếng đất thân thuộc, dân không học đã hay”. Ảnh hưởng rõ nét nhất của Đạo gia trong dân gian Việt Nam chính là tục thờ thần tiên.