1. Sự phân biệt kinh điển
Trong quan niệm Latinh, vật quyền (jus in re) được hiểu là quyền được chủ thể (người có quyền) thực hiện trực tiếp và tức thì trên một vật mà không cần vai trò trung gian của một người khác1. Trong chừng mực đó, vật quyền đối lập với trái quyền (jus ad rem), tức là quyền được thực hiện chống lại một người nhằm đòi hỏi một lợi ích về tài sản, cụ thể là một số tiền2.
Vật quyền. Tính chất trực tiếp và tức thì của việc thực hiện vật quyền được thể hiện ngay trong cách thức tác động bằng hành vi vật chất (và cả hành vi pháp lý) của chủ thể lên đối tượng của quyền. Chẳng hạn, chủ sở hữu một chiếc xe máy tự mình cưỡi xe hoặc đem cho mượn, cho thuê mà không cần có, cũng không buộc phải nhờ đến vai trò trung gian của người nào khác. Tương tự, người hưởng hoa lợi đối với một miếng vườn tự mình thu hoa lợi mà không cần xin phép chủ sở hữu cũng không cần sự hỗ trợ pháp lý của ai khác.
.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191
Học thuyết pháp lý châu Âu xây dựng nhiều cách phân loại vật quyền. Cách phổ biến nhất là thiết lập hai nhóm vật quyền, tuỳ theo mức độ tác động vật chất mà chủ thể được phép thực hiện đối với vật trong khuôn khổ tìm kiếm lợi ích: nhóm các vật quyền chính và nhóm các vật quyền phụ.
Vật quyền chính là các quyền cho phép người có quyền không chỉ nắm giữ việc kiểm soát vật chất đối với tài sản mà còn có thể khai thác các khả năng và đặc biệt là giá trị kinh tế của tài sản. Quyền sở hữu đứng đầu nhóm vật quyền này do tính chất hoàn hảo của quyền năng: nó tạo điều kiện cho người có quyền thu được lợi ích từ việc khai thác một cách trọn vẹn các khả năng kinh tế của tài sản. Các vật quyền chính khác có mức độ hoàn hảo của quyền năng thấp hơn: quyền hưởng hoa lợi chỉ cho phép người có quyền thu hoa lợi từ việc khai thác tài sản, chứ không cho phép định đoạt tài sản; với quyền địa dịch, người có quyền chỉ được khai thác được tài sản ở một khía cạnh nào đó (chẳng hạn, sự tiện lợi về tầm nhìn, lối đi qua)…
Vật quyền phụ, còn gọi là vật quyền bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, chỉ có tác dụng tạo ra sự an toàn cho người có quyền trong quá trình tham gia vào một quan hệ nghĩa vụ với tư cách trái chủ. Thay vì phải lệ thuộc vào vai trò chủ động của thụ trái để có được sự thực hiện nghĩa vụ thoả đáng, người có vật quyền có thể tác động vào giá trị tiền tệ của tài sản. Loại vật quyền này chỉ trao cho người có quyền các quyền năng hạn chế đối với vật; các quyền năng này chỉ phát huy tác dụng trong những trường hợp được ghi nhận trong luật và được thực hiện theo những thể thức nghiêm ngặt. Quyền của chủ nợ nhận thế chấp, nhận cầm cố là những ví dụ tiêu biểu cho các vật quyền thuộc nhóm này. Trong chừng mực nào đó, người ta nói rằng vật quyền được gọi là phụ bởi vì tài sản đối tượng của quyền được coi như một thứ “dự trữ giá trị” (value reserve)3: dự trữ đó sẽ được và chỉ được mang ra sử dụng một khi người có quyền không cò sự lựa chọn khác cho việc thực hiện trái quyền của mình. Vật quyền phụ không trao cho người có quyền những công cụ khai thác các khả năng của tài sản để phục vụ cho cuộc sống, sinh hoạt của mình, như các vật quyền chính.
Trái quyền. Trong khi đó, trái quyền, còn gọi là quyền đối nhân4, là quyền cho phép một người gọi là trái chủ đòi hỏi một người khác, gọi là thụ trái, thực hiện một việc. Điều đó có nghĩa rằng, để quan hệ trái quyền vận hành hoàn hảo, nhất thiết phải có sự hợp tác của cả trái chủ và thụ trái, chứ một mình trái chủ vào vai thì không đủ. Về mặt cấu trúc kỹ thuật, trái quyền được hình thành từ ba yếu tố: trái chủ (chủ thể có), thụ trái (chủ thể nợ) và đối tượng.
Cũng như đối với vật quyền, có nhiều cách phân loại trái quyền trong khoa học luật. Với cách phổ biến nhất, người ta chia các trái quyền thành hai nhóm: trái quyền có đối tượng là làm hoặc không làm một việc và trái quyền có đối tượng là chuyển giao một vật quyền.
Trái quyền có đối tượng là làm một việc là một quan hệ nghĩa vụ trong đó thụ trái cam kết thực hiện một công việc vì lợi ích của trái chủ: người chủ ga-ra cam kết sửa chữa hoàn chỉnh một chiếc ô tô; kiến trúc sư cam kết hoàn thành đồ án xây dựng một căn nhà;… Trái quyền có đối tượng là không làm một việc là loại quan hệ nghĩa vụ trong đó thụ trái cam kết giữ thái độ thụ động về một phương diện nào đó, vì lợi ích của trái chủ; chẳng hạn: người bán một sản nghiệp thương mại cam kết không mở một cơ sở kinh doanh cùng ngành nghề trong khu vực lân cận trong một khoảng thời gian nào đó.
Trái quyền có đối tượng là chuyển giao một vật quyền là một quan hệ nghĩa vụ trong đó thụ trái cam kết trao cho trái chủ một vật quyền vốn thuộc về mình, đặc biệt là quyền sở hữu đối với một tài sản. Ví dụ, trong một vụ mua bán vật cùng loại với một số lượng nào đó, người mua muốn nhận được tài sản, thì cần có sự hợp tác của người bán, thể hiện qua việc người bán tiến hành cá thể hoá đối tượng mua bán bằng cách tách đối tượng này ra khỏi khối các vật cùng loại, rồi đóng gói để sẵn sàng giao cho người mua.
2. Lợi ích của sự phân biệt
2.1. Lợi ích chung cho tất cả các hệ thống
Từ thời cổ, người La Mã đã chủ trương thiết lập sự phân biệt giữa hai loại quyền tài sản, là vật quyền và trái quyền, trước hết như là giải pháp cho bài toán phân loại tài sản đặt ra cho người nghiên cứu luật: một quyền có giá trị tài sản chỉ có thể là vật quyền hoặc là trái quyền. Nhưng lợi ích của sự phân biệt không chỉ có chừng đó. Theo thời gian, người ta nhận thấy sự phân biệt ấy còn cho phép xây dựng các phương án hoàn thiện pháp luật tài sản và mang lại nhiều lợi ích ở góc độ thực tiễn.
2.1.1. Về phương diện cấu trúc luật pháp
Trên cơ sở sự phân biệt giữa vật quyền và trái quyền, người làm luật có điều kiện xây dựng các chế độ pháp lý tương ứng cho các quyền tài sản có tính chất khác biệt, để các chủ thể lựa chọn tuỳ theo hoàn cảnh, điều kiện của mình trong quá trình giao tiếp xã hội nhằm tìm kiếm lợi ích vật chất.
Chế độ pháp lý về vật quyền. Tư tưởng chủ đạo là vật quyền được chủ thể thực hiện trực tiếp trên vật mà không cần sự trợ lực, hợp tác của chủ thể khác. Chế độ pháp lý về vật quyền đặc trưng bằng các quy tắc chỉ định ứng xử của chủ thể trong quá trình tác động lên tài sản đối tượng của quyền trên cơ sở nguyên tắc kép: một mặt, người có vật quyền được tự do thực hiện các quyền năng được thừa nhận cho mình trong mối quan hệ với tài sản và tất cả mọi người phải tôn trọng sự tự do đó; mặt khác, người có quyền phải tôn trọng các quyền và lợi ích chính đáng của người khác và phải chịu trách nhiệm trong trường hợp việc thực hiện vật quyền được thừa nhận cho mình gây thiệt hại cho người khác.
Ở một góc nhìn nào đó, người ta thấy người có vật quyền phải tự mình thực hiện tất cả các hành vi giao tiếp trong mối quan hệ với tài sản, người có vật quyền không có quyền đòi hỏi người khác phải hợp tác, giúp đỡ mình trong việc thực hiện vật quyền. Suy cho cùng, tính tuyệt đối của vật quyền thể hiện ở chỗ người có vật quyền phải trực tiếp làm tất cả, còn người khác thì không phải làm gì cả.
Chế độ pháp lý về trái quyền: lý thuyết nghĩa vụ. Trái quyền không phải là quan hệ pháp lý giữa chủ thể và vật, mà là quan hệ pháp lý giữa các chủ thể. Các quy tắc chi phối quan hệ ấy đặc trưng bằng việc chỉ định hành vi ứng xử trong giao tiếp giữa hai bên. Để quan hệ trái quyền vận hành suôn sẻ, sự hợp tác tích cực của trái chủ và thụ trái là điều kiện cần thiết. Khuôn mẫu diễn tiến quan hệ trái quyền có thể được mô tả như sau: người có trái quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ; thụ trái thực hiện và người có trái quyền tiếp nhận việc thực hiện.
Có trường hợp thụ trái thực hiện nghĩa vụ nhưng trái chủ lại không chịu tiếp nhận; khi đó, luật phải đặt ra một chế định cho phép tiếp nhận thay, để giải phóng thụ trái khỏi quan hệ nghĩa vụ ấy. Cũng có trường hợp thụ trái không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ; khi đó, trái chủ phải tiến hành cưỡng chế theo các thủ tục rất phức tạp và tốn kém.
2.1.2. Về phương diện thực tiễn
Tính ưu việt kinh tế của vật quyền so với trái quyền. Thực hiện trực tiếp trên tài sản, vật quyền luôn có giá trị kinh tế gắn với giá trị của tài sản. Trong khi đó, trái quyền, trong điều kiện không thể quy chiếu về một tài sản cụ thể, được ghi nhận dưới hình thức một số tiền. Điều đó có nghĩa rằng giá trị của trái quyền lệ thuộc hẳn vào giá trị của đồng tiền: nếu tiền mất giá, thì trái quyền cũng mất giá theo.
Tính ưu việt pháp lý của vật quyền so với trái quyền. Vật quyền có giá trị đối với tất cả mọi người và phải được mọi người tôn trọng. Chủ sở hữu tài sản có quyền kiện đòi lại tài sản của mình đang nằm trong tay người khác; chủ nợ nhận thế chấp có quyền kê biên tài sản thế chấp để bán và ưu tiên thu tiền trừ nợ mà chủ sở hữu cũng như bất kỳ ai khác không có quyền phản đối.
Trái quyền chỉ có giá trị ràng buộc trái chủ và thụ trái, chứ không ràng buộc được người thứ ba. Trong một trường hợp đặc thù, có hai chủ nợ không có bảo đảm với hai món nợ phải đòi đến hạn cùng một lúc. Chủ nợ nào tích cực hơn trong việc thực hiện quyền đòi nợ của mình và đến trước thì có quyền kê biên tất cả những gì có thể của người mắc nợ để thu hồi cho đủ số nợ cần đòi, mà không cần bận tâm đến số phận của chủ nợ đến sau. Điều đó có nghĩa rằng: 1. Nếu người mắc nợ không có nhiều tài sản để trả nợ, thì chủ nợ đến sau có nguy cơ không thu được gì; 2. Nếu cả hai chủ nợ đến cùng một lúc, thì phải chấp nhận được trả nợ theo tỷ lệ, chứ không thể có chuyện một chủ nợ được ưu tiên hơn chủ nợ kia.
2.1.3. Điều kiện
Xác lập theo thủ tục chặt chẽ và đăng ký. Sự vượt trội của vật quyền so với trái quyền không phải tự nhiên mà có. Nó được đánh đổi bằng việc đáp ứng một loạt các điều kiện ngặt nghèo liên quan đến việc xác lập quyền: năng lực chủ thể, hình thức giao dịch,…
Vả lại, để vật quyền được tôn trọng, điều cần thiết là sự hiện hữu của nó phải được toàn xã hội nhận biết một cách rõ ràng, không lẫn lộn, mập mờ. Từ kinh nghiệm của các nước, cách thông tin tốt nhất được xác định là xây dựng một hệ thống đăng ký vật quyền mà bất kỳ chủ thể quan hệ xã hội nào cũng có thể tiếp cận. Một khi được đăng ký, vật quyền coi như được toàn xã hội biết đến và sự suy đoán đó là không thể đảo ngược.
2.2. Lợi ích riêng của việc xây dựng chế định vật quyền từ góc nhìn Việt Nam
Người làm luật Việt Nam xây dựng các chế định quyền đối với tài sản chủ yếu bằng các chất liệu đặc trưng của luật La Mã. Bởi vậy, trong luật hiện hành có các khái niệm quyền sở hữu, quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề (địa dịch),… là những khái niệm có nội hàm gần như tương đồng với các khái niệm cùng tên hoặc chỉ những quan hệ có cùng tính chất trong luật của các nước châu Âu. Tuy nhiên, do không xây dựng lý thuyết vật quyền, người làm luật không có điều kiện khám phá các đặc tính chung của loại quyền này, thể hiện trong các chế định nói trên.
Sự thiếu vắng lý thuyết vật quyền ảnh hưởng xấu đến chất lượng kỹ thuật của luật Việt Nam. Trong khung cảnh luật thực định, các hệ quả đáng tiếc nhất có lẽ là sự ra đời những quy định liên quan đến một số biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, cụ thể là các biện pháp thế chấp và cầm cố tài sản. Do không nhận ra được tính chất vật quyền của quan hệ bảo đảm nghĩa vụ loại này, luật đã đề ra những giải pháp bảo vệ lợi ích mang tính ngăn chặn từ xa các rủi ro; các giải pháp xây dựng theo cảm tính ấy vô hình trung có tác dụng hạn chế một cách vô lý các quyền của chủ sở hữu và do đó, kìm hãm sự phát triển lưu thông dân sự.
2.2.1. Vật quyền của chủ nợ nhận cầm cố, nhận thế chấp tài sản
Quyền trực tiếp. Mang tính chất vật quyền, các quyền của chủ nợ nhận cầm cố, nhận thế chấp được thực hiện trực tiếp trên tài sản thế chấp, cầm cố. Cụ thể, trong trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm không được thực hiện đầy đủ, thì chủ nợ tiến hành kê biên tài sản cầm cố, thế chấp mà không cần hỏi ý kiến chủ sở hữu.
Trong luật Việt Nam hiện hành, do quyền của chủ nợ nhận cầm cố, nhận thế chấp không được coi là vật quyền, mà chủ nợ không thể thực hiện quyền của mình một cách trực tiếp, theo cách nói trên. Trong trường hợp nợ có bảo đảm bằng thế chấp không được trả, thì chủ nợ có bảo đảm phải yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản giao tài sản đó cho mình để xử lý (BLDS Điều 351 khoản 5). Nếu người ta không giao, thì chủ nợ chỉ có thể tiến hành cưỡng chế theo thủ tục chung về bắt buộc thực hiện nghĩa vụ.
Quyền đeo đuổi. Như đã nói, vật quyền bảo đảm nghĩa vụ có tác dụng thiết lập quyền trực tiếp của chủ nợ đối với giá trị kinh tế của tài sản bảo đảm chứ không phải đối với chính tài sản đó, trừ trường hợp nghĩa vụ không được thực hiện nghiêm chỉnh mà tài sản cần được kê biên, chủ nợ nhận cầm cố, nhận thế chấp trên nguyên tắc không có quyền thực hiện bất kỳ một tác động vật chất hay pháp lý nào đối với tài sản dùng để bảo đảm nghĩa vụ.
Điều đó cũng có nghĩa rằng người cầm cố, thế chấp, trong chừng mực tôn trọng quyền của chủ nợ nhận cầm cố, nhận thế chấp có thể được thực hiện khi cần thiết, vẫn có đầy đủ các quyền chủ sở hữu đối với tài sản. Riêng người cầm cố tài sản, do tài sản được giao cho chủ nợ nhận cầm cố nắm giữ, không có điều kiện để thực hiện các quyền sử dụng và khai thác tài sản. Nhưng người cầm cố, thế chấp vẫn có quyền định đoạt đối với tài sản.
Rõ hơn, người cầm cố, thế chấp có quyền chuyển nhượng tài sản trong tình trạng cầm cố, thế chấp cho người khác. Nhờ hệ thống đăng ký5, người được đề nghị nhận chuyển nhượng biết rõ tình trạng pháp lý của tài sản; bởi vậy, một khi chấp nhận sự chuyển nhượng, người nhận chuyển nhượng cũng chấp nhận những rủi ro có thể đến, trong trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm không được thực hiện. Nếu sự chấp nhận là hoàn toàn tự nguyện, đồng thời thoả mãn các điều kiện khác của luật chung về giao dịch dân sự, thì việc chuyển nhượng có giá trị.
Chủ nợ có bảo đảm, về phần mình, không cần bận tâm đến việc tìm hiểu xem tài sản đã được chuyển nhượng cho ai: nếu nợ không được trả đủ, thì chủ nợ tiến hành kê biên tài sản. Chủ sở hữu tài sản ở thời điểm kê biên có hai sự lựa chọn: hoặc trả món nợ được bảo đảm thay cho người mắc nợ, để cứu lấy tài sản; hoặc để mặc cho chủ nợ kê biên tài sản ấy và bán để thu tiền trừ nợ.
Trong khung cảnh luật thực định Việt Nam, chủ nợ nhận cầm cố, nhận thế chấp không có vật quyền, do đó, không có quyền đeo đuổi. Để bù đắp sự mất mát đó, luật “treo” quyền định đoạt của chủ sở hữu trong thời gian tài sản được cầm cố, thế chấp (BLDS Điều 348 khoản 4). Chừng nào việc cầm cố, thế chấp chưa chấm dứt, tài sản liên quan nằm ngoài lưu thông. Chuyển nhượng tài sản cầm cố, thế chấp là giao dịch vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật và người cầm cố, thế chấp mà chuyển nhượng tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lừa đảo.
Mối quan hệ giữa giá trị của tài sản thế chấp và giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm. Bảo đảm nghĩa vụ bằng cầm cố, thế chấp tài sản không nhất thiết là dùng tài sản để trả nợ. Trước hết, người mắc nợ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình. Nếu khả năng này xảy ra thì biện pháp bảo đảm không có lý do để tồn tại, phải chấm dứt. Trong chừng mực nào đó, tài sản bảo đảm nghĩa vụ được coi là phương tiện trả nợ tiềm năng và dự phòng: nó chỉ được dùng để trả nợ một khi phương tiện chính, tức là sự chủ động trả nợ của người mắc nợ, không khai thác được.
Mà đã gọi tài sản là phương tiện trả nợ tiềm năng và dự phòng, thì việc đánh giá tiềm năng và mức độ dự phòng của nó phải là việc của các bên trong các quan hệ nghĩa vụ cụ thể chứ không phải của nhà chức trách. A cần vay một số tiền lên tới ba tỷ đồng nhưng căn nhà A định thế chấp chỉ có giá trị hai tỷ đồng; nhận thấy khả năng trả nợ của A rất sáng sủa, ngân hàng đồng ý cho vay và chỉ nhận thế chấp một tài sản có giá trị khiêm tốn so với số nợ vay. Sự thoả thuận đó, ở góc độ pháp luật dân sự, phải được coi là có giá trị.
Trong một ví dụ khác, A thế chấp một căn nhà trị giá ba tỷ đồng để vay của B một số tiền lên tới hai tỷ đồng; sau đó, A lại muốn thế chấp căn nhà ấy cho C để vay tiếp hai tỷ đồng. Nếu C đã biết rõ về mối quan hệ nghĩa vụ giữa A và B và vẫn chấp nhận giao kết việc thế chấp, thì giao kết này có giá trị: trong thứ tự ưu tiên thanh toán nợ bằng giá trị của tài sản, B đứng ở vị trí số một; C đứng tiếp theo. Tất nhiên, nếu A trả hết nợ cho B, thì việc thế chấp giao kết giữa A và B cũng chấm dứt. Khi đó, C được nâng cấp thành chủ nợ ưu tiên số một…
Nói chung về bản chất, bảo đảm nghĩa vụ là biện pháp có tác dụng củng cố lòng tin của chủ nợ vào khả năng thanh toán của người mắc nợ. Bởi vậy, có cần bảo đảm hay không, bảo đảm đến phạm vi nào và “liều lượng” bảo đảm mạnh đến mức nào là do chủ nợ mong muốn và người mắc nợ đáp ứng. Tất cả được quyết định theo thoả thuận giữa các bên, người làm luật không nên xen vào. Chủ nợ có thể chấp nhận chỉ bảo đảm một phần nghĩa vụ, nghĩa là bảo đảm bằng một hoặc nhiều tài sản mà tổng giá trị thấp hơn số nợ phải trả; chủ nợ có thể chấp nhận bảo đảm bằng một tài sản đang được dùng để bảo đảm cho một nghĩa vụ khác đối với một người khác;…
Không thừa nhận những điều ấy và đặc biệt là dường như có sự nhầm lẫn giữa bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản với dùng tài sản để trả nợ, người làm luật dân sự đã đề ra những quy tắc mang ý nghĩa can thiệp vào việc thực hiện quyền tự do kết ước của các bên. Chẳng hạn, theo BLDS Điều 324 khoản 1, “một tài sản có thể được dùng để bảo đảm nhiều nghĩa vụ dân sự, nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Người làm Luật Nhà ở còn đi xa hơn trong việc thiết lập sự giám hộ công đối với cuộc sống dân sự, khi chỉ cho phép dùng một nhà ở bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ được xác lập với cùng một tổ chức tín dụng (Điều 114). Có thể nói rằng, vật quyền bảo đảm nghĩa vụ trong khung cảnh của điều luật kỳ quặc đó đã bị biến dạng thành một quan hệ đối nhân thuần tuý. Thậm chí, nó còn khiến cho các quyền chủ nợ có bảo đảm trở thành trái quyền gắn chặt với nhân thân của chủ nợ: nếu một trong những món nợ có bảo đảm được chủ nợ chuyển nhượng cho người khác, thì, áp dụng Điều 114 Luật Nhà ở, hoặc là toàn bộ các biện pháp bảo đảm đối với các trái quyền của một trong hai chủ nợ sẽ đương nhiên vô hiệu, hoặc một trong hai chủ nợ bị buộc phải từ bỏ việc thụ hưởng biện pháp bảo đảm đối với quyền đòi nợ của mình.
Đăng ký thế chấp, cầm cố: quyền trở thành nghĩa vụ. Việc đăng ký vật quyền bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, như đã nói, có tác dụng thông tin cho người thứ ba về sự tồn tại của vật quyền và là điều kiện để vật quyền được tôn trọng. Trong trường hợp có nhiều chủ nợ có vật quyền cùng loại đối với một tài sản, thì việc đăng ký có tác dụng thiết lập thứ tự ưu tiên giữa các chủ nợ: chủ nợ đăng ký trước được xếp ở vị trí ưu tiên cao hơn chủ nợ đăng ký sau.
Có thể từ đó nhận thấy rằng, chính chủ nợ có bảo đảm, chứ không phải người mắc nợ, là người có lợi ích trong việc thực hiện đăng ký. Bởi vậy, luật các nước coi đăng ký là một quyền được thừa nhận cho chủ nợ: một khi vật quyền được xác lập, chủ nợ có quyền đăng ký để công bố vật quyền của mình cho mọi người biết. Cũng theo logic suy nghĩ đó, mà luật nói rằng việc xoá đăng ký là một quyền được thừa nhận cho người mắc nợ: một khi nợ được trả đủ, thì người mắc nợ có lợi ích xoá đăng ký để giải phóng tài sản khỏi sự ràng buộc của vật quyền bảo đảm nghĩa vụ.
Do không thừa nhận tính chất vật quyền của quan hệ bảo đảm đối vật, người làm luật luôn coi việc đăng ký và xoá đăng ký là một nghĩa vụ chứ không phải là một quyền xuất phát từ nhu cầu chính đáng của chủ thể nhằm bảo vệ lợi ích của mình. Đặc biệt, việc xác định người có nghĩa vụ đăng ký trong trường hợp thế chấp bất động sản còn trở nên rối rắm do những “nỗ lực” tạo sự khác biệt giữa Luật Đất đai và Luật Nhà ở. Người làm Luật Đất đai nói rằng, việc đăng ký và xoá đăng ký là nghĩa vụ của người thế chấp (Luật Đất đai Điều 130 khoản 1 điểm b); trong khi đó, người làm Luật Nhà ở lại nói rằng việc “thông báo” thế chấp và xoá thế chấp là nghĩa vụ của người nhận thế chấp…
Chú thích:
(1) Xem: F. Terry và Ph. Simler, Droit civil. Les biens, Précis Dalloz, Paris, 1999, số 52 và kế tiếp.
(2) Thực ra, jus ad rem trong suy nghĩ của người La Mã là quyền được yêu cầu giao một vật. Theo cách hiểu đó thì jus ad rem chỉ là một trong hai loại trái quyền, như sẽ thấy sau đây.
(3) G. Cornu, Droit civil. Introduction. Les personnes. Les biens, Montchrestien, Paris, 1990, tr. 312.
(4) Trong ngôn ngữ thông dụng, trái quyền còn được gọi là quyền đòi nợ.
(5) Trong trường hợp tài sản được cầm cố, thì nhờ tài sản đang được chủ nợ nhận cầm cố nắm giữ, thay vì nhờ hệ thống đăng ký…
SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ – PGS, TS. NGUYỄN NGỌC ĐIỆN – Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
Trích dẫn từ: http://www.nclp.org.vn
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)