1. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và hệ thống thương mại

Nhiều quốc gia bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (intellectual property – IP) bao gồm cả bản quyền và các quyền liên quan khác đối với tác phẩm văn chương nghệ thuật, bằng sáng chế để bảo vệ một số sở hữu công nghiệp, thương hiệu, và bí mật kinh doanh. Tuy nhiên sự bao hàm này không có tính phổ quát, quy mô và thời hạn của quyền sở hữu trí tuệ thì khác nhau rất nhiều. Điều này khiến Hoa Kỳ và châu Âu vào thập niên 1980 phải xem xét khả năng tích hợp vào quy tắc thương mại một số lĩnh vực kinh tế nổi trội đòi hỏi phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở cấp độ tối thiểu. Là các nhà xuất khẩu chủ yếu các loại hàng hóa như dược phẩm, phần mềm máy tính, phim ảnh, âm nhạc, các sản phẩm “hàng hiệu” cao cấp… họ muốn được bảo vệ chống lại việc làm giả, làm nhái. Hơn thế nữa, sự tăng trưởng của mạng lưới sản xuất xuyên quốc gia đã trở nên phụ thuộc rất nhiều vào những dàn xếp nhượng quyền có hiệu lực, mà điều này đòi hỏi một sự bảo vệ sở hữu trí tuệ tin cậy được (Borrus và Zysman 1997). Những lĩnh vực kinh tế sản sinh ra sở hữu trí tuệ đã bất mãn với khả năng củng cố quy tắc về quyền sở hữu trí tuệ thông qua những hành động trong Tổ chức Quyền sở hữu Trí tuệ Thế giới (World Intellectual Property Organization – WIPO) – một tổ chức quốc tế có mục đích đặc biệt có liên quan. Trong những năm 1980, Hoa Kỳ cũng bắt đầu đe dọa đơn phương sử dụng cấm vận thương mại như là một phương cách khuyến khích các quốc gia củng cố hệ thống bảo vệ sở hữu trí tuệ của mình.

2. Sự ra đời của Hiệp định TRIPS

Việc đưa sự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vào hệ thống quy tắc của hệ thống thương mại là cội nguồn chủ yếu cho cuộc đấu tranh Bắc-Nam trong thời gian tiến tới Vòng Uruguay. Các nước đang phát triển, dẫn đầu bởi Ân Độ và Brazil, cho rằng một sự mở rộng như vậy sẽ ngăn chặn sự phát triển của họ và buộc họ phải trừng phạt các ngành công nghiệp mới khai sinh về phần mềm và dược phẩm vì lợi ích của các bản quyền sáng chế đã được bảo vệ của các doanh nghiệp ở các nước phát triển OECD. Hơn thế nữa, sự bảo vệ sở hữu trí tuệ sẽ giúp lập nên độc quyền cho những người giữ bản quyền và có rất ít lý do để tin rằng nó kích thích sự nghiên cứu và phát triển các ngành ấy ở các nước nghèo hơn của thế giới (Barton 2001). Do đó, từ lập trường quan điểm của đa số các quốc gia đang phát triển, việc mở rộng toàn cầu công cuộc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các ngành lợi thế ở các nước phương Bắc trông có vẻ như một hành động bất cần đạo lý của những kẻ trục lợi hơn là một hành động tự do nhằm nâng cao phúc lợi hỗ tương giữa các quốc gia. Những quốc gia này không muốn đi xa quá các thỏa thuận nhiều bên đã tồn tại vào thời gian ấy, đặc biệt là những nỗ lực do WIPO điều hành nhắm tới việc phát triển những quy chế mẫu mực mà các quốc gia sẽ vận dụng, chẳng hạn như Công ước Paris về bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp (bằng sáng chế, thương hiệu v.v…), và Công ước Berne về Bảo vệ các Tác phẩm Văn chương Nghệ thuật (bản quyền). Dù sao, EC và Hoa Kỳ đã thành công trong việc soạn thảo một thỏa thuận về sở hữu trí tuệ trong bối cảnh của Vòng Uruguay và áp đặt nó lên các nước đang phát triển. Hiệp định về Các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) bắt đầu có hiệu lực vào năm 1995 cùng với sự khởi đầu của WTO. Nó không chỉ đặt ra những tiêu chuẩn trọng yếu cao hơn cho pháp luật của từng quốc gia mà còn đòi hỏi các phương thức thích hợp để thực thi những quyền trọng yếu đó trong mỗi quốc gia thành viên và đặt ra những tiêu chuẩn, những đòi hỏi thực thi tùy thuộc vào sự dàn xếp tranh chấp của WTO.

Sự ký kết hiệp định TRIPS có những ý nghĩa chính trị và pháp lý quan trọng. Là một thực thể pháp lý, nó đưa hệ thống GATT/WTO vào một địa hạt mới mẻ chưa từng có, nó điều chỉnh không chỉ các biện pháp ở biên giới mà cả những tiêu chuẩn điều hành của quốc gia bằng cách đặt ra cái ngưỡng bắt buộc và cả những phương thức thực thi các tiêu chuẩn đó. về mặt chính trị, nó đã đặt các quy tắc, các cuộc thương thảo của WTO vào trung tâm các trận chiến tranh chính trị quốc nội về quy mô thích hợp của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Nó chịu trách nhiệm hơn bất kỳ vấn đề nào khác trong việc gây ra tranh cãi gay gắt và trầm trọng giữa phương Bắc và phương Nam tại Geneva. Đặc biệt nghiêm trọng là những cuộc tranh chấp về ảnh hưởng của TRIPS và quyền sáng chế nói chung trong việc các nước đang phát triển tiếp cận thị trường dược phẩm. Những cuộc tranh luận này sẽ được trình bày trong chương sách kế tiếp.

3. Hiệp định TRIPS

Các quy tắc về thương mại dịch vụ đã đưa tổ chức WTO vào những địa hạt mới của thương mại xuyên biên giới song ít ra cũng có một số nguyên tắc nguyên thủy của GATT vẫn còn trong cốt lõi của Hiệp định GATS. Nhận định này khó mà đứng vững trong trường hợp của Hiệp định TRIPS. Hiệp định này không bao gồm nghĩa vụ dựa trên quy chế tối huệ quốc hoặc đối xử quốc gia. Nhưng về bản chất, quy mô và thời hạn của việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, giờ đây đã được đề cập tới trong hiệp định TRIPS, đã trở thành vấn đề điều hành nội bộ. Việc đưa qua biên giới các sản phẩm hàm chứa sở hữu trí tuệ có thể không liên quan trực tiếp tới quyết định có cung cấp sự bảo hộ hay không và với thời hạn bao lâu. Các khía cạnh thương mại và đối nội trở nên rối rắm chủ yếu là khi một sản phẩm nhập khẩu và được bảo hộ đã được định giá thấp hơn giá ở các nước khác hoặc là khi một sản phẩm cần được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phải cạnh tranh trên thị trường với những hàng hóa không cần phải được bảo hộ. Trong trường hợp thứ nhất, hàng nhập khẩu “song song” rẻ hơn cái giá mong muốn trên thị trường nội địa và thị trường của nước thứ ba; còn trong trường hợp thứ hai, các loại hàng nhái hàng giả bất hợp pháp sẽ có xu hướng bán ra với giá thấp hơn và làm giảm thị phần của những người giữ bản quyền hoặc quyền sáng chế. Như vậy vấn đề chính sách đối nội là ở chỗ, làm thế nào bảo đảm rằng các quy định nội địa không bị cắt giảm còn vấn đề chính sách thương mại là ở chỗ có cần và bằng cách nào để bảo đảm rằng tất cả mọi sản phẩm và dịch vụ hưởng lợi từ cùng một quyền sáng chế hoặc bản quyền thì được điều chỉnh bởi cùng một hệ thống quy định. Trong ý nghĩa hạn hẹp đó đã ngụ ý chống phân biệt đối xử. Nhung vẫn chưa rõ ràng phải chăng một mức đồng nhất về bảo vệ sở hữu trí tuệ (hoặc bất kỳ cấp độ bảo vệ nào) tự bản thân nó cũng đã đáng mong ước như là một mục đích vậy. Thế là một trường hợp có thể bị đối xử phân biệt do quyền hạn xét xử về sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm sự đối xử bình đẳng về sở hữu trí tuệ trong những quyền hạn xét xử ấy (bao gồm cả hàng hóa có bao hàm sở hữu trí tuệ) nhưng không nhất thiết là bình đẳng giữa chúng với nhau ở những nơi áp dụng cạnh tranh.

Động cơ rõ ràng nhất để tiến tới Hiệp định TRIPS là giảm thiểu sự cạnh tranh từ việc “đánh cướp” bất hợp pháp những sản phẩm có giá trị về sở hữu trí tuệ như phần mềm máy tính hay dược phẩm. Nguyên tắc chủ đạo của nó là mỗi quốc gia nên thiết lập một hệ thống bảo vệ sở hữu trí tuệ tối thiểu, chấp nhận triển khai thực hiện nó với những hướng dẫn đặc thù và cung cấp những phương thức thích hợp để thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Sự điều chỉnh đối với nhiều kiểu sở hữu trí tuệ khác nhau đã được làm cho đồng nhất hơn (Maskus 2000). Việc giới thiệu một khung mẫu cho chính sách đối nội là điểm khác biệt chắc chắn nhất với nguyên tắc không phân biệt đối xử theo nguồn gốc hàng hóa dịch vụ nước ngoài hoặc sự đối xử bình quân đối với hàng hóa dịch vụ ở thị trường nội địa.

4. TRIPS, chính sách đối nội và cơ sở chính trị

Tất nhiên nói như thế không có nghĩa là trong một số trường hợp nhất định hoạt động thương mại sẽ không được tạo thuận lợi hoặc là hiệu quả của hệ thống thương mại thế giới sẽ không được nâng cao qua việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng rõ ràng hiệp định TRIPS khác hẳn đa số các phần khác của WTO trong ý nghĩa là, về cả hai khía cạnh, ban đầu nó không phải là một thỏa thuận thương mại.

Trước tiên giống như trong trường hợp hiệp định SPS, TRIPS đòi hỏi phải điều chỉnh hệ thống các quy định đối nội. Nhưng TRIPS còn đi xa hơn khi buộc các quốc gia phải cung cấp những cấp độ bảo vệ tối thiểu ở những nơi mà sự bảo vệ như vậy có thể không nằm trong lợi ích của quốc gia đó. Trong thực tế, kết quả là buộc các quốc gia phải ban hành các chính sách nhằm “khóa chặt” những kẻ lợi dụng sự canh tân và lợi thế của người đăng ký trước tập trung ở các công ty và cá nhân nước ngoài. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ít nhất là trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, thường được biện minh là cung cấp một vị trí “độc quyền” tạm thời cho những người giữ quyền sáng chế hoặc người thiết kế như là giải pháp thúc đẩy sự canh tân. Vì thế phải kiểm soát sự cạnh tranh vĩ thương mại đe dọa sẽ xói mòn dòng chảy của tiền bản quyền vào tay nhà phát minh. Theo quan điểm của những người ủng hộ, TRIPS cấm các quốc gia “ăn theo tự do” bằng cách mua giá rẻ những sản phẩm được phát triển ở quốc gia khác; và như thế sẽ không phải ttả giá cao hơn – cái giá cần thiết để phục hồi công cuộc nghiên cứu hoặc là cái giá để phát triển. Còn theo các nhà phê phán, nó đe dọa sự phát triển bằng cách làm chậm tiến đình phổ biến công nghệ, ngăn cản khả năng của các quốc gia đang phát triển cạnh tranh trên các thị trường mà thế giới công nghiệp đã có lợi thế; và thất bại trong việc kích thích sự canh tân trong các quốc gia nghèo hơn của thế giới. Nhưng cả hai phía đều đồng ý rằng hiệu quả chính của thỏa thuận là bảo vệ tiền tác quyền trong các hoạt động có lợi nhuận cao. Do đó, động lực của TRIPS thì khác xa với quan niệm “hất cẳng” tiền tác quyền bằng cách giảm dần sự bảo hộ ở biên giới.

Hai là, hiệp định TRIPS đòi hỏi các phương tiện thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong mọi quốc gia thành viên của WTO phải hữu hiệu. Một đòi hỏi như vậy yêu cầu sự phát triển các thể chế cấp quốc gia có thể bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thực thi quyền đó – như là thiết lập văn phòng đăng ký bằng sáng chế, đào tạo Luật sư của LVN Group và thẩm phán và các quan chức khác để họ điều hành và xét xử quyền sở hữu trí tuệ và việc thực thi nó. Cuối cùng, TRIPS bắt buộc sự cai trị của luật pháp – một điều mà lịch sử đã chứng minh là khó thực hiện ở phần lớn thế giới này.

5. Hiệp định TRIPS như là một phần của cơ sở hạ tầng thương mại toàn cầu đang nổi lên

Từ quan điểm các quy tắc của hệ thống thương mại có lẽ tốt nhất nên coi hiệp định TRIPS như là một phần của cơ sở hạ tầng thương mại toàn cầu đang nổi lên. Những người biện luận cho tính hợp pháp của nó tại WTO nhìn thấy sự chấp nhận toàn cầu đối với việc bảo vệ sở hữu trí tuệ là cần thiết để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, thiết lập những mạng lưới sản xuất xuyên quốc gia và bán hàng vào thị trường nước ngoài mà không ngại bị tháu cáy bởi những đối thủ cạnh tranh vốn đã không tốn chi phí phát triển để tạo ra một sản phẩm giống hệt như vậy. Nó là một phần của sự phóng chiếu các quy định quốc gia vào thị trường toàn cầu. Nó không ưu tiên nhắm đến hành động chống lại nhập khẩu của các chính phủ. Người ta có thể biện luận rằng một quyết định không bảo vệ một hình thức đặc biệt nào đó của sở hữu trí tuệ là một sự trợ cấp gián tiếp cho các doanh nghiệp nội địa. Trong bất kỳ trường hợp nào, nó đẩy hệ thống thương mại ra khỏi quan niệm rằng các quy tắc thương mại không truyền đạt tới các nước khác những gì họ nên làm ở trong nước mà chỉ khuyến khích họ theo đuổi các mục đích của họ bằng những phương cách ít làm méo mó thương mại nhất. Nguyên tắc đôi bên cùng có lợi từ thương mại bằng cách khai thác những lợi thế so sánh riêng đã không thể áp dụng ở đây. Nếu có một nguyên tắc song song thì đó là cái giá mà người tiêu dùng phải trả cho việc phát triển các loại hàng hóa như dược phẩm và phim truyện nên được phân bố lại trên khắp thế giới để bảo đảm sự phát triển một số lượng cân xứng những loại hàng hóa đó và (dễ gây tranh cãi hơn nữa) là phân chia đồng đều cái giá của sự phát triển.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm & Biên tập)