Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS) được ban hành và có hiệu lực vào ngày 01/01/2018 với những thay đổi đột phá trong tố tụng hình sự Việt Nam. Ghi âm, ghi hình, đặt máy quay trong khi hỏi cung, lấy lời khai là một quy định tiến bộ. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý và thực tiễn quy định này lại tỏ ra những bất cấp gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của nghi can, bị can, bị cáo nói riêng và người dân nói chung.

Khoản 6 – Điều 183 – BLTTHS 2015 quy định về thủ tục hỏi cung bị can như sau:

Điều 183. Hỏi cung bị can
……………………………………..

6. Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.

Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Quy định này được ban hành nhằm khắc phục những bất cập của BLTTHS 2003 khi triển khai trong thực tiễn. Tình hình bức cung, nhục hình diễn ra tương đối nhiều nên các nhà làm luật hy vọng đây là quy định mang tính bức phá chấm dứt ngay tình trạng đó. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý và thực tiễn có thể nhận thấy được một số hạn chế như sau:

– Bức cung, nhục hình có phải chỉ diễn ra khi hỏi cung, lấy lời khai?

Trong lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam tình trạng bức cung, nhục hình diễn ra không phải là ít nhưng số trường hợp phát hiện lại rất ít. Đơn cử như vụ án 5 Điều tra viên ở Phú Yên dùng nhục hình. Đó chỉ là một trong nhiều trường hợp bức cung, nhục hình bị phát hiện và do Điều tra viên trực tiếp tiến hành. Ẩn sâu trong đó còn rất nhiều vụ việc oan sai mà nguyên nhân chính là nghi can, bị can bị nhục hình. Người tù thế kỷ “Nguyễn Thanh Chấn” là một dẫn chứng mà không thể phủ nhận. Ông Chấn bị TAND tỉnh Bắc Giang tuyên án chung thân về tội giết người theo Điều 93-BLHS năm 1999. Tuy nhiên sau đó ông Chấn đã được minh oan vì người phạm tội ra đầu thú. Theo lời kể của ông Chấn: ông không bị các Điều tra viên dùng nhục hình nhưng đổi lại đó là một đêm ông bị đưa đi từ 4 đến 5 buồng giam. Mà mỗi khi đến từng buồng giam ông sẽ bị tra tấn kiểu “ma cũ bắt nạt ma mới” của các đại ca trại giam.

Như vậy, đâu có phải chỉ Điều tra viên mới dùng nhục hình, đâu phải chỉ trong  khi hỏi cung mới mớm cung. Sẽ không có một Điều tra viên nào thực hiện mớm cùng, nhục hình khi lấy lời khai, hỏi cung ngoại trừ các điều tra viên ở Phú Yên vừa qua.  Vì vậy, việc có thêm máy quay, máy ghi hình dường như có cũng như không.

– Máy quay, máy ghi hình đôi khi lại tạo cơ hội cho Điều tra viên, Kiểm sát viên trốn tránh trách nhiệm khi có những hành vi mớm cung, bức cung, nhục hình trên thực tế.

Như đã đề cập ở trên, rất ít khi Điều tra viên, kiểm sát viên trực tiếp bức cung, nhục hình và cũng rất ít khi dùng nhục hình, bức cung khi hỏi cung, lấy lời khai. Đặt ra một giả thiết, khi tiến hành hỏi cung nghi can, bị can Điều tra viên, Kiểm sát viên không bức cung, mớm cung và được máy quay ghi nhận lại. Như vậy, máy quay chính là cơ sở để loại trừ trách nhiệm cho Điều tra viên, Kiểm sát viên.

– Ngoài ra còn rất nhiều hạn chế khi sử dụng máy quay, máy ghi hình hiện nay trong tố tụng hình sự. Chẳng hạn kinh phí bỏ ra để đầu tư cho các trại giam, Tòa án… là rất lớn hay trong quá trình hỏi cung, lấy lời khai….mà cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không sử dụng máy quay thì bức cung, nhục hình vẫn diễn ra.

Từ những phân tích trên nhận thấy đây là một quy định mới, hay của BLTTHS năm 2015 tuy nhiên tại thời điểm hiện nay thực sự chưa có tính khả thi. Để triển khai thực hiện được quy định này trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như bảo vệ “phần còn lại” của người phạm tội đòi hỏi phải có văn bản hướng dẫn cụ thể của các cơ quan có liên quan, đặc biệt: Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ công an, Bộ Quốc phòng, Bộ tư pháp.

Trên đây là quan điểm cá nhân về một số hạn chế của việc sử dụng máy quay, máy ghi hình trong hoạt động hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Mọi vướng mắc hoặc có nội dung chưa rõ cần trao đổi vui lòng liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến, gọi:  1900.0191  để được hỗ trợ.

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Trân trọng./.

Chuyên viên tư vấn luật:  Duy Bình – Bộ Phận tư vấn pháp luật Hình sự – Công ty luật LVN Group