– “Thủ đoạn nguy hiểm khác” quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015 là ngoài các trường hợp sử dụng vũ khí, phương tiện nguy hiểm để thực hiện việc cướp tài sản, người phạm tội có thể dùng thủ đoạn khác nguy hiểm đối với người bị tấn công hoặc những người khác như sử dụng thuốc ngủ, thuốc mê với liều lượng có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân; đầu độc nạn nhân; nhốt nạn nhân vào nơi nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ; dùng dây chăng qua đường để làm cho nạn nhân đi mô tô, xe máy vấp ngã để cướp tài sản…

– “Thủ đoạn nguy hiểm khác” quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015 là ngoài các trường hợp sử dụng vũ khí, phương tiện nguy hiểm để thực hiện việc bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, người phạm tội có thể dùng thủ đoạn khác nguy hiểm đối với người bị bắt làm con tin hoặc những người khác như sử dụng thuốc ngủ, thuốc mê với liều lượng có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân hoặc đầu độc người bị bắt làm con tin để việc thực hiện bắt cócđược dễ dàng; nhốt người bị bắt làm con tin vào nơi nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe…, cũng có thể đầu độc những người khác để họ không thể cản trở được việc bắt làm con tin…

– “Dùng thủ đoạn nguy hiểm” quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 171 Bộ luật hình sự năm 2015 là dùng thủ đoạn để cướp giật tài sản mà nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người bị hại hoặc của người khác như dùng xe mô tô, xe máy để thực hiện việc cưốp giật tài sản; cướp giật của người đang đi mô tô, xe máy… cần chú ý là trong trường hợp dùng thủ đoạn nguy hiểm để cướp giật tài sản mà gây ra hậu quả nghiêm trọng, thì phải áp dụng cả hai tình tiết định khung hình phạt quy định tại các điểm d và Bộ luật hình sự Khoản 2 Điều 171 Bộ luật hình sự năm 2015.

 

1. “Thủ đoạn nguy hiểm khác” quy định tại Điều 168 về Tội cướp tài sản

– “Thủ đoạn nguy hiểm khác” quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội cướp tài sản. Tức là ngoài các trường hợp sử dụng vũ khí, phương tiện nguy hiểm để thực hiện việc cướp tài sản, người phạm tội có thể dùng thủ đoạn khác nguy hiểm đối với người bị tấn công hoặc những người khác như:

+ Sử dụng thuốc ngủ, thuốc mê với liều lượng có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân;

+ Đầu độc nạn nhân;

+ Nhốt nạn nhân vào nơi nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ;

+ Dìm nạn nhân xuống nước;

+ Dùng dây chăng qua đường để làm cho nạn nhân đi mô tô, xe máy vấp ngã để cướp tài sản…

Tính nguy hiểm của thủ đoạn nguy hiểm phụ thuộc vào phương thức người phạm tội thực hiện tội phạm chứ không phải là tính năng của phương tiện phạm tội.

– Trong trường hợp, người phạm tội sử dụng một trong các “thủ đoạn nguy hiểm khác” nêu trên thì người phạm tội đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể: Người phạm tội khi thuộc vào trường hợp “sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác” thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

– Để hiểu rõ hơn “thủ đoạn nguy hiểm khác” được quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội cướp tài sản, bài viết xin đưa ra tình huống cụ thể sau:

Tình huống: Tại bến xe buss, anh A thấy chị B đeo hai nhẫn vàng ở ngón tay nên anh A đã ra chỗ chị B hỏi han, tiếp cận làm quen rồi mời chị B uống cốc nước ép hoa quả. Sau khi uống cố nước xong, chị B bất ngờ rơi vào trạng thái mê man, không cón tỉnh táo. Khi đó, anh A lục ví tiền, lấy điện thoại, lấy hai chiếc nhẫn vàng của chị B, tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt lên tới 20.000.000 đồng. Sau khi anh A bỏ đi, chị B chuyển từ trạng thái mê man và ngất đi, mãi đến khi có người đi qua phát hiện ra thì chị B đã chuyển sang tình trạng hôn mê sâu. May mắn được cấp cứu kịp thời nên không ảnh hưởng đến tình mạng. Khi anh A bị bắt giữ và bị khám xét người thì phát hiện lọ thuốc ngủ đã sử dụng hết.

Phân tích: 

Đối với trường hợp trên, chị B bị anh A dùng thuốc ngủ nhằm chiếm đoạn tài sản của chị B thì anh A sẽ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cướp tài sản. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 168 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), quy định về Tội cướp tài sản thì: Cướp tài sản được hiểu là người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, về mặt khách quan của Tội cướp tài sản được thể hiện ở một trong ba hành vi như: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc và hành vi khác. Hành vi khác ở đây được hiểu là người phạm tội bằng cách thức, thủ đoạn nào đó làm cho người bị tấn công lâm vào trạng thái không thể chống cự, vẫn còn nhận thức mà không thể phản kháng để người phạm tội chiếm đoạt được tài sản mà không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực. 

Do đó, hành vi bỏ thuốc ngủ vào nước ép hoa quả của anh A để đầu độc chị B nhằm làm cho chị B bị bất tỉnh, không còn khả năng phản ứng, chống cự để cướp tài sản đã thuộc vào hành vi khác – là một trong ba hành vi thuộc mặt khách quan của Tội cướp tài sản. Bởi lẽ, anh A dùng thuốc ngủ mà không dùng vũ lực, cũng không đe dọa dùng vũ lực ngay lập tức nhưng có hành vi dùng thuốc ngủ làm cho chị B lâm vào tình trạng còn nhận thức nhưng không thể chống cự để anh A đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản. Do đó, hành vi của anh A đã cấu thành Tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015.

Bên cạnh đó, hành vi của anh A được xác định là một trong những “thủ đoạn nguy hiểm khác” được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 168 Bộ luật hình sự là một trong những tình tiết tăng nặng trong vụ án này. Thủ đoạn này khiến cho nạn nhân là chị B không có sự lựa chọn, bị tê liệt ý chí và tê liệt sự phản kháng (cụ thể là sau khi uống nước xong chị B bất ngờ rơi vào trạng thái mê man), đồng thời thủ đoạn nguy hiểm kia đã gây nguy hiểm đến sức khỏe, đến tính mạng của nạn nhân (khi nạn nhân được phát hiện thì đã rơi vào trạng thái hôn mê sâu, ảnh hưởng đến sức khỏe của chị B và nếu như bị phát hiện muộn hơn thì chị B có thể bị nguy hiểm đến tính mạng).

Trong trường hợp này, còn phụ thuộc vào kết quả giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể của chị B, phụ thuộc vào giá trị của tài sản bị chiếm đoạt là bao nhiêu (cụ thể trong trường hợp này là 20.000.000 đồng) mà anh A có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm, căn cứ vào khoản 2 Điều 168 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Ngoài ra, anh A còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

2. ” Thủ đoạn nguy hiểm khác” quy định tại Điều 169 về Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản

–  “Thủ đoạn nguy hiểm khác” quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 169 Bộ luật hình sự năm 2015 được hiểu là ngoài các trường hợp sử dụng vũ khí, phương tiện nguy hiểm để thực hiện việc bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, người phạm tội có thể dùng thủ đoạn khác nguy hiểm khác đối với người bị bắt làm con tin hoặc những người khác như:

+ Sử dụng thuốc ngủ, thuốc mê với liều lượng có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân;

+ Đầu độc người bị bắt làm con tin để việc thực hiện bắt cóc được dễ dàng;

+ Nhốt người bị bắt làm con tin vào nơi nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe;

+ Đầu độc những người khác để họ không thể cản trở được việc bắt làm con tin;…

Tình huống: Sau khi A lập kế hoạch chi tiết bắt cóc chị B nhằm chiếm đoạt tài sản thì A chuẩn bị ô tô, chuẩn bị thuốc mê và chủ động rủ rê C, D, E và nhận được sự đồng ý tham gia vào kế hoạch của A. C được phân công lừa dối chị B ra chỗ vắng người, còn D được phân công xịt thuốc mê vào chị B rồi cả C và D đưa chị B lên xe ô tô do A đợi sẵn rồi nhốt chị B vào một nhà bỏ hoang trong núi rồi cả 3 người bỏ đi. Sau khi hoàn thành kế hoạch, E đã liên lạc và yêu cầu gia đình chị B phải nộp 400 triệu đồng thì chị B mới được thả. Sau khi bị nhốt trên nhà hoang trên núi gần 03 ngày thì sự việc bị phát hiện, chị B được giải cứu thành công và các đối tượng A, C, D, E đã bị bắt. 

Phân tích:

– Các đối tượng A, C, D, E có hành vi bắt cóc chị B nhằm chiếm đoạt tài sản (chiếm đoạt 400 triệu đồng của gia đình chị B) nên A, C, D và E đã phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Hơn nữa, trong tình huống trên, A, C, D và E đã có kế hoạch rõ ràng, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng để thực hiện tội phạm (cụ thể là đã có sự bàn bạc, chuẩn bị chu đáo, vạch ra từng bước của kế hoạch phạm tội, phân công rõ ràng nhiệm vụ của từng người).

– Trong trường hợp này có xuất hiện người tổ chức, người thực hành hành vi phạm tội rõ ràng nên hành vi phạm tội của A, C, D và E là hành vi phạm tội có tổ chức, đây là tình tiết định khung tăng nặng được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 169 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản có tổ chức được hiểu là hai hay nhiều người cố ý cùng thực hiện tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản mà giữa họ có sự cấu kết chặt chẽ để thực hiện tội phạm. Trong đó, có người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Tuy nhiên không phải vụ án bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản có tổ chức nào cũng đủ những người giữ vai trò như trên, mà tuỳ từng trường hợp có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành mà không có người xúi giục hoặc người giúp sức nhưng nhất định phải có người thực hành và người tổ chức thì mới phạm tội có tổ chức. Trong tình huống trên bao gồm các thành phần sau:

+ Người tổ chức là anh A. Là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Anh A đã có những hành vi như: khởi sướng việc phạm tội; vạch kế hoạch thực hiện tội phạm; phân công trách nhiệm cho những người đồng phạm khác thực hiện tội phạm…

+ Người thực hành trong trường hợp này là anh C và D. Cả hai người đều trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội là: bắt cóc người làm con tin; bắt nhốt con tin vào nhà hoang trong núi.

+ Người giúp sức trong tình huống trên là E, là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là liên lạc, gọi điện thoại cho người thân của người bị bắt cóc.

– Ngoài ra, sau khi bắt cóc được chị B rồi, các đối tượng lại giam chị B vào nhà hoang trong núi và bỏ đi, hành động này có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của chị B. Bởi nhà hoang trong núi có nhiều sự nguy hiểm rình rập từ thù hoang trên núi. Không chỉ thế, chị B bị nhốt tại nhà hoang gần 03 ngày đồng nghĩa với việc chị B bị bỏ đói, bỏ khát trong căn nhà hoang đó từng đó thời gian. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chị B và nếu trong trường hợp chị B bị phát hiện muộn hơn thì tính mạng của chị B sẽ bị đe dọa. Do đó, hành vi “nhốt chị B vào nhà hoang trong núi gần 03 ngày” của các đối tượng A, C, D và E được xác định là “thủ đoạn nguy hiểm khác” (nhốt người bị bắt làm con tin vào nơi nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của họ) được quy định điểm c khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

– Từ các phân tích trên, các đối tượng A, C, D và E phải bị kết án về Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại các điểm a và điểm c khoản 2 Điều 169 Bộ luật hình sự năm 2015.

 

3. “Dùng thủ đoạn nguy hiểm” quy định tại Điều 171 về Tội cướp giật tài sản

– “Dùng thủ đoạn nguy hiểm” quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 171 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là dùng thủ đoạn để cướp giật tài sản mà nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người bị hại hoặc của người khác như:

+ Dùng xe mô tô, xe máy để thực hiện việc cướp giật tài sản;

+ Cướp giật của người đang đi mô tô, xe máy…

Cần chú ý là trong trường hợp dùng thủ đoạn nguy hiểm để cướp giật tài sản mà gây ra hậu quả nghiêm trọng, thì phải áp dụng các tình tiết định khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 171 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Tình huống: A chở B bằng xe máy đang đi chơi trên đường thì A nhìn thấy chị C đang đi xe máy loại xe LX đeo túi xách ở bên vai, A bảo B giật túi xách của chị C để lấy tiền và điện thoại di động. Ngay khi B đồng ý thì A cho xe chạy áp sát xe của chị C và B đưa tay giật lấy túi xách của chị C, rồi A cho xe máy chạy trốn, chị C thấy vậy liền kêu cứu để các đồng chí Công an đang làm nhiệm vụ ở đó bắt giữ A và B. 

Phân tích:

Đối với tình huống trên, A và B đã có hành vi công khai và nhanh chóng giật lấy tài sản của chị C (giật lấy chiếc túi bên trong có điện thoại di động của chị C), làm chị C bị bất ngờ nhưng ngay sau đó chị C vẫn nhìn thấy A và B có hành vi giật túi xách của mình ngay trước mặt. Như vậy, A và B đã phạm tội cướp giật tài sản được quy định tại Điều 171 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Bởi theo quy định tại Điều 171 của Bộ luật hình sự hiện hành thì mặt khách quan của tội cướp giật tài sản thể hiện ở hành vi công khai và thực hiện nhanh chóng giật lấy tài sản của người khác về mình:

+ Hành vi công khai được định nghĩa là hành vi được diễn ra ngay trước mặt chủ sở hữu tài sản bị cướp giật, cho phép chủ sở hữu tài sản có khả năng biết ngay khi hành vi cướp giật xảy ra. Người thực hiện hành vi cướp giật không có ý thức che giấu hành vi phạm tội của mình đối với chủ sở hữu tài sản và những người khác. Tính chất công khai của hành vi cướp giật là công khai với chủ sở hữu tài sản là bị giật, chứ không phải công khai với chủ sở hữu về diện mạo của người cướp giật. Do đó, cả kể trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi cướp giật vào ban đêm hay thực hiện phạm tội vào ban ngày nhưng có những thủ đoạn làm cho chủ sở hữu không nhận được mặt như: đeo mặt nạ, hoá trang… thì hành vi phạm tội vẫn là hành vi cướp giật.

+ Thực hiện nhanh chóng có nghĩa là hành vi diễn ra ngay tức khắc, diễn ra rất nhanh làm cho chủ sở hữu tài sản không có phản xạ để giữ lại được tài sản của mình. Nhanh chóng được thể hiện qua hành vi nhanh chóng chiếm đoạt (giật tài sản), nhanh chóng tẩu thoát… Hành vi giật tài sản tài sản một cách nhanh chóng đã tạo ra yếu tố bất ngờ đối với chủ sở hữu tài sản, làm cho người này không có khả năng giữ được tài sản của mình.

Để thực hiện hành vi giật tài sản, người phạm tội có thể sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau như: lợi dụng chủ sở hữu tài sản không chú ý rồi bất ngờ giật tài sản, lợi dụng chủ sở hữu tài sản vướng mắc, không có khả năng đuổi bắt hoặc giằng lại tài sản để giật tài sản hay dùng thủ đoạn chen lấn, xô đẩy người sở hữu tài sản để người này không chú ý đến tài sản rồi giật tài sản và tẩu thoát…

Hậu quả của tội cướp giật tài sản trước hết là những thiệt hại về tài sản, ngoài ra còn có những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ hoặc những thiệt hại khác. Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội giật được tài sản từ người khác, kể cả trường hợp người phạm tội bỏ lại tài sản đã cướp giật được để tẩu thoát.

 

4. “Thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người” quy định tại Điều 134 về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

– “Thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người” được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tức là ngoài các trường hợp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm để thực hiện hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì người phạm tội có thể dùng thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người như: dùng bom xăng, xăng dầu để gây hại cho người khác;….

– “Thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người” được hiểu là trong trường hợp phạm tội, người phạm tội có sử dụng những thủ đoạn mà hậu quả của thủ đoạn đó để lại không chỉ ảnh hưởng đến một người nào đó nhất định mà thủ đoạn đó còn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người khác nữa. “Thủ đoạn” là ý thức chủ quan của người phạm tội, những suy tính có mục đích, quy trình, cách làm, sắp xếp các hành vi, phương thức thực hiện khôn khéo để đạt được mục đích và thủ đoạn đó làm cho đối tượng bị tác động không nhận diện được hành vi hoặc nhận diện được nhưng đã muộn.

Tình huống: Do có mâu thuẫn về tranh chấp đất đai, chị A là con của bà B, đã chuẩn bị 01 can xăng đến nhà bà B để nói chuyện giải quyết mâu thuẫn. Khi vào đến nhà bà B, chị A đã khóa cửa chính của nhà bà B với mục đích ban đầu là để giải quyết mâu thuẫn gia đình kín đáo. Lúc đó, trong nhà bà B, ngoài chị A và bà B thì còn có hai đứa cháu là con của anh C – anh trai chị B. Trong quá trình nói chuyện, chị A và bà B đã không thống nhất được ý kiến, có xảy ra xô xát và sau đó chị A đã dùng can xăng mang theo đổ rưới lên khắp người và tầng 1 nhà bà B và châm xăng đốt với mục đích và gây thương tích và cảnh cáo bà B. Tuy nhiên, hậu quả xảy ra là bà B bị bỏng nặng và hai đứa cháu ở trên tầng 2 bị suy hô hấp vì ngạt khí, tài sản ở tầng 1 nhà của bà B bị hư hỏng nặng.

Phân tích:

Trong tình huống trên, ta có thể thấy thủ đoạn nguy hiểm mà chị B thực hiện theo trình tự như sau: chuẩn bị xăng, mang xăng vào nhà, đóng khóa cửa chính, xảy ra xô xát, tưới xăng lên người bà B và khắp tầng 1, châm lửa đốt. Một loạt các hành động của chị B được diễn ra rất tuàn tự, được chuẩn bị, sắp xếp từ trước. Bên cạnh đó, việc dùng xăng để tưới lên người bà B cũng như tầng 1 nó không chỉ tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của đối tượng trực tiếp chịu tác động (bà B) mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của những người xung quanh (hai đứa cháu ở trên tầng 2 bị suy hô hấp, tài sản ở tầng 1 nhà bà B bị hư hỏng nặng). không chỉ thế, việc dùng xăng tưới quanh sàn nhà và châm lửa đốt có thể khiến cho ngôi nhà bà B bị cháy, nếu không được dập lửa kịp thời thì có thể cháy lan sang nhà hàng xóm xung quanh. Do đó, hành vi của chị B trong trường hợp này được xác định là “thủ đoạn có khả năng gây nguy hiểm cho nhiều người” và căn cứ là khi sử dụng thủ đoạn đó đã để lại hậu quả rất lớn, không chỉ với bà B mà còn với các cháu ở cùng nhà bà B nữa.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty Luật LVN Group chúng tôi về “Thế nào là tình tiết “sử dụng thủ đoạn nguy hiểm” hoặc “dùng thủ đoạn nguy hiểm khác” được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 168, điểm c khoản 2 Điều 134, điểm d khoản 2 Điều 171 Bộ luật hình sự năm 2015″. Mọi vướng mắc chưa rõ hay cần hỗ trợ pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài điện thoại, gọi ngay tới số: 1900.0191 để được giải đáp. Trân trọng!